Một số thông tin tổng hợp về rong sụn

ĐẶC ĐIỂM RONG SỤN

Vị trí phân loại và đặc điểm hình thái

Rong sụn (Kappaphycus alvarezii) thuộc Họ Solieriaceae, Bộ Gigartinales, Lớp Florideophyceae, Ngành rong Đỏ (Rhodophyta). Thân rong hình trụ, thường tròn hay hơi dẹp, chia nhiều nhánh. Các nhánh rong trơn bóng, hình thành ngay gần gốc thân, lúc đầu nhánh chia không qui luật hoặc một bên, sau đó mọc theo hướng ánh sáng và phát triển thành bụi rậm. Rong có màu xanh đến nâu đỏ, mọc đứng, cao 20 – 60 cm, đường kính thân chính và nhánh khoảng 1 – 2cm. Phân nhánh thưa, khoảng cách giữa 2 phân nhánh từ 4 – 10cm. Nhánh cong, phình rộng, thon dần và kéo dài là đặc trưng của loài này. Khi mọc trong những vùng nước có dòng chảy tốt, cây rong phát triển có thể dài hơn 2m [12].

Đặc điểm sinh thái và phân bố

Rong sụn phân bố tự nhiên ở vùng biển nhiệt đới Châu Á, đặc biệt là Philippines và Indonesia. Rong phát triển trên nền đáy cát – san hô, ở vùng triều và dưới triều nơi nước lưu chuyển ở mức trung bình. Trong điều kiện tự nhiên, rong thường sống bám vào các vật bám cứng hoặc nằm trong hốc đá khi không bám được [3].

Rong sụn là loài rong ưa mặn, sinh trưởng và phát triển ở vùng nước có độ mặn cao và tương đối ổn định, tốt nhất là từ 28 – 34 ‰. Ở độ mặn 35 – 40 ‰ rong bị ức chế sinh trưởng, ở độ mặn 20 – 24‰ rong vẫn phát triển nhưng chậm, ở độ mặn 18 – 20‰ và kéo dài sẽ làm rong ngừng phát triển và tồn tại thời gian ngắn (5 – 7 ngày) [11].

Rong sụn phát triển tốt ở các vùng nước có dòng chảy hay vùng có sự luân chuyển nước thường xuyên. Nước bị tù hay sự luân chuyển nước kém sẽ làm tốc độ phát triển của cây rong chậm lại, đặc biệt nếu kết hợp với nhiệt độ của nước cao, các chất huyền phù trong nước lớn, hàm lượng muối dinh dưỡng trong nước thấp sẽ dẫn đến sự tàn lụi của cây rong. Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển cũng như chất lượng của rong sụn khi tiến hành nuôi trồng [7].

Rong sụn sinh trưởng bình thường ở nhiệt độ từ 200C trở lên. Thích hợp nhất là ở 23 – 280C, nhiệt độ cao hơn 300C và thấp hơn 200C sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của rong. Đặc biệt, khi nhiệt độ xuống 15 – 180C thì rong ngừng phát triển và có thể chết [2].

Hình 1. Rong Sụn (Kappaphycus alvarezii)

Ánh sáng đối với rong Sụn cũng rất quan trọng, ánh sáng cao quá hay thấp quá đều gây ức chế sự phát triển của rong. Nhìn chung, rong Sụn sinh trưởng và phát triển tốt ở những vùng nước trong, nước quá đục sẽ không tốt cho rong. Tốc độ tăng trọng của rong sụn cao nhất ở cường độ ánh sáng 100mmol photon.m-2.s-1 [1].

Khi nhiệt độ không quá cao, nước được trao đổi thường xuyên, nhu cầu muối dinh dưỡng (chủ yếu là muối nitrat và photphat) của rong sụn không cao, các chất dinh dưỡng có sẵn trong nước biển đủ cung cấp cho rong phát triển. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của rong sụn càng cao ở những vùng hay những thời điểm nước có hàm lượng nitrat, photphat cao. Khi cường độ ánh sáng và nhiệt độ cao, nhu cầu dinh dưỡng của rong cũng cao hơn. Nhìn chung, ở các vùng có hàm lượng muối dinh dưỡng (amoni, nitrat, photphat) cao, tốc độ sinh trưởng của rong sụn cao và có thể giúp rong phát triển bình thường khi gặp các điều kiện môi truòng không thuận lợi (nhiệt độ cao, độ mặn thấp, nước lưu chuyển kém…[7].

