Kích hoạt ‘lá chắn’ bảo hiểm cho HTX nông nghiệp

Những thách thức, rủi ro trong sản xuất của HTX nông nghiệp do biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, việc phát triển bảo hiểm nông nghiệp cho các HTX trở thành nhu cầu cấp thiết để đảm bảo đà tăng trưởng, vươn mình mạnh mẽ của khu vực kinh tế hợp tác.

Với yêu cầu cấp thiết từ thực tế, Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội thảo “Bàn giải pháp bảo hiểm cho HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh” chiều ngày 9/4 với mục tiêu nhận diện thách thức, rủi ro đối với HTX và sự cần thiết có chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp phù hợp cho HTX.

Nhóm lại thì giàu, chia ra thành khó

Phát biểu tại hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân – Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam – nhấn mạnh, bảo hiểm nông nghiệp là một công cụ thiết thực, không chỉ giúp HTX quản trị rủi ro mà còn nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp trong sản xuất.

Dẫn lại lời Bác Hồ: “Nhóm lại thì thành giàu, chia ra thì thành khó”, bà Vân cho rằng bảo hiểm chính là biểu hiện cụ thể của tinh thần “nhóm lại” – cùng nhau chia sẻ rủi ro để cùng nhau phát triển.

-2106-1744193186.jpg

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hiểm nông nghiệp cho HTX.

Trong sản xuất nông nghiệp cũng vậy, mua bảo hiểm là để phòng ngừa những rủi ro, bất ngờ có thể gặp phải. Vì vậy, nếu ai cũng mua bảo hiểm sẽ tạo nên một “tấm khiên” vững chắc giúp HTX không bị đe dọa trước những cú sốc thiên tai, dịch bệnh, thị trường. Và muốn làm được điều đó, điều kiện tiên quyết là sự tự giác 

"Cách đây 79 năm, vào ngày 11/4/1946, Bác Hồ viết thư kêu gọi điền chủ, nông dân tham gia HTX nông nghiệp. Vì sao là thư kêu gọi chứ không phải sắc lệnh? Bởi HTX là biểu hiện của tinh thần tự nguyện, tự giác. Chính yếu tố này đã và đang mở ra nhiều tiềm năng để bảo hiểm nông nghiệp trong HTX có thể phát triển sâu rộng hơn”, bà Cao Xuân Thu Vân chia sẻ.

Dẫn câu chuyện từ Nhật Bản – quốc gia có hệ thống HTX phát triển bậc nhất – bà Vân cho biết, ở đây các HTX luôn gắn chặt trách nhiệm và quyền lợi. Muốn được hỗ trợ bảo hiểm, HTX phải đáp ứng nghiêm ngặt về sản lượng, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm, và chỉ những HTX tuân thủ đúng – đủ mới đủ điều kiện thụ hưởng.

Để nhận được chế độ bảo hiểm các HTX cũng phải tuân theo những điều kiện nghiêm ngặt. Bên cạnh sự giám sát về việc tiêu thụ sản phẩm, các đơn vị còn phải đảm bảo việc sản xuất đúng và đủ. "Giả sử, HTX phải sản xuất đủ 1 tấn gạo thì được bảo hiểm. HTX nào sản xuất thiếu 1kg gạo cũng bị phạt, thừa 1kg cũng bị phạt. Nếu thành viên HTX không theo quy trình, chạy theo phong trào, thì chính sách bảo hiểm không thể áp dụng được”.

Việc áp dụng các quy định chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ nhằm giữ cho thành viên HTX đi đúng định hướng, tránh tình trạng chạy theo phong trào kiểu "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào", hôm nay nuôi cua, mai lại chuyển sang nuôi cá. Chính sự thiếu ổn định và thiếu kỷ luật này là một trong những nguyên nhân khiến các chính sách bảo hiểm khó có thể triển khai hiệu quả.

-2840-1744193186.jpg

Các vấn đề về bảo hiểm nông nghiệp dành cho HTX được các đại biểu, chuyên gia, đặc biệt là bản thân HTX quan tâm.

Từ câu chuyện thực tế tại Nhật Bản, để bảo hiểm nông nghiệp có thể đi vào thực tiễn tại Việt Nam, bà Vân đề xuất triển khai thí điểm ngay từ bây giờ. “Không thể ngồi chờ chính sách từ trên xuống. Muốn có chính sách, trước hết phải có mô hình thực tế để minh chứng.” – bà nhấn mạnh.

