Tính toán sơ bộ, muốn ra được Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao ở Khánh Hòa phải 'vượt ải' tới... 9 bộ, ngành trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Nghề nuôi biển ở vịnh Vân Phong. Ảnh: Kim Sơ.
Thủ phủ nuôi biển khóc ròng
Đứng thẫn thờ bên vùng nuôi biển ở vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), ông Võ Văn Thái, HTX nuôi trồng thủy sản - du lịch Vân Phong chán ngán: Người ta nói họa vô đơn chí nhưng thời điểm này người nuôi biển ở Vạn Ninh đang phải gánh chịu vô số tai họa. Thị trường xuống đáy, dịch bệnh hoành hành, tiền bạc gia sản đổ hết vào nuôi biển nhưng không biết rồi đây có còn biển để mà nuôi nữa hay không.
Vạn Ninh là một trong những thủ phủ nuôi biển ở tỉnh Khánh Hòa, cùng với Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh. Nghề nuôi biển ở đây xuất hiện từ khoảng năm 1993 khi phong trào nuôi tôm hùm và một số loài cá biển mang giá trị kinh tế lớn bùng phát.
Người ở địa phương đổ xô nuôi biển đã đành, dân từ ngoài Phú Yên, từ trong Ninh Thuận cũng kéo đến Vạn Ninh nuôi biển. Trước năm 2015, vùng nuôi biển của Vạn Ninh tập trung chủ yếu ở khu vực Lạch Cổ Cò, khu vực phía Đông đảo Hòn Vung - Hòn Bịp - Hòn Mao và khu vực ven bờ Xuân Tự. Rộng lên đến hơn 1,134 nghìn ha và chủ yếu là nuôi trồng tự phát.
“Lão ngư” Võ Văn Thái lênh đênh trên vịnh Vân Phong ngót hơn hai chục năm nay, thăng trầm của nghề nuôi biển không có gì là chưa nếm trải. Nói rằng ban đầu chỉ là những “quần cư” nuôi biển, mặt nước vịnh mênh mông, ai muốn nuôi chỗ nào cũng được. Dần dà có thêm các doanh nghiệp nuôi biển vào đầu tư, diện tích nuôi của bà con cứ bị thu hẹp dần.
Năm 2018, theo Quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh Khánh Hòa, huyện Vạn Ninh chỉ còn 6 vùng mặt nước được phép nuôi trồng với diện tích còn 550 ha. Năm 2022 giảm xuống 4 vùng, chỉ còn 350 ha được phép nuôi ở Rạn Trào, Hòn Vung, Mũi Cổ Cò, Bãi Nặm - Bãi Sau. Trong khi đó, theo thống kê của huyện Vạn Ninh, đến hết năm 2023 toàn huyện có khoảng 1,352 nghìn hộ nuôi với hơn 1,848 nghìn bè, gần 3 nghìn lao động, chủ yếu nuôi tôm hùm, cá biển và hàu.
"Thắng thua sao không rõ chớ thấy chuyển từ nhà lớn sang nhà nhỏ hết trơn à". Chỉ một câu nói bâng quơ của ông Thái như vậy mà lột tả gần hết thực trạng người nuôi biển ở huyện Vạn Ninh. Sau thời kỳ hoàng kim những năm đầu, độ 3-4 năm trở lại đây nghề nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh quả thật bi đát.
Giá tôm hùm bông ở thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/kg, trong khi đó chỉ riêng tiền giống, tiền thức ăn đã hơn 800 nghìn đồng/con. 34 thành viên trong hợp tác xã Vân Phong đồng loạt rơi vào tình trạng thua lỗ. Cộng với mấy năm nay nguồn nước trong vịnh bị ô nhiễm do tình trạng nuôi quá tải, dịch bệnh “đen mang” hoành hành khiến “tôm chết đã đời”, nhiều vụ người nuôi tôm hùm lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.
Bà con phàn nàn, dẫu đã xác định nuôi biển là lắm rủi ro, mất vụ này, vụ sau có thể làm lại được nhưng vấn đề nan giải nhất ở Vạn Ninh hiện nay là chưa rõ tương lai sẽ như thế nào. Diện tích nuôi biển cứ giảm dần theo quy hoạch, trong khi đó trên địa bàn huyện Vạn Ninh vẫn còn khoảng 1,696 nghìn bè nuôi biển ngoài vùng quy định. Bức bách đến nỗi một số diện tích nuôi trồng của bà con còn chồng lấn với các doanh nghiệp nuôi biển đã được UBND tỉnh cấp phép.
Dù biết chủ trương của Nhà nước là định hướng nuôi biển ra xa bờ, nhưng ra ở đâu, thủ tục cấp phép như thế nào đang còn quá mơ hồ.
“Không có giấy phép nuôi biển thì không làm gì được cả”, các thành viên ở HTX Vân Phong khẳng định. Không được cấp mặt nước đồng nghĩa với không có cơ sở xây dựng mã số vùng nuôi, trong khi các doanh nghiệp liên kết để xuất khẩu bây giờ cần nhất là cái đó. Chưa kể, đầu tư nuôi biển cần rất nhiều vốn, đổ cả gia tài xuống nước lỡ mai này Nhà nước đuổi thì dân biết đi đâu, hay là lại bảo chúng tôi kéo lồng nuôi lên phơi bờ?
Đem những thắc mắc của người dân chia sẻ với ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, chính ông Ý cũng tâm tư: Nuôi biển trên vịnh Vân Phong là nghề truyền thống của ngư dân huyện Vạn Ninh và đó là nguồn sống chủ yếu của họ. Quy hoạch, cấp phép như thế nào, hỗ trợ người dân chuyển đổi ra sao là những vấn đề rất khó.
