Hợp nhất Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường mở ra thuận lợi trong việc giao khu vực biển cho người dân nuôi trồng thủy sản.
Để phát triển nuôi biển bền vững, cần giao khu vực biển lâu dài cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người dân. Đồng thời, cần pháp chế hóa giấy phép giao khu vực biển thành “sổ xanh” - tương tự như “sổ đỏ” trong giao đất nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX và ngư dân có thể dùng để thế chấp vay vốn, hợp tác kinh doanh, thừa kế và tham gia bảo hiểm. Điều này sẽ góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành.

Giao quyền sử dụng khu vực biển dài hạn, nuôi biển sẽ khác!
Chỉ khi được giao quyền sử dụng khu vực biển lâu dài, người dân mới có thể yên tâm đầu tư một cách bài bản. Tương tự trên đất liền, nếu chỉ được giao đất trong 1 năm, người ta chỉ dựng được lều tạm; với thời hạn 10 năm, họ xây nhà cấp 4; còn nếu được cấp quyền sử dụng trong 50 năm, những tòa nhà cao tầng sẽ mọc lên.
Trên biển cũng vậy, nếu chỉ được giao quyền sử dụng trong 1 - 2 năm, người dân buộc phải sử dụng những vật liệu tạm bợ như thùng nhựa, phao xốp, tre, nứa… Nhưng khi được giao khu vực biển 30 năm hoặc hơn nữa, cách tiếp cận sẽ hoàn toàn khác, với sự đầu tư bài bản hơn, công nghệ nuôi biển hiện đại hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Chính vì vậy, việc giao biển lâu dài cho doanh nghiệp, HTX và người dân phải là ưu tiên hàng đầu. Đi đôi với việc giao khu vực biển là hệ thống thủ tục và khung pháp lý minh bạch, rõ ràng.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Tuy nhiên khi Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn là hai cơ quan độc lập, việc thực hiện Nghị định này gặp một số vướng mắc.
Trước tiên, các đơn vị chức năng của ngành NN-PTNT sẽ xem xét cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển với nhiều hồ sơ gồm diện tích, tọa độ, đánh giá tác động môi trường… Sau đó, cùng bộ hồ sơ này phải nộp cho đơn vị chức năng của ngành tài nguyên và môi trường để xem xét và quyết định giao khu vực biển cho doanh nghiệp, HTX, người dân.
Quy trình này tạo ra sự chồng chéo giữa hai hệ thống cơ quan quản lý, dẫn đến tình trạng “con gà - quả trứng”: Muốn nuôi trồng phải có khu vực biển, nhưng để được giao khu vực biển lại cần giấy phép nuôi trồng.
Thủ tục tinh gọn, trao quyền minh bạch
Việc hợp nhất Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường mang đến niềm vui cho các thành viên Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, doanh nghiệp, HTX và người dân. Giờ đây, chỉ còn một đầu mối quản lý, thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm, xóa bỏ tình trạng chồng chéo “ai làm trước, ai làm sau”. Điều này cũng mở ra hi vọng việc giao khu vực biển cho người dân sẽ trở nên thuận lợi hơn.

