Nuôi biển trong nước

QUẢNG TRỊ: Nuôi cá chẽm vùng cửa biển

Tận dụng nguồn nước ở khu vực hạ lưu sông Thái Lai, anh Lê Văn Bình ở thôn An Lợi, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong đã đầu tư nuôi cá chẽm trong lồng bè.

Năm 2017 anh bắt đầu nuôi, vì kinh nghiệm còn ít nên chỉ nuôi một lồng với 1.000 con. Thấy hiệu quả, hiện anh phát triển lên 3 lồng, mỗi lồng 50 m3, thả nuôi với mật độ 20 con/m3. Cá giống được lấy trực tiếp từ thành phố Nha Trang, nguồn thức ăn chính của cá chẽm là cá tạp và thức ăn công nghiệp có chất lượng tốt.

Anh Lợi cho biết việc phát triển nuôi cá chẽm trong lồng trên sông Thái Lai khá thuận lợi, bởi nguồn nước thường xuyên được lưu thông rất đảm bảo về yếu tố môi trường, cá không bị dịch bệnh, chóng lớn. “Bình quân mỗi lồng cá chẽm tôi đưa vào thả nuôi sau 6 tháng sẽ cho thu hoạch. Trọng lượng bình quân đạt từ 0,8 – 1 kg/con. Với giá bán bình quân trên thị trường hiện nay khoảng 100.000 đồng/kg thì 3 lồng nuôi của tôi sau khi trừ chi phí sẽ mang mang lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng”, anh Lợi nói.

Những năm qua, các ban ngành đoàn thể và chính quyền xã Triệu Phước rất quan tâm đến nuôi trồng thủy sản. Theo đó, đã phối hợp với các đơn vị chuyển giao triển khai nhiều mô hình nuôi tôm, cá, xen ghép tôm – cua – cá đối mục…Ông Nguyễn Hữu Lân – Chủ tịch Hội nông dân xã Triệu Phước cho biết, năm 2018 toàn xã có 13 hộ nuôi với 13 lồng, nay đã phát triển 15 hộ 26 lồng. Việc phát triển các đối tượng nuôi cá nước lợ có giá trị kinh tế, phù hợp vùng cửa sông như cá chẽm sẽ tận dụng nguồn thức ăn sẵn có và đây là một trong những hướng nuôi mới giải quyết công ăn việc làm tại chỗ.

HÀ TĨNH: Thu tiền tỷ nhờ nuôi cá lồng bè

Các hộ nuôi cá lồng bè trên sông Đò Điệm, thuộc địa phận thôn Song Hải, xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã xuất bán 100 tấn cá chẽm và cá hồng Mỹ, thu hơn 2 tỷ đồng, trong đó nổi bật nhất là nghề nuôi cá lồng bè trên sông Nghèn. Có một thời gian dự án “Ngọt hóa sông Nghèn” đã khiến cho đời sống của nhiều hộ dân trong xã, đặc biệt là tại xóm chài Song Hải gặp nhiều khó khăn do hoạt động đánh bắt thủy hải sản bị đảo lộn hoàn toàn.

Từ năm 2017 đến nay, đúng vào lúc bế tắc, người dân thôn Song Hải đã phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông Nghèn. Hiện tại trên diện tích 20 ha mặt nước đang được 63 hộ dân phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông với 70 cụm lồng, trong đó mỗi cụm có từ 4 đến 6 ô nuôi, bình quân mỗi ô có thể thả nuôi từ 200 đến 250 con cá chẽm và cá hồng Mỹ.

Phong trào nuôi cá lồng bè phát triển mạnh tại xóm chài Song Hải, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Hộ anh Nguyễn Văn Đức là một trong những hộ tiên phong trong nghề nuôi cá lồng bè trên sông sau khi công trình “ngọt hóa sông Nghèn” được đưa vào sử dụng. Sau vụ nuôi thử nghiệm thắng lợi từ năm 2017, năm 2018, ông Nguyễn Văn Đức thả nuôi 3.000 con cá giống các loại, chủ yếu là cá chẽm. Nhờ thị trường tiêu thụ thủy hải sản trong năm tương đối ổn định, ông Đức cũng đã thu lợi từ việc xuất bán hơn 3 tấn cá chẽm, cá hồng Mỹ với mức giá bình quân từ 120 – 150.000 đồng/kg.

Cũng như nhiều gia đình khác trong thôn Song Hải, năm 2018, ông Nguyễn Văn Hạnh đã thả nuôi 3.000 con cá chẽm và cá hồng Mỹ. Nhờ có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, các giống cá của gia đình ông phát triển ổn định, đã cho thu hoạch lớn. Trong dịp Tết, ông Hạnh đã xuất bán phục vụ thị trường từ hơn 2 tấn cá các loại, cho thu nhập gần cả trăm triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, ước tính, trong dịp Tết, chỉ riêng người dân thôn Song Hải đã thu hoạch 100 tấn cá các loại, cho tổng doanh thu hơn 2 tỷ đồng.

Ông Thanh cho hay, với thị trường tiêu thụ ổn định, việc xuất bán những con cá có giá trị kinh tế cao như cá chẽm và hồng Mỹ không chỉ giúp các hộ nuôi tăng thu nhập mà còn là cơ hội để người nuôi trồng thủy sản ở thôn Song Hải phát triển và nhân rộng mô hình trong những vụ sản xuất tiếp theo. Đó cũng là lí do, ngay sau Tết, nhiều hộ nuôi trồng đã lên kế hoạch đầu tư cải tạo ao nuôi và phát triển ngành nghề rất tốt, nhất là nuôi lồng bè trên sông Nghèn.

Hà Phương

ĐÀ NẴNG: Bỏ nuôi tôm chuyển qua nuôi cá dìa, thu lãi tiền tỷ

Trước đây, ông Hổ làm nghề nuôi tôm được nhiều năm. Tuy nhiên, những năm sau, tôm thường hay bị dịch bệnh chết khiến ông bị thua lỗ liên tục. Có năm, ông chịu thiệt hại đến vài tỷ  đồng. Không cam chịu số phận, ông Hổ lên mạng tìm hiểu và được biết, mô hình nuôi cá dìa thương phẩm vừa dễ nuôi lại cho thu nhập cao. Sau khi ra Huế tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi cá dìa ở đây, ông Hổ mạnh dạn vay vốn chuyển hướng qua nuôi cá dìa.

Trên diện tích 3,5 ha mặt nước với 6 hồ nuôi tôm trước đây, ông Hổ cải tạo lại mua cá giống về thả. Năm đầu, do chưa có nhiều vốn, ông Hổ chỉ đầu tư với hơn 30.000 con cá giống. Sau 9 tháng, cá có thể xuất bán. Với giá khoảng 160.000 – 170.000 đồng/kg, năm đầu tiên, trừ các khoản chi phí và trả tiền nhân công, ông Hổ thu lãi 800 triệu đồng. Năm ngoái, ông nuôi nhiều hơn nhưng do dịch bệnh, giá cá giảm xuống nên lãi thu vào cũng khoảng 700 -800 triệu đồng.

Ngoài nuôi thương phẩm, ông còn nuôi cá giống để bán cho các trang trại khác. Cá dìa giống chủ yếu là từ ngoài biển dạt vào được nông dân ở vùng Hội An thu gom đem bán khi cá còn đang nhỏ xíu. Ông Hổ thu mua tiếp tục nuôi giống cho đến khi vừa bán. “Cá giống còn phụ thuộc vào thiên nhiên nên năm ít năm nhiều, năm nay cá giống nhiều nên ngoài nuôi cá thương phẩm tôi còn nuôi cá giống. Riêng tiền bán cá giống năm nay đã thu lãi về 1,2 tỷ đồng“, ông Hổ cho biết. Hiện cá dìa giống được ông Hổ cung cấp cho các trại nuôi cá ở Hội An, Thừa Thiên – Huế và các hộ dân ở trên địa bàn xã và cung vẫn không đủ cầu.

Đánh giá về mô hình, ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Liên cho biết, cơ sở nuôi cá dìa của ông Hổ có tính kinh tế điển hình của xã, đem lại thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

Không chỉ mang lại thu nhập cao cho bản thân, công việc nuôi cá dìa của ông Hổ còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hiện ông Hổ đang thuê 7 lao động với mức lương 7 triệu đồng/tháng, đồng thời miễn phí ăn ở.

Khánh Hồng – Dân trí

QUẢNG BÌNH: Thu nhập cao nhờ nuôi cá dìa trong ao đất

Cá dìa có hình bầu dục dẹt hai bên, mắt to tròn, đầu nhỏ, thân trơn nhẵn, mầu hơi đen, trên thân có những chấm vàng sẫm, bụng mầu bạc, vây lưng và vây hậu môn có gai cứng. Ở nước ta, cá dìa có ở hầu hết các tỉnh ven biển, trong đó phân bố nhiều nhất tại các vùng biển Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, do nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn, cho nên người dân vùng biển tại một số tỉnh miền trung đã thu vớt giống tự nhiên đưa vào ương nuôi, bước đầu đã cho thu nhập cao.

Nuôi độc canh cá dìa, nuôi cá dìa xen ghép trong ao đất, nhất là tại các vùng nuôi tôm kém hiệu quả là giải pháp đã được một số hộ dân tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình áp dụng và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Cá dìa có giá trị kinh tế cao, thuộc loài cá rộng muối, thịt thơm ngon chứa nhiều chất béo, bổ dưỡng, ít xương, được thị trường ưa chuộng.

Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã triển khai mô hình nuôi cá dìa thương phẩm tại vùng nuôi trồng thủy sản mặn lợ của phường Phú Hải, TP Đồng Hới và xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch trên diện tích 4.000 m2, sau sáu tháng triển khai cho thấy, cá có tỷ lệ sống hơn 85%, trọng lượng thu hoạch trung bình 160 g/con, sản lượng ước đạt 800 kg.

                                                                                                                           Theo Nhân Dân

KHÁNH HÒA: Thử nghiệm thành công khung lồng bằng vật liệu FRP

Chiều 20/5/2021, Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa đã nhận báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh (FRP – Fibeglass Reinfored Plastic) để sản xuất khung lồng nuôi thủy sản trên biển từ Trường Đại học Nha Trang.

Nhiệm vụ do ông Huỳnh Văn Vũ – Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường Đại học Nha Trang làm chủ nhiệm, thực hiện trong thời gian 36 tháng. Đến nay, qua hơn 6 tháng triển khai, đơn vị thực hiện đã hoàn thành thiết kế, nghiên cứu và chế tạo hoàn thiện 1 khung lồng nuôi bằng vật liệu FRP để đưa vào nuôi thử nghiệm thủy sản trên biển.

Khung lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu FRP. Ảnh: VNC Chế Tạo Tàu Thủy.

Vật liệu FRP được tạo ra từ nhựa nhiệt rắn kết hợp với cốt sợi thủy tinh và chất kết dính làm vật liệu có khả năng chịu lực và độ cao. Nhờ liên kết bền vững của cốt sợi thủy tinh và chất kết dính nên vật liệu có khả năng chống lại sự oxy hóa và sự ăn mòn của axit cao. Khung lồng nuôi này sẽ được đưa đến khu vực đầm Nha Phu để nuôi thử nghiệm thủy sản nhằm đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng vật liệu FRP vào sản xuất lồng nuôi thủy sản trên biển.

PHÚ YÊN: Rủi ro không kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ tôm hùm giống

Sở NN-PTNT Phú Yên vừa phối hợp với UBND Thị xã Sông Cầu kiểm tra việc thực hiện kiểm dịch, kinh doanh tôm hùm giống ở địa phương này. Trên địa bàn Thị xã Sông Cầu có 28 cơ sở kinh doanh tôm hùm giống, trong đó có 13 cơ sở lớn nhập con giống trực tiếp từ tỉnh Khánh Hòa về. Còn lại là các cơ sở nhỏ lẻ, chủ yếu là đầu mối phân phối giống cho các cơ sở trên. Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết người nuôi tôm hùm chưa quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ các lô tôm hùm giống, gây rủi ro rất cao.

Tôm hùm giống được người dân mua gom.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục đã kiểm dịch được 2.989.500 con tôm hùm giống nhập về Phú Yên. Việc xét nghiệm bệnh, kiểm dịch đối với tôm hùm giống được cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, hầu hết người nuôi chưa yêu cầu người bán cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và các giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc xuất xứ lô tôm giống. Do đó, các cơ sở kinh doanh thường không cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch lô hàng từ Khánh Hòa về Phú Yên cho người mua.

Giống tôm hùm được vận chuyển bằng xe ô tô con, không phải xe chuyên dụng, từ Khánh Hòa về Phú Yên qua nhiều đường khác nhau, thời gian nhập giống về không cố định, bán và giao tôm giống trực tiếp tại vùng nuôi. Trong khi lực lượng cán bộ kiểm dịch đầu mối giao thông ít, do đó, ngành chức năng rất khó phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về kiểm dịch vận chuyển và không thể kiểm soát được hoàn toàn số lượng tôm hùm giống nhập về tỉnh.

Bên cạnh đó, mặc dù giống tôm hùm được xét nghiệm bệnh, kiểm dịch đạt yêu cầu để lưu thông, buôn bán trên thị trường, nhưng chất lượng tôm hùm giống nhập khẩu thường không ổn định, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng, thời gian lưu giữ giống trên bờ, quá trình bảo quản trong khâu vận chuyển, nguồn gốc giống; trong thời gian thả ương nuôi, tỉ lệ sống còn phụ thuộc nhiều vào môi trường nuôi, mật độ, dinh dưỡng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ sở kinh doanh tôm hùm giống trên địa bàn Thị xã Sông Cầu nhập chủ yếu là tôm hùm bông (nguồn gốc từ Philippines) đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa kiểm dịch và các cơ sở này chỉ bán cho người dân ương nuôi tại các vùng ở huyện Tuy An, Thị xã Đông Hòa và Thị xã Sông Cầu. Tỉ lệ sống của các lô tôm giống thả ương vừa qua tại các khu vực này đạt thấp hơn so với trước đây, trung bình khoảng 50-60%.

