HỘI THẢO THIẾT LẬP CHUỖI GIÁ TRỊ HÀU VÂN ĐỒN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ngày 27/4/2021, tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Hội thảo “Ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển bền vững chuỗi giá trị hàu tại huyện Vân Đồn” do Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam và UBND huyện Vân Đồn phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ “Thỏa thuận Hợp tác về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển” giữa UBND tỉnh Quảng Ninh với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam ký kết từ năm 2018.

Tham dự Hội thảo có hơn 250 đại biểu tới từ Sở KH&CN, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Ninh, UBND Vân Đồn, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp và đông đảo các hộ dân nuôi hàu tại huyện Vân Đồn.

Tại hội thảo, nhiều bất cập và những vấn đề thực tại trong nuôi hàu được các đại biểu chia sẻ nhằm cùng các bên tháo gỡ. Một trong những phương cách bền vững có thể nâng tầm thương hiệu con hàu Vân Đồn là phát triển theo chuỗi giá trị, chuyển đổi công nghệ…

Quang cảnh buổi hội thảo.

Nhiều bất cập, khó khăn

Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: Nhiều năm qua, hàu là sản phẩm chủ lực, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho ngư dân, là một trong những sản phẩm chủ lực cấp quốc gia của tỉnh Quảng Ninh. Huyện ghi nhận hơn 40 đơn vị chế hàu tại Vân Đồn đạt chuẩn. Đại đa số sản lượng chủ yếu vẫn ở dạng chưa được sơ chế, chế biến sâu do thiếu và yếu về công nghệ. Hiện tại huyện Vân Đồn chưa thể kiểm soát cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể trên địa bàn và chủ động bảo đảm về chất lượng con giống. Nguồn giống chủ yếu nhập từ nhiều địa phương ngoài tỉnh như Nam Định, Ninh Bình, Nha Trang…

Hiện người nuôi hàu tại Vân Đồn đang gặp nhiều khó khan, nhất là giá và sản lượng tiêu thụ bấp bênh do chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, chủ yếu là hàu nguyên con hay hàu ruột. Thị trường thì bấp bênh, phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc. Cách nuôi của người dân cũng chưa đạt chuẩn, nên chất lượng sản phẩm hàu chưa đáp ứng yêu của cầu người tiêu dung trong ngoài nước.

Lý do chính là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân trong hoạt động nuôi trồng thủy sản còn thấp, công nghệ nuôi lạc hậu, kỹ thuật sơ chế, chế biến còn hạn chế, việc triển khai các quy định bảo đảm an toàn sản xuất, an toàn thực phẩm chưa được đồng bộ, dẫn tới nhiều sản phẩm bị nhiễm vi khuẩn, virut. Đặc biệt, ngư dân có thói quen treo hàu bằng phao xốp. Các sản phẩm này chỉ có tuổi đời tối đa 2 năm, đẽ bị nát vỡ, gây ô nhiễm nhựa nghiêm trọng đối với môi trường vịnh.

Tháo gỡ khó khăn bằng công nghệ mới và liên kết theo chuỗi giá trị

Hội thảo đã nghe các báo cáo về: Kế hoạch phát triển bền vững chuỗi giá trị hàu Vân Đồn; Một số kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi, chế biến hàu tại Quảng Ninh; Các mô hình sử dụng vật liệu HDPE đạt chuẩn thay thế cho vật liệu xốp, bè tre và thùng phuy thực hiện Quyết định của tỉnh Quảng Ninh về việc sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường; Áp dụng công nghệ mới nâng cao giá trị các sản phẩm chế biến và tách chiết từ hàu Vân Đồn; Nghiên cứu ứng dụng KHCN xử lý và tái sử dụng vỏ hàu trong lĩnh cực chăn nuôi; Phương án cơ giới hóa khâu chế biến hàu; Mô hình nuôi hàu kết hợp trồng rong biển.

Ngày 31/8/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh”. Công ty Nhựa Super Trường Phát là doanh nghiệp đầu tiên làm các sản phẩm bằng chất liệu HDPE dành riêng cho nuôi biển, mà trước đây những sản phẩm này phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá khá cao.

Các gian trưng bày sản phẩm phục vụ cho nuôi hàu bền vững theo chuối liên kết.

