Với diện tích trên 1 triệu km2 mặt nước biển, Việt Nam có triển vọng rất lớn trong phát triển lĩnh vực nuôi biển. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, nuôi biển vẫn chưa có nhiều dấu hiệu bứt phá. Làm thế nào để đưa lĩnh vực này trở thành mũi nhọn trong phát triển thủy sản của tương lai luôn là một trăn trở lớn. Vậy khó khăn vướng mắc của nuôi biển hiện nay là gì và tháo gỡ như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng Tạp chí Thủy sản Việt Nam lắng nghe chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam.
TSVN: Thưa ông, lĩnh vực nuôi biển của nước ta hình thành từ khá sớm và có rất nhiều thế mạnh phát triển. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng đó?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng: Liên Hợp Quốc xác định thế kỷ XXI là thế kỷ của biển cả và đại dương, trong đó mục tiêu cao nhất là nhân loại sẽ phát triển mạnh sự nghiệp canh tác biển và đại dương – cánh đồng cuối cùng của hành tinh.
Việt Nam đã thiết lập nền tảng vững chắc để phát triển bền vững nuôi biển, từ luật đến nghị định và các quy hoạch mang tính chiến lược cấp quốc gia. Những văn bản tổng thể, tích hợp đa ngành, mang tính khung, động và mở, nhằm dẫn dắt, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xây dựng Việt Nam thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.
Tiềm năng nuôi biển của nước ta là rất lớn. Theo FAO, với công nghệ hiện nay, các quốc gia có thể nuôi cá biển hữu hiệu trên 0,1% diện tích vùng đặc quyền kinh tế, với năng suất bình quân có thể đạt 9.900 đến 11.200 tấn/km2/năm (trung bình 100 tấn/ha/năm). Theo cách tính đó, với công nghệ hiện nay, Việt Nam có thể nuôi cá biển trên diện tích 1.000 km2, đạt sản lượng 10 triệu tấn cá mỗi năm. Cá biển nuôi có giá thấp nhất khoảng 4,5 – 5,0 USD/kg, nghĩa là cao gấp 4 – 5 lần cá tra. Nếu chỉ xuất khẩu thô thì 10 triệu tấn cá biển đã có thể thu về khoảng 45 – 50 tỷ USD, nghĩa là gấp gần 5 lần kim ngạch xuất khẩu thủy sản mỗi năm của nước ta hiện nay. Nếu chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng – điều mà ngành chế biến thủy sản Việt Nam có thế mạnh hàng đầu trên thế giới – thì sẽ có thể đạt 60 – 70 tỷ USD/năm. Đó là chưa kể hàng chục triệu tấn các loài sinh vật có giá trị cao khác, như các loài giáp xác, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, rong biển, động vật đáy.

TSVN: Tuy nhiên, hiệu quả đến nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng: Vài chục năm qua, nuôi biển Việt Nam đã tự khởi phát, cả nước có khoảng 50.000 hộ ngư dân nuôi hải sản ở vùng ven bờ, với quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ thủ công lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp và rất không bền vững. Việt Nam đang ở điểm khởi đầu của nuôi biển công nghiệp ở vùng xa bờ và đại dương, với nhiều thách thức.
Phát triển ngành công nghiệp nuôi biển vẫn đang vướng nhiều khó khăn, ách tắc. Có thể nêu một số điểm nghẽn đang cản trở việc thực hiện các chủ trương và chính sách nói trên như thiếu quy hoạch; thủ tục giao khu vực biển phức tạp; thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn. Cùng đó, nước ta hiện cũng chưa có cơ quan và thủ tục đăng kiểm cơ sở nuôi biển; chưa có bảo hiểm cho hoạt động nuôi biển; chưa có chính sách hỗ trợ nuôi biển. Chưa kể, đến nay, Việt Nam chưa có chương trình đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp nuôi biển, cả công nhân, trung cấp, cao đẳng, lẫn đại học.
TSVN: Trong các khó khăn ách tắc kể trên, điểm nghẽn lớn nhất là gì, và giải pháp tháo gỡ trong bối cảnh hiện nay là gì, thưa ông
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng: Qua theo dõi và trao đổi với ngư dân nhiều năm, tôi thấy điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thủ tục giao khu vực biển lâu dài cho dân. Không được giao biển lâu dài, ổn định thì người nuôi biển không có cơ sở pháp lý vững chắc và không thể yên tâm để đầu tư cơ sở nuôi biển bài bản, hiện đại.
Đối với đất, nếu chỉ giao quyền sử dụng 1 năm thì người dân chỉ dựng lều; giao 10 năm thì họ dựng nhà cấp 4; nhưng giao 50 năm thì họ xây nhà cao tầng ngay! Với quyền sử dụng khu vực biển, cũng tương tự như thế! Cho đến nay các địa phương chỉ tạm giao quyền sử dụng khu vực biển cho dân vài năm một, thì người dân chỉ làm bè nuôi bằng các vật liệu tận dụng, không thể đầu tư bài bản.
