Ban hành nhiều chính sách để thực hiện Nghị quyết 36 NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Năm 2020 có biết bao khó khăn, thách thức, đặc biệt dịch bệnh Covid-19đã ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý nhà nước nói chung, công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo nói riêng. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chủ động thích ứng, tìm các giải pháp thích hợp để hoàn thành nhiệm vụ. Nhân dịp Xuân mới, phóng viên Tạp chí Vươn Khơi đã có cuộc phỏng vấn TS. Tạ Đình Thi – Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam về một số thành tích nổi bật trong năm qua.

Phóng viên: Vượt qua nhiều khó khăn biến động, công tác quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trong năm 2020 đã có những kết quả nổi bật gì, thưa ông?

TS. Tạ Đình Thi – Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

TS. Tạ Đình Thi: Năm 2020 là một năm thực sự khó khăn, không chỉ với nước ta mà với cả thế giới,trongtình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, đồng thời với sự bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã tác động không nhỏ đến hoạt động quản lý nhà nước của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Tổng cục đã triển khai thực hiện toàn diện, tích cực và khẩn trương nhiệm vụ năm 2020 được Lãnh đạo Bộ TN&MT giao, đến nay cơ bản đã hoàn thành, góp phần đáng kể trong công tác quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, phát triển bền vững kinh tế biển của đất nước. 

Bám sát phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” Tổng cục đã  xây dựng và triển khai Chương trình công tác năm 2020 và lựa chọn những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm. Với sự nỗ lực, vượt qua khó khăn, Tổng cục đã cố gắng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được các kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, về hoàn thiện chính sách, pháp luật, đã tham mưu Bộ TN&MT tiếp thu ý kiến góp ý của thành viên Chính phủ, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 51/2014/NĐ – CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; tiếp thu hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đang tiếp thu ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo Nghị định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển của tổ chức, cá nhân được giao để nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ, bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi khu vực biển vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng.

Thứ hai, đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 một cách đồng bộ, bài bản và có hệ thống.

Thành lập Ủy ban quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Thứ ba, đã triển khai thực hiện lập các nhiệm vụ, đề án: Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; nghiên cứu đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản biển, hải đảo để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm số hóa, tích hợp và chia sẻ với các địa phương ven biển.

Thứ tư, công tác nhận chìm và giao khu vực biển đã đi vào nề nếp, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành; thường xuyên phối hợp với các địa phương tháo gỡ các vướng mắc về giao khu vực biển, nhận chìm ở biển để thúc đẩy khai thác tiềm năng cho phát triển kinh tế biển cho các địa phương ven biển; chỉ đạo các địa phương có biển để thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, đến nay đã có 17 tỉnh, thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục hành lang bảo vệ bờ biển.

Thứ năm, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn đến nhiều kế hoạch, chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế bị tạm hoãn, hủy, thay đổi hình thức tổ chức, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả công tác đối ngoại nhưng công tác hợp tác quốc tế của Tổng cục trong năm 2020 vẫn có nhiều thành tích rất đáng ghi nhận: Tổng cục đã tham mưu Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; tổ chức các hội nghị quốc tế như Hội nghị trực tuyến với Ủy ban Châu Âu về xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương, Hội nghị quốc tế các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020; làm việc với các tổ chức quốc tế vận động tài trợ, hỗ trợ các hoạt động của Tổng cục.

Thứ sáu, đã tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp, đặc biệt là Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025; qua đó tạo niềm tin và không khí phấn khởi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Tổng cục. Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy của Tổng cục đã được tiến hành theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ, Bộ TN&MT.

Phóng viên: Cũng trong năm 2020, nhiều chính sách quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 36 – NQ/TW đã được ban hành. Là đơn vị tham mưu trực tiếp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ông cho biết đó là những chính sách nào?  

TS. Tạ Đình Thi: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 – NQ/TW của Hội nghị Lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, Tổng cục đã tham mưu Bộ TN&MT trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trình Ban Cán sự đảng Bộ ban hành Kế hoạch hành động số 646 KH/BCSĐ-TNMT của Ban cán sự đảng Bộ thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Quyết định số 203/QĐ -TTg về việc thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý tổng hợp và điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030; Quyết định số 647/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

Bên cạnh đó, như trên đã đề cập, Tổng cục đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, như dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ – CP của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; dự thảo Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển của tổ chức, cá nhân được giao để nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ, bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi khu vực biển vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng; hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động lấn biển; Thông tư ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trên biển Việt Nam và hướng dẫn về quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.

Để thúc đẩy kinh tế biển cần nhanh chóng hoàn thiện, ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch không gian biển và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. (Ảnh minh họa)

Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, Tổng cục luôn bám sát các nội dung được quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản thi hành Luật, triển khai và hướng dẫn các địa phương thực hiện theo các nguyên tắc, chế định rất mới như: quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; quản lý tài nguyên hải đảo; cấp giấy phép nhận chìm ở biển. Ngoài ra, việc lập và quản lý tài nguyên hải đảo đang được triển khai với việc điều tra, đánh giá tổng thể, toàn diện về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường; thống kê, phân loại để lập hồ sơ hải đảo và định hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên hải đảo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Bên cạnh đó, các hoạt động đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh đang được triển khai, bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo tồn, phát triển và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.

Đối với công tác quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, một số địa phương đã xây dựng các chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ để tạo lập cơ chế và các giải pháp giải quyết các vấn đề cấp bách đặt ra tại các khu vực tập trung nhiều hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và có mâu thuẫn, xung đột hoặc nguy cơ mâu thuẫn, xung đột về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên cần sự phối hợp tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng; nơi tài nguyên, giá trị các hệ sinh thái của khu vực vùng bờ có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng do hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên; nơi có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Phóng viên: Để tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, năm 2021 Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gì thưa ông?

TS. Tạ Đình Thi: Năm 2021, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đặt quyết tâm chủ động vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, quán triệt sâu sắc và tiếp tục thực hiện phương châm Kỷ cương, liêm chính, chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả; một số định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 như sau:

Một là, tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ; các chương trình, kế hoạch và đề án Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt; tham mưu giúp Bộ thực hiện tốt vai trò Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Hai là, tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, trong đó trọng tâm là việc thực hiện 2 nhiệm vụ quy hoạch theo kế hoạch đã được phê duyệt; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định quy định về hoạt động lấn biển; rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

Ba là, triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030: tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, bảo đảm số hóa, tích hợp và chia sẻ thông tin với các địa phương ven biển.

Bốn là, thực hiện Đề án tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tập trung xây dựng, trình phê duyệt Đề án phát triển đội tàu khảo sát, nghiên cứu biển.

Năm là, tiếp tục tập trung tăng cường công tác hợp tác quốc tế và khoa học, công nghệ trong lĩnh vực biển và hải đảo.

Sáu là, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành; tăng cường kỷ luật, chấn chỉnh kỷ cương hành chính theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự của Tổng cục theo tinh thần Nghị định số 101/2020/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển, bố trí cán bộ theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và Ban cán sự đảng Bộ, trọng tâm là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của của cơ quan, đơn vị.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.

Hồng Minh thực hiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.