Hiệp hội nuôi biển Việt Nam nỗ lực để trở thành tổ chức nòng cốt của cộng đồng nuôi biển Việt Nam

(VSA) Trong nhiệm kỳ I, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy về nuôi biển. VSA đã kết nối các nguồn lực nhằm hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận và áp dụng những thành tựu công nghệ mới về nuôi biển. VSA tiếp tục nỗ lực để trở thành tổ chức nòng cốt của cộng đồng nuôi biển Việt Nam.

Những kết quả ghi nhận

Kể từ khi Đại hội đến nay (31/10/2020-31/7/2021), trong 9 tháng số hội viên tăng nhanh, với 23 hội viên (HV) mới, tốc độ tăng 12,8% (203/180). Cùng với đó, cơ cấu hội viên cũng chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng hội viên pháp nhân tăng từ 47,8% lên 50% nhờ tốc độ tăng số hội viên mới của nhóm này lớn hơn (18,6). Triển vọng đến hết năm 2021 sẽ vượt mục tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2021 về số lượng (20-30 HV), nhưng về cơ cấu cần chuyển dịch nhanh hơn mới có thể đạt tỷ lệ 60 -70% hội viên pháp nhân vào cuối nhiệm kỳ.

Hiệp hội ngày càng thu hút được đông đảo các doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực gia nhập, từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái nuôi biển, gồm cả sản xuất kinh doanh đến khoa học công nghệ, dịch vụ nuôi và phục vụ nuôi biển; từ hạ tầng kỹ thuật đến các tầng công nghệ và nguồn nhân lực; từ đa dạng nghề nuôi biển đến đa dạng sinh thái và môi trường; từ kinh nghiệm trong nước đến quốc tế,… tạo điều kiện xây dựng các chuỗi liên kết bền vững ngay trong lòng VSA, là nền tảng cả về cơ sở lý luận và thực tiễn để phát triển rộng trong cả nước.

Về tổ chức bộ máy, VSA đã thực hiện theo chủ trương tinh gọn, hiệu quả, Văn phòng VSA đã rà soát, sắp xếp lại các vị trí làm việc. Bộ phận truyền thông đang được kiện toàn mạnh nhất. Hiện VSA đang làm thủ tục đăng ký thành lập Tạp chí Kinh tế biển thay cho đặc san Vươn Khơi và kiện toàn, bổ sung các nhân sự mới cho cơ quan Tạp chí trong giai đoạn tới. Ngoài ra, Trung tâm KHCN Nuôi biển Việt Nam; Công ty Cổ phần Phát triển Nuôi biển Công nghiệp Việt Nam (VISID) đã được thành lập nhằm thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá, tư vấn và thẩm định các hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường trong lĩnh vực phát triển nuôi biển bền vững. Đồng thời liên kết các doanh nghiệp VSA để tập trung nguồn lực, hỗ trợ triển khai áp dụng KHCN,… làm cơ sở mở rộng thị trường, gắn kết chuỗi cung ứng toàn cầu.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch VSA tại lễ ký kết hợp tác với trường ĐH Nha Trang

Triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm

          Hiệp hội đã nỗ lực trong mọi nhiệm vụ, trước hết là tư vấn, phản biện chính sách, chiến lược phát triển nuôi biển bền vững: Đây là một trong các nhiệm vụ then chốt của VSA, nhất là trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang quan tâm triển khai các chiến lược về biển và hệ thống thể chế, quản lý nhà nước của Việt Nam về biển còn nhiều bất cập. Theo đó, VSA chủ động với trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội, mà trọng tâm là góp ý hoàn thiện Đề án phát triển nuôi biển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trong quá trình Chính phủ phê duyệt; phối hợp phổ biến, tổ chức triển khai Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định giao các khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân sử dụng, khai thác tài nguyên biển…

Bên cạnh đó, VSA chủ động làm việc với các cơ quan QLNN ở một số bộ ngành then chốt, liên quan đến triển khai hoạch định chính sách, quy hoạch, điều tra khảo sát,… phát triển các ngành hàng nuôi biển. Từ đầu năm đến nay, VSA đã tổ chức 13 cuộc làm việc với các cơ quan bộ, ngành về lĩnh vực này. Ngoài ra, VSA còn tư vấn, phản biện một số dự án đầu tư về nuôi biển theo yêu cầu của các Bộ từ góc nhìn khoa học công nghệ, với tư cách là tổ chức VSA và cá nhân hội viên các nhà khoa học, chuyên gia.