Hiện nay, thủ tục giao khu vực biển cho dân để nuôi biển thực hiện theo Nghị định 11/2021/NĐ-CP, được điều chỉnh theo Nghị định 65/2025/NĐ-CP của Chính phủ (trong đó có việc tăng thời hạn giao biển cho nuôi trồng thủy sản từ 30 năm lên 50 năm), với một số thủ tục còn phiền phức, tốn nhiều thời gian của các người nuôi biển.
Trên tinh thần của “Bộ tứ Nghị quyết Chiến lược” của Bộ Chính trị được ban hành mới đây, các tỉnh cần nhanh chóng khắc phục điểm nghẽn này, theo các định hướng:
Một là, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan duy nhất tiếp nhận hồ sơ, xin ý kiến của các cơ quan nhà nước hữu quan và trực tiếp thực hiện thủ tục giao biển cho tổ chức pháp nhân nuôi biển.
Hai là, xem xét bãi bỏ thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động nuôi biển ít có tác động xấu đến môi trường, không tạo ra chất thải có hại, không sử dụng thức ăn (thí dụ: các loài nhuyễn thể, động vật đáy, trồng rong); quy định chủ đầu tư chỉ cần có cam kết bảo vệ môi trường, không cần báo cáo tác động môi trường.
Ba là, xem xét áp dụng cách tính phí hợp lý cho việc sử dụng khu vực biển giao cho hợp tác xã và doanh nghiệp để nuôi thủy sản, bảo đảm nguyên tắc hợp lý, thực tế, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và ngư dân theo các nguyên tắc: Chỉ tính phí đối với phần diện tích thực tế được sử dụng để nuôi biển chứ không phải toàn bộ diện tích được giao; Quy định những mức phí khác nhau cho các vùng nuôi có điều kiện khác nhau, đối tượng nuôi khác nhau; Miễn phí một số năm đầu (thí dụ 5 năm), kể từ lúc giao khu vực biển.
Bốn là, ban hành quy định về các điều kiện kỹ thuật cần thiết của các pháp nhân kinh tế để được giao quyền sử dụng khu vực biển lâu dài, bao gồm các điều kiện về tổ chức, đề án sản xuất kinh doanh, nhân lực và tài lực; ban hành quy chế xử lý vi phạm (nhắc nhở, cảnh cáo, thu hồi quyền sử dụng khu vực biển) đối với các pháp nhân vi phạm quy định bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển hoặc các quy định khác.
Năm là, ưu tiên giao biển cho các doanh nghiệp và hợp tác xã – hai thành phần kinh tế trọng yếu, và là chủ thể tổ chức lại sản xuất để chuyển từ nuôi biển thủ công truyền thống sang nuôi biển thương mại bền vững.
Sáu là, kiến nghị với Chính phủ về việc cấp “Sổ Xanh” xác nhận quyền sử dụng khu vực biển lâu dài cho các tổ chức, cá nhân được giao biển (tương tự như “Sổ Đỏ” đối với đất), và xây dựng Nghị định xác lập quyền tài sản đối với quyền sử dụng khu vực biển được giao dài hạn, giúp người nuôi biển chủ động hơn về tài chính.
TSVN: Vừa qua, Chính phủ đã ban hành quy định mới về giao khu vực biển cho ngành Nông nghiệp và Môi trường. Ông có thể phân tích thêm về ý nghĩa của quy định này trong phát triển lĩnh vực nuôi biển?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng: Trong năm 2025, Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế biển, nhất là nuôi biển. Ngày 12/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển, hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Ngày 19/6/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Thông tư số 10/2025/TT-BNNMT có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, hướng dẫn thực hiện Nghị định 131/2025/NĐ-CP và Nghị định 136/2025/NĐ-CP, với trọng tâm là đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương.
Thông tư đánh dấu bước tiến lớn trong việc hợp thức hóa mô hình quản lý cộng đồng trong bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản. Đây là lần đầu tiên mô hình “đồng quản lý” được đưa vào văn bản dưới luật với tính pháp lý rõ ràng.
Với định hướng phân cấp sâu, minh bạch hóa thủ tục và tăng cường vai trò của cộng đồng, Thông tư số 10/2025 được kỳ vọng sẽ mở ra cách tiếp cận mới trong quản lý ngành thủy sản. Việc trao quyền đúng chỗ, từ cấp xã đến tổ chức cộng đồng, không chỉ giúp giảm tải cho cơ quan trung ương, mà còn tạo động lực để địa phương và người dân cùng chung tay gìn giữ nguồn lợi biển bền vững.