Vì vậy trong thời gian tới Sở NN-PTNT Phú Yên sẽ thành lập đoàn công tác liên ngành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tôm hùm giống nhập về Phú Yên; có giải pháp quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển tôm hùm giống nhập về nhưng chưa được kiểm dịch và vi phạm các quy định về quản lý chất lượng giống cũng như tổ chức công tác kiểm dịch đối với các lô tôm hùm giống nhập về Phú Yên theo quy định.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và thú y Phú Yên sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y các tỉnh có xuất tôm hùm giống về Phú Yên (đặc biệt là Khánh Hòa) để nắm bắt tình hình, chủ động hơn trong công tác quản lý, kiểm soát giống tôm hùm nhập về.

QUẢNG NGÃI: Xây dựng chương trình phát triển thủy sản bền vững

UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở NN-PTNT tỉnh tham khảo thêm ý kiến của Bộ NN-PTNT để xác định và đề xuất việc xây dựng chiến lược phát triển thủy sản bền vững của tỉnh trong thời gian đến cho phù hợp. Theo đó, Chương trình phát triển thủy sản bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 phải được nghiên cứu xây dựng bài bản, khoa học, lấy ý kiến đóng góp địa phương, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trong tháng 9-2021.

Quảng Ngãi đang gặp nhiều hệ lụy do nuôi biển tự phát.

Quảng Ngãi có 5 huyện, thị xã, thành phố ven biển và 1 huyện đảo, có có bờ biển dài hơn 130 km với 6 cửa biển lớn cùng với diện tích mặt nước ao hồ lớn nên tiềm năng, lợi thế phát triển thủy sản là rất lớn. Thực tế trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy sự phát triển ngành thủy sản của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế

Nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi đang suy giảm cả số lượng, chất lượng. Do đó, cần phải tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chấm dứt tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và sử dụng ngư cụ cấm khai thác để khai thác thủy sản. Quản lý triệt để khai thác ven bờ, phục hồi nguồn lợi thủy sản ven bờ. Nâng cao vai trò của cộng đồng trong khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Khu bảo tồn biển Lý Sơn mục tiêu trở thành khu sinh thái biển mang tính đa dạng sinh học cao phục vụ phát triển kinh tế biển thì cần phải khoanh vùng khu vực cấm đánh bắt thủy sản và nghiên cứu việc trồng và cấy san hô tại khu vực biển ven đảo Lý Sơn.

Tập trung đẩy mạnh việc nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền quy định, hạn chế việc nuôi tôm trên cát. Tận dụng tối đa các lòng hồ thủy điện, hồ thủy lợi để nghiên cứu, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng xã hội hóa, ưu tiên các hộ dân nghèo tại địa phương tham gia để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Tập trung củng cố các cơ sở chế biến đang có, có giải pháp xử lý triệt để các vấn đề về môi trường trước khi thải nước thải ra ngoài môi trường. Khuyến khích phát triển các kho lạnh trữ sản phẩm thủy sản, không cho phép đầu tư các cơ sở chế biến thủy sản tại các cảng cá.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ngãi là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản thấp so với các tỉnh trong khu vực miền trung. Diện tích ao hồ nuôi năm 2020 là 1.557,1 ha. Diện tích thả nuôi thủy sản cộng dồn là 1.790ha; nuôi biển với số lượng bè nuôi 45 bè (khoảng 800 lồng).

Nuôi trồng thủy sản mặn, lợ ở Quảng Ngãi trong thời gian qua tuy có sự biến động tăng, giảm về diện tích và sản lượng qua từng năm nhưng nhìn chung đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, mang lại hiểu quả thiết thực cho người dân, tạo công ăn việc làm, không chỉ góp phần xoá đói giảm nghèo mà còn làm giàu cho nhiều hộ, mặt khác góp phần đáng kể chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở một số huyện, xã ven biển.

Bên cạnh đó, một số đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế (tôm hùm, cá bớp, cá bè vẫu, hàu Thái Bình Dương, ốc hương, hải sâm…) đã được đưa vào nuôi thành công tại Quảng Ngãi, nghề nuôi thủy sản biển bắt đầu phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.