Trong cuộc họp nội các ngày 13/4/2021, Thủ tướng Nhật bản Yoshihide Suga cho biết: Chính phủ Nhật Bản quyết định xả nước đã xử lý từ Nhà máy Daiichi ở Fukushima bị tàn phá sau thảm họa động đất sóng thần cách đây 10 năm ra đại dương. Thông tin này khiến nhiều quốc gia có biển lo ngại. Tạp chí Vươn Khơi xin giới thiệu ý kiến trao đổi của PGS.TS. Vũ Thanh Ca – Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hiện là giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về vấn đề này.
PV. Thưa ông, hiện dư luận đang quan tâm việc Nhật Bản cho biết nước này sẽ xả 1 triệu tấn nước đã xử lý từ nhà máy hạt nhân ở Fukushima ra biển. Việc xả chất thải từ nhà máy hạt nhân ra đại dương sẽ ảnh hưởng đến môi trường biển như thế nào?
PGS. TS Vũ Thanh Ca: Nước thải nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi mà Chính phủ Nhật dự kiến sẽ xả ra Thái Bình Dương là nước làm mát, đã được xử lý để loại bỏ tất cả các loại chất phóng xạ ngoại trừ tritium, một chất đồng vị phóng xạ hiếm của hydro. Nguyên tử của tritium chứa 1 proton và 2 neutron. Chất này thường được sử dụng để làm chất dạ quang cho các thiết bị phát sáng trong bóng tối, như đồng hồ dạ quang. Trong nước, tritium tạo thành hỗn hợp của nước tinh khiết và nước siêu nặng (HTO).
Tritium không phát ra lượng tia beta có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, vì các tia beta do nó phát ra không xuyên được qua da người. Tuy nhiên, nó có thể gây hại nếu được uống, ăn và hấp thụ qua da. Chu kỳ bán phân rã của HTO trong cơ thể con người khoảng từ 7 đến 14 ngày, do vậy tác động của nó đối với một lần phơi lộ nồng độ thấp là không quá lớn, và nó cũng không có khả năng tích lũy sinh học.
PV. Theo Chính phủ Nhật thì số nước này thải đã được xử lý loại bỏ hầu hết phóng xạ như strontium, cesium. Tuy nhiên ý kiến trên đã vấp phải sự phản đối từ các cộng đồng đánh bắt cá ở Nhật Bản cũng như lo ngại từ các nước láng giềng, bởi trong nước thải vẫn còn tritium ở nồng độ thấp, và sẽ ảnh hưởng nhất định đến môi trường ?
PGS. TS. Vũ Thanh Ca: Theo báo cáo của Chính phủ Nhật Bản, hiện có 860.000 m3 nước làm mát chứa tổng cộng 760 TBq tritium. Như vậy, nồng độ của tritium trong nước làm mát nhà máy điện hạt nhân là 884.000 Bq/l. Các nước khác nhau có các tiêu chuẩn rất khác nhau về tritium. Ví dụ, nước uống ở Úc đòi hỏi có nồng độ tritium nhỏ hơn 76.103Bq/l. Ở Mỹ và Phần Lan, con số này lần lượt là 740 và 100. Từ đó, ta có thể thấy nồng độ tritium trong nước làm mát của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản lớn gấp 11,6 lần yêu cầu trong nước uống ở Úc, 1.194 lần Mỹ và 8.840 lần Phần Lan.
Mặc dù nước bị ô nhiễm Tritium với nồng độ khá cao nhưng khi xả nước này ra các vùng biển xa bờ, các quá trình động lực sóng và dòng chảy mạnh mẽ sẽ nhanh chóng xáo trộn nước thải và giảm nồng độ phóng xạ xuống dưới mức yêu cầu để uống.

Hiện nay, nhiều nước có nhà máy điện hạt nhân đang xả nước làm mát có chứa tritium ra môi trường. Thí dụ, Pháp hàng năm xả ra eo biển Anh lượng nước làm mát có chứa tới 11.400 TBq, tức là bằng 15 lần lượng tritium mà Chính phủ Nhật dự kiến sẽ xả ra Thái Bình Dương. Ba nhà máy điện hạt nhân của Canada hàng năm cũng xả ra Ngũ Đại Hồ nằm giữa Canada và Mỹ lượng tritium tổng cộng 1.116TBq, tức là 1,47 lượng tritium hiện chứa trong nước làm mát của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ngoài ra, đã có nhiều sự cố làm thoát nước làm mát nhà máy điện hạt nhân có chứa tritium ra ngoài.
Các nghiên cứu hiện nay trên thế giới chỉ mới cho thấy tác động xấu của tia beta do tritium phát ra với sức khỏe con người. Hơn nữa, tritium khi được thải ra môi trường sẽ nhanh chóng tham gia chu trình nước của trái đất và không bị tích lũy ở bất cứ đâu. Vì vậy, các kết quả nghiên cứu cho đến nay cho thấy nếu Chính phủ Nhật Bản lựa chọn giải pháp xả ra môi trường phù hợp, việc xả nước làm mát có chứa tritium ra môi trường có thể sẽ không gây ra những tác động môi trường đáng kể.
PV. Toàn bộ quá trình xả thải có thể kéo dài hàng thập kỷ nên sẽ ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển. Là quốc gia có bờ biển dài, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào thưa ông?

PGS. TS. Vũ Thanh Ca: Như tôi đã nói ở trên, từ trước đây đến nay một lượng rất lớn tritium đã được xả liên tục ra đại dương thế giới hoặc hồ nhưng cho tới hiện tại chưa có bằng chứng khoa học là lượng tritium đã được xả ra gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái. Việt Nam ta ở xa Nhật Bản, bên cạnh Biển Đông. Khi chất phóng xạ được dòng chảy biển vận chuyển từ Nhật Bản về khu vực eo Luzon và các khu vực khác mà ở đó có sự trao đổi nước giữa Biển Đông và Thái Bình Dương, nồng độ chất phóng xạ đã nhỏ tới mức bình thường. Vì vậy, việc xả nước làm mát nhà máy nhiệt điện Fukushima Daiichi tại khu vực Thái Bình Dương gần Nhật Bản không ảnh hưởng đáng kể gì tới môi trường và các hệ sinh thái vùng biển Việt Nam.
PV. Với trình độ khoa học công nghệ cao hiện nay, liệu những quốc gia có biển có nên xem như đây là 1 việc nên làm và chấp nhận để sống chung và khai thác thuỷ – hải sản bình thường, thưa giáo sư?
PGS. TS. Vũ Thanh Ca: Thực tế là hiện nay có nhiều nước đang xả thải nước làm mát ra môi trường với mức độ xả thải khác nhau. Các nghiên cứu lý thuyết cũng như các đo đạc thực tế ngoài hiện trường chưa cho thấy các tác động của việc xả nước làm mát tới môi trường, sinh thái. Hơn nữa, Nhật Bản trong tương lai sẽ hết khả năng giữ lượng nước này nên việc đổ thải ra biển gần như là một giải pháp hầu như không tránh khỏi.
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng rất có thể vẫn cần có thêm các nghiên cứu bài bản về tác động môi trường của Tritium đối với con người và các hệ sinh thái. Tôi cho rằng vẫn có tiềm năng là chất ô nhiễm này có những tác động có hại tới môi trường, sinh thái và sức khỏe con người. Vì vậy, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, không nên đổ nước làm mát nhiễm Tritium của các nhà máy điện hạt nhân ra biển.
PV. Liệu ta có cách gì ngăn ngừa hoặc giải pháp nhằm giảm thiểu những tác hại do ảnh hưởng từ việc xả thải từ nhà máy hạt nhân của Nhật Bản trong tương lai không, thưa ông?
PGS. TS Vũ Thanh Ca: Công nghệ hiện nay chưa cho phép giữ an toàn cho lò phản ứng hạt nhân nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi mà không cần dùng nước làm mát. Vì vậy, việc xả nước thải ra biển trước hay sau vẫn phải làm.
Để giảm thiểu tác hại, cần phải đảm bảo nước ô nhiễm phải xả ở xa bờ, tại các vùng biển thoáng, có độ sâu lớn. Tốc độ xả thải cũng phải chậm để các quá trình động lực biển có thể xáo trộn ngay nước ô nhiễm với nước trong môi trường xung quanh, đảm bảo nồng độ chất ô nhiễm giảm rất nhanh tới mức cho phép.
PV. Trân trọng cảm ơn ông./.
Nhân Minh thực hiện