TSVN: Trong những kiến nghị đề xuất mà ông từng đưa ra, ông có đề nghị chỉ giao quyền sử dụng khu vực biển lâu dài cho các tổ chức kinh tế. Vì sao lại như vậy và ông đánh giá thế nào về năng lực nuôi biển của các hợp tác xã và giải pháp để cải thiện năng lực đó?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng. Cộng đồng xã hội của các cư dân vùng ven biển là người lãnh nhận cả hiệu quả lẫn hậu quả của các chính sách phát triển nuôi biển. Vì vậy, các tổ chức kinh tế của cộng đồng cư dân ven biển như doanh nghiệp, hợp tác xã, phải là động lực chủ yếu để hiện thực hóa hoài bão phát triển nuôi biển của đất nước.
Trong thực tế ở Việt Nam hiện nay và trong ít nhất 10 năm tới, lực lượng doanh nghiệp nuôi biển còn rất mỏng, các hợp tác xã vẫn sẽ là lực lượng chủ công hùng hậu nhất để thực hiện các đề án nuôi biển.
Tuy nhiên, phần lớn hợp tác xã nuôi biển có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, tính liên kết nội bộ còn yếu, năng lực nội tại còn kém, mô hình tổ chức lỏng lẻo, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế, hiệu quả hoạt động chưa cao, năng lực cạnh tranh thấp, lợi ích mang lại cho thành viên còn chưa được như mong muốn. Do đó, cần phải sớm tháo gỡ nút thắt này, giúp khu vực hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững thời gian tới, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
TSVN: Vậy để lĩnh vực nuôi biển của nước ta phát huy hết tiềm năng thế mạnh, cần những định hướng và giải pháp gì, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng: Để khắc phục những khó khăn và phát triển bền vững ngành nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, cần có những định hướng và giải pháp sau:
Một là, ưu tiên quy hoạch không gian biển và ven bờ cho phát triển nuôi biển, nhất là nuôi biển công nghiệp quy mô lớn, theo phương thức nuôi công nghiệp hiện đại, quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hai là, thật sự đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc giao khu biển lâu dài cho dân; kiến nghị cấp sổ quyền sử dụng khu vực biển lâu dài (Sổ Xanh) cho nhà đầu tư, pháp chế hóa quyền sử dụng khu vực biển lâu dài thành quyền tài sản của nhân dân.
Ba là, xem xét chỉ giao khu vực biển lâu dài cho tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã) không giao cho cá nhân, song song với việc đẩy mạnh liên kết các hộ dân thành tổ hợp tác, hợp tác xã và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị.
Bốn là, đẩy nhanh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản và tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ sở nuôi biển, sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường; tăng cường kiểm tra, đánh giá, đánh giá, công nhận các cơ sở nuôi biển, sản xuất giống thủy sản.
Năm là, ứng dụng HDPE và composite là các vật liệu chủ đạo cho nuôi biển công nghiệp; kiểm soát mật độ nuôi tại các vùng biển kín để giảm ô nhiễm môi trường; phát triển các mô hình nuôi biển đa dưỡng (IMTA) theo tiếp cận kinh tế tuần hoàn.
Sáu là, cần bổ sung nguồn ngân lực và tài chính cho các hoạt động phục vụ công tác cấp phép nuôi biển và giao khu vực biển. Đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về giao khu biển để nuôi trồng thủy sản.
Bảy là, kêu gọi các tập đoàn lớn và doanh nghiệp mạnh xây dựng các cụm công nghiệp nuôi biển, đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức cung ứng-tiêu thụ để phát triển nuôi biển ra xa bờ, giải quyết các vấn đề về môi trường, vốn, dịch vụ và kỹ thuật.
Và cuối cùng là kết hợp mô hình nuôi biển kết hợp du lịch trải nghiệm và điện gió, đóng tàu, vận tải biển để tạo ra nhiều giá trị gia tăng.

Phát triển nuôi biển gắn với du lịch tại nhiều địa phương triển khai phát huy hiệu quả. Ảnh: ST
TSVN: Trong bối cảnh toàn cầu hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy của các mô hình kết hợp kinh tế và bảo vệ môi trường. Một trong số đó là “nuôi biển kết hợp du lịch” – giải pháp mang lại lợi ích kép. Dự đoán, mô hình này cũng sẽ bùng nổ từ năm 2025. Theo ông, việc phát triển mô hình này sẽ đem lại lợi ích như thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng: Theo tôi, mô hình này mang lại lợi ích về nhiều phương diện.
