Cá vược (Lates calcarifer), tên tiếng Anh là Seabass hay Barramundi, là một loài cá rộng muối, sống được cả trong nước ngọt, nước lợ lẫn nước biển, phân bố rộng rãi ở khu vực Ấn Độ Dương – Tây Thái Bình Dương. Cá vược là loài cá mạnh, thích hợp với nhiều hệ sinh thái khác nhau, chịu được nuôi mật độ cao, sản xuất giống đơn giản, ăn thức ăn viên, lớn nhanh, đạt cỡ thương phẩm từ 6 đến 20 tháng, có thể là loài lý tưởng để nuôi biển ở vùng nhiệt đới.
Được bắt đầu nuôi từ những năm 1970 ở Thái Lan và nhanh chóng lan rộng khắp Đông Nam Á, đến nay cá chẽm được nuôi ở nhiều nước, với phần lớn sản lượng tập trung tại Đông Nam Á, nhất là Thái Lan, Indonesia, Philippines và Singapore. Tại nhiều nước ở Trung Đông và Hoa Kỳ đã phát triển các trại nuôi cá vược quy mô lớn theo phong cách nuôi công nghiệp. Sản lượng cá vược nuôi toàn cầu đã tăng gần gấp đôi (96,9%) từ năm 2008 đến 2018.
Trong những năm qua, nghề nuôi cá vược đã bước đầu phát triển ở Việt Nam tại các địa phương ven biển, vùng gần các cửa sông. Nuôi cá chẽm trong lồng hoặc tận dụng các ao nuôi tôm, ao nuôi cá tra bỏ hoang và thủy vực hoang hóa là mô hình sản xuất phù hợp với ngư dân quy mô nhỏ. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở vẫn còn nuôi cá vược theo phương pháp truyền thống, sử dụng con giống chất lượng thấp và thức ăn tươi, vì vậy sản lượng thấp, hiệu quả không cao.
Ngay từ đầu những năm 2000, một số nhà xuất khẩu quan tâm đến nuôi cá chẽm theo các mô hình công nghiệp, điển hình là Công ty Vĩnh Hoàn, đã triển khai đầu tư nuôi 400 ha cá chẽm, đây là doanh nghiệp đã sớm đầu tư nuôi, chế biến, xuất khẩu cá chẽm vào châu Âu, vào Mỹ. Hiện ở Sóc Trăng cũng đã tiến hành nuôi thí điểm công nghiệp, đạt năng suất 70 tấn cá/ha.
Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên đã thiết lập thành công mô hình nuôi cá vược công nghiệp tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Từ sản lượng 30 tấn năm 2008, Công ty đã đạt 6.500 tấn năm 2020. Với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, Công ty đã thiết lập hệ thống liên hoàn khép kín từ trại sản xuất giống cá theo công nghệ RAS, 5 trại nuôi trên biển, tổng số 70 lồng nuôi cá chẽm, mỗi lồng nuôi có chu vi 120m, đến nhà máy chế biến và đội tàu dịch vụ. Các trại nuôi cá biển của công ty đều áp dụng hệ thống cho cá ăn tự động, có camera ngầm quan sát cá, quản lý việc cho ăn chính xác. Sản phẩm cá chẽm của Công ty đã xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cho các siêu thị, nhà hàng lớn, các doanh nghiệp giao hàng thực phẩm và suất ăn. Trong năm 2021, công ty đang xây dựng thêm một cơ sở chế biến nữa tại phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, triển vọng xuất khẩu khoảng 8.000 tấn cá chẽm, bảo đảm việc làm cho 800 lao động với mức lương bình quân 10 triệu người/tháng.
Australis đã trở thành doanh nghiệp cá vược lớn nhất Việt Nam, một trong những công ty nuôi cá chẽm tầm cỡ thế giới. Công ty đã mở ra triển vọng cho nghề nuôi cá vược tại Việt Nam. Theo bước Australis, tập đoàn Mavin và các doanh nghiệp khác đang phát triển các dự án nuôi cá chẽm và các loài cá biển khác tại Kiên Giang và các tỉnh duyên hải ở cả ba miền đất nước.
Với Đề án phát triển bền vững đến năm 2030 đang được Chính phủ xem xét ban hành năm 2021, Việt Nam sẽ có những bước đi chủ động và mạnh mẽ để đưa cá vược thành một sản phẩm nuôi chủ lực, có sản lượng 50.000-70.000 tấn mỗi năm, chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới, bên cạnh các loài cá, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, giáp xác và rong biển phong phú.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng