20 học viên là cán bộ đang làm việc tại chi cục thủy sản các tỉnh ven biển Bắc bộ và Trung bộ được tập huấn kiến thức chung về nuôi biển công nghiệp.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản phát biểu tại lớp tập huấn kiến thức chung về nuôi biển công nghiệp. Ảnh: KS.
Ngày 25/7, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Cục Thủy sản phối hợp với Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.HCM tổ chức tập huấn kiến thức chung về nuôi biển công nghiệp cho 20 học viên là cán bộ đang làm việc tại chi cục thủy sản các tỉnh ven biển Bắc bộ và Trung bộ.
Bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động – Chi nhánh VCCI tại TP.HCM cho biết, trong 5 năm qua, Chi nhánh VCCI tại TP.HCM đã làm việc rất nhiều với các chuyên gia trong ngành nuôi biển công nghiệp, cũng như phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam xây dựng nhiều chương trình đào tạo để hỗ trợ kỹ thuật cho các công nhân, doanh nghiệp với những kiến thức chia sẻ của Na Uy – quốc gia nuôi biển công nghiệp hàng đầu thế giới.
Theo bà Ninh, sau kết quả của những chương trình làm việc, VCCI thấy những kiến thức cũng như tài liệu được xây dựng khá bài bản, chất lượng. Bộ tài liệu này cũng được Cục Thủy sản đánh giá rất cao về nội dung.
Do đó, Cục Thủy sản phối hợp với Chi nhánh VCCI tại TP.HCM tổ chức chương trình tập huấn nhằm chia sẻ đến các cán bộ đang làm việc tại chi cục thủy sản các địa phương những kiến thức liên quan đến nuôi biển công nghiệp cũng như các hoạt động mà đơn vị đã làm việc chuyên sâu với một số địa phương như Khánh Hòa, Ninh Thuận và Kiên Giang trong 5 năm vừa qua.
“Đây là cơ hội để chúng tôi chia sẻ lại những thông tin, kiến thức đã xây dựng trong thời gian qua liên quan đến việc nâng cao năng lực, cũng như chia sẻ kinh nghiệm với cán bộ đang làm việc tại chi cục thủy sản các địa phương”, bà Ninh bày tỏ.
Một mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp ở Khánh Hòa. Ảnh: KS.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, đây là khóa tập huấn đầu tiên với mục tiêu giúp các cán bộ nhận diện bối cảnh phát triển kinh tế biển và nuôi biển công nghiệp, cũng như cập nhật xu hướng công nghệ và quản trị cơ sở nuôi biển công nghiệp; xác định phạm vi và mức độ ứng dụng bộ tiêu chuẩn năng lực, chương trình và tài liệu đào tạo nuôi biển công nghiệp.
Do đó, ông mong muốn các học viên dành thời gian cùng nhau trao đổi với các chuyên gia để nắm bắt kiến thức. “Chúng ta không có điều kiện đi Na Uy, không có điều kiện tham khảo ở những nước phát triển nuôi biển công nghiệp. Vì vậy thông qua những tài liệu, khóa tập huấn sẽ là cơ hội để các cán bộ đang làm việc tại chi cục thủy sản các tỉnh nắm được kiến thức về nuôi biển công nghiệp nhằm phục vụ trong công tác chuyên môn cũng như hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Ông Luân cũng đề nghị sau lớp tập huấn, các học viên cần trao đổi, truyền đạt lại những kiến thức đã học với các cán bộ trong đơn vị bằng những chuyên đề ngắn gọn để cùng nhâu nắm kiến thức và hiểu được về nuôi biển công nghiệp. “Chúng ta nên học cách các nước phát triển và người Nhật Bản rất cẩn thận, tỉ mỉ để phát triển nuôi biển công nghiệp thành công, tránh rủi ro, sai sót không cần thiết”, ông Luân lưu ý thêm.
Theo chướng trình, lớp tập huấn sẽ kết thúc vào ngày 26/7. Sau phần lý thuyết, các học viên sẽ được thực địa tại cơ sở nuôi biển quy mô công nghiệp của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam tại vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).
Theo ông Trần Đình Luân, mong muốn của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT là các ngành nghề, đặc biệt là với nuôi biển, những người tham gia nuôi nên được đào tạo và có chứng chỉ, không để những người ra biển với kinh nghiệm, thiếu kiến thức và kỹ năng.
Kim Sơ
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam