Tôm hùm - từ món ăn của nô lệ thành biểu tượng địa vị thượng lưu

Tôm hùm, mặc dù không phải là món ngon kỳ lạ nhất thế giới, từ lâu đã thống trị như một mặt hàng đại diện cho cuộc sống thượng lưu.

Là một món ăn đắt tiền, tôm hùm đã trở thành biểu tượng lâu đời của sự xa hoa trong nghệ thuật và thời trang, đạt đến vị thế văn hóa vượt xa các món ăn xa xỉ khác như trứng cá muối hoặc những miếng thịt bò bít tết đắt tiền.

Trên thực đơn, loài "côn trùng dưới nước" này có thể có giá cao ngất ngưởng: một suất paella tôm hùm xanh có giá 230 USD ở Las Vegas (Mỹ), một tháp tôm hùm có giá gần 700 USD ở Toronto (Canada), hay tôm hùm trứng muối khổng lồ có giá 460 USD ở Việt Nam.

Loạt sàn diễn thời trang cao cấp Schiaparelli, Dior, Thom Browne và Maison Margiela cũng từng tôn vinh những chiếc càng đỏ bóng và chiếc đuôi cong của nó, với những ngôi sao hạng A như Zendaya, Lady Gaga và Chloë Sevigny đều diện thiết kế kiểu này.

Trong nghệ thuật, tôm hùm tượng trưng cho sự trường thọ trong các bản in Nhật Bản thời kỳ Edo, sức mạnh trong các bức tranh Flemish và cơ quan sinh dục trong thể loại siêu thực.

Từ món ăn của nô lệ đến bàn ăn nhà giàu

Tôm hùm sinh sống ở các đại dương trên khắp thế giới và được ưa chuộng rộng rãi, đặc biệt tại châu Á, đã làm tăng giá trị thị trường toàn cầu lên tới hàng tỷ USD, theo công ty phân tích dữ liệu Markets and Research.

Trên bờ biển New England, nhu cầu và chi phí đối với loài hải sản này vẫn tiếp tục tăng, trong khi tôm hùm giảm mạnh ở vùng nước ấm lên của New England trong những năm gần đây.

Nhưng tôm hùm vốn không phải biểu tượng của địa vị.

Trong quá khứ, chúng từng là thức ăn cho tù nhân và nô lệ ở thuộc địa Mỹ. Và mặc dù đúng là những con tôm hùm của New England không được những người định cư Anh coi trọng, điều đó khó có thể bao quát được toàn bộ lịch sử của sinh vật biển này, loài đã bị ăn thịt trong ít nhất 250 triệu năm, như cuốn sách "Tôm hùm: Lịch sử toàn cầu" của tác giả Elisabeth Townsend đã ghi lại.

Ngày nay, tôm hùm là món ăn xa xỉ.

Tôm hùm có một lịch sử ẩm thực lâu đời và đa dạng trên khắp thế giới: Loài tôm hùm Mỹ có móng vuốt lớn được phục vụ trên bánh; tôm hùm gai được thèm muốn ở Nhật Bản; tôm hùm đá được ưa chuộng ở Nam Phi và Australia; và tôm càng được tôn sùng trong ẩm thực Pháp.

"Con người ăn vì loài giáp xác này dễ dàng tiếp cận. Nhưng cuối cùng, địa vị của nó đã chuyển từ đồ ăn giàu protein sang biểu tượng văn hóa", Townsend viết. Theo Townsend, theo dòng lịch sử, tôm hùm ban đầu được coi là "món ăn để sinh tồn".

Nhưng trong thế giới cổ đại, tôm hùm cũng được tôn kính tại một số thời điểm: Nó xuất hiện trên một ngôi đền Ai Cập thế kỷ 15 trước Công nguyên và một sàn khảm khoảng thế kỷ 1 trước Công nguyên ở Pompeii. Tương tự, các họa tiết tôm hùm trên đồ gốm của nền văn hóa Moche ở Peru, từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 8, cho thấy giá trị của nó trong cộng đồng ven biển của họ.

Qua các thời đại và khu vực, tôm hùm được tiêu thụ theo nhiều cách khác nhau. Các chế phẩm đơn giản nhất của nó là luộc hoặc hun khói hoặc nướng, như trong các cộng đồng thổ dân châu Mỹ ven biển từ lâu trước khi New England nổi tiếng với món sò nướng đầy hải sản.

Vào thời điểm châu Âu bước vào thời Trung cổ, các sách dạy nấu ăn đã gợi ý nhiều món ăn như súp tôm hùm tẩm gia vị, mặc dù nguyên liệu này đắt tiền do chi phí vận chuyển.

