Barramundi Asia: Đưa sản xuất cá vược lên tầm cao

Từ việc chuyên nghiệp hóa chuỗi cung ứng thức ăn và nuôi cá hồi, có hai chuyên gia Hà Lan để mắt đến một loài cá đầy hứa hẹn – cá vược hay cá chẽm châu Á (Lates calcarifer). Ngày nay, công ty Barramundi Asia của họ sản xuất 3.000 tấn, với tiềm năng sản xuất lên đến 13.000 tấn tại Singapore và Úc. Và trang trại nuôi cá vược bền vững lớn ở Brunei là dự án mới nhất của họ.

Năm 2008, Joep Staarman (cựu Giám đốc điều hành khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Công ty Skretting Japan và Marine Harvest) và Hans den Bieman (cựu Giám đốc điều hành Nutreco và Giám đốc điều hành Marine Harvest) đã có chung một ý tưởng. Họ lý ​​luận rằng mọi người ăn cá hồi vì mùi vị mạnh và độc đáo của nó, nhưng cũng chính mùi vị quá đậm này đã khiến người ta khó ăn cá hồi liên tục. Trong khi đó, cá vược có cùng cấu trúc cơ thịt rắn chắc và hình thái tuyệt vời, song lại có hương vị nhẹ và đằm hơn. Do đó, cá vược có thể thu hút một lượng khách hàng tiềm năng lớn hơn, đặc biệt là đối với những người muốn ăn cá nhiều lần mỗi tuần.

Cá vược (Lates calcarifer) nuôi tại Công ty Baramundi Asia.

Với kiến thức và kinh nghiệm tổng hợp của họ, bộ đôi đã thành lập Công ty Barramundi Asia và bắt đầu chuyên nghiệp hóa nghề nuôi cá vược châu Á bằng cách thành lập một trại giống, trại ương và trang trại nuôi thương phẩm ở Singapore. Trong vòng vài năm, sản lượng đã tăng lên 1.000 tấn, với giấy phép mở rộng lên đến 6.000 tấn.

Công ty phát triển quy trình nuôi cá vược tương tự như đối với cá hồi. Cá con được nuôi trong bể đến kích cỡ tối thiểu 100 gram, sau đó chúng được thả vào lồng nuôi ở biển với mật độ trung bình 35 kg/m3. Cá phải mất từ 1,5 đến 2 năm để đạt kích cỡ thu hoạch từ 4 đến 5 kg, tùy thuộc nhiệt độ của địa phương nơi nuôi cá. Cá càng lớn càng có cơ thịt dai hơn.

Thu hoạch cá vược ở trang trại tại Singapore. © Barramundi Asia

Sau đó cá vược được chế biến tại nhà máy ở Singapore và bán dưới các dạng: cá tươi, nguyên con, cá bỏ ruột, phi lê hoặc thành từng miếng nhỏ riêng lẻ.

Tuy nhiên, theo ông Staarman, khả năng mở rộng tại Singapore có nhiều hạn chế và việc nuôi lồng biển tại đó thường đi kèm với một loạt rủi ro về an toàn sinh học. Singapore là trung tâm nuôi và xuất khẩu cá cảnh, nhiều loại dịch bệnh đã trở thành đặc hữu của khu vực. Do đó, Công ty Barramundi Asia đã chọn cách phân chia rủi ro và bắt đầu mở trang trại thứ hai.

Vì cá chẽm là loài cá quốc gia của Úc, nơi luôn có nhu cầu cao, nên vào năm 2018, họ đã mở một trại sản xuất giống và nuôi thương phẩm khác ở Tây Bắc Úc. Cơ sở thứ hai này hiện có sản lượng 1.000 tấn, với công suất mở rộng là 15.000 tấn.

Công ty có kế hoạch nuôi đến 36.000 tấn cá chẽm mỗi năm ở Brunei

Tương tự như các công ty lớn trong ngành công nghiệp cá hồi, Công ty Barramundi Asia phát triển và tích hợp theo chiều dọc các yếu tố kinh doanh để cải thiện hơn nữa hiệu suất và lợi nhuận của trang trại. Điều đó bao gồm việc sản xuất một dòng vắcxin kháng 7 loại bệnh khác nhau cho cá chẽm, một doanh nghiệp làm sạch lưới nuôi cá, và với kinh nghiệm dày dặn của họ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong tương lai có khả năng họ sẽ phát triển dòng thức ăn riêng.

Với tiềm năng phát triển hạn chế ở Singapore, còn thời gian nuôi kéo dài hơn và chi phí cao hơn khi nuôi tại Úc, năm 2018 Công ty đã xây dựng kế hoạch mở rộng sản xuất quanh khu vực Đông Nam Á. Công ty đã nhắm đến Brunei, một quốc gia nhỏ bé nằm ở cực Tây Bắc của đảo Borneo. Nằm ngay trên đường xích đạo, với làn nước ấm thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của cá chẽm, Brunei vẫn còn những vùng biển hoang sơ bao quanh những khu rừng rộng lớn và tươi tốt. Hơn nữa, quốc gia này chưa có công nghiệp nuôi trồng thủy sản, tất cả những điều kiện đó mang lại cho Công ty Barramundi Asia một môi trường hoạt động an toàn sinh học. Không giống như hầu hết các nước Đông Nam Á, Brunei không bị ảnh hưởng nặng nề của bão, một yếu tố rủi ro chủ yếu khác đối với các trang trại nuôi trồng thủy sản trong khu vực.

