Kết quả nghiên cứu do Viện Đại dương học (Viện Khoa học Trung Quốc ở Thanh Đảo, Sơn Đông) công bố trên tạp chí Hazardous Materials cho biết đã phát hiện ra một tổ hợp vi khuẩn có khả năng phân hủy không chỉ chất liệu nhựa sản xuất chai lọ polyethylene terephthalate (PET) mà còn có tác dụng với polythene (PE) – vật liệu được sử dụng để làm túi nilon.

Mặc dù đặc tính ăn nhựa của vi khuẩn đã được cộng đồng khoa học biết đến, nhưng nghiên cứu này của các nhà khoa học Trung Quốc là nghiên cứu đầu tiên thiết lập mối liên kết trực tiếp với chất liệu polythene (PE). Nhóm nghiên cứu cho biết đã thêm vi khuẩn vào các mẫu nhựa PE và nhựa PET. Sau nhiều lần thử nghiệm, sự kết hợp của ba loại vi khuẩn đã gây ra “tổn hại rõ ràng” cho màng polythene, trong đó có việc tạo ra “nhiều vết rách lớn và lỗ sâu”.
Khoảng 5 triệu tấn nhựa (phần lớn là PE và PET) được thải ra biển và đại dương mỗi năm là nguyên nhân gây ra cái chết của khoảng 1 triệu con chim và 10.000 động vật biển hàng năm và các nhà khoa học đang cố tìm ra cách loại bỏ chúng theo cách thân thiện với môi trường.
GS. Wolfgang Streit ngành vi sinh và công nghệ sinh học tại Đại học Hamburg (Đức) nhận định: “Các nhà khoa học đã hiểu rõ về việc phân hủy PET. Chúng ta có các enzym cho PET. Nhưng đối với PE, chưa tìm được một loại enzym nào có thể phân hủy nó”. Ông nói, khả năng phân hủy của tổ hợp vi khuẩn mà nhóm các nhà khoa học Trung Quốc xác định được là “loại tốt nhất tôi từng thấy”, nhưng cho rằng vẫn cần phải nghiên cứu thêm.
Ông Paul Zimmerman – chủ tịch sáng kiến tái chế nhựa Drink Without Waste có trụ sở tại Hong Kong lưu ý, cũng cần phải xem xét các tác động đằng sau những phát hiện mới này. “Thu thập nhựa từ đại dương rất tốn kém. Trừ khi bạn gợi ý rằng vi khuẩn được thả ra đại dương để ăn nhựa, nhưng điều đó cũng tạo ra nguy cơ cao về thay đổi tự nhiên và những hậu quả không lường trước được”, ông cảnh báo.
Phương Linh
(Nguồn: NLĐO)