TÌNH HÌNH TRỒNG RONG SỤN

Rong sụn là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất kappa – carrageenan. Vì vậy, trong gần 5 thập kỷ qua, đặc biệt sau khi Philippines nghiên cứu phát triển trồng thành công vào năm 1971, rong sụn đã được di trồng và phát triển sản xuất với qui mô ngày càng lớn ở các khu vực thuộc vùng biển nhiệt đới. Indonesia tiến hành trồng năm 1975, Malaysia bắt đầu năm 1997, Tanzanian vào năm 1987, Brazil năm 1995….Hiện nay, rong sụn đã được tiến hành trồng ở hơn 25 quốc gia trên thế giới (FAO).

Năm 2002, sản lượng rong Sụn thương phẩm trên toàn thế giới đạt khoảng 114.300 tấn rong khô, trong đó Philippines đạt sản lượng lớn nhất khoảng 60.000 tấn (chiếm 52,5%), Indonesia có sản lượng khoảng 48.000 tấn (42%), Malaysia khoảng 4.000 tấn (3,5%), Tanzania khoảng 1.000 tấn (0,9%), còn lại là sản lượng của các nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Madagascar…(Huỳnh Quang Năng, 2007). Theo kết quả điều tra của Tổ chức Nông lương Thế giới – (FAO), năm 2018, sản lượng rong Sụn trên thế giới là 1,5 triệu tấn với giá trị thương mại là 214,8 triệu USD.

Tại Việt Nam, rong Sụn Kappaphycus alvarezii lần đầu tiên được trồng thử nghiệm là vào năm 1993 bởi Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang (trước đây là Phân viện Khoa học vật liệu Nha Trang) với nguồn giống được di nhập từ Philippines.

Cho đến nay, nghề trồng rong sụn ở Việt Nam phát triển mạnh chủ yếu ở các tỉnh ven biển phía Nam. Các tỉnh chiếm sản lượng lớn là Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận và đảo Phú Quốc. Năm 2005, toàn bộ sản lượng rong sụn khô Việt Nam đạt khoảng 2.150 tấn, tổng diện tích nuôi trồng khoảng 1.200 ha với 1.500 hộ tham gia. Năng suất bình quân còn thấp so với các nước khác, đạt khoảng 2,0 – 3,5 tấn rong khô/ha/vụ 3 tháng, bình quân lợi nhuận đạt 10 – 12 triệu VNĐ sau 6 tháng trồng với diện tích trồng 0,5 ha (Trần Mai Đức, 2005).

Trồng rong sụn ở vùng nước sâu (2-3m trở lên)

CÁC MÔ HÌNH TRỒNG RONG SỤN

Mô hình trồng rong sụn ở vùng nước cạn (từ 0,6m đến 1,5m khi triều thấp)

  • Diện tích một đơn vị dàn trồng từ 1.000m2 – đến 2.500m2, có chiều ngang khoảng 20 – 25m, chiều dài từ 50 – 100m. Diện tích này vừa tiết kiệm được vật tư vừa thích hợp cho việc chăm sóc cũng như xử lý khi có những hiện tượng nguy hại cho rong (dịch bệnh ).
  • Các dàn rong đặt cách nhau (phải, trái, trên, dưới) ít nhất 2 – 5 m, để đảm bảo nước có thể lưu chuyển đều vào các dàn.
  • Trọng lượng giống ban đầu bình quân 80g/bụi.
  • Khoảng cách giữa các bụi rong giống bình quân 20 cm, giữa các dây rong 35- 40 cm.
  • Các dây rong đặt song song với hướng sóng gió.
  • Trong mô hình dàn căng có phao dây rong nên đặt gần mặt nước (khoảng 20 – 30 cm) để tận dụng sự dao động của sóng bề mặt, đồng thời tránh nhiệt độ cao do nền đáy hấp thu nhiệt.
  • Ðể hạn chế cá ăn rong có thể dùng lưới (mắt lưới 1,0 – 1,5cm) bao chung quanh dàn, nên thường xuyên giũ lưới để các chất huyền phù bám làm bịt kín lỗ lưới.
  • Thời gian trồng: bình quân 60 ngày.

Mô hình trồng rong sụn ở vùng nước sâu (2-3m trở lên)

Các vùng nước sâu (từ 2m nước trở lên) ở trong các đầm phá lớn, ven biển hở và các đảo nhiều sóng gió thích hợp với mô hình này. Dàn phao có diện tích nhỏ (1000m2). Kỹ thuật trồng cũng tương tự như trên nhưng phải làm dàn phao để rong bám vào. Có hai loại dàn phao là diện tích 1.000m2 và 2.500m2.

