Sau bão số 3, chính quyền huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) nhanh chóng vào cuộc khắc phục thiệt hại, đồng thời tiến hành đo vẽ, cắm mốc, giao mặt biển cho ngư dân. Đối với các hộ nuôi biển trong phạm vi từ 3 hải lý trở vào bờ, thẩm quyền cấp phép thuộc phạm vi của cấp huyện nên quá trình giao biển tương đối thuận lợi. Song với diện tích nuôi biển nằm ngoài vùng 3 hải lý, thủ tục giao biển rất phức tạp. Vì vậy, quá trình giao biển đối với phần lớn diện tích hiện mới chỉ là tạm giao để bà con tái thiết sản xuất. Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần STP Group-một doanh nghiệp nuôi biển ở Vân Đồn, cho rằng: “Điều cần nhất là chúng tôi phải được giao biển để thực sự có một tấm “sổ xanh”, có một “móng nhà” để sản xuất lâu dài, gắn với trách nhiệm trên đó. Thời gian có thể từ 30 đến 50 năm để chúng tôi yên tâm đầu tư sản xuất, chứ giao 3 năm, 5 năm như bây giờ rất khó định hướng đầu tư lâu dài”.

Tháo gỡ khó khăn trong việc giao khu vực biển
 Ngư dân huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sửa chữa, lắp lại lồng bè sau bão số 3.

Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10-2-2021 của Chính phủ quy định, đối với cá nhân, tổ chức có nhu cầu nuôi trồng thủy sản dưới 1ha thì cấp huyện sẽ là cơ quan chủ trì việc giao khu vực biển. Đối với diện tích trên 1ha trong vòng 3 hải lý và khu vực từ 3 đến 6 hải lý, thẩm quyền giao biển thuộc cấp tỉnh. Đối với khu vực ngoài 6 hải lý thì thẩm quyền cấp phép sẽ thuộc cấp bộ. Ngoài ra, các dự án nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền cấp tỉnh giao phải xin ý kiến của 4 bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hợp tác xã phải làm hồ sơ đánh giá tác động môi trường, thủ tục hành chính rất phức tạp nên khó tiếp cận. Đồng chí Đào Văn Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: “Hầu hết vùng nuôi biển của các xã đảo ở Vân Đồn nằm trong vùng biển từ 3 đến 6 hải lý, phải xin ý kiến của 4 bộ và thực hiện đánh giá tác động môi trường. Đây là những yêu cầu rất khó khăn đối với việc giải quyết cơ chế, chính sách cho người dân các xã đảo đầu tư nuôi trồng thủy sản”.

Mặc dù cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, song quá trình thực hiện trên thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc, khiến cho quá trình giao, cho thuê mặt biển còn chậm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của các tập thể và cá nhân. Chẳng hạn như Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa rà soát, chỉnh lý, công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý của đất liền và đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP. Vì vậy, các địa phương có các đảo diện tích lớn chưa đủ căn cứ pháp lý xác định đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý để làm cơ sở thực hiện thủ tục giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản.

Trước những khó khăn, vướng mắc về cấp phép giao khu vực biển trong nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam kiến nghị: “Luật Thủy sản năm 2017 quy định giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên biển đến 30 năm, có thể kéo dài thêm 20 năm. Đó là hình thức tạo điều kiện lâu dài về mặt luật pháp cho hoạt động trên biển. Chúng ta hay chê trách bà con ngư dân làm lồng bè đơn giản, quá thô sơ, quá thủ công nhưng chưa đặt câu hỏi tại sao lại như thế? Vì nếu chỉ được giao biển có 1-2 năm thì họ chỉ làm lồng bè thôi. Ngược lại, nếu được giao biển 30 năm, 50 năm, họ có thể dựng cả "trang trại" trên biển. Cần phải tạo ra hành lang pháp lý phù hợp để người dân gắn chặt với vùng biển được giao, từ đó khuyến khích, động viên bà con đầu tư một cách bài bản với những công nghệ thích hợp cho vùng nuôi biển...”.

 Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG; qdnd.vn