Quảng Ninh sáng tỏa

Bài viết chứa đựng nhiều thông điệp trong nuôi biển, bảo vệ biển của Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Trân trọng gửi tới các anh chị!

Về với Quảng Ninh, về với Cô Tô, để cảm nhận sự năng động, sôi nổi của huyện đảo đang vươn mình đổi thay từng ngày.

Về với Quảng Ninh, về với thương cảng Vân Đồn, về với những địa danh văn hóa - lịch sử hào hùng, để cảm nhận giá trị “hội tụ và lan tỏa” của vùng đất Hồng Quảng và Hải Ninh trù phú.

Về với “đất mỏ”, để cảm nhận một Quảng Ninh đang chuyển dần từ “màu nâu” khai thác sang “màu xanh” kinh tế biển, dựa vào thiên nhiên - con người - văn hóa, với miền giá trị mới: Nuôi Biển.

Những tin vui nối tiếp nhau. Cá heo liên tục xuất hiện ở vùng biển Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái và vịnh Hạ Long, có thể là chỉ dấu cho thấy môi trường biển ở đây có nhiều cải thiện, là kết quả tích cực cho nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo tồn biển.

Lãnh đạo địa phương kiên quyết, kiên trì xoá phao xốp trong nuôi trồng thủy sản, gửi gắm thông điệp hành động: “Thả cá xuống biển, đưa rác thải nhựa lên”.

Doanh nghiệp tham gia nuôi rong sụn góp phần phủ xanh biển Vân Đồn, thử nghiệm mô hình nuôi biển công nghệ cao tích hợp với các loại hình du lịch mới mẻ. Cô Tô năng động thu hút đông đảo khách du lịch trẻ đến trải nghiệm…

Đúng như lời tâm sự của lãnh đạo tỉnh: “Quảng Ninh đang làm một cuộc cách mạng mới trên quê hương cách mạng, với tinh thần Bạch Đằng, Hòn Gai, Cẩm Phả…”. Và chính “tinh thần cách mạng”“nguồn lực con người” giúp Quảng Ninh tiếp tục chủ động đón nhận cơ hội và mở ra dư địa phát triển mới. 

 

 

“Phát triển nuôi biển bền vững, nhìn từ Quảng Ninh”, vừa là chủ đề, vừa là cách thức tiếp cận từ kinh nghiệm thực tế của địa phương. Nuôi biển là nuôi dưỡng hệ sinh thái biển, để biển mãi xanh, sạch, khoẻ. Biển xanh cho con người môi trường xanh, biển sạch cho tâm hồn con người sạch, biển khoẻ cho con người nguồn tài nguyên sống khoẻ. Nuôi biển không chỉ mang đến giá trị kinh tế, mà còn là những giá trị về môi trường, xã hội, cộng đồng. Chính vì vậy, mục tiêu cốt lõi chính là “Nuôi biển vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”.

Cùng tham gia vào“hải trình” nuôi biển, cơ quan quản lý chuyên ngành trung ương, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, đối tác quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, bà con ngư dân, cư dân ven biển, có sinh kế gắn liền với biển… có cơ hội quây quần với nhau theo vòng tròn đồng tâm, như hình ảnh vòng tròn nuôi biển, để cùng chuyện trò, trao đổi về những điều mình làm được, đóng góp giá trị cho bản thân, cuộc đời mình, cho người khác, cho cộng đồng, cho hôm nay và mai sau. Giá trị càng cao, càng thôi thúc mỗi người hành động.

Giá trị càng cao, càng thôi thúc động lực mạnh mẽ để vượt qua những rào cản đang hiện hữu. Giá trị càng cao, mục tiêu càng cao: không gian nuôi biển sẽ trở thành di sản do con người tạo ra, hài hòa, gắn kết trong miền di sản thiên nhiên Hạ Long, Bái Tử Long.

Biển cung cấp cho con người đủ đầy nguồn sống từ hệ sinh thái đa tầng, đa giá trị. Nhưng nếu không quan tâm đến việc bảo tồn, giữ gìn, tái tạo, đến một ngày hệ tuần hoàn dễ bị tách rời, đứt gãy, một phần do biến đổi khí hậu, và phần lớn hơn có khi vì những tác động tiêu cực, vì sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm của con người. Bị cuốn vào tham vọng chinh phục thiên nhiên, vào sự mặc định tài nguyên từ biển luôn là vô tận, phải chăng con người đã lấy đi quá nhiều từ biển, mà quên suy nghĩ đến việc bù đắp lại cho biển, chăm sóc biển, nuôi dưỡng sức khoẻ cho biển?

 

 

Lợi ích trước mắt dễ làm nhòa đi giá trị dài lâu, bền vững. Đến khi tôm cá đầy khoang mỗi lần ra biển không còn là điều đương nhiên nữa, con người mới nhận ra, đâu có tài nguyên vô tận. Đến khi rác thải nhựa ngập ngụa khắp mặt biển, bãi biển, con người mới nhận ra biển đã bị tổn hại đến mức nào. Nhu cầu của con người ngày càng lớn dần hơn, biển không còn đủ khỏe để đáp ứng. Không thể cư xử tử tế với biển, với thiên nhiên, con người khó lòng cư xử tử tế với nhau.