Cách làm dàn phao như sau:

  • Dây làm khung chính f = 12mm, dây ngang có phao nhỏ (dây đỡ) f = 3 – 4mm.
  • Chiều ngang dàn 20 – 25m, chiều dài của dàn có thể dài ngắn tuỳ vào điều kiện vùng trồng bình quân 50 – 100m, diện tích thích hợp từ 1.000 – 3.000m2/dàn.
  • Dùng neo hay cọc gỗ, cọc sắt, đá, bao cát để giữ dàn.
  • Giữ dàn cách mặt nước 20 – 30cm (trong mùa mát hoặc trong mùa nóng nơi nước luân chuyển tốt, có gió, sóng), 60 – 80 cm (trong mùa nắng nóng, khi nước luân chuyển không tốt hoặc ít gió sóng).
  • Khoảng cách giữa các buộc giống bình quân 20 cm, khoảng cách giữa các dây giống 25 – 30cm (vào mùa mát), 35 – 40 cm (vào mùa nóng).
  • Thời gian trồng đến khi thu hoạch (kể từ ngày ra giống): bình quân 45 – 50 ngày.

Mô hình trồng rong sụn luân canh trong ao đầm nuôi tôm sú ven biển

Có thể trồng rong sụn luân canh trong ao đìa nuôi tôm sú ven biển trong thời gian nghỉ nuôi tôm (thường từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau). Một số kỹ thuật cơ bản như sau:

  • Chọn các ao có thể thay nước (bằng nước thuỷ triều) ít nhất 15 – 20 ngày/tháng, đáy ao ít bùn.
  • Dàn trồng được làm theo kiểu dàn căng trên đáy hoặc dàn trên đáy có phao, diện tích các dàn thực trồng chiếm 60% tổng diện tích mặt nước của ao, đìa.
  • Mật độ giống bình quân 5 tấn rong/ha (khoảng cách các bụi rong giống 30cm, khoảng cách các dây rong 40cm).
  • Rong đặt cách đáy 30 – 40cm tùy vào khả năng mức nước lấy vào và giữ trong ao cao hay thấp hoặc dây rong được giữ cách mặt nước 30cm bằng hệ thống phao.
  • Thay nước hằng ngày trong thời kỳ nước triều cường.
  • Có thể trồng 2 vụ (mỗi vụ 2,5 tháng).

KẾT QUẢ CÁC MÔ HÌNH TRỒNG RONG SỤN THỜI GIAN QUA

Dưới sự hỗ trợ của Dự án SUMA, trong thời gian 2002 – 2003 các mô hình đã được triển khai trên diện rộng ở đầm Sơn Hải, vùng nước sâu ven biển Sơn Hải (thuộc huyện Ninh Phước), vùng nước nông Ðầm Nại (huyện Ninh Hải) tỉnh Ninh Thuận; vùng nước nông ven đầm Thuỷ triều thuộc các xã Cam Nghĩa, Cam Phúc (thuộc thị xã Cam Ranh) tỉnh Khánh Hoà. Các địa phương khác (Phú Yên, Bình Ðịnh, Ðà Nẵng) cũng đang áp dụng các mô hình này trong chương trình phát triển trồng rong sụn.

Có 2 mùa rõ rệt để trồng rong sụn ven biển các tỉnh Nam Trung bộ: Mùa từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, là các tháng mùa mát trong năm (nhiệt độ nước bình quân thường dưới 30oC). Thời gian này, rong sụn có tốc độ tăng trưởng cao (6 – 8%/ngày), sau 50 – 60 ngày, trồng trọng lượng rong tăng bình quân 8 – 10 lần so với lượng giống ban đầu, ít xảy ra các hiện tượng bệnh tật nguy hại cho sản lượng và là mùa trồng chính của rong sụn. Mùa từ tháng 4 đến tháng 9, là các tháng nắng nóng, đặc biệt trong các tháng 5 – 6, nhiệt độ nước thường cao (32 – 34oC), tốc độ tăng trưởng của rong sụn thấp, bình quân đạt 3 – 4%/ngày, sau 60 ngày trồng lượng rong tăng bình quân 5 – 6 lần, bệnh trắng lũn thân (Ice-ice) dễ xuất hiện, nhất là trong các vùng trồng có dòng chảy yếu hoặc quá kín gió sóng.

