Cần chuyển đổi phương thức nuôi tôm hùm ở Phú Yên và Khánh Hòa

Tính đến ngày 26/5/2024, UBND thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã thống kê số lượng cá, tôm hùm nuôi bị chết hàng hoạt chỉ trong thời gian ngắn, gần 130 tấn. Nguyên nhân do thiếu hàm lượng oxy hòa tan trong nước. 281 hộ dân nuôi trồng gặp khó khăn, trong đó có nhiều hộ phải cầm cố căn nhà đang ở để vay tiền về nuôi tôm. Nếu không thay đổi căn bản phương thức nuôi cá, tôm hùm ở tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, thì sẽ tiếp tục gặp lại cảnh điêu đứng như vừa rồi.

Sò làm thức ăn tôm hùm, đồng thời làm ô nhiễm đáy biển. Ảnh: Lệ Giang

Ngư dân đã tạo ra lớp “khí độc” dưới đáy biển

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đưa ra lý do cá, tôm hùm chết hàng loạt ở Phú Yên vừa qua: “Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, số lượng lồng, bè ở đây có mật độ nuôi quá dày, khoảng cách giữa các lồng nuôi chỉ khoảng 0,6-1m. Theo kết quả đo đạc các thông số tại một số khu vực vùng nuôi, lúc nước ròng (khoảng 18-22 giờ), hàm lượng oxy hòa tan trong nước tại các vị trí trong đầm đều dưới 1mg/lít. Định mức quy định để động vật thủy sản sống được, hàm lượng oxy hòa tan trong nước phải trên 5mg/lít”.

Vùng nuôi tôm hùm nuôi ở biển tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đang đứng đầu cả nước về số lượng và sản lượng. Những năm gần đây, thi thoảng tôm, cá vẫn bị chết cục bộ, có những hộ bị thiệt hại đến 60%.

Xâu chuỗi lại thời gian mang tính lịch sử để tìm ra nguyên nhân của nó, nghề nuôi tôm hùm bắt đầu từ năm 1992 ở tỉnh Khánh Hòa, mấy năm sau lan rộng ra tỉnh Phú Yên. Thời điểm trước năm 2000, gần như tôm hùm nuôi không bị chết với số lượng nhiều. Những hộ nuôi tôm hùm đầu tiên ở Vũng Rô, tỉnh Phú Yên gần như tôm sống và phát triển đạt đến 95-100%. Vì số lượng người nuôi tôm ít, môi trường nước sạch, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Hơn 30 năm qua, chính ngư dân đã “giết chết” môi trường nuôi tôm, cá ở các đầm, vịnh tại Phú Yên và Khánh Hòa. Bà con cho tôm hùm ăn các loại cua, cá, sò, ốc... Mỗi ngày có số lượng hàng trăm tấn thức ăn đổ xuống các lồng tôm, sau một đêm lao động lặn xuống lồng vớt những chất thải là vỏ cua, sò, ốc đổ trực tiếp xuống đáy biển. Chừng ấy thời gian, đáy biển giống như kho chứa rác thải khổng lồ, ở những nơi dày lên cả mét. Chính tôi đã từng lặn xuống quan sát và ngửi mùi hôi thối cực kỳ khó chịu tại một số nơi nuôi tôm hùm lồng.

“Đáy biển chất đầy lớp vỏ sò, ốc, qua nhiều năm nó sẽ phân hủy và sinh ra “khí độc”, cá, tôm nuôi gần đó chậm lớn, rất dễ phát sinh ra nhiều bệnh. Thậm chí bị “ngộ độc” từ từ. Những vịnh lớn sâu, có dòng chảy mạnh, với mật độ bè nuôi tôm hùm nhiều, đáy biển cũng bị ô nhiễm, vào mùa nước nóng, tôm hùm bị hao hụt khá cao” - kỹ sư nuôi trồng thủy sản Nguyễn Văn Vinh, đại lý phân phối thức ăn thủy sản vùng Phú Yên - Khánh Hòa thẳng thắn đưa ra thông tin.

Vùng nuôi trồng thủy sản trên biển ở thị xã Sông Cầu, cửa đầm quá nhỏ, hạn chế dòng chảy. Mật độ nuôi dày đặc làm ngăn cản sự đối lưu nước giữa ngoài biển sâu với nước trong đầm. Thay đổi thời tiết đột ngột, trong nước biển luôn bị thiếu oxy, kết hợp “khí độc” dưới đáy biển thổi lên, bà con phải gánh hậu quả nghiêm trọng.