Lắng nghe những người gắn bó, lặn lội với nuôi biển - những doanh nghiệp, bà con ngư dân đại diện cho hơn một trăm hợp tác xã nuôi biển mới được thành lập trong gần 2 năm, mới cảm nhận nhiều thêm về “tâm huyết và khát vọng”, về “trăn trở và nỗi niềm”. Đâu là những rào cản cần tháo gỡ để vùng nuôi biển lớn hơn, an toàn hơn cho những người nuôi biển? Đâu là nguồn lực cần có, cần hỗ trợ cho những người đã dấn thân vào nghề nuôi biển? Đâu là sự bất cập: “chính sách còn trong đất liền, mà cuộc sống đã ra khơi”?

 

 

Mỗi sự bất cập làm giá trị không gian biển bị bó hẹp. Và cách nghĩ “du lịch đến đâu thủy sản mất tới đó, hoặc ngược lại” vẫn gợn lên bao quan ngại. Chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con ngư dân Quảng Ninh từng bước chứng minh rằng, hoàn toàn không có sự xung đột trong không gian biển nếu biết tích hợp, gắn kết hài hòa và chuyển hoá giá trị cho nhau.

Chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con ngư dân Quảng Ninh đang chuyển từ tư duy đơn loài, đơn giá trị sang đa loài, đa giá trị. Nhiều doanh nghiệp còn đang tìm kiếm những giá trị cao hơn, khi nghiên cứu, khai thác giá trị dược phẩm, mỹ phẩm, bên cạnh giá trị thực phẩm từ những sản phẩm nuôi biển.

Một nhà kinh tế học chia sẻ: “Khi chúng ta chỉ nhìn vào một thứ, thì sẽ không thể nhìn thấy những cơ hội khác đôi khi có giá trị hơn nhiều lần”.

 

 

Khép lại hội nghị “Phát triển nuôi biển bền vững, nhìn từ Quảng Ninh”, câu hỏi: “Rồi sao nữa?”, ngay lập tức, bật ra.

“Hiệu ứng gợn sóng” là tình huống giống như những gợn sóng mở rộng trên mặt nước khi có một vật thể rơi xuống, có thể lan truyền dần ra bên ngoài. Kết hợp với thông điệp phát triển “hội tụ và lan tỏa” của vùng đất địa đầu Đông Bắc, “Quảng Ninh tỏa sóng” hôm nay có thể lan tỏa vòng tròn đồng tâm đến các địa phương có tiềm năng nuôi biển.

“Quảng Ninh tỏa sóng” hôm nay đưa các cơ quan xây dựng, ban hành thể chế, đơn vị quản lý xích lại gần nhau với các chủ thể trong “vòng tròn nuôi biển”. Khi xích lại gần nhau, không gì là không thể. Khi xích lại gần nhau, càng thêm thấu hiểu và chia sẻ, những rào cản sẽ được tháo dỡ dần, để sóng tỏa lan truyền mạnh mẽ hơn, xa rộng hơn.

 

 

Mai này, Quảng Ninh sẽ trở thành một trung tâm nghề cá hiện đại, hội tụ ngành nghề “nuôi biển chất lượng cao, chế biến sâu, vươn tầm khu vực”. Mai này, Quảng Ninh sẽ có trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp về lĩnh vực thủy sản, nuôi biển và bảo tồn biển. Mai này, Quảng Ninh và các địa phương ven biển khác, sẽ tiếp tục xác định trọng tâm phát triển kinh tế biển, với “Ngư nghiệp - Ngư dân - Ngư trường”, cùng thiết chế “Cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản”“lấy con người làm trung tâm”.

Tư duy cộng đồng, bắt đầu từ cộng đồng, bền vững vì cộng đồng, cần trở thành nền tảng, nguyên tắc hoạt động của những hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, thương mại, các tổ chức nghiên cứu khoa học ngành nuôi biển…

“Hải trình” không khó vì sóng to, gió lớn, mà khó vì lòng người ngại sóng gió, chưa rõ về đích đến còn ở xa. Nên mỗi người có thể bình tĩnh nhắc nhau rằng: “Khi biển lặng ai cũng là hoa tiêu giỏi cả”. Hay lúc thảnh thơi nói với nhau về danh ngôn rất hay: “Ai cũng có cả bầu trời, đại dương để bay, nếu điều đó nằm trong tim của họ. Mạo hiểm chăng? Có thể. Nhưng giấc mơ nào biết đến biên giới”. Và tôi hạnh phúc ngắm nhìn những giấc mơ Quảng Ninh, “lắng nghe” khát vọng Quảng Ninh qua lời hát khỏe khoắn ngân vang nơi huyện đảo Cô Tô:

“Hồn nhiên nằm trong lòng Mẹ Biển

Mỗi ngày một phát triển

Mỗi ngày mạnh mẽ tiến.”

 

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Email Gọi ngay Facebook
Facebook Chat Icon Xin chào!
Mình có thể giúp gì bạn
hiephoinuoibienvietnam