Khi đầu ra của rong sụn cho xuất khẩu đã được mở với số lượng yêu cầu lớn và ổn định, Chi nhánh Tổng Công ty Thuỷ sản Hạ Long tại Tp. HCM và Công ty Rong biển Việt Nam tại Khánh Hoà đã hợp tác với các địa phương Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Ðịnh phát triển trồng và thu mua toàn bộ rong sụn khô. Từ cuối năm 2002 các chương trình đầu tư phát triển và thu mua rong sụn ở các địa phương đã khởi động mạnh mẽ. Các mô hình kỹ thuật trồng trên đã góp phần không nhỏ trong việc qui hoạch vùng trồng, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho phát triển phong trào.

Ngoài ra, cũng trong thời gian này, đề tài cũng đã triển khai các mô hình trên ở vùng Dự án khu Bảo tồn Biển Hòn Mun cũng như Chương trình Hỗ trợ Cộng đồng của SUMA tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà. Ðặc biệt, mô hình trồng luân canh rong sụn trong ao đìa nuôi tôm sú ven biển đã được tiến hành thử nghiệm đợt đầu (2002), thử nghiệm đợt 2 (2003) và hoàn chỉnh khi kết thúc đề tài vào 2004. Qua đó bước đầu đã định hướng mô hình và các thông số kỹ thuật như đã nêu ở trên.

Kết quả thử nghiệm đã cho thấy có khả năng tiến hành trồng luân canh rong sụn trong ao đìa nuôi tôm sú ven biển trong thời gian nghỉ nuôi tôm (từ tháng 10-11 đến tháng 3-4 năm sau), vừa tăng cao hiệu quả sử dụng và kinh tế của hệ thống ao đìa nuôi tôm sú vừa có tác dụng giải toả ô nhiễm do phì dưỡng ở đáy ao đìa nuôi tôm sau khi kết thúc nuôi nhờ khả năng hấp thụ cao của cây rong sụn trong quá trình trồng luân canh. Ninh Thuận đã có nhiều hộ trồng theo mô hình luân canh rong sụn trong các ao đìa nuôi tôm ven Ðầm Nại, thuộc huyện Ninh Hải.

Có thể nói một số mô hình trồng rong sụn đã được ứng dụng có hiệu quả vào sự phát triển nghề trồng rong sụn của cộng đồng ở các địa phương ven biển Nam Trung Bộ, một đối tượng nuôi trồng hải sản mới đang được các địa phương quan tâm phát triển vì nó đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững.

KINH NGHIỆM TRỒNG RONG SỤN Ở KHÁNH HÒA

Vận chuyển rong giống

Dùng sọt tre hay bao để đựng rong giống (không nên nén chặt rong với nhau). Nếu vận chuyển lượng lớn, phải đi xa nên dùng xe tải có máy lạnh, nhớ định giờ để tưới nước biển giữ độ ẩm cho rong.

Mùa vụ trồng rong sụn

Mùa chính: Thường từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, còn ở các tỉnh Nam bộ thường từ tháng 6 đến tháng 3 năm sau.

Mùa phụ: Từ tháng 4 đến tháng 6

Thời gian trồng

Kể từ ngày ra giống, với trọng lượng giống ban đầu 80 – 100g/bụi, đến trọng lượng đạt từ 1kg trở lên và thu hoạch. Kinh nghiệm cho thấy, nếu trồng rong sụn ở các vùng nước cạn, dòng chảy và sự lưu chuyển của nước yếu, vào mùa nhiệt độ cao… thì sau 2 – 2,5 tháng mới cho thu hoạch. Nếu ở những vùng nước sâu, biển hở, sóng gió và sự lưu chuyển của nước tốt có thể sau 45 – 50 ngày là thu hoạch được.

Cách sơ chế

Phơi vài ngày nắng (tùy thuộc vào mức độ) cho đến khi rong khô và xuất hiện lớp muối trắng trên bề mặt rong là được. Gỡ bỏ rác, dây buộc còn sót, giũ sạch cát muối rồi cho vào bao, cất giữ nơi thoáng mát, tránh ẩm, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu.

