Ngày 3/10/2020, tại Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) tổ chức Hội thảo “Phát triển kỹ năng nghề nuôi biển công nghiệp phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam” trong phạm vi “Chương trình Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nuôi biển công nghiệp” do Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO) tài trợ.
Tham gia hội thảo, ngoài Tổ Chuyên gia soạn thảo bộ tiêu chuẩn. còn có có đại diện của Tổng cục Thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu; các Viện Nuôi trồng Thủy sản 1 và 2; Chi cục Thủy sản các tỉnh Cà Mau, Bà Rịa Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Quảng Ninh; các hiệp hội ngành nghề; các trường đại học, cao đẳng có ngành nghề liên quan; các doanh nghiệp NTTS như Tập đoàn Mavin, Tập đoàn Autralis VN, công ty Scale AQ, các công ty về giống, bệnh thủy sản; đại diện Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế khác.
Nuôi biển theo hướng công nghiệp là giải pháp để tạo ra cú hích mạnh mẽ cho ngành nuôi biển Việt Nam, phát triển kinh tế biển, tạo việc làm cho ngư dân, góp phần đổi mới cơ cấu kinh tế, đồng thời ổn định, giữ gìn an ninh trên biển. Do đó, VSA đã phối hợp với rất nhiều cơ quan ban ngành có liên quan để thúc đẩy mô hình nuôi biển công nghiệp trên khắp các tỉnh thành ven biển.
Các nhóm đối tượng nuôi của nghề nuôi biển công nghiệp rất phong phú, bao gồm nhóm cá (chim vây vàng, cá chẽm, cá giò, cá song, sủ sao, sủ đất, hồng đỏ, tráp vây vàng,..), nhóm giáp xác (tôm hùm), nhóm nhuyễn thể (hầu Thái Bình Dương, tu hài, ngao giá) và nhóm rong biển (rong sụn, rong nho,…). Tuy nhiên, trong khuôn khổ dự án và ở thời điểm hiện tại, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề chỉ tập trung vào nuôi cá biển công nghiệp ở phạm vi trại nuôi quy mô nhỏ, có 10-20 lồng nuôi HDPE, có xà lan cung cấp thức ăn, và sản lượng nuôi khoảng 300-500 tấn/năm.
Bộ tiêu chuẩn “Phát triển kỹ năng nghề nuôi biển công nghiệp phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam” sẽ được chỉ ra và thể hiện rõ những đặc điểm, phạm vi, môi trường làm việc, vị trí việc làm và các chức năng chính của nghề nuôi cá biển công nghiệp, bao gồm những vị trí công việc chính như sau:
Ương cá biển giống: bao gồm việc tổ chức các hoạt động vận chuyển, ương nuôi cá giống và thả giống.
Nuôi cá biển thương phẩm: bao gồm việc giám sát các hoạt động cho ăn và sử dụng dữ liệu phân tích và theo dõi để tối ưu hóa việc cho ăn dựa trên đầu vào đã sử dụng và sẵn có.
Quản lý sức khỏe cá nuôi: bao gồm việc kiểm tra chất lượng môi trường nước, theo dõi thời tiết vùng nuôi; ghi chép, nhập, phân tích dữ liệu và trao đổi kết quả với người quản lý để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.
Thu hoạch cá trên biển: bao gồm việc thu hoạch cá nuôi trong các lồng trên biển, loại bỏ cá không đạt tiêu chuẩn và cẩu cá lên tàu thu hoạch.
Bảo đảm dịch vụ hậu cần: bao gồm việc tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản và xuất kho thức ăn, thuốc thú y thủy sản theo kế hoach sản xuất của trại.
Quản lý trại nuôi biển công nghiệp: bao gồm việc tiếp nhận kế hoạch sản xuất và lập các kế hoạch chi tiết cho khâu cá giống, lắp đặt hệ thống lồng, nuôi cá thương phẩm, thu hoạch, hậu cần, và tổ chức thực hiện.
Hội thảo đã nhận được nhiều tham vấn của các ban ngành có liên quan để Bộ tiêu chuẩn này sẽ được bổ sung và chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Hy vọng khi được hoàn thiện đây sẽ là giải pháp tối ưu để tạo ra cú hích mạnh mẽ cho ngành và cũng góp phần ổn định, giữ gìn an ninh trên biển.
Minh Thu