Theo đó, các sản phẩm như phao nổi HDPE, lồng nổi và giàn nổi HDPE đều có thể dùng để nuôi các loại hải sản, trong đó có hàu. Các sản phẩm này không gây ô nhiễm nguồn nước, có độ bền tối đa 50 năm, có kích thước linh hoạt theo yêu cầu và sẽ được Nhựa Super Trường Phát bảo hành 10 năm, bảo trì vĩnh viễn và thu mua lại sau 10 năm nếu không dùng nữa. Mặt khác, các sản phẩm nổi này còn có thể sử dụng làm cầu, thuyền, phao…

Một trong những doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao cho sản phẩm hàu đó chính là Công ty TNHH SX&TM Thủy sản Quảng Ninh (Bavabi). Theo bà Phạm Thị Thu Hiền – CEO Bavabi cho biết nghề nuôi hàu tại Vân Đồn và các vùng lân cận, có nhiều lợi thế, như nước biển sạch, không bị ô nhiễm bởi chất thải đô thị và công nghiệp, dòng hải lưu êm, dồi dào sinh vật phù du, tảo biển là nguồn thức ăn tự nhiên cho nhuyễn thể, diện tích thả nuôi lớn, sản lượng được đánh giá là vùng nuôi hàu lớn nhất cả nước, đáp ứng nguyên liệu hàu thương phẩm cho ngành chế biến quy mô công nghiệp. Bavabi đã đầu tư ở Vân Đồn dây chuyền chế biến chuyên sâu, đạt chuẩn để xuất khẩu đi các thị trường khó tình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu… Ngoài sản phẩm chủ lực của Bavabi là hàu tươi sống xuất khẩu, công ty còn phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng như ruốc hàu, các loại thực phẩm từ hàu, bánh phồng hàu, cookie hàu, nem hàu và các sản phẩm tinh hàu để phục vụ cho ngành dược, giúp tăng cường sinh lý nam giới.

Nuôi hàu bằng phao xốp sẽ được thay thế bằng vật liệu HDPE thân thiện với môi trường.

Điển nhấn quan trong nhất Hội thảo là việc xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị hàu. Mô hình này, liên kết sản xuất từ đơn vị cung cấp hạ tầng nuôi biển, cung cấp giống, các hộ nuôi hàu, thu mua, chế biến và xử lý môi trường đến các đơn vị tiêu thụ sản phẩm từ hàu. Chuỗi liên kết sẽ lựa chọn hạ tầng nuôi phụ thuộc vào công nghệ nuôi phù hợp, theo sự gắn kết giữa doanh nghiệp cung cấp hạ tầng – hộ nuôi – doanh nghiệp thu mua, chế biến và thương mại hàu. Từ đó, đề ra giải pháp phát triển bền vững, ổn định lâu dài cho chuỗi giá trị hàu.

Các doanh nghiệp trong chuỗi, đã đưa ra những cam kết chặt chẽ. Bên cung cấp hạ tầng là Super Trường Phát cam kết với các người nuôi hàu trong chuỗi bảo đảm lồng, phao HDPE không gây ô nhiễm nguồn nước; có độ bền 50 năm, được bảo hành 10 năm, bảo trì vĩnh viễn; có kích thước linh hoạt theo yêu cầu; được hỗ trợ thay thế, sửa chữa; và công ty sẽ thu mua lại sau 10 năm nếu người nuôi không dùng nữa. Các hộ nuôi hàu cam kết sử dụng vật liệu HDPE, thực hiện đúng những tiêu chuẩn nuôi, quy cách nuôi và bán toàn bộ sản lượng cho bên mua. Bên thu mua hàu, Công ty Bavabi cam kết thu mua toàn bộ hàu của bà con trong chuỗi với giá theo đúng hợp động thỏa thuận.

Hội thảo đã nhận được nhiều những ý kiến tham luận, đóng góp của chính quyền địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con ngư dân tại huyện Vân Đồn. Kết thúc hội thảo, ba bên tham gia chuỗi liên kết đã cùng nhau ký “Thỏa thuận hợp tác liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hải sản nuôi, thúc đẩy bảo vệ môi trường và xây dựng các công trình hạ tầng nổi trên biển tại Quảng Ninh”. Hơn 200 ngư dân đã được nhận phiếu đăng ký, để mở đầu cho việc hinh thành chuỗi liên kết sâu rộng trên toàn địa bàn, làm hình mẫu cho các địa phương.

Minh Thu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.