Bệnh rong và biện pháp phòng ngừa

  • Bệnh trắng lũn thân là một bệnh chủ yếu và phổ biến nhất đối với rong sụn, nó gây thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau về sản lượng cũng như chất lượng…
  • Trồng rong ở những vùng có dòng nước chảy, không kín sóng gió, xa nguồn nước ngọt, tránh vùng nước quá cạn và quá kín sóng gió. Sự lưu chuyển tốt của nước luôn là nhân tố quan trọng nhất trong nghề trồng rong sụn.
  • Các giàn trồng rong cần có kích thước nhỏ đến vừa, mỗi giàn chỉ nên có kích thước tối đa 2000 – 3000m2 để dễ dàng trong việc điều chỉnh độ sâu của giàn cũng như thuận lợi cho việc xử lý khi bệnh rong xuất hiện.

Biện pháp xử lý bệnh

Bệnh xuất hiện phát triển nhanh và lây lan. Khi rong bệnh cần phải xử lý bằng cách:

  • Thu và cắt bỏ các phần bị bệnh rồi buộc giống trở lại.
  • Hạ giàn rong xuống sâu 0,6 – 0,8m cách mặt nước.
  • Di chuyển giàn trồng đến vùng dòng nước chảy tốt, thường xuyên có gió và sóng. 
Thu hoạch rong sụn

Tài liệu tham khảo

1. Bulboa C. R. and E. J. De Paula, 2005. Introduction of non-native species of Kappaphycus (Rhodophyta, Gigartinales) in subtropical water: Comparative analysis of growth rates of Kappaphycus alvarezii and Kappaphycus striatum in vitro and in sea in south – eastern Brazil. Phy Rea 2005, 53, pp. 183 – 188.

2. Dawes, C. J., A. O. Luisma and G. C. Jr. Trono, 1994. Laboratory and field growth studies of commercial strains of Eucheuma denticulatum and Kappaphycus alvarezii in the Philippines. J. Appl. Phycol. 6, pp.21 – 24.

3. Doty, M.S., 1988. Prodromus and systematica Eucheumatoideorum: A tribe of commercial seaweeds related to Eucheuma (Solieriaceae, Gigartinales). In: I. A. Abbott (Ed.), Taxonomy of Economic Seaweeds: With Reference to some Pacific and Caribbean Species, Vol II. California Sea Grant College Program, pp. 159 – 207.

4. Food and Agriculture Organization of the United Nations. http://www.fao.org

5. Guiry, M. D., & Guiry, G. M. (2021). Algaebase. World-wide electronic publication. National University of Ireland. http://www.algaebase.org. Searched on 5 April 2021.

6. Lorenna M., Marie M., Nicholas P., Robert K. 2016. Identification of bioactives from the red seaweed Asparagopsis taxiformis that promote antimethanogenic activity in vitro. J Appl Phycol (2016) 28:3117–3126.

7. Huỳnh Quang Năng, 2007. Điều tra qui hoạch và đề xuất các giải pháp phát triển trồng rong Sụn – K. alvarezii (Doty) Doty bền vững. Báo cáo tổng kết khoa học và kỹ thuật đề tài Bộ Thuỷ sản, 240tr.

8. Nguyễn Hữu Dinh, Huỳnh Quang Năng, Trần Ngọc Bút, Nguyễn Văn Tiến, 1993. Rong biển Việt Nam (Phần phía Bắc). Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội, 264tr.

9. P. C. Thomas  &  K Subb‹iramaiah, 1990. Seasonal variation in the natural growth of Asparagopsis delilei Montagne from the Mandapam region, east coast of India. Indian Jour of Mar Sci, Vol. 19, June 1990, pp. 148-150.

10. Trần Mai Đức, 2005. Hiện trạng trồng rong Sụn – Kappaphycus alvarezii (Doty) Doty ở ven biển phía Nam Việt Nam. Báo cáo chuyên đề khoa học Đề tài Bộ Thuỷ sản, 81tr.

11. Trần Mai Đức, Huỳnh Quang Năng, Trần Kha và Trần Quang Thái, 2007. Di trồng loài Kappaphycus striatum (Schmitz) Doty vào Việt Nam và nghiên cứu so sánh kết quả di trồng với loài Kappaphycus alvarezii (Doty) Doty. Báo cáo Hội nghị Quốc gia Biển Đông, tr. 121 – 128.

12. Trono, G. C. Jr., 1993. Eucheuma and Kappaphycus: Taxonomy and cultivation. In: M. Ohno and A. T. Critchley (Eds.), Seaweed Cultivation and Marine Ranching. J. In Ag, pp. 75 – 88.

Quốc Ánh tổng hợp

từ tài liệu của Viện Hải dương học Nha Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.