Về đặc tính tự thân, sự kết hợp giữa nuôi biển với du lịch biển là hướng phát triển bù đắp cho nhau và tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng của mỗi lĩnh vực. Nuôi biển là hoạt động sản xuất có chu kỳ tương đối dài, thu hoạch và thu nhập tập trung vào từng thời điểm, trong khi du lịch lại là hoạt động dịch vụ chu kỳ ngắn, hoạt động diễn ra thường xuyên liên tục, với thu nhập đều đặn hàng ngày.
Về sử dụng lao động, nuôi biển có chu kỳ sử dụng lao động phân bổ không đều, tập trung vào kỳ rải giống và thu hoạch, trong khi giữa các kỳ đòi hỏi ít nhân công, có thể sử dụng rất tốt cho du lịch có đặc tính sử dụng lao động phân bố đều đều.
Về đầu tư, có thể tiết kiệm được khá nhiều bằng việc sử dụng hạ tầng nổi được thiết kế cho cả hai mục đích nuôi biển và du lịch; yêu cầu kết cấu lồng bè nuôi và cơ sở hạ tầng du lịch phải vững chắc, đàng hoàng, khang trang, tiện cho du khách.
Về kinh tế, việc tích hợp du lịch với nuôi biển giúp tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm hải sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm sạch, an toàn, có chất lượng cao thông qua dịch vụ bán hàng làm quà cho du khách.
Và điều tích cực nhất là việc tích hợp hai hoạt động nuôi biển và du lịch đặt ra yêu cầu phải thường xuyên nâng cấp và chuyên nghiệp hóa cả hai lĩnh vực, môi trường nuôi và môi trường du lịch phải luôn được giữ gìn sạch đẹp, chất thải sản xuất và sinh hoạt phải được xử lý nghiêm chỉnh để không ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan, mang lại những lợi ích cho việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việc phát triển nuôi biển kết hợp du lịch bền vững không chỉ tạo ra thu nhập gia tăng cho cộng đồng địa phương mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển.
Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thủ tục giao khu vực biển lâu dài cho dân. Không được giao biển lâu dài, ổn định thì người nuôi biển không có cơ sở pháp lý vững chắc và không thể yên tâm để đầu tư cơ sở nuôi biển bài bản, hiện đại. Cho đến nay các địa phương chỉ tạm giao quyền sử dụng khu vực biển cho dân vài năm một, thì người dân chỉ làm bè nuôi bằng các vật liệu tận dụng, không thể đầu tư bài bản.
TSVN: Ông có thể đưa một vài dẫn chứng các địa phương đã thực hiện hiệu quả mô hình nuôi biển với phát triển du lịch?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng: Hiện nay, đã có những mô hình nuôi biển bền vững gắn với du lịch phát triển thành công tại hầu khắp tỉnh, thành trên cả nước.
Tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Công ty Nhựa Super Trường Phát (STP) có mô hình trang trại trồng rong kết hợp nuôi hàu Thái Bình Dương và du lịch trải nghiệm tại đảo Phất Cờ.
Tại tỉnh Bình Thuận (nay là tỉnh Lâm Đồng), nuôi hải sản kết hợp du lịch sinh thái là một trong những định hướng phát triển đến năm 2030. Điển hình là huyện đảo Phú Quý, các chủ bè đã kết hợp nuôi trồng, làm dịch vụ lặn biển ngắm san hô, chế biến hải sản tươi sống phục vụ du khách.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu (nay là TP Hồ Chí Minh), du khách bị hấp dẫn bởi mô hình nuôi trồng thủy sản trên các làng bè ở xã Long Sơn. Hợp tác xã Như Ý Long Sơn đã phát triển khu vực du lịch sinh thái với các dịch vụ ẩm thực và nghỉ dưỡng ngay tại vùng nuôi hàu. Còn tại Côn Đảo, việc tham quan nuôi trai lấy ngọc và mua sắm ngọc trai đã trở thành hoạt động không thể thiếu khi du khách đến tham quan đảo.
Tại tỉnh Kiên Giang (nay là tỉnh An Giang), với hệ thống đảo và bờ biển đa dạng, đã phát triển mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp du lịch ở các khu vực như Nam Du, An Sơn, Lại Sơn, Hòn Tre, xã Hòn Nghệ, Sơn Hải, Hà Tiên và đặc biệt là ở Phú Quốc.
Việc tích hợp nuôi biển với du lịch không chỉ tạo ra nguồn thu nhập bổ sung đáng kể mà còn giúp phát triển đa dạng hoạt động du lịch trải nghiệm và quảng bá thương hiệu thủy sản của các vùng biển. Và đó chính là những việc làm chủ động góp phần phát triển bền vững kinh tế biển của một đất nước có diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế rộng 1 triệu km2, gấp 3 diện tích đất liền!
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hồng
Nguồn: https://thuysanvietnam.com.vn/khong-giao-bien-lau-dai-nguoi-nuoi-khong-the-yen-tam-dau-tu/