Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4.5.2024, mục tiêu đến năm 2030 Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, năng động, hướng tới bền vững. Tầm nhìn đến năm 2050, khu vực này là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển.
Ngày 19.5, tại TP.Huế (Thừa Thiên - Huế), Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (Hội đồng Vùng).
Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và lãnh đạo của 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết trên cơ sở Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung được phê duyệt, các đại biểu cần tiếp tục làm rõ các cơ chế, chính sách cần thiết để thiết chế vùng hoạt động hiệu quả; về các nội dung kết nối vùng, những nhiệm vụ đã hoàn thành sau 3 phiên họp. Đồng thời, đánh giá nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đối với những việc chưa làm được.
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, việc triển khai quy hoạch vùng rất quan trọng. Trước mắt, trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ, từng địa phương, tiểu vùng cần đề xuất những dự án ưu tiên kết nối vùng, tiểu vùng, liên vùng, trên cơ sở nguồn lực có thể huy động, đem lại hiệu quả cao nhất.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao quyết định Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo các địa phương.
Theo quy hoạch vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4.5.2024, mục tiêu đến năm 2030 Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, năng động, hướng tới bền vững, mạnh về kinh tế biển, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt mức trung bình cao; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch cũng xác định tập trung phát triển một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn tại Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; phát triển các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây nguyên và nước Lào…
Về tốc độ tăng trưởng, hướng đến tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7,5 - 8%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 165 triệu đồng, tương đương 6.500 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 48%.
Quy hoạch cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đến năm 2050, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, phát triển ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á tại các khu kinh tế ven biển hiện đại.
5 nội dung triển khai để quy hoạch vùng hiệu quả
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để triển khai có hiệu quả quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần tập trung triển khai 5 nội dung sau.
Cần phổ biến bản quy hoạch vùng này một cách rộng rãi, công khai, minh bạch tới người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất.
Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có kế hoạch cụ thể, tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương trong vùng; phá bỏ tư duy cục bộ, trước hết là trong việc triển khai thực hiện dự án có vai trò vùng.
Cần đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành, địa phương; lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của vùng. Phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển.
Tăng cường liên kết vùng, hình thành các cụm liên kết ngành, khu kinh tế ven biển lớn gắn với các đô thị, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái ven biển có sức hấp dẫn du khách quốc tế. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, nhất là cảng biển chuyên dụng gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp lọc hóa dầu.
Cần phát triển các hành lang kinh tế theo trục bắc - nam và đông - tây nhằm kết nối hiệu quả các cảng biển, khu kinh tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị ven biển, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.