Đóng đáy từng là nghề mưu sinh của nhiều gia đình ở ấp Đông An, xã Phước Vĩnh Đông, (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), nhưng những năm gần đây, nguồn cá, tôm ít dần, nghề đóng đáy cũng bấp bênh theo con nước dòng sông Hàn. Nhiều người đành ngậm ngùi bỏ nghề, xóm Đáy năm nào giờ chỉ còn... cái tên.
Trong một ngày giữa tháng 4, chúng tôi về ấp Đông An, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, tìm hiểu về nghề đóng đáy. Men theo con đường đá đỏ cặp sông Hàn, xa xa là hình ảnh vài chiếc ghe đang thu đáy.
Ông Trần Văn Cần (ấp Đông An) chia sẻ: “Hồi trước, cả xóm này sống bằng nghề đóng đáy, giống như nghề "cha truyền con nối" với trên 30 hộ, nay chỉ còn 4 hộ. Cách đây 4 năm, gia đình tôi cũng bán ghe, bán đáy, lên bờ kiếm nghề khác mưu sinh”. Nghe có người tìm hiểu về nghề đóng đáy, ông Phan Tấn Vốn (ấp Đông An) cũng phụ họa.
Ông nói: “Cái đáy của gia đình giờ nằm một đống ngoài sân, bán không ai mua. Hồi đó, mua cái đáy tốn mấy chục cây vàng chứ không ít, ai giàu mới mua được 2 cái. Nghề đóng đáy lúc đó vui lắm! Cả xóm thức canh con nước sáng đêm, nghề này từng giúp người dân xóm tôi có cuộc sống sung túc, thu nhập rất cao. Năm 2000, người dân ra sông đóng đáy một chút là cá, tôm đầy ghe, đốt đèn lựa cả đêm cũng chưa hết, bỏ túi gần 2 triệu đồng/ngày, nhộn nhịp nhất từ tháng 10-12 (Âm lịch)”.
Theo người dân địa phương, xã Phước Vĩnh Đông nằm cặp sông Hàn, giáp biển Cần Giờ (TP HCM) nên nguồn thủy sản nước lợ như cá, tôm, cua rất dồi dào.
Đa số người dân nơi đây sống bằng nghề “bà cậu” (nghề câu, lưới cá), trong đó có đóng đáy. Cái tên xóm Đáy cũng được hình thành từ thập niên 70 của thế kỷ trước, gọi theo nghề đóng đáy một thời của hầu hết cư dân nơi đây.
Đóng đáy là cách đánh bắt cá, tôm phổ biến; đồng thời, là nét văn hóa độc đáo của người dân miền Tây Nam bộ.
Đóng đáy có nhiều cách như dùng cây cắm làm trụ, cột đáy căng ra trên sông gọi là đáy sông; dùng thuyền kết bè để căng đáy gọi là đáy bè; đem ra xa bờ dưới 10 hải lý gọi là đáy hàng cạn;... Dòng chảy của sông Hàn thích hợp đóng đáy neo, chỉ vài hộ đóng đáy thùng.
Theo ông Cần, cách đóng đáy neo trên dòng sông Hàn khá đơn giản với các dụng cụ chủ yếu như ghe, đáy dài 100m, miệng đáy rộng trên 20m (hay còn gọi là lưới), dây,...
Người dân sẽ canh con nước lớn nhưng đang có chiều hướng đứng im sẽ bắt đầu thả đáy. Sau khi thả đáy, nước sẽ chảy mạnh, miệng đáy mở rộng đón cá tôm; tiếp theo, người dân canh con nước rút khoảng 5-6 giờ sẽ thu đáy. Ngày trước, thủy sản dồi dào, thương lái đến tận ghe thu mua; giờ cá, tôm ít, người dân tự đem ra chợ bán để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Để hiểu hơn về nghề đóng đáy neo, ông Cần cho ghe chở chúng tôi ra gặp ông Phạm Văn Măng (1 trong 4 hộ còn theo nghề đóng đáy trên dòng sông Hàn).
Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, ông Măng nói: “Thức dậy từ lúc 2 giờ sáng để canh con nước lớn thả đáy nhưng bữa nay cũng chẳng thu hoạch được nhiều, chỉ có vài con tôm đất bán chưa được 100.000 đồng thì lấy tiền đâu lo cho gia đình. Nghề này thấy vậy chứ cực lắm, phải ngâm mình dưới nước thường xuyên và dùng sức kéo đáy nặng mấy trăm kilôgam, ai có sức khỏe dẻo dai mới làm được. Nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề nhưng giờ khó kiếm việc làm quá, đành bám nghề để mưu sinh được ngày nào đỡ ngày nấy”.
Chia tay những người còn bám nghề, chúng tôi ra về trong sự tiếc nuối vì có lẽ không lâu nữa xóm Đáy cũng chỉ còn... cái tên. Điều này đồng nghĩa nét đẹp miền sông nước rồi sẽ dần mất đi nghề đóng đáy trên dòng sông Hàn.