Sự sống hồi sinh, niềm hy vọng được nhen nhóm trở lại ở vùng biển Vân Đồn sau những mất mát, tổn thất tưởng như không gì có thể bù đắp nổi.
Bình minh trên biển Vân Đồn. Ảnh: Cường Vũ.
Sáng sớm, ánh bình minh chậm rãi xua tan lớp sương mù rồi nhanh chóng tỏa ánh nắng ban mai vàng sánh lên vùng biển vịnh Bái Tử Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Từ bến cảng Cái Rồng, anh Ngô Nam Trung, Giám đốc HTX Trung Nam, một người tiên phong nuôi biển ở Vân Đồn lại vững chãi cầm lái chiếc ca nô chở theo tôi rẽ sóng hướng ra phía ngoài khơi Quan Lạn. Lần thứ ba trong vòng một năm, tôi cùng với người đàn ông có dáng dấp hộ pháp này đi ra phía ấy. Lần đầu hồi tháng 3, khi tỉnh Quảng Ninh có chiến dịch sắp xếp lại vùng biển Vân Đồn với khát vọng phát triển nghề nuôi biển theo hướng quy mô lớn. Lần thứ hai đợt cuối tháng 8 vừa rồi, thời khắc cơn bão quái ác Yagi quần thảo biển Vân Đồn tan nát, nhấn chìm hầu hết gia sản và cả khí thế, khát vọng nuôi biển đang hừng hực hơn bao giờ hết.
Vân Đồn gần 3 tháng sau siêu bão Yagi. Bầu không khí của sự mất mát, tổn thất nặng nề vẫn còn hiện hữu trên từng vạt rừng xơ xác, trên những hòn đảo lớn nhỏ trơ trọi giữa biển khơi và phảng phất trên từng nét mặt gió sương của người dân biển. Số liệu thống kê từ Phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn cho biết, bão số 3 đã cướp mất của huyện khoảng hơn 3.000ha diện tích nuôi biển, thiệt hại ước chừng 2,2 nghìn tỷ đồng. “Mất mát có thể nói là chưa từng thấy ở Vân Đồn”, bà Trương Thị Thúy Huyền - Trưởng phòng - trao đổi nhanh với phóng viên trước khi tất tả chạy đi tiếp nhận đơn của người nuôi biển gửi đến.
Nuôi biển Vân Đồn phục hồi sau bão Yagi. Ảnh: Cường Vũ.
Sau bão số 3, Vân Đồn cũng là vùng sản xuất trọng điểm được hệ thống ngân hàng rà soát, thống nhất kéo dài thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay, khoanh nợ, rà soát đối tượng vay mới… Cả hệ thống chính trị đang chạy đua vì sứ mệnh hồi sinh biển Vân Đồn sau cú ra đòn quá hiểm ác của thiên tai.
Được biết, từ thời điểm bão tan đến giờ, UBND huyện Vân Đồn đã tổ chức 3 hội nghị để chia sẻ mất mát, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân bị thiệt hại trong các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã đích thân chủ trì 2 hội nghị làm việc trực tiếp nhằm cùng với người dân tìm hướng tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất... Tính đến hôm chúng tôi quay trở lại nơi này lần thứ ba, huyện đã tiếp nhận gần 2.000 lá đơn của người dân, hợp tác xã ở Vân Đồn bị thiệt hại do bão. Trong đó, có 853 lá đơn của người dân nuôi biển, 912 đơn của người trồng rừng.
“Khó khăn ở chỗ, căn cứ hỗ trợ bà con chủ yếu dựa vào Nghị định 02 của Chính phủ. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Hội đồng thẩm định cấp xã đã rà soát các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn và đối chiếu thành phần hồ sơ theo hướng dẫn và các điều kiện để được hỗ trợ nhưng đều không đảm bảo, do các hộ dân nuôi trồng thủy sản không có kê khai sản xuất ban đầu. Cho nên, nuôi biển ở Vân Đồn hiện tại chủ yếu bà con đang tự gắng gượng xóa bàn cờ đánh lại từ đầu”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn cảm thán.
Anh Ngô Nam Trung là một trong số những người đầu tiên trở lại vùng biển ngoài khơi Quan Lạn sau bão. Còn nhớ thời điểm ấy, khi bão Yagi chỉ mới vừa tan, tôi cùng Giám đốc HTX Trung Nam đã ra vùng “biển trắng” - từ mà dân biển Vân Đồn dùng để nói về sự tàn phá khốc liệt của cơn bão. Chứng kiến thủ phủ nuôi biển phút chốc tan hoang với lồng bè, nhà cửa của các thành viên trong hợp tác xã bị đánh tan nát chẳng còn gì, tôi cứ hình dung không biết đến bao giờ bà con Vân Đồn mới có thể quay trở lại với nghề nuôi biển.
Vậy mà, bão mới qua hôm trước, hôm sau đã thấy mấy anh em hô hào nhau đi tìm phao nhựa gom về, đi kiếm dây hàu kết thành giàn, đóng lại ô lồng, í ới gọi điện tìm mua hàu giống, tìm người làm, lại thấy những chuyến tàu rẽ sóng ra khơi.