"Khó nhất là vì Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 mặc dù đã tích hợp quy hoạch phát triển thủy sản tuy nhiên đến nay vẫn chưa có tọa độ, mốc giới rõ ràng. Thứ hai là Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hoà đến nay vẫn chưa được Trung ương phê duyệt. Nghe đâu là còn vướng tới rất nhiều bộ ngành nên địa phương cũng chưa có cơ sở để hướng dẫn bà con", ông Ý nói.
Mới và khó
Đó là 2 từ mà Tỉnh ủy Khánh Hòa xác định khi tỉnh này được giao xây dựng Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa.
Với đường bờ biển dài 385 km, hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ và nhiều đầm, vịnh kín gió cùng với các cảng nước sâu nên nuôi biển được xác định là rất thuận lợi với Khánh Hòa. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt khoảng 1,1 nghìn ha, sản lượng nuôi tầm 15 nghìn tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 725 triệu đô la Mỹ…
Kể từ khi được Trung ương giao xây dựng Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao, cả hệ thống chính trị tỉnh Khánh Hòa cùng vào cuộc xây dựng đề cương chi tiết nhưng gặp muôn vàn những khó khăn.
Tháng 9/2022, Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa từng phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III tổ chức một cuộc Hội thảo với 19 cơ quan, đơn vị quản lý, 8 cơ quan nghiên cứu khoa học, trường Đại học, 7 doanh nghiệp, 4 Hiệp hội, quỹ và hơn 30 nhà khoa học chuyên ngành…
Cái khó lớn nhất của Khánh Hòa hiện nay vẫn là quy hoạch. Tính toán sơ bộ, muốn ra được Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao ở Khánh Hòa phải “vượt ải” tới 9 bộ, ngành trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Chưa kể quá trình thực hiện còn phải căn cứ Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050…
Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: Hiện nay, Khánh Hòa đang có hơn 4 nghìn ha nuôi biển nước lợ và quy hoạch khoảng hơn 2,7 nghìn ha nuôi biển công nghệ cao. Khánh Hòa cũng là địa phương đầu tiên thu hút các nhà đầu tư nuôi biển thành công ở vịnh Vân Phong như mô hình nuôi cá chẽm của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, mô hình của Trung tâm nuôi biển công nghệ cao nuôi cá chim vây vàng, mô hình của Công ty Cổ phần Nuôi trồng Thủy sản Phương Minh…
Khánh Hòa cũng đã xây dựng chiến lược, chính sách nuôi biển với mục tiêu nuôi xa bờ, tuy nhiên tất cả đều đang phải chờ phê duyệt của Trung ương.
Tỉnh chờ Trung ương, doanh nghiệp thì đang chờ tỉnh, cho nên câu chuyện nuôi biển ở Khánh Hòa đến nay vẫn còn là bài toán hóc búa. Điển hình như mô hình nuôi biển của Trung tâm nuôi biển công nghệ cao trực thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I.
Từ năm 2013, trung tâm này là một trong những mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp đầu tiên của Khánh Hòa với diện tích hơn 10 ha ở vịnh Vân Phong. Trong đó có 20 lồng tròn HDPE theo công nghệ khép kín của Na Uy, mỗi lồng có chu vi 60m chủ yếu nuôi cá chim vây vàng thương phẩm, 22 lồng nhựa HDPE để nuôi cá bố mẹ và ương cá giống. Đây chính là mô hình nuôi cá chim vây vàng theo hướng công nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Thế nhưng từ tháng 10/2020 đến nay, sau khi giấy phép cũ hết hạn, trung tâm đã nhiều lần xin gia hạn cấp phép mặt nước nhưng vẫn chưa được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt.
Lý do theo ông Phạm Đức Phương, Giám đốc Trung tâm nuôi biển công nghệ cao là còn vướng đến các quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong, quy hoạch của tỉnh và nhiều quy hoạch khác. Vấn đề tương tự cũng đang xảy ra đối với một số doanh nghiệp đầu tư nuôi biển theo quy mô công nghiệp ở Khánh Hòa.
"Nếu không sớm có quy hoạch, cấp phép rõ ràng hệ lụy nuôi biển ở vịnh Vân Phong chắc chắn sẽ càng lớn. Tình trạng nuôi biển tự phát, không bài bản đến nay đã gây ra nhiều hệ lụy môi trường, chất lượng nước một số điểm không thể nuôi biển được nữa. Trong khi đó người dân muốn chuyển đổi sang nuôi biển ở những khu vực xa bờ cần nguồn vốn lớn, công nghệ cao và chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cho nên nếu không giải quyết được các rào cản hiện nay thì câu chuyện nuôi biển ở Khánh Hòa sẽ càng nan giải", ông Phương khẳng định.
Thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa thể hiện, toàn tỉnh hiện có khoảng 74,55 nghìn lồng nuôi biển, chủ yếu là tôm hùm và cá, sản lượng ước đạt 10.000 tấn/năm, đã tạo việc làm cho hơn 4 nghìn lao động nông thôn và chiếm khoảng 1/5 tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản toàn tỉnh. Chiến lược nuôi biển của tỉnh Khánh Hòa chủ yếu sẽ đưa nuôi biển tiến ra xa bờ. Vấn đề rà soát, sắp xếp lại ngành hàng nuôi biển thế nào, chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi ra sao vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn.
Hoàng Anh - Kiên Trung- Kim Sơ (Báo Nông Nghiệp Việt Nam)