Nghề nuôi tôm hùm phát triển mạnh ở Phú Yên, nhất là ở TX Sông Cầu đã mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề này gặp nhiều khó khăn do môi trường nuôi bị ô nhiễm khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ không ổn định… Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương liên quan sớm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giúp nghề nuôi tôm hùm phát triển theo hướng bền vững.
Người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu kéo lồng nuôi lên mặt nước để thu hoạch tôm - Ảnh: ANH NGỌC
Môi trường bị ô nhiễm nặng
Theo Sở NN-PTNT, nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên phát triển từ những năm 1990. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều vùng nuôi loại thủy sản này, trong đó trọng điểm là vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (TX Sông Cầu), Vũng Rô (huyện Đông Hòa). Tỉnh hiện có khoảng 33.590 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là tôm bông, tôm xanh (đá), tôm sỏi, tôm tre và tôm đỏ, với sản lượng khoảng 650-680 tấn/năm, giá trị kinh tế mang lại hơn 1.020 tỉ đồng/năm đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, thời gian qua do nghề nuôi tôm hùm phát triển mang tính tự phát, không theo quy hoạch nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi ngày càng nghiêm trọng.
Ông Trần Minh Phương ở xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu), cho biết: “Nghề nuôi tôm hùm đã tạo ra nguồn thu nhập lớn cho người dân ven biển, nhưng rủi ro cũng rất cao do người dân phát triển lồng nuôi tôm rất nhanh, mật độ nuôi lại dày đã khiến vùng nuôi bị quá tải, dẫn đến dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp”. Còn ông Trần Văn Thọ ở phường Xuân Đài (TX Sông Cầu), cho biết: Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi tôm hùm, nhất là ở vịnh Xuân Đài là do chính người dân gây ra, do lượng thức ăn thừa trong quá trình nuôi tôm và rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân vứt xuống vịnh rất lớn…
PGS, TS Nguyễn Phú Hòa - Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, nói: Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy tại hai vùng nuôi tôm hùm xã Xuân Phương và phường Xuân Yên thuộc vịnh Xuân Đài mỗi ngày có khoảng 100 tấn thức ăn tươi sống được đưa xuống vịnh để cho tôm ăn, nhưng đa số người nuôi chưa có biện pháp xử lý thức ăn thừa. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm. Ngoài ra, các nguồn thải khác như rác sinh hoạt hàng ngày của người dân sinh sống quanh vịnh, các ao hồ nuôi thủy sản ven vịnh (ốc hương, tôm thẻ chân trắng, tôm sú)… cũng góp phần làm cho môi trường nước vịnh Xuân Đài ô nhiễm nghiêm trọng hơn.
Nhiều tồn tại trong quản lý
UBND tỉnh đã phê duyệt các quy hoạch nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2001-2010 và định hướng đến năm 2020; quy hoạch nuôi trồng thủy sản nước lợ mặn vùng ven biển tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Hàng năm UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản tại các vùng nuôi tập trung, trong đó bao gồm các vùng nuôi tôm hùm. TX Sông Cầu cũng đã phân vùng nuôi trồng thủy sản trên đầm, vịnh cho các xã, phường của thị xã. Tuy nhiên, việc triển khai và quản lý theo quy hoạch, phân vùng hiện nay ở các địa phương có nuôi thủy sản chưa hiệu quả, phát triển vùng nuôi mang tính tự phát và người nuôi không khai báo.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Mặc dù đã có quy hoạch tổng thể vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ trên toàn tỉnh nhưng hầu hết địa phương chưa thực hiện quy hoạch chi tiết các vùng nuôi nên khó khăn trong việc quản lý và giao, cho thuê mặt nước. Thông tin về môi trường và dịch bệnh chưa kịp thời dẫn đến công tác chỉ đạo còn chậm. Các địa phương chưa có giải pháp triệt để trong xử lý môi trường khi bị ô nhiễm; trong khi đó phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm lại ít được người dân áp dụng. Thêm vào đó là tình trạng tôm hùm giống chưa được ngành chức năng kiểm dịch vẫn phổ biến, khiến cho công tác quản lý dịch bệnh càng thêm khó khăn.