Anh Ngô Nam Trung - Giám đốc HTX Trung Nam. Ảnh: Cường Vũ.
"Dừng bây giờ là chết", anh Trung bảo vậy. Nghề nuôi biển ở Vân Đồn tự bao đời nay vốn là canh bạc. Thả một con hàu, con cá xuống nước nghĩa là gửi gắm vào đấy cả sổ đỏ, nhà cửa và tiền vay mượn anh em họ hàng để đầu tư. Một hộ nuôi biển kéo theo cả chục hộ khác làm các nghề phụ trợ như cung cấp giống, vật tư, chế biến, vận tải… Cả vạn người Vân Đồn sống nhờ vào biển.
Năm nay, gặp cơn bão quá kinh hoàng, biển trắng xóa, lòng người cũng nát tan hết cả. Nhà mất nhiều bù nhà mất ít, bình quân chắc chắn không dưới 4 tỷ đồng/hộ nuôi. Như HTX Trung Nam, 7 thành viên, nhà ít nhất cũng hơn 3 tỷ, còn Giám đốc Ngô Nam Trung mất hơn 20 tỷ đồng cả vốn đầu tư và 800 đường hàu sắp đến ngày thu hoạch. Thành thử sau bão, hỏi chuyện, người Vân Đồn nào cũng thấy nói hàu "ăn" mất nhà, "ăn" mất sổ đỏ rồi còn đâu. Thậm chí như trường hợp ông Long Văn Quảng, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Thắng Lợi, hàu còn “ăn” cả mạng người.
Đã đành là xót người xót của, nhưng không thể ngồi đó khóc than mãi được. Giám đốc HTX Trung Nam tự sự. Với dân biển, mất mát, thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản vốn dĩ luôn phải xem là chuyện thường tình. Phải vững tinh thần "ngã ở đâu đứng lên ở đó, còn da lông mọc còn chồi nảy cây". Đến thời điểm này, dù bà con chưa nhận được nhiều hỗ trợ, chưa vay mượn lại được ngân hàng đồng nào nhưng bằng mọi giá cứ phải cắm được dây hàu xuống biển trước đã.
“Vật dụng trong nhà cái gì bán được thì bán, anh em họ hàng ai vay được thì vay, bao nhiêu dự định làm cái này cái kia đều gác lại để dồn hết nguồn lực hồi sinh nghề nuôi biển. Có như thế mới hy vọng gỡ gạc, mới tự cứu được mình. Vụ này, tôi tính thả khoảng 500 dây hàu, chỉ hơn một nửa so với số mất hôm bão, nhưng cố gắng gầy dựng lại dần dần vậy”, anh Trung chia sẻ.
Hôm chúng tôi ra Quan Lạn, bầu không khí lao động đã quay trở lại trên vùng biển đã được quy hoạch nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn. Chỗ này tập kết vật liệu để đóng lại lồng bè, chỗ kia đã thả những dây hàu giống đầu tiên xuống biển. Từ HTX Trung Nam đến những hợp tác xã nuôi biển tiếng tăm khác ở thủ phủ nuôi biển Quảng Ninh như Phất Cờ, Thắng Lợi, Kiên Cường, Mạnh Đức… đâu đâu cũng thấy dân nuôi biển đang “xóa bàn cờ đánh lại từ đầu”.
Hoá ra cái câu cửa miệng ấy của người Vân Đồn mang cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bão Yagi đã xóa toàn bộ thủ phủ nuôi biển vốn nhộn nhịp thuyền bè, nhà nổi, lồng nuôi trở thành vùng biển trắng, chẳng còn lại gì dù chỉ một chiếc phao. Đồng nghĩa với việc ranh giới mặt nước của các hợp tác xã, hộ nuôi ngày trước cũng chẳng còn. Thành thử ngay từ thời điểm sau bão, song song với vấn đề cấp bách nhất là vận động các hệ thống ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, chính quyền huyện Vân Đồn tất tả rà soát hồ sơ, diện tích mặt biển để giao lại cho người dân sản xuất.
“Nuôi biển Vân Đồn sẽ được sắp xếp lại quy củ hơn, bài bản hơn, trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho người dân yên tâm sản xuất”, chỉ thị từ chính quyền nêu rõ.
Tái thiết nuôi biển ở Vân Đồn. Ảnh: Cường Vũ.
Phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn cho biết: Ngay sau bão, UBND huyện đã giao khu vực biển cho 5 hộ gia đình theo diện dưới 1ha trong phạm vi 3 hải lý và xác nhận khu vực biển để khôi phục sản xuất cho 85 HTX với 1.165 thành viên, tổng diện tích tạm giao khoảng 8.159ha. Đến nay, người dân đã thả phao nuôi hàu được khoảng 3.500ha, xuống giống mới được 2.500ha; đã khôi phục được hoàn toàn số lồng cá bão đánh hư hỏng, với số lượng là 3.750 ô lồng.
“Dù quay trở lại biển đang phải theo kiểu giật gấu vá vai, nhưng nhìn chung, bà con Vân Đồn chắc chắn sẽ lại hồi sinh bằng tinh thần người Vân Đồn sống vì biển, làm giàu từ biển”, bà Trương Thị Thúy Huyền chia sẻ ngắn gọn.
Chiếc ca nô tiếp tục rẽ sóng từ Quan Lạn đưa chúng tôi ra tiếp xã đảo Thắng Lợi, Bản Sen, Minh Châu, Ngọc Vừng… Hẳn nhiên, hậu quả cơn bão quá nặng nề vẫn còn ám ảnh. Nhưng cả một vùng biển mênh mông vừa mới hôm trước bị bão đánh tan không còn một chiếc phao nào, bây giờ bà con đã lại thả phao, cắm giàn, xuống dây nuôi theo hàng lối đều chằn chặn. Một số hợp tác xã đã bắt đầu xuống giống, xen lẫn nuôi hàu với rong sụn, với cá song, cá chẽm theo kiểu lấy ngắn nuôi dài.
"Biển trắng" Vân Đồn đang hồi sinh ở khắp mọi nơi. Màu xanh ngọc đặc trưng của vịnh Bái Tử Long đang dần quay trở lại cùng với nhịp sống và bàn tay lao động của người xứ biển. Ông Nguyễn Sỹ Bính, một người nuôi biển lâu năm ở xứ này, khảng khái: Chỉ cần còn sót lại một con hàu, chắc chắn bà con nuôi biển Vân Đồn sẽ lấy lại được những gì đã mất.
Hợp tác xã Phất Cờ của ông Bính là đơn vị đầu tiên ở Vân Đồn liên kết doanh nghiệp STP Group để phát triển mô hình nuôi biển bền vững; mạnh dạn đầu tư chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường, chuyển từ sản xuất đơn canh sang mô hình nuôi biển kết hợp giữa nuôi hàu, nuôi rong sụn và xây dựng trang trại du lịch trên biển.
Ông Bính tính toán, mỗi năm nuôi trồng 3 vụ rong sụn với sản lượng đạt 70-100 tấn/ha/năm, kết hợp nuôi hàu sữa, cá lồng bè, mỗi thành viên hợp tác xã thu hơn 1 tỷ đồng/xã viên/năm, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng. Vừa kinh tế vừa phục hồi môi trường biển.
Khi mọi thứ đang dần đi vào quỹ đạo thì bão số 3 vào phá tan tành. Riêng gia đình ông Bính mất toi hơn 7 tỷ đồng. Có người khuyên bỏ, có người rút lui, chỉ thấy ông giám đốc hợp tác xã nuốt nước mắt vào trong, lầm lụi lái thuyền đi kiếm lại từng chiếc phao, kỳ cạch đóng lại từng chiếc lồng để tiếp tục sống chết với biển.
“Nhìn biển trắng, hai bàn tay cũng trắng, anh em ai cũng điếng hết người, nhưng cũng chỉ biết động viên nhau là còn người còn của. Đi qua bão mà hợp tác xã vẫn đầy đủ các thành viên, không mất mát một ai cũng là may mắn lắm rồi. Bây giờ, dân Vân Đồn kiến nghị Nhà nước hai vấn đề để có thể hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất”, ông Bính chậm rãi. "Một là, sớm bàn giao xong mặt biển để các hợp tác xã có cơ sở pháp lý tái đầu tư. Hai là, nâng hạn mức vay tín chấp lên cho dân tiếp cận thêm nguồn vốn, có tiền xuống giống. Nếu được cả hai chính sách này, chắc chắn người nuôi biển Vân Đồn sẽ lại giàu có như xưa".
Tiếp tục bám biển. Ảnh: Cường Vũ.
“Tính bình quân một giàn hàu đầu tư hiện tốn khoảng 15-20 triệu đồng, bình quân mỗi hộ nuôi biển ở Vân Đồn cũng phải tầm 50-70 giàn, toàn tiền tỷ cả, dân đang cần lắm chính sách hỗ trợ vay vốn từ các ngân hàng. Một đồng cũng quý, có thêm sự hỗ trợ, dân càng có thêm động lực để có thể đứng lên”, Giám đốc HTX Phất Cờ hy vọng.
Những ngày này, ông Bính cùng với các xã viên Phất Cờ ở lại suốt cả ngày lẫn đêm ở ngoài lồng bè. Ngày lao động khôi phục sản xuất, đêm tranh thủ đi câu, đi lưới kiếm thêm ít cá. Mỗi người mỗi việc, vừa tìm nguồn thu nhập vừa chờ đợi lứa hàu vụ mới đang dần lớn từng ngày. Tôi gợi chuyện vui rằng toàn tỷ phú biển cả mà giờ lại lọ mọ kiếm từng con cá thế này, ông Bính tươi cười, hẹn nhà báo khoảng tháng Tư năm sau lại ra biển Vân Đồn. Lúc ấy, chắc hẳn biển sẽ lại đông vui, nhộn nhịp lắm.
Quá trưa, từ HTX Phất Cờ nