Thời điểm vàng phát triển ngành rong biển Việt Nam

LTS. Trong một thời gian dài, Việt Nam ít quan tâm đến rong biển. Đã đến lúc cần xây dựng và phát triển công nghiệp rong biển, bao gồm trồng và chế biến rong biển, trên nền tảng tăng cường công tác nghiên cứu, đào tạo nhân lực, thu hút đầu tư và xây dựng chính sách hỗ trợ. Tạp chí Vươn Khơi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuộc phỏng vấn PGS.TS Ngô Đăng Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường (Đại học Nha Trang) trong chuyên đề rong biển.

PV: Thưa ông, nước ta có bờ biển dài 3.260km2 với diện tích mặt nước khoảng 1 triệu km2, nhiều vùng biển rất thích hợp cho việc phát triển ngành rong biển, đặc biệt là vùng miền Trung có bờ biển đá và dải biến thiên nhiệt độ hẹp. Là một nhà nghiên cứu về lĩnh vực này, xin ông giới thiệu về tiềm năngtriển vọng để phát triền ngành rong biển ở Việt Nam.

PGS.TS Ngô Đăng Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường (Đại học Nha Trang)

PGS.TS Ngô Đăng Nghĩa: Rong biển tại Việt Nam rất đa dạng, cho đến nay các nghiên cứu đã ghi nhận khoảng 350 loài rong lớn (macroalgae). Trong đó, các chi có sản lượng tự nhiên hoặc trồng quan trọng là rong mơ (Sargassum), rong câu (Gracilaria), rong mứt (Porphyra) rong sụn (Kappaphycus), rong nho (Caulerpa). Ngoài ra còn một số loài rong khác có giá trị cần được phát triển như Asparagopsis taxiformis có ý nghĩa trong chăn nuôi làm giảm phát thải khí mêtan.

Bên cạnh các ngành rong lớn, Việt Nam còn rất giàu các loài vi tảo, hiện đang được các cơ sở nuôi thuỷ sản phát triển để làm thức ăn cho tôm cá, hay vi tảo Spirulina rất có giá trị làm thực phẩm bổ sung cho người.

Về công nghiệp chế biến, Việt Nam đã có truyền thống chế biến các loại rong thực phẩm từ lâu đời như rong mứt, rong câu. Riêng công nghiệp chế biến các loại keo rong đã có từ thập niên 60 như chế biến agar, alginate. Hiện nay công nghiệp chế biến carrageenan đang được chú ý. Về các chế phẩm y học đã có một công ty chiết xuất fucoidan từ rong đỏ. Bên cạnh đó, còn nhiều công ty nhỏ sản xuất các sản phẩm từ rong như rong khô, rong làm nước uống. Tuy vậy, do đầu tư không đủ về kỹ thuật và phát triển thị trường, công nghiệp chế biến rong biển Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh về chất lượng và thương hiệu.

Với tiềm năng về mặt biển, về đa dạng sinh học và trình độ nhân lực, Việt Nam có tiềm năng và triển vọng lớn trong việc phát triển công nghiệp rong biển.

PV: Trong tiềm thức của người Việt, rong rêu không phải là là thứ quý. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do có sự “khuếch tán” văn hóa từ các nước lân cận, người Việt – nhất là giới trẻ – đã bắt đầu chú ý đến rong biển. Ông chia sẻ gì về điều này?

PGS.TS Ngô Đăng Nghĩa: Vâng, sự khuếch tán văn hoá mà bạn dùng là rất đúng. Cách đây hơn hai thập niên, người mình ít để ý các sản phẩm rong biển. Chủ yếu là các món ăn truyền thống như canh rong mứt, chè rau câu chân vịt, gỏi rong câu. Riêng chè rong hổ tai (Laminaria) nấu với đậu xanh là do người Hoa mang sang. Ảnh hưởng mạnh nhất là các nhà hàng Nhật với món sushi truyền thống với miếng rong biển quấn bên ngoài mà người Nhật gọi là nori, chủ yếu làm từ rong mứt (Porphyra).

Nori là món rong biển rất được nhiều người ưa thích. Bên cạnh các nguyên tố đa lượng và vi lượng có ích, rong mứt rất  giàu vitamin B12. Từ các tấm rong biển đó, người ta chế biến ra nhiều loại khác nhau như tẩm gia vị, chiên, nướng thành các loại snack. Bên cạnh các sản phẩm của Nhật, Hàn Quốc là nước xuất khẩu rất nhiều món ăn từ rong biển và được các bạn trẻ ưa thích cùng với văn hoá Hàn Quốc. Được tẩm gia vị, các món ăn từ rong giảm đáng kể mùi rong và hợp với khẩu vị người Việt hơn. Trung Quốc hiện nay cũng sản xuất nori cùng với vùng trồng rong Porphyra khá lớn.

Rong biển là thực phẩm rất tốt vì ít chất béo, nhiều acid béo không bão hoà như EPA, DHA, giàu các nguyên tố đa lượng và vi lượng cần thiết hơn các thực vật trên cạn, chứa các sắc tố, các hợp chất có hoạt tính sinh học như chống oxy hoá, giàu chất xơ, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính do lão hoá.