“Từ thực tế tại các vùng nuôi tôm hùm hiện nay, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt đề cương, nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết và bố trí nguồn kinh phí cho các địa phương thực hiện; bổ sung biên chế và kinh phí quản lý nuôi trồng thủy sản; giao quyền quản lý, khai thác cho các tổ cộng đồng và chỉ đạo hệ thống chính trị tham gia quản lý nuôi trồng thủy sản, từng bước làm thay đổi nhận thức người dân, đảm bảo phát triển bền vững. Sở cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Thú y xây dựng phác đồ điều trị mới trên dịch bệnh tôm hùm, đặt hàng cho các viện, trường, doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất giống tôm hùm, thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tươi sống và ứng dụng mô hình nuôi mới đạt hiệu quả mà không tác động tiêu cực đến môi trường. Bộ NN-PTNT sớm ban hành quy chuẩn về kỹ thuật nuôi tôm hùm, nghiên cứu, khảo sát mở rộng thị trường xuất khẩu tôm hùm, hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”, ông Phương cho biết thêm.
Gấp rút triển khai đồng bộ các giải pháp
Để phát triển nghề nuôi tôm hùm theo hướng bền vững, Sở NN-PTNT đã đưa ra các giải pháp như: không phát sinh thêm hộ nuôi, lồng bè mới và nghiêm cấm việc tự ý cắm cọc tre, treo lốp xe… để nuôi hàu. Các địa phương tạm thời phân vùng mặt nước nuôi lồng bè theo quy hoạch tổng thể để sắp xếp lại lồng bè nuôi hợp lý như Bộ NN-PTNT hướng dẫn.
Theo ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT), nghề nuôi tôm hùm mang lại giá trị kinh tế rất cao nhưng đang đứng trước những thách thức về quản lý, quy hoạch và chưa theo kịp thực tiễn sản xuất. Một số điểm đang nuôi tôm nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp dẫn tới phá vỡ quy hoạch. Để phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững thì phải có quy hoạch chi tiết và quản lý quy hoạch này, không để xảy ra việc nuôi tự phát của người dân.
PGS, TS Nguyễn Phú Hòa đưa ra khuyến cáo cho người nuôi tôm hùm: Nếu thấy tôm có biểu hiện bất thường như tôm bò lên gần nắp lồng, có nghĩa là tôm đang thiếu ôxy hoặc xuất hiện tảo độc, người nuôi cần cung cấp ôxy cho tôm bằng cách dùng ôxy hạt cho vào túi vải đặt vào nhiều vị trí đáy lồng nuôi hoặc thổi khí vào lồng và dùng zeolite hấp thu khí độc cục bộ tại lồng. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời, sau khi “cấp cứu” cho tôm thì người nuôi cần nâng lồng từ từ và di chuyển đến nơi khác có dòng chảy, thông thoáng hơn. Về biện pháp lâu dài, trách nhiệm của người nuôi phải xử lý lượng thức ăn thừa sau khi cho tôm ăn, có hệ thống thu thức ăn thừa, hạn chế việc nuôi vẹm và các đối tượng thủy sản khác tại khu vực nuôi tôm hùm. Chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ số lượng lồng nuôi, mật độ nuôi và các nguồn xả thải ra vùng nuôi tôm.
Còn PGS, TS Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho rằng, hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm hùm là tất yếu, trong đó khâu chọn giống cần được chú trọng. Vì vậy cần xây dựng vùng ương nuôi con giống để dễ dàng kiểm soát chất lượng. Giải quyết được khâu này thì chúng ta sẽ không phụ thuộc vào nguồn tôm giống ngoài tự nhiên, hay nhập khẩu từ nước ngoài. Tỉnh cần có kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đã tồn tại nhiều năm ở các vùng nuôi; đồng thời nhân rộng các mô hình nuôi tôm mới mang lại hiệu quả cao, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương mà các nhà khoa học đã nghiên cứu.
Các địa phương có nuôi tôm hùm phải sớm thành lập tổ quản lý cấp huyện để tăng cường quản lý vùng nuôi tốt hơn; đồng thời cần củng cố lại các tổ quản lý cộng đồng, ban hành các quy chế vùng nuôi và tổ chức thu gom rác thải, thức ăn thừa trong quá trình nuôi tôm. Sở TN-MT sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định về phân vùng nuôi, giao mặt nước cho người nuôi thủy sản; đánh giá các nguồn thải tại các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh và đưa ra giải pháp, kiến nghị xử lý. Sở NN-PTNT quản lý chặt chẽ nguồn con giống thủy sản, đặt hàng những đơn vị chuyên môn để có cảnh báo sớm về tình hình môi trường, dịch bệnh tại các vùng nuôi và đưa ra những giải pháp xử lý ô nhiễm đang tồn tại ở các vùng nuôi. Sớm quy hoạch chi tiết vùng nuôi thủy sản ở vịnh Xuân Đài và phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thử nghiệm các mô hình nuôi mới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế |
ANH NGỌC, baophuyen.vn