Sau khi sáp nhập, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của Bộ Nông nghiệp và Môi trường theo tôi là cần rà soát, đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 11 để khắc phục những bất cập trong thực tế. Suốt 4 năm qua, chưa có địa phương nào giao được khu vực biển với thời hạn 30 năm cho người dân, gây cản trở lớn đến phát triển nuôi biển. Vì vậy, cần sớm bổ sung quy định cụ thể, đơn giản hóa trình tự thủ tục, đảm bảo việc giao khu vực biển diễn ra thuận lợi, giúp người dân an tâm đầu tư và sản xuất lâu dài.
Thứ hai, cần thay đổi cách tiếp cận trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Ở nhiều nước, cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu môi trường và hệ sinh thái của từng khu vực biển, xác định mức tải trọng tối đa để phân bổ cho các đơn vị hoạt động nuôi trong khu vực.
Trong khi đó, Việt Nam lại yêu cầu người dân, doanh nghiệp tự lập báo cáo ĐTM dù chưa được cấp phép, chưa triển khai nuôi trồng, dẫn đến nhiều bất cập. Hơn nữa, đây là hoạt động khoa học công nghệ có yêu cầu chuyên môn rất cao, đa số các tổ chức và cá nhân nuôi biển không đủ khả năng thực hiện. Do đó, nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể về tác động môi trường của hoạt động nuôi biển thay vì đẩy trách nhiệm này cho người dân.
Thứ ba, cần xem xét lại mức phí giao khu vực biển. Hiện nay, Quảng Ninh đã chủ trương áp dụng mức phí cao nhất trong khung quy định. Nhà nước có quyền lựa chọn mức phí, nhưng điều quan trọng là phải hợp lý và phù hợp với thực tế. Mức phí cần tính đến loại hình nuôi trồng, bởi nuôi cá cao sản có thu nhập cao hơn và tác động môi trường lớn hơn so với nuôi cá quảng canh hay các đối tượng có giá trị thấp như hàu, rong biển. Việc áp dụng một mức phí chung và cao cho mọi hình thức nuôi trồng là bất hợp lý.
Bên cạnh đó, cần xem xét cách tính phí dựa trên diện tích thực tế sử dụng thay vì toàn bộ diện tích khu vực được giao. Hệ số sử dụng diện tích của từng mô hình nuôi trồng các đối tượng khác nhau sẽ rất khác nhau, ví dụ nuôi cá sử dụng tối đa khoảng 65% diện tích, nuôi hàu chỉ 25%, trồng rong còn thấp hơn. Người dân cũng cần để lại khoảng lưu không. Giả sử, nếu áp mức phí 7,5 triệu đồng/ha/năm cho khu vực 100ha được giao, tổng phí sẽ là 750 triệu đồng/năm - con số cực kỳ cao so với doanh thu nuôi biển hiện nay.
Thứ tư, cần quy định rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể mà người nuôi phải thực hiện khi giao quyền sử dụng khu vực biển, yêu cầu HTX, doanh nghiệp, người dân tuân thủ nghiêm ngặt. Nếu vi phạm, nhà nước có quyền thu hồi. Đặc biệt, trong các tiêu chuẩn này, cần có yêu cầu về nhân lực. Mỗi cơ sở nuôi biển ít nhất phải có một người được đào tạo, có bằng cấp chuyên môn về nuôi biển để đảm bảo quản lý và phát triển bền vững.
Muốn “vươn khơi”, phải đổi mới tư duy
Khi tiến ra biển, cần nhiều điều kiện, nhưng quan trọng nhất là phương thức công nghiệp và phát triển bền vững. Yếu tố then chốt để thực hiện được hai điều này chính là con người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trình độ lao động trong ngành nuôi biển hiện vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện đại.
Người nuôi biển vẫn chưa chú trọng đến nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Do đó, cần thay đổi tư duy này từ gốc, hướng đến nuôi biển an toàn và chủ động phòng bệnh ngay từ đầu.

Từ trước đến nay, hộ dân nuôi biển phải tự lo mọi khâu, từ con giống, thức ăn, lưới, lồng bè, nuôi dưỡng, chữa bệnh vật nuôi, chăm sóc đến thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ. Muốn phát triển nuôi biển theo phương thức công nghiệp, cần chuyên môn hóa các khâu trong chuỗi giá trị và xây dựng liên kết chuỗi bền vững, trong đó người nuôi tập trung vào khâu nuôi, còn các yếu tố đầu vào - đầu ra được đảm bảo thông qua hợp tác với các doanh nghiệp chuyên sâu từng lĩnh vực trong ngành. Chuỗi liên kết này cần ký kết hợp đồng rõ ràng, có sự phối hợp chặt chẽ và cơ chế kiểm soát lẫn nhau.
Ngoài ra, ngư dân xưa nay chỉ làm theo kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau hay tự đúc rút từ sự thất bại của mình. Bây giờ cần thay đổi cách tiếp cận, lấy công nghệ làm động lực chính, bởi công nghệ tiên tiến không chỉ là điều kiện cốt lõi để phát triển nuôi biển bền vững mà còn giúp nâng cao hiệu quả và gia tăng giá trị cho ngành.
Hơn nữa, cần đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là xử lý rác thải, trong đó có rác thải nhựa. Nếu người dân không chủ động giữ gìn môi trường, họ sẽ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp và trước hết.