Việc lan rộng nhận thức về sự ích lợi của các món ăn rong biển do ảnh hưởng của văn hoá Nhật Bản và Hàn Quốc là rất tốt cho nước ta. Trước đây nước Pháp phải chi rất nhiều tiền của chính phủ để quảng bá về ích lợi của việc  ăn rong biển cho người dân. Ở trường Đại học Nha Trang (Đại học Thuỷ sản trước đây), việc giảng dạy và nghiên cứu rong biển đã có từ hơn nửa thế kỷ nay. Rất nhiều thế hệ kỹ sư ra trường đã góp phần lan truyền kiến thức và công nghệ rong biển cho xã hội.  

PV: Nhiều người dân ven biển muốn học hỏi về kỹ thuật trồng rong, ông có thể chia sẻ về điều này?

PGS.TS Ngô Đăng Nghĩa: So với nuôi tôm cá, đầu tư cho trồng rong biển ít hơn nhiều và chi phí vận hành cũng thấp vì không cần bón phân hay cho ăn như tôm cá.

Rong biển có đặc điểm hấp thu mạnh một số ion kim loại, các chất hữu cơ từ chất thải, đo đó vùng biển trồng rong phải sạch, xa các cửa sông ô nhiễm. Bên cạnh đó, nhiệt độ, độ mặn, độ pH, độ đục, mùa, thuỷ triều, dòng chảy, lượng mưa và bão có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của rong biển.

Tôi chỉ xin nêu một số điểm cần lưu ý. Đầu tiên là phải chọn đúng vùng biển cho từng loại rong, có loại rong mọc ở vùng triều nơi có sóng đập, có loại rong phát triển ở vùng nước sâu. Chủ yếu là kiểm soát bệnh cho rong. Cũng cần chú ý là khi trồng ở biển, không thể phun thuốc hay bón phân như cây trồng trên đất liền. Một số loại cá ăn rong cũng gây thiệt hại cho rong.

Về kỹ thuật trồng rong, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) có thể đứng ra tổ chức các lớp chuyển giao công nghệ chuyên nghiệp do các chuyên gia giàu kinh nghiệm đảm nhận.

PV: Có thế kết hợp trồng rong với một số loài thủy hải sản khác được không, thưa ông?

PGS.TS Ngô Đăng Nghĩa: Hiện nay trên thế giới đã có nhiều mô hình nuôi kết hợp các loài thuỷ sản như tôm cá cùng với vẹm và rong biển để làm sạch môi trường qua việc sử dụng các thức ăn thừa dạng rắn (vẹm) và dạng hoà tan (rong biển). Các mô hình đó tận dụng tối đa thức ăn để tạo sinh khối và bảo vệ môi trường.

Ở nước ta đã có nhiều mô hình nuôi kết hợp tương tự giữa cá biển, vẹm, rong sụn hoặc rong câu. Tuy vậy, việc thiết lập và vận hành các mô hình như vậy cần có nhiều kinh nghiệm.

PV: Tuy nhiên, hiện nay ngành rong biển chưa được chú trọng đầu tư tương xứng với giá trị của nó, ông có đưa ra ý kiến hoặc đề xuất giải pháp gì với các nhà quản lý, chính quyền địa phương để phát triển thêm sinh kế cho người dân ven biển và cơ hội cho ngành này được phát triển đúng thời điểm thưa ông?

PGS.TS Ngô Đăng Nghĩa: Như đã phân tích ở trên, trước triển vọng lớn lao của công nghiệp rong biển, ngày càng nhiều người quan tâm đến việc cần thiết phải phát triển ngành công nghiệp giàu tiềm năng này. Để thực hiện tốt việc này, cần có sự kết hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa chính quyền (chính sách), doanh nghiệp (đầu tư) và các viện trường (nghiên cứu). Không nên quan niệm việc trồng rong biển như trồng cây trên cạn, chỉ là việc của người dân mà năm nào cũng lâm vào cảnh được mùa mất giá phải giải cứu.

Một nhà máy chế biến carrageenan của Công ty Mobel Biotechnology Co. Ltd.

Việc trồng rong biển phải nằm trong quy hoạch đồng bộ với các nhà máy chế biến và hệ thống phân phối sản phẩm. Như ở Pháp, bên cạnh các khu vực trồng rong biển người ta phát triển một loạt các nhà máy chế biến rong rất đa dạng từ thực phẩm cho đến các chế phẩm sinh học, y dược và nhiên liệu sinh học. Việc kinh doanh thương mại quốc tế cũng được tổ chức đồng bộ và được nhà nước hỗ trợ về chính sách và tín dụng.

Trở ngại lớn nhất hiện nay ở nước ta là việc đồng bộ của 3 khối này. Có thể chính sách chủ trương thì đúng nhưng khi thực hiện thì rất nhiều trở ngại phát sinh. Từ nghiên cứu đến ứng dụng cũng không hề dễ dàng. Theo tôi các tỉnh ven biển có rất nhiều tiềm năng trồng rong, ngoài các ích lợi kể trên, còn kể đến rong là một nguồn thay thế rau xanh trong bối cảnh thiếu nước ngọt từ các sông suối do xâm nhập mặn vào mùa khô trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng.

Từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã có rất nhiều cuộc họp và hội nghị với các chính quyền địa phương để phát triển nuôi biển nói chung và trồng rong biển nói riêng. Tín hiệu tích cực là các chính quyền địa phương đều rất ủng hộ hội trong việc này. Tuy vậy, từ đó đến các hành động cụ thể còn nhiều việc phải bàn. Hy vọng với các nỗ lực hiện nay từ VSA, công nghiệp trồng và chế biến rong biển sẽ được quan tâm nhiều hơn và có nhiều khởi sắc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

                                                                                    Diệp Anh thực hiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.