Tháng 2/2020, trong một chuyến công tác vào xã Quảng Đông, Quảng Trạch (Quảng Bình), trong bữa cơm đãi khách, tôi được gia chủ mời ăn một món rong, thấy ngon và lạ, tôi tò mò hỏi mới biết đó là một loài rong biển, đặc sản của biển khơi do người dân đi hái.
Bạn tôi tên là Hương kể rằng món rong này chỉ có được vào những dịp đầu năm, thời điểm nhiều nhất là tháng 1-2. Tôi tò mò hỏi đích danh tên của loài rong nhưng ngư dân Quảng Đông chỉ biết gọi đó là rong biển, mùa rong này chỉ có khi thời điểm biển động nhất.
Có biết bao người dân ven biển vì mưu sinh đã phải chấp nhận đối diện với sự rình rập của hiểm nguy khi bám mình trên những tảng đá cheo leo trước những con sóng dữ để hái rong biển. Không ít người phải đánh đổi cả tính mạng khi đi hái đặc sản từ biển này.
Hương đã dẫn tôi đến xem những bao rong vừa được chủ nhà hàng mua về và may mắn tôi được gặp anh Tuấn Thanh – người đã có nhiều năm làm nghề lấy rong ở ghềnh đá.
Anh Thanh kể: “Anh làm nghề thợ lặn, những lúc biển động không đi lặn tôi tranh thủ đi lấy rong biển về bán. Nghề này tuy vất vả và nguy hiểm nhưng làm lâu cũng thành quen. Mỗi ngày, nếu kiên trì leo lên các tảng đá để hái thì cũng được vài ba kg rong biển. Với giá từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/kg, có ngày thu nhập của anh từ 2 đến 3 triệu đồng”.
Vào mùa biển động, ở Quảng Đông nhiều người không ra khơi đánh bắt nên rủ nhau, thành hội nhóm đi lấy rong kiếm kế sinh nhai. Rong biển ở Quảng Đông nhiều nhất là ở các ghềnh đá ở vịnh Hòn La.
Theo tìm hiểu tôi được biết, mỗi ngày, nếu chịu khó, mỗi người cũng hái được 3- 4kg rong biển. Những ngày lặng gió thì có khi được từ 5 đến 7kg. Người dân trong làng bán số rong biển thu được cho các đại lý với giá dao động từ 200.000 đến 350.000 đồng/kg. Vào mùa biển động, nhiều người dân không đi biển được thì nghề hái rong biển cũng đem lại nguồn thu nhập đủ đắp đổi mưu sinh.

Rong biển là đặc sản có hàm lượng chất dinh dưỡng cao và được nhiều người ưa chuộng. Bởi vậy, hàng năm, người dân ở nơi đây vẫn cứ mong ngóng đến mùa để không chỉ hái đem bán mà còn được thưởng thức hương vị của nó.
“Loại rong biển này ăn rất ngon, có thể dùng ăn sống. Rong sau khi thu hoạch về thì rửa sạch với nước để loại bỏ đất, cát rồi chần qua nước lẩu, ăn rất ngon. Ngoài ra, rong biển còn nấu canh với tôm hoặc thịt bò. Khi ăn rong vừa giòn vừa thơm, không có mùi tanh mà đậm đà hương vị đặc trưng của biển. Nếu đã ăn thử một lần thì sẽ rất khó quên. Ngoài việc bán cho thương lái, chúng tôi còn đưa về chế biến các món ăn hoặc phơi khô để sử dụng lâu dài”.
Nghe câu chuyện lấy rong và sự mạo hiểm của những người dân nơi đây, tôi không khỏi bùi ngùi khi nhai nhúm rong biển và cảm nhận một vị ngon thật đặc biệt của nó.
Khi được hỏi tiếp về cách khai thác loài rong này, anh Tuấn Thanh cho biết: “Đồ nghề được người dân nơi đây sử dụng để hái rong biển không cần phải đầu tư nhiều. Chỉ một chiếc liềm nhỏ được mua với giá 50.000 đồng/cái để cạo rong biển ra khỏi đá và một chiếc túi lưới đựng rong là có thể đi hái rong biển. Tuy nhiên, việc đi hái rong biển không đơn giản và dễ dàng với người dân. Thật kỳ lạ, cứ ở những nơi con sóng nhiều, đá càng trơn, càng chênh vênh thì loại rong này mọc càng nhiều. Vì vậy, để hái được rong nhiều thời điểm người dân phải đặt cược cả mạng sống của mình”.

Anh Tuấn Thanh kể, để hái được rong biển, anh phải leo qua những đoạn đá lởm chởm và lần theo các tảng đá trơn để tìm rong. Mặc dù đã có kinh nghiệm hái rong mấy chục năm nhưng do đá ở đây cheo leo và trơn nên không ít lần anh bị ngã phải đi khâu mấy mũi ở chân. Tuy nhiên, vì giá trị kinh tế cao của loại rong này nên anh vẫn kiên trì. Loại rong này rất khó lấy. Một tay lấy rong, tay khác phải bám chắc vào các tảng đá để không bị sóng đánh ngã xuống biển. Nếu người không quen thì khó mà lấy được. Trước đây, rất nhiều trường hợp người dân trong làng đi hái rong biển đã bị chết do sóng cuốn trôi.
Rời Quảng Bình, hình ảnh những người dân lam lũ đi hái rong luôn đọng lại trong tâm trí tôi, tôi ao ước thêm một lần trở lại xã Quảng Đông và cũng ước một lần được theo những người dân đi lấy rong biển và cùng trải nghiệm về sự mạo hiểm để tận mắt thấu hiểu được sự vất vả của những người dân ở vùng biển nghèo khó, quanh năm chỉ trông chờ vào những sản vật của biển khơi và tôi thầm hứa sẽ tìm thêm nhiều tư tiêu, tiếp cận được với chính quyền địa phương chuyển tải những thông điệp về một sinh kế bền vững cho người dân, nếu được sẽ có những nghiên cứu cụ thể để đưa loài rong này vào nuôi trồng và đặt cho nó một cái tên xứng đáng.
Minh Anh