vsalogo

Cá chim vây vàng liệu có thành hiện tượng mới trong nuôi thủy sản?

Ngày đăng: 31/12/2019
(VSA - 31.12.2019) Đó là câu hỏi được nhà báo nổi tiếng Mike Urch - người bạn lâu năm của ngành thủy sản Việt Nam - đặt ra trong một bài viết trên SeafoodSource hồi tháng 6/2011, sau khi thăm trại nuôi của Công ty Marine Farms ASA Co., Ltd Vietnam (MFV) – một trong những trại nuôi biển công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam.

Đã gần 10 năm trôi qua, nhưng câu hỏi đó dường như hãy còn nguyên giá trị, không chỉ đối với riêng Việt Nam mà còn nhiều quốc gia nhiệt đới khác, nhất là các nước ASEAN, có nguyện vọng phát triển nghề nuôi biển.

Cá chim vây vàng (Trachinotus), tên tiếng Anh Pompano, là một chi (giống) cá biển thuộc họ Cá Khế (Carangidae) trong bộ Cá Vược (Perciformes). Trong số đó, cá chim trắng Florida (Trachinotus carolinus) và cá chim trắng vây vàng (Trachinotus blochii) là hai loài nuôi phổ biến nhất. Khác với người anh em của mình sống ở Đại Tây Dương, cá chim trắng vây vàng là loài có thân hình dẹp, màu ánh bạc, vây vàng và thường được tìm thấy ở những vùng biển nước nông nhiệt đới tại Thái Bình Dương.  

Nhu cầu tiêu thụ lớn và tình trạng đánh bắt thiếu kiểm soát ở châu Á đã đẩy nguồn lợi cá chim vây vàng tự nhiên giảm xuống đến mức cạn kiệt. Do đó, người dân tại Việt Nam và nhiều quốc gia lân cận đã bắt đầu nuôi loài này từ khoảng 2 thập kỷ qua. CEO Carlos Massad của MFV đã từng chia sẻ: “Chúng tôi thấy cá chim trắng vây vàng là một loài phổ biến ở đây, và rất ngon khi ăn thử. Vì thế, chúng tôi đã nuôi thử nghiệm và tăng sản lượng khi hiểu rõ tiềm năng của nó.”

Trại nuôi cá chim vây vàng của Viện nghiên cứu NTTS 1 tại Vân Phong 

Theo một số liệu thống kê tin cậy năm 2015, hầu hết các quốc gia nuôi cá chim vây vàng lớn nhất thế giới đều tập trung ở châu Á, trong đó Trung Quốc đạt khoảng 110.000 tấn (chiếm 99% sản lượng toàn cầu), Malaysia: 613 tấn (0,6%), Philippines: 248 tấn (0,2%), Singapore: 195 tấn (0,2%), sản lượng của Việt Nam hồi đó chưa đáng kể... Không chỉ riêng tại châu Á, loài cá thịt trắng, với kích thước vừa vặn để bầy trên đĩa và rất ngon này cũng đang ngày càng được thực khách Âu, Mỹ, Trung Đông và nhiều nơi khác trên khắp thế giới ưa chuộng. Mặt khác, cá chim thường có giá bán cao hơn thịt bò, cho nên tương lai của ngành công nghiệp này là rất hứa hẹn.

Tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 (RIA1) đã thành công trong việc làm chủ công nghệ sinh sản nhân tạo cá chim từ những năm 2000, đưa loài này vào danh mục những đối tượng có tiềm năng nuôi thương phẩm trên quy mô công nghiệp. Mặc dù chưa có dữ liệu chính  thức, nhưng theo ước tính tổng sản lượng cá chim vây vàng nuôi của cả nước hiện vào khoảng trên dưới 1000 tấn/năm. Tuy nhiên, nghề nuôi cá chim hiện vẫn đang bị giới hạn chủ yếu ở những vịnh và vũng kín gió gần bờ. Do đó, doanh nghiệp nuôi biển cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước và viện nghiên cứu để tìm giải pháp chuyển dịch hoạt động này ra xa bờ.  

Cá chim vây càng nướng muối ớt    Ảnh: Internet

Mới đây, trong một cuộc hội thảo về nuôi biển, TS. Matthias Halwart – Vụ trưởng Nuôi trồng Thủy sản của FAO – đã nêu một dự báo: “Nuôi biển có tiềm năng rất lớn trong việc giúp thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu đối với các loài thủy sinh trong tương lai, và giảm bớt áp lực cho hệ thống sản xuất thực phẩm trên mặt đất. Trong tương lai gần, những mô hình canh tác bền vững IMTA gần bờ, với việc đẩy mạnh vai trò của các loài rong biển và nhuyễn thể là cực kỳ hứa hẹn. Song hành với đó, nếu giải quyết được hết những thách thức liên quan đến vốn đầu tư, hạn chế công nghệ và rào cản chính sách, nuôi biển xa bờ hoàn toàn có thể đáp ứng được nguồn cá bổ sung bền vững cho tương lai.”

Vì những lý do trên, với tiềm năng to lớn của nó, cá chim trắng vây vàng nhất định sẽ trở thành một hiện tượng mới trong lĩnh vực nuôi biển của Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Bài: PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng           Ảnh: Thế Hải - VSA

 

Bạn cần đăng nhập để bình luận