Ví dụ, tại Quảng Ninh, có thể bắt đầu từ mô hình chăn nuôi thủy sản thì được bảo hiểm. Để nhận được bảo hiểm thì phải đảm bảo diện tích bao nhiêu, quy trình nuôi thế nào, ai nuôi...

Địa phương có thể lựa chọn một vài HTX đủ điều kiện, phối hợp với công ty bảo hiểm hoặc tổ chức quốc tế để thí điểm, từ đó có dữ liệu cụ thể, có căn cứ trình Chính phủ xây dựng khung chính sách chính thức”, bà Cao Xuân Thu Vân phân tích.

-6037-1744193186.jpg

Nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước được chia sẻ tại hội thảo tại Quảng Ninh ngày 9/4.

Chia sẻ thêm về chi phí triển khai bảo hiểm, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh: trong trường hợp xảy ra thiệt hại, HTX sẽ được bảo vệ bởi chính sách bảo hiểm. Ngược lại, nếu không phát sinh rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần tính toán phương án chia sẻ lợi nhuận hợp lý. Một phần lợi nhuận đó có thể được sử dụng để phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng, hoặc hỗ trợ HTX nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng chính sách bảo hiểm cho phần vốn, tài sản không chia của HTX, chẳng hạn như quyền sử dụng đất do Nhà nước giao hoặc cho thuê; các khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại; tài sản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; hoặc các loại tài sản khác được quy định rõ trong điều lệ HTX.

Dẫn ví dụ từ Hàn Quốc và Nhật Bản, bà Cao Xuân Thu Vân cho biết, các quốc gia này có những quỹ hỗ trợ HTX rất lớn nhờ phần vốn không chia được quản lý chặt chẽ, tích lũy lâu dài và sử dụng đúng mục đích. Nếu Việt Nam áp dụng được chính sách bảo hiểm cho tài sản không chia, những giá trị tích lũy này sẽ được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau – tạo nền tảng vững chắc cho sự kế thừa và phát triển bền vững của các HTX.

Sự cấp thiết của bảo hiểm cho HTX tại địa phương

Về phía địa phương, ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – cho biết, từ năm 2021 đến nay, khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển rõ nét, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân tại hầu hết các địa phương trong tỉnh.

-9474-1744193186.jpg

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao thành tựu đạt được của các HTX trên địa bàn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bảo hiểm cho HTX nông nghiệp.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.087 HTX, vượt mục tiêu đề ra, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm ưu thế với 768 HTX (chiếm 70,6%). Tổng vốn điều lệ đăng ký của các HTX đạt 4.398,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, Quảng Ninh hiện thuộc nhóm 4 địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng HTX (cùng với Hà Nội, Thanh Hóa và Bắc Giang), đồng thời là tỉnh có tốc độ thành lập HTX mới nhanh nhất, riêng năm 2024 đã có thêm 240 HTX được thành lập.

Hiện có 710 HTX đang hoạt động ổn định và kê khai thuế đầy đủ, huy động được hơn 3.500 tỷ đồng cho sản xuất kinh doanh (chưa tính giá trị tài sản cố định như nhà xưởng, thiết bị…). Các HTX này đang tạo việc làm cho gần 75.000 lao động, chiếm 10,9% lực lượng lao động toàn tỉnh.

“Những kết quả ấn tượng này là minh chứng cho định hướng đúng đắn của tỉnh trong việc phát triển kinh tế hợp tác, HTX, đặc biệt nhờ vào sự đồng hành, hỗ trợ hiệu quả từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh”, ông Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.

-6143-1744193186.jpg

Ông Ngô Tất Thắng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị.

Đáng chú ý, khi đề cập đến vấn đề bảo hiểm cho HTX, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Đức Ấn, đã nhấn mạnh bài học từ những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi 2024) gây ra – một minh chứng rõ nét cho sự mong manh, dễ tổn thương của khu vực sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, phần lớn các HTX bị ảnh hưởng gần như không nhận được sự hỗ trợ cần thiết, do quá trình quản lý và hướng dẫn đầu tư sản xuất còn thiếu đồng bộ. Các khâu như cung ứng vật tư, giống, trang thiết bị, tổ chức sản xuất hay xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa được thực hiện chặt chẽ, thống nhất.