Hợp tác chặt chẽ với chính phủ Brunei, một khu vực rộng 6.600 ha cách bờ biển 12 km đã được dành cho nuôi cá chẽm. Để đổi lại cơ hội việc làm và các lợi ích địa phương khác, chính phủ đã thiết lập một hợp đồng cho thuê có lợi cho Công ty.

Tuy nhiên, tại địa điểm mới nghề nuôi cá phải đối mặt với một số thách thức: cách bờ 12 km, dòng chảy và sóng có thể rất lớn. Do đó, công ty sẽ thử nghiệm các thiết kế lồng khác nhau để xem mô hình nào phù hợp nhất với điều kiện địa phương.

Sau khi thử nghiệm, những lồng đầu tiên được thả vào năm 2020, và một trại ương cũng sẽ được xây dựng. Trại giống ở Úc ban đầu sẽ cung cấp lượng cá bột cần thiết, và ông Staarman nói rằng công ty có kế hoạch dài hạn để phát triển một dòng cá vược địa phương thích nghi đặc biệt và được tối ưu hóa cho điều kiện tại Brunei. Mục tiêu của trang trại là đạt được sản lượng 36.000 tấn, với mức đầu tư ban đầu khoảng 10 triệu Euro.

Trang trại tại Brunei sẽ được phục vụ bởi một trại ương cá giống mới. © Barramundi Asia

Barramundi Asia cũng rất có ý thức và cam kết về sự bền vững. Staarman giải thích: “Cá vược châu Á là loài cá phát triển tương đối chậm, công ty mất nhiều thời gian hơn để phát triển hoạt động, so với những người nuôi tôm thu hoạch trong vòng 3 đến 4 tháng. Như vậy, doanh nghiệp phải suy nghĩ lâu dài và hoạt động bền vững”.

Ông cũng giải thích rằng tác động và ảnh hưởng lớn nhất của hoạt động nuôi trồng thủy sản là do thức ăn quá giàu protein kết hợp với các quy trình cho ăn lạc hậu. “Công ty chúng tôi đã chọn chỉ sử dụng nguồn cấp nguyên liệu chất lượng cao từ Skretting. Thức ăn viên của họ duy trì tính toàn vẹn lâu hơn và do đó giảm thiểu chất thải, quan trọng là nó cũng chứa một tỷ lệ lớn các thành phần có nguồn gốc thực vật, do đó giảm tác động môi trường của thức ăn và giảm áp lực lên nguồn lợi cá tự nhiên, khác với  hầu hết các nhà sản xuất khác“.

Staarman còn cho biết thêm rằng, bằng cách chọn một địa điểm ngoài khơi với tỷ lệ trao đổi nước cao, các tác động môi trường của trang trại sẽ được giảm thiểu hơn nữa. Công ty cũng có kế hoạch luân chuyển sản xuất và sử dụng hệ thống bỏ trống lồng nuôi một thời gian.

Những thành tựu này giúp Công ty được chính quyền địa phương cấp chứng nhận Thực hành Nuôi trồng Thủy sản Tốt (GAP) cộng với chứng nhận BAP 4 sao cho các trại nuôi tại Singapore và Úc. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của công ty là đạt được chứng nhận ASC đã gặp phải những trở ngại đáng kể.

Staarman nói: “ASC đã liên kết chặt chẽ với các nhà bán lẻ châu Âu, thuyết phục hầu hết họ chỉ cung cấp nguồn thủy sản nuôi trồng và được chứng nhận ASC”. “Và các tiêu chuẩn chứng nhận ASC chủ yếu là dành riêng cho từng loài. Mặc dù đã kiên nhẫn chờ đợi trong hai năm qua, nhưng tiêu chuẩn về cá vược châu Á vẫn chưa được ASC công bố”. Vì EU là thị trường thủy sản lớn nhất thế giới, điều này đã làm căng thẳng các mục tiêu của công ty.

Tuy nhiên, nhu cầu này đã được đáp ứng sau khi ASC công bố tiêu chuẩn cá biển mới, bao gồm cả cá vược. Ông Staarman kết luận: “Bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn về cá vược châu Á được mong đợi từ lâu và rất cần thiết, công ty của chúng tôi cuối cùng có thể cung cấp cho Liên minh châu Âu cá vược châu Á được chứng nhận bền vững”.


Gregg Yan 
Nhà bảo vệ môi trường, người sáng lập Chiến dịch Giải pháp Thay thế Tốt nhất, nhằm thúc đẩy thủy sản bền vững khi chuyển đổi hoạt động buôn bán cá cảnh và động vật không xương sống hoang dã. Từng phụ trách truyền thông cho WWF, Oceana và chi nhánh CSR của Hiệp hội Giám đốc Truyền thông Châu Á Thái Bình Dương. Ông thường xuyên viết về nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, bảo tồn động vật hoang dã.

Nhà sinh vật học đam mê nghề cá và NTTS bền vững. Đồng sáng lập Fins and Leaves ở Philippines và xây dựng một trong những trại giống cá mú đầu tiên của nước này. Năm 2016, ông đến Tây Ban Nha để nuôi cá ngừ theo chu trình khép kín bền vững. Gần đây ông thực hiện Dự thảo báo cáo về rủi ro ESG trong NTTS cho FAIRR, xây dựng các hướng dẫn đào tạo về GAqP cho khu vực ASEAN, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về NTTS bền vững ở Myanmar và miền bắc Ả Rập Xê ut.

Gregg Yan – Jonah van Beijnen

Mai Phương dịch

Nguồn: https://thefishsite.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.