Mật độ lồng, bè nuôi tôm hùm, cá biển ở Vũng Rô quá lớn. Ảnh: Lệ Giang

Càng nuôi càng lỗ vốn

Những nguyên nhân ở trên được các nhà khoa học, người nuôi trồng có kinh nghiệm đã biết trước, có đưa ra khuyến cáo, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ phải chấp nhận cuộc chơi đầy may rủi. Các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học đề nghị người nuôi tôm hùm cần di dời tạm thời một số lồng, bè còn thủy sản nuôi ở vùng này sang vùng khác, nhằm giảm tải vùng nuôi và hạn chế thiệt hại. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Nha đưa ra khuyến nghị: “Trong quá trình di dời, bà con cần chú ý đến sức khỏe của tôm, cá và hạn chế làm vật nuôi bị sốc. Người nuôi cần xuất bán ngay khi thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, không nên giữ lại chờ giá, vì vùng nuôi chưa đảm bảo an toàn, nếu lưu giữ lại sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Thực tế hiện nay, ở tất cả các đầm, vịnh của hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên có đủ độ sâu, kín gió, bà con đã đặt lồng, bè nuôi tôm hùm phủ rộng khắp. Nếu bà con mạo hiểm kéo bè gỗ yếu ớt ra phía ngoài chỗ trống trải, gặp gió cấp 6 thổi qua, sóng biển đập tan bè.

Lâu nay, người dân nuôi trồng thủy sản trên biển ở Phú Yên và Khánh Hòa phát triển hai dạng lồng nuôi: Thứ nhất, làm bè gỗ hoặc tre đặt trên phi nhựa nổi trên mặt nước, làm những ô lưới để sâu xuống từ 4-6m (vịnh sâu như Vân Phong, Khánh Hòa, làm lưới sâu gần 10m), làm kiểu này chi phí cao.

Thứ hai, làm những khung sắt, bao bọc lưới bên ngoài, thả treo lưng chừng nước hoặc để sát đáy biển. Nguồn nước đang bị ô nhiễm, dạng nuôi như thế này hoàn toàn không phù hợp, vì tôm đang nằm trực tiếp trên kho “khí độc” như giải thích ở trên.

Theo tập quán nuôi tôm hùm của người dân ở vùng này, khoảng tháng 11 đến tháng 3 (âm lịch) bắt đầu thả tôm giống nuôi, nước biển mát, tôm ít chết. Sang mùa Hè nước nóng, tôm thường hay chết, đôi khi chết hàng loạt ở trên diện rộng. Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa có độ sâu 30-40m, dòng chảy mạnh, nhưng tôm vẫn bị chết với số lượng lớn, nhiều hộ thiệt hại lên đến 70%.

Qua phân tích một số khía cạnh, để nói rằng nuôi tôm hùm hiện nay như “đánh bạc”, nguồn vốn đầu tư ban đầu bỏ ra vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, trong quá trình nuôi cần phải có nguồn tiền mặt để mua thức ăn cho tôm hằng ngày. Một thực tế, người dân càng nuôi tôm càng bị thua lỗ. Cần thay đổi căn bản phương án nuôi tôm hùm ở Phú Yên và Khánh Hòa, nếu hộ nào xét thấy không an toàn nên dừng lại, không mở rộng quy mô nuôi trồng. Chuyển đổi sang làm bè nuôi bằng vật liệu nhựa chuyên dụng, chịu được sóng gió tốt, vươn ra xa hơn có dòng chảy lớn, nguồn nước trong sạch, giảm hao hụt trong nuôi trồng, tăng lợi nhuận.

Nuôi ở vùng biển hở

“Về lâu dài, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người nuôi trồng thủy sản thay đổi, chuyển từ nuôi truyền thống sang hình thức nuôi công nghiệp và mạnh dạn sắp xếp lại các vùng nuôi. Tỉnh cần hỗ trợ các địa phương xác định được sức tải của từng vùng nuôi, từ đó tính toán, khống chế số lượng lồng, bè ở từng vùng nuôi cụ thể. Cần tính toán mở rộng vùng nuôi tại các khu vực biển hở nhằm giảm áp lực đối với các vùng nuôi đầm, vịnh, ven bờ” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Nha đề xuất.

Lệ Giang, trích nguồn: bienphong.com.vn

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Email Gọi ngay Facebook
Facebook Chat Icon Xin chào!
Mình có thể giúp gì bạn
hiephoinuoibienvietnam