Từ thực tế này, ông Phạm Đức Ấn cho rằng, cần phải nghiêm túc nhận diện những khó khăn và rủi ro đặc thù trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời học hỏi kinh nghiệm triển khai bảo hiểm nông nghiệp từ quốc tế và trong nước. Trên cơ sở đó, tỉnh cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp và triển khai thí điểm mô hình bảo hiểm nông nghiệp dành riêng cho các HTX – lực lượng sản xuất nông nghiệp nòng cốt tại khu vực nông thôn Quảng Ninh hiện nay.

-5227-1744193187.jpg

Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh, đại diện các HTX, đại diện bảo hiểm Agribank, các chuyên gia đóng góp ý kiến về bảo hiểm nông nghiệp dành cho HTX.

Với định hướng đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để nhận diện rõ các ngành hàng có lợi thế, đóng vai trò chủ lực trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của HTX, như thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp.

Đồng thời, cần làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm để thiết kế các gói bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với đặc thù sản xuất nông nghiệp của từng ngành hàng, từng địa phương. Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách và giải pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm nông nghiệp – trước mắt ưu tiên tập trung cho các HTX nông nghiệp.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần làm rõ tính cấp thiết, hiệu quả và vai trò hỗ trợ của chính sách bảo hiểm nông nghiệp trong việc phát triển sản xuất, khắc phục thiệt hại do rủi ro gây ra. Về phía nông dân và các HTX, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để hiểu rằng bảo hiểm nông nghiệp không chỉ là giải pháp ứng phó rủi ro mà còn là một phần thiết yếu trong chiến lược đầu tư phát triển sản xuất bền vững.

-8550-1744193951.jpg

Đại diện HTX, doanh nghiệp, nông dân, cơ quan chuyên môn tham gia đóng góp chương trình.

Nguyên tắc cốt lõi của bảo hiểm là “lấy số đông bù cho số ít”

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nhấn mạnh: những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh khiến nhiều nông dân và hợp tác xã (HTX) ngần ngại đầu tư vào các mô hình sản xuất công nghệ cao, dù biết rằng đây là con đường mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Việc được tham gia bảo hiểm không chỉ giúp nông dân và thành viên HTX yên tâm sản xuất nhờ có nguồn tài chính bù đắp rủi ro, mà còn tạo động lực để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó là nguồn khích lệ lớn đối với người làm nông, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.

Ở các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, bảo hiểm nông nghiệp đã trở thành nền tảng không thể thiếu. Tại Mỹ, khoảng 86% nông dân tham gia bảo hiểm; Nhật Bản đã phủ sóng bảo hiểm nông nghiệp trên toàn quốc; Hà Lan đạt mức 100% trang trại chăn nuôi có bảo hiểm. Trong khi đó, ở Việt Nam – một quốc gia nông nghiệp – tỷ lệ tham gia bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn quá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 0,09%.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, để bảo hiểm nông nghiệp phát huy đúng vai trò, cần có cơ chế hỗ trợ và truyền thông mạnh mẽ nhằm thu hút đông đảo nông dân, ngư dân, HTX và doanh nghiệp cùng tham gia. “Nguyên tắc của bảo hiểm là lấy số đông bù số ít. Càng nhiều người tham gia, hệ thống bảo hiểm càng vận hành bền vững, hiệu quả,” ông nhấn mạnh.

Riêng với lĩnh vực nuôi biển, cần đẩy nhanh tiến độ giao quyền sử dụng khu vực biển một cách ổn định, lâu dài, đồng thời luật hóa quyền sử dụng biển thành tài sản rõ ràng (như “sổ xanh” tương tự “sổ đỏ” đối với đất đai), từ đó tạo điều kiện pháp lý vững chắc cho người dân và HTX mua bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với từng nhóm đối tượng, khu vực, ngành hàng và đặc thù rủi ro – đặc biệt là các mô hình bảo hiểm chỉ số rủi ro, dễ triển khai, dễ quản lý và sát thực tế từng địa phương.

Hiến Nguyễn - Ảnh Phạm Hòa
vnbusiness.vn

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Email Gọi ngay Facebook
Facebook Chat Icon Xin chào!
Mình có thể giúp gì bạn
hiephoinuoibienvietnam