Hiệp hội coi việc kết nối, tư vấn, hỗ trợ các hội viên phát triển SXKD là nhiệm vụ hàng đầu. Cùng với thành lập Công ty VISID và kiện toàn Trung tâm KHCN Nuôi biển Việt Nam để làm các cơ chế liên kết, hỗ trợ các hội viên, VSA thường xuyên tập hợp các kiến nghị của các hội viên để một mặt đề xuất với các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách về nuôi biển; mặt khác lồng ghép vào kế hoạch hợp tác với các địa phương, đề xuất rà soát quy hoạch, triển khai một số dự án, đề án phát triển nuôi biển,…Đồng thời, trên cơ sở dự án đã và đang triển khai của các hội viên, VSA vừa theo dõi, hỗ trợ, vừa mời các doanh nghiệp trong và ngoài VSA tham gia, nhằm mở rộng, nâng cao hiệu quả. Hiện nay bước đầu đã có một số kết nối đáng mừng giữa các DN hội viên thuộc nhiều lĩnh vực bổ trợ cho nhau, tạo tiền đề cho những kết quả thiết thực trong giai đoạn tới.

Tổ chức làm việc, hợp tác với các địa phương, bộ ngành về phát triển nuôi biển bền vững. Đây là mảng hoạt động sôi nổi, được quan tâm nhất trong thời gian qua, gắn trực tiếp với nhiều hội viên ở các vùng miền. Với chủ trương tăng cường mở rộng quan hệ với các tỉnh ven biển trong phạm vi cả nước, BCH VSA đã phân công các Phó Chủ tịch phụ trách vùng miền phối hợp với các chuyên gia chủ động đề xuất phương án, kế hoạch phát triển quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố theo lợi thế và quy hoạch phát triển nuôi biển của các địa phương. Một trong những kết quả đó là đã mở được hướng hợp tác phát triển với các tỉnh ĐBSCL.

Bên cạnh đó, VSA tập trung triển khai kế hoạch hợp tác với các địa phương trọng điểm như Phú Yên, Quảng Ninh; mở mới hợp tác với Khánh Hòa,… Đã tổ chức 24 buổi làm việc với các địa phương, trong đó ngoài các tỉnh trọng điểm nêu trên còn có những địa bàn đặc biệt như Trường Sa, Vũng Tàu,… Trong đó, Phú Yên đã ký Kế hoạch hợp tác 5 năm 2021-2025 với VSA. Các tỉnh trọng điểm đều ủng hộ và đang triển khai xây dựng các dự án nuôi biển công nghiệp có sự tham gia của DN hội viên VSA, làm mô hình để sau này nhân rộng. Một số dự án do hội viên đề xuất tại các địa bàn này cũng được kết hợp triển khai trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên. Mặc dù có ít thời gian, lại phải giải quyết nhiều công việc của đầu nhiệm kỳ, VSA vẫn ưu tiên tổ chức được nhiều hoạt động về KHCN hỗ trợ cho các hội viên, kết hợp với mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế.

Nhờ thành lập được Hội đồng Tư vấn KHCN nuôi biển Việt Nam, lực lượng tham gia hoạt động KHCN của VSA đã được tăng cường. Kết quả nổi bật trong lĩnh vực này là tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn chuyên đề về nuôi biển công nghiệp, xử lý môi trường, bảo tồn sinh thái biển, CNTT, chuyển đổi số và tham gia các hội đồng tư vấn, phản biện KHCN cho một số đề tài, dự án (có 17 hoạt động); các cuộc làm việc, trao đổi, thăm quan, giới thiệu, học tập các mô hình công nghệ tiên tiến, hỗ trợ hội viên tiếp cận với một số kết quả nghiên cứu chuyển giao KHCN có liên quan (có 19 hoạt động). Ngoài ra còn thực hiện 12 hoạt động về HTQT,… Có thể nói, đây là lĩnh vực có nhiều hoạt động nhất của VSA trong thời gian 7 tháng qua, với tổng cộng 40 hoạt động vừa độc lập, vừa lồng ghép với các hoạt động khác.

Chủ tịch VSA Nguyễn Hữu Dũng thăm trại nuôi của công ty Trần Phú tại vùng biển Phú Quốc, Kiên Giang

Một số tồn tại và hướng khắc phục

Nguồn tài chính của VSA hạn hẹp, chưa giải quyết được sự mất cân đối giữa một bên là nguồn thu hạn chế, với một bên là yêu cầu đảm bảo tính thường xuyên, năng động, xử lý đột xuất, kịp thời các nội dung đa lĩnh vực trên phạm vi rộng của các hoạt động. Trong khi đó tình trạng số hội viên nợ hội phí nhiều hơn số hội viên đóng đủ (48,7% so với 29,5%) vẫn còn kéo dài. Việc huy động tài trợ trên tạp chí mới chỉ được một số thành viên tích cực hưởng ứng, chưa được đông đảo UV BCH và hội viên quan tâm. Nguyên nhân hạn chế do tác động bất lợi của COVID trong 2 năm qua ảnh hưởng lớn đến nguồn lực của nhiều doanh nghiệp hội viên của VSA. Trong khi chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa thỏa đáng, đến chậm và chậm phát huy tác động.

 Hệ thống thể chế, chính sách nhà nước chưa thực sự là nền tảng và động lực cho phát triển nuôi biển do thiếu đồng bộ, thiếu nguồn lực thực hiện, chậm đi vào cuộc sống. Trong khi đó, hệ thống quản lý nhà nước về kinh tế biển còn thiếu thống nhất, bị phân tán. Một mặt làm giảm hiệu quả tư vấn pháp luật của VSA, chậm đổi mới, ban hành các cơ chế chính sách, chiến lược phát triển. Mặt khác chưa tạo điều kiện thuận lợi cho VSA và các hội viên triển khai các dự án.

 KHCN về nuôi biển chưa được Nhà nước quan tâm, phát triển lay lắt, chưa phát huy được vai trò bệ phóng và lực đẩy cho các doanh nghiệp phát triển. Nhiều vấn đề về công nghệ nền tảng, cốt lõi của nuôi biển công nghiệp chậm được giải quyết, gây khó khăn, bế tắc cho doanh nghiệp.

Điều chỉnh một số công việc, nhất là các đề án, dự án không còn phù hợp với điều kiện mới. Cùng với đó xem xét đề xuất các công việc mới cấp thiết, phục vụ nhu cầu trọng tâm của phát triển VSA và các hội viên.

 VSA nghiên cứu tiếp tục đóng góp với Chính phủ và các bộ ngành những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn do COVID gây ra, như chính sách trong ngắn hạn về thuế VAT bằng 0%; hỗ trợ lương người lao động; khôi phục thị trường nội địa; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng,… Ngoài ra, tiếp tục tập hợp đề xuất các chính sách trong dài hạn.

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, phản biện cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển nuôi biển, tư vấn, hỗ trợ cho hội viên trong các hoạt động tư vấn, nghiên cứu, chuyển giao KHCN. Hỗ trợ các hội viên trong triển khai dự án, thực hiện cơ chế chính sách với các địa phương. Nhất là trong xử lý khó khăn, giải quyết các tình huống bất thường do ảnh hưởng của COVID

Triển khai thực hiện các dự án phát triển nuôi biển bền vững. Các dự án trọng điểm về chuỗi ngao, hàu, rong,… đang được VSA trực tiếp hỗ trợ triển khai cần sớm định hình được lộ trình pháp lý, đầu tư, hình thành tổ chức và triển khai các công việc xây dựng chuỗi. VSA tiếp tục hỗ trợ làm việc với các bộ, ngành, địa phương và kết nối hội viên.

Minh Thúy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.