Vào những năm 1930, tôm hùm đã trở thành món ăn chính trong ẩm thực cao cấp. Thời kỳ hoàng kim của ẩm thực Pháp, các đầu bếp đã nghĩ ra những cách chế biến với sò ốc phức tạp cùng nấm cục và rượu sâm panh, trong khi những nhà công nghiệp mới nổi ở New York thưởng thức nó tại các nhà hàng sang trọng nhất của thành phố.

Biểu tượng thời trang tai tiếng

Khi thương mại hàng hải bắt đầu định hình lại thế giới, tôm hùm trở thành một món chính cho giới quý tộc châu Âu - những người thích phục vụ các bữa tiệc với nhiều nguyên liệu kỳ lạ để phô trương sự giàu có và quyền lực của họ. Điều này được ghi nhận trong các tác phẩm nghệ thuật.

Christopher DM Atkins, giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Hà Lan tại MFA Boston, cho biết trong một cuộc gọi điện thoại với CNN: "Trước đây, các họa sĩ người Hà Lan sẽ mô tả những bữa ăn tương đối đơn giản: cá trích, pho mát và một cốc bia. Tuy nhiên, khi khu vực này trở nên giàu có hơn thì các chủ thể được vẽ cũng thay đổi. Người ta bắt đầu thấy trái cây và thú săn, rượu vang và đồ thủy tinh tinh xảo, đồ sứ nhập khẩu và hàng xa xỉ".

Sau đó, tôm hùm bắt đầu xuất hiện - tượng trưng cho "sự giàu có của biển cả". Ví dụ, năm 1565, họa sĩ Willem Kalf, đã vẽ một con tôm hùm được sắp xếp bên cạnh một chiếc sừng trâu sáng bóng, đồ thủy tinh tinh xảo và một tấm thảm trang trí.

Tôm hùm đã bước vào thời trang cao cấp.

Ông cho biết, tôm hùm cũng có thể hấp dẫn các nghệ sĩ thời đó vì là một mảng màu tươi sáng trên bức tranh, hoặc vì nó góp phần tạo nên các kết cấu tương phản xa hoa - ví dụ như vỏ giáp xác mịn màng bên cạnh chanh đã bóc vỏ hoặc thủy tinh trong suốt - tất cả đều nhằm phục vụ cho sức mạnh ảo giác của bố cục.

Tôm hùm cũng bước vào thời trang cao cấp.

Nhưng nếu nghệ thuật Hà Lan trao cho tôm hùm một vai phụ thì phong trào siêu thực vào giữa thế kỷ 20 đã trao cho tôm hùm cơ hội trở thành ngôi sao, nhờ chiếc váy tai tiếng ra đời từ sự hợp tác sáng tạo giữa Dalí và nhà thiết kế thời trang người Italy Elsa Schiaparelli.

Dalí đã giới thiệu tôm hùm như một biểu tượng khiêu dâm trong tác phẩm siêu thực năm 1936 của mình là "Lobster Telephone" và năm sau, Schiaparelli đã cung cấp cho ông một loại vải trắng mới thông qua chiếc váy lụa organza cạp cao màu trắng đục - một trong số nhiều sản phẩm hợp tác giữa hai người. Họa tiết của Dalí trên chiếc váy mô tả một con tôm hùm đang lao xuống với mùi tây rải rác xung quanh.

"Schiaparelli cảm thấy gắn bó với phong trào này vì bà có nhiều trí tưởng tượng và sự kỳ quặc trong các thiết kế của mình", giám tuyển Marie-Sophie Carron de la Carrìere, người đã tổ chức buổi trình diễn tác phẩm của nhà thiết kế thời trang này vào năm 2022 tại Museé des Arts Décoratifs ở Paris, giải thích.

Năm 1937, Wallis Simpson, nữ công tước xứ Windsor, tạo dáng trong chiếc váy dạ hội màu tôm hùm của Schiaparelli trên tạp chí Vogue, tạo thêm một vụ bê bối nữa cho mối quan hệ của bà với Hoàng tử Edward - người vừa mới thoái vị để kết hôn với bà.

Kể từ đó, tôm hùm đã trở thành một chuẩn mực trong lịch sử thời trang, nghệ thuật và thường xuyên xuất hiện trở lại: Anna Wintour mặc một thiết kế lấy cảm hứng từ tôm hùm của Prada đến Met Gala 2012; Zendaya diện một chiếc váy gợi nhớ đến Schiaparelli - dưới thời giám đốc sáng tạo Daniel Roseberry - vào năm ngoái.

Với vị thế vững chắc trong cả thế giới ẩm thực và văn hóa thị giác, tôm hùm sẽ không sớm mất đi sự ưa chuộng như một biểu tượng của địa vị và phong cách.

Đinh Phạm

Theo CNN

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Email Gọi ngay Facebook
Facebook Chat Icon Xin chào!
Mình có thể giúp gì bạn
hiephoinuoibienvietnam