Mục tiêu đề án nuôi biển của Khánh Hòa đến năm 2030 với diện tích đạt 1.500ha, sản lượng nuôi biển 30.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD.
Xu hướng nuôi biển xa bờ
Ngày 12/5, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp Sở NN-PTNT Khánh Hòa, Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Hoa Kỳ tổ chức hội thảo “Kỷ nguyên nuôi biển hướng xa bờ”.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho biết, thời gian gần đây nuôi trồng thủy sản trên biển và nuôi biển nói chung được Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển. Sau Nghị quyết Trung ương về việc phát triển bền vững kinh tế biển thì Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, nghị định có liên quan đến chính sách, các quy định phát triển kinh tế biển, trong đó có lĩnh lực nuôi biển.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, hơn 20 năm chúng ta tiến hành nuôi biển nhưng chủ yếu ven bờ trong các vũng, vịnh và các vùng nước kín. Tuy nhiên do việc phát triển mạnh mẽ và có phần quá mức của nuôi biển theo kiểu truyền thống đã gây ra hậu quả không đáng có về mặt môi trường, gây thiệt hại ngay chính cho cộng đồng nuôi biển.
Trước những thực trạng trên ông Dũng cho rằng nước ta phải tiến dần ra nuôi biển xa bờ với mô hình nuôi biển công nghiệp. Về phía Hiệp hội Nuôi biển, từ khi thành lập năm 2016 đến nay đã cùng với các địa phương, doanh nghiệp và ngư dân nuôi biển tiến hành nhiều hoạt động liên quan thúc đẩy nuôi biển. Đây là hội thảo lần thứ 10 được hiệp hội tổ chức tại Khánh Hòa liên quan về nuôi biển.
Qua hội thảo này, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tin rằng, những kinh nghiệm quốc tế trình bày tại hội thảo sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu sát hơn, mới mẻ hơn và toàn diện hơn về việc chuyển hệ nuôi truyền thống sang nuôi biển xa bờ, theo hình thức công nghiệp. Đồng thời nắm được xu hướng thương mại thủy sản nuôi toàn cầu và tiêu chuẩn bền vững trong chuỗi cung ứng thủy sản.
Ông Rob Garrison, chuyên gia về nuôi trồng thủy sản của Công ty NewSeas LLC (Hoa Kỳ), một công ty phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung vào việc mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản bền vững cho rằng, để đảm bảo thành công của nuôi trồng thủy sản bằng lồng trên biển thì việc tính toán doanh thu có đảm bảo chi phí đầu tư, kinh phí hoạt động và khả năng thu hồi là rất quan trọng.
Do đó, khi các doanh nghiệp muốn đầu tư phải nghĩ đến nuôi trồng thủy sản hướng đến xuất khẩu, còn để phục vụ nội địa rất khó thành công. Loài nuôi nên nghĩ đầu tiên là các loài bản địa tại chỗ.
Theo theo kinh nghiệm của ông Rob Garrison nên chọn những loài nuôi đã được kiểm chứng hiệu quả, còn những loài chưa ai nuôi để có thành công thì chưa chắc. Bên cạnh đó, việc lựa chọn ví trí nuôi cũng cần tránh xa nguồn gây ô nhiễm, thuận lợi việc cung ứng thức ăn, con giống ổn định, chất lượng và chế biến sản phẩm sau thu hoạch.
Ngoài ra, nguồn cung ứng trang thiết bị, lồng bè, nhân lực lao động phục vụ nuôi biển cũng phải thuận tiện và dồi dào. Khi phát triển nuôi biển cần lưu ý thời tiết, khí hậu để tính toán mùa vụ phù hợp nhằm phòng ngừa thiệt hại. Đặc biệt việc áp dụng cơ giới hóa, công nghệ vào nuôi biển cũng rất quan trọng để giảm thất thoát sau thu hoạch, hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận…
Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nuôi biển
Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc tổ chức hội thảo “Kỷ nguyên nuôi biển hướng ra xa bờ” là rất cần thiết. Những ý kiến tại hội thảo là cơ sở để các cơ quan chuyên môn của tỉnh đánh giá thực trạng nuôi biển bằng lồng bè trên địa bàn tỉnh. Từ đó đề xuất các giải pháp đầu tư phát triển nuôi biển trên vùng biển hở, vùng biển xa bờ, ứng dụng công nghệ cao phù hợp trên từng vùng biển.
Tại hội thảo, UBND tỉnh Khánh Hòa kêu gọi Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, đồng hành với tỉnh trong việc hỗ trợ, liên kết, đầu tư xây dựng các mô hình nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại (nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE), công nghệ thiết bị phụ trợ phục vụ nuôi biển.
Từ đó từng bước đưa ngành nuôi biển phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay, mang lại lợi ích kinh tế cho chính các hộ nuôi nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp, vừa góp phần vào sự phát triển kinh tế của cả tỉnh.
Theo ông Trần Hòa Nam, ngày 28/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát triển Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó định hướng “Phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”.
Do đó, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao nhằm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh theo phương thức nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn…
Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 1.500ha, thể tích lồng nuôi đạt 4 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 30.000 tấn. Trong đó, nuôi biển trong phạm vi 3 hải lý (ven bờ) 800ha, thể tích lồng nuôi đạt 2,5 triệu m3; sản lượng đạt 12.000 tấn và từ 3 - 6 hải lý (xa bờ) 700ha, thể tích lồng nuôi đạt 1,5 triệu m3; sản lượng đạt 18.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD.
Về chuyển đổi công nghệ nuôi biển ven bờ, theo ông Trần Hòa Nam, tỉnh Khánh Hòa sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong nuôi biển xa bờ. Cũng với đó nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ nuôi từ vật liệu truyền thống sang công nghệ vật liệu mới, nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển công nghiệp xa bờ, công nghiệp hỗ trợ, chế biến sản phẩm áp dụng công nghệ tiên tiến để tạo sản phẩm có giá trị gia tăng. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong nuôi biển…