Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng ý với đề nghị của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc thành lập tổ công tác liên ngành xử lý các vấn đề liên quan IUU.
Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm
Tại buổi làm việc với Trung tâm Giám sát tàu cá do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì chiều 7/8, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng nêu thực trạng và chia sẻ một số giải pháp để ngăn chặn và xử lý vi phạm IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).
Với trách nhiệm đơn vị thường trực, ông Hùng cho biết, từ nay đến khoảng tháng 10/2024, có 3 vấn đề cần lưu ý là số tàu cá vi phạm, tỷ lệ mất kết nối VMS (chiếm chỉ 1,5%) và số liệu xử phạt còn thấp.
Theo ông Hùng, giải pháp đầu tiên và cốt lõi là cần xử phạt nghiêm về vi phạm IUU tại cấp địa phương, “không có sự nương tay”, cùng đó là kết hợp với truyền thông để nâng cao nhận thức của ngư dân.
Ông Hùng cũng nêu thực trạng cho thấy sự vào cuộc của một số địa phương còn hạn chế, điều này thể hiện ngay trên số liệu tàu cá vi phạm. Trong khi đó, nhân lực của Cục Thủy sản, Kiểm ngư, Chi cục Thủy sản địa phương không đủ để triển khai.
Do vậy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho rằng trọng tâm vẫn là lực lượng biên phòng và đề xuất tăng cường hơn nữa lực lượng biên phòng ở các tuyến biển, kiểm soát đầu vào và đầu ra của tàu cá để ngư dân không “nhờn” trước các vi phạm.
Về phía Bộ Công an, sau Công điện số 49 của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Cục An ninh kinh tế cho biết đã chỉ đạo tới 28 tỉnh ven biển để triển khai, đồng bộ, thông báo tình hình. Bộ cũng đã có sự phối hợp với các Bộ, ban, ngành và địa phương để xử lí nghiêm các tổ chức môi giới, móc nối tàu cá, ngư dân để đánh bắt trái phép và hợp thức hóa hồ sơ xuất khẩu thủy sản. Đồng thời, Bộ Công an cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền người dân chấp hành pháp luật. Ngoài ra, Bộ Công an tích cực triển khai định danh trên tàu cá. Về trọng tâm cấp bách hiện nay, đại diện Bộ Công an cho rằng cần có sự phối hợp và nâng cao giữa các cơ sở cũng như cải thiện kĩ thuật.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết đã thực hiện Công điện số 49 để làm việc với các doanh nghiệp, từ đó xác định nguyên nhân kĩ thuật của vấn đề mất kết nối VMS.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cam kết từ nay đến hết tháng 10, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không cắt kết nối của các ngư dân. Ngoài ra, trong trường hợp Bộ NN-PTNT cần huy động lực lượng công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định sẽ hỗ trợ kết nối khẩn cấp.
Cử nhân lực giúp địa phương
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chỉ còn khoảng 3 tháng để đón đoàn Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam kiểm tra đánh bắt IUU lần thứ 5, dự kiến vào tháng 10/2024.
Trong đó, câu chuyện quản trị nghề cá là câu chuyện quốc gia cần được quan tâm, đặc biệt trong thời đại mới của khoa học công nghệ gồm trí tuệ nhân tạo, viễn thám, công nghệ thông tin.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, cần nhìn nhận thẳng thắn vấn đề rằng “không một ngành nào có thể độc lập đứng ra giải quyết”, thay vào đó, “cần sự phối hợp nhịp nhàng, liên tục và liên ngành” trong giải quyết vấn đề về quản trị nghề cá.
Bộ trưởng đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành gồm các thành viên từ các Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ NN-PTNT… họp bàn trực tiếp, thường xuyên để giải quyết các vấn đề về IUU.
Bên cạnh đó, Tư lệnh ngành nông nghiệp giao Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư huy động nhân lực biệt phái trong 3 tháng xuống địa phương để giải quyết vấn đề về tàu cá, nhằm minh bạch hóa trong vấn đề xử lý tàu cá vi phạm IUU và hỗ trợ lực lượng địa phương triển khai thực hiện xử lý vi phạm.
"Cần quy chế đặc thù, đặc nhiệm để huy động lực lượng trong 3 tháng để làm việc với những chủ tàu vi phạm, giải quyết vấn đề trước thềm cuộc thanh tra, và sau thời hạn này sẽ tính toán tiếp tục triển khai nhân lực giám sát và kiểm soát tàu cá”, Bộ trưởng đề nghị.
Ngoài ra, cần tập trung tuyên truyền về phần mềm giám sát tàu cá để ngư dân nhận thức được sự giám sát sát sao trong hành trình ra khơi và tránh tình trạng vi phạm do chủ quan. Lắp đặt thiết bị với màn hình lớn tại khu vực cảng cá để nhắc nhở và nâng cao ý thức tàu cá ra khơi trong vấn đề vi phạm IUU…
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, thời gian còn lại không còn nhiều, nếu không giải quyết triệt để vấn đề IUU, không chỉ ngành thủy sản xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề và hình ảnh, vị thế quốc gia cũng sẽ suy giảm.
Phó Thủ tướng đánh giá vấn đề giải quyết IUU trong thời gian qua đã có chuyển biến tích cực. Trước đợt thanh tra lần 5 của EC, Phó Thủ tướng yêu cầu tối đa hóa hiệu quả những việc đang làm và đã phối hợp, trong đó, sử dụng hệ thống VMS có hiệu quả nhất trong thời gian còn lại (gồm cả thời gian EC chuẩn bị báo cáo để đưa ra kết quả công bố cuối cùng).
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị cung cấp dịch vụ giải quyết các vấn đề mang tính kỹ thuật trong khả năng; hướng dẫn các địa phương các vấn đề có tính kỹ thuật; kết nối với Bộ Quốc phòng trao đổi dữ liệu cần thiết.
Phó Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc thành lập tổ công tác liên ngành xử lý vấn đề IUU.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đảm bảo yêu cầu các doanh nghiệp không cắt sóng vệ tinh từ nay đến khi EC có quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh nghiên cứu các vụ việc có thể xử lý trong lĩnh việc mất kết nối VMS theo tinh thần Nghị quyết 04 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
Đề nghị Bộ Ngoại giao cung cấp tọa đồ cho hải đồ điện tử hệ thống giám sát tàu cá. Đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo lực lượng biên phòng kiểm soát chặt chẽ tàu xuất, cập bến.
Linh Linh - Phương Linh, nongnghiep.vn