Từ ngày 19/4 đến 22/4/2021, Đoàn đại biểu Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã đến thăm và làm việc với TP. Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ và Bà Rịa – Vũng Tàu. PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch, cùng các Phó Chủ tịch KS. Lê Bền, PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn, TS Lý Thị Thanh Loan chủ trì đoàn. Các doanh nghiệp VSA là Công ty Nhựa Super Trường Phát, Công ty TNHH Trí Tín, Công ty TNHH KH&CN Reeco, Công ty CP VinaShrimp, Công ty TNHH Du thuyền Ngựa Biển, Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Hoàn Vũ…
Kết nối Khoa học Công nghệ để nâng tầm vị thế cho kinh tế biển
Tại cuộc làm việc với Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh, ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “TP. Hồ Chí Minh có lợi thế tiếp cận với biển tại vịnh Cần Giờ, có diện tích tiếp giáp biển trải dài 42.000 km2, với luồng hàng hải quốc tế và nội địa thông qua nhóm cảng lớn nhất cả nước. UBND TP.Hồ Chí Minh đã đưa ra những định hướng mang tầm chiến lược để kinh tế phát triển về phía vịnh Cần Giờ theo định hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái, nhân văn, phát huy hiệu quả và bền vững tiềm năng và động lực phát triển, liên kết vùng kết nối với các tỉnh lân cận, lan tỏa các mô hình kinh tế mới, sáng tạo, từng bước liên kết với các nước trong khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, TP. Hồ Chí Minh rất đang cần kết nối khoa học công nghệ và lấy công nghệ làm nòng cốt để phát triển“.
Cùng với quan điểm phát triển kinh tế bền vững, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch VSA cũng cho rằng: Trong nuôi biển, vấn đề mấu chốt nhất là phát triển kinh tế phải song hành với giữ gìn môi trường biển.VSA đang nhân rộng mô hình giúp người nuôi biển quản lý tốt môi trường nuôi thủy sản của mình, vì vậy VSA đang rất chú trọng tới công nghệ nuôi. Còn trong sản xuất, VSA chú trọng 3 lĩnh vực đó là: Nuôi trên biển, nhất là ở vùng xa bờ theo tiếp cận IMTA (nuôi cá, giáp xác, các loài nhuyễn thể, trồng rong, và động vật đáy); Nuôi trên bờ vùng ven biển (nuôi hải sản trên những ao nuôi tôm đã thoái hóa theo phương thức luân canh các loài các nước lợ như cá nhụ, cá chẽm, nuôi nhuyễn thể và trồng rong biển); nuôi hải sản trong các hệ thống RAS tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội với mục đích cung cấp cá sống cho các nhà hàng ngay tại chỗ. Nhưng việc phát triển nuôi biển cũng phải vượt qua nhiều khó khăn về chính sách và thời gian tiếp cận cho doanh nghiệp.

Đồng hành cùng VSA, các doanh nghiệp hội viên cũng tham gia thảo luận và giới thiệu các dự án của mình. Công ty TNHH KH&KT Reeco đưa ra giải pháp công nghệ giám sát và kiểm soát môi trường giúp người nuôi biển giảm thiểu thiệt hại với những robot ngầm giúp kiểm tra định kỳ tình trạng lồng lưới, dây neo, phát hiện sớm sự cố, đảm bảo an toàn, giảm rủi ro cho người nuôi. Công ty CP VinaShrimp muốn mở rộng mô hình nuôi tôm tại rừng ngập mặn Cần Giờ kết hợp với du lịch sinh thái. Công ty TNHH Du thuyền Ngựa Biển đưa ra mô hình Marine Farm Stay cho các vùng nước trũng của huyện Cần Giờ kết hợp với du thuyền đón khách từ TP. Hồ Chí Minh ra Cần Giờ.
Thực hiện dự án: Marine Farm Stay và nuôi thủy sản tại Rừng ngập mặn Cần Giờ
Đề xuất của Hiệp hội VSA với UBND huyện Cần Giờ trong năm 2021 là làm 01 mô hình thí điểm Marine Farm Stay, với các quán café hay nhà hàngtại vùng nước trũng của Rừng ngập mặn. Mô hình du lịch quy mô nhỏ này chỉ có kinh phí thấp, hoàn toàn thân thiện với môi trường, không phá vỡ cảnh quan vốn có của rừng ngập mặn. Phía trên là nhà hàng, khách sạn hoặc quán café, bên dưới nuôi cá, nhuyễn thể và trồng rong.
Huyện Cần Giờ rất ủng hộ đề xuất của Hiệp hội VSA, tuy nhiên hiện còn vướng các quy định pháp lý về thuê diện tích mặt nước. Hiện tại đã có một số nhà đầu tư dùng những sà lan để làm nhà hàng nổi, nhưng hiện tại chưa giải quyết triệt để các vấn đề. Huyện đã có chỉ đạo phòng Tài nguyên Môi trường tìm phương án cho thuê và cấp phép đăng kiểm cho những mô hình Marine Farm để phát triển kinh tế và phát triển nuôi biển. Tình trạng nuôi bè tại huyện cũng đang tự phát rất nhiều ảnh hưởng đến giao thông trên vùng biển.

Hiệp hội VSA đề xuất việc sớm đưa mô hình thí điểm nuôi biển kết hợp du lịch vào và sau đó mới hướng bà con xung quang tới để thăm quan và trải nghiệm những điểm mạnh của mô hình này. Ngoài ra, Hiệp hội VSA sẽ tổ chức chương trình đào tạo cho ngư dân tại các địa phương và mong muốn mở những lớp đào tạo nhỏ cho người dân tại huyện để nâng cao kiến thức của ngư dân trong tương lai bằng những lớp tập huấn như trồng rong, nuôi cá biển, ương giống….
Bà Rịa – Vũng Tàu tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nuôi biển
Tại Bà Rịa, cuộc họp đã diễn ra với sự có mặt của các cơ quan ban ngành hữu quan như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư và một số doanh nghiệp của tỉnh.
Trước khi làm việc với tỉnh, Đoàn Hiệp hội VSA đã tới thăm khu nuôi thủy sản tại Làng bè Long Sơn và thấy rõ được thực trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Một số doanh nghiệp hội viên của VSA đã đưa ra giải pháp như: cảnh báo chất lượng môi trường biển bằng robot và số hóa các thông số đó để thu thập dữ liệu của RECCO; Thay toàn bộ bè gỗ, thùng phi và phao xốp bằng vật liệu HDPE của Super Trường Phát; Mô hình nuôi biển kết hợp du lịch, …..

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nhấn mạnh: Những đề án doanh nghiệp Hiệp hội đưa ra là vấn đề mà tỉnh đang rất cần và mong muốn sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội có thể triển khai dự án trong bối cảnh tốt nhất.
Tại cuộc họp, Sở NN&PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu và 2 doanh nghiệp hội viên Hiệp hội là Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát và Công ty TNHH Du thuyền Ngựa Biển đã thống nhất ngày 07/05/2021 sẽ trực tiếp khảo sát và thảo luận để tìm địa điểm xây dựng mô hình thí điểm ngay trong tháng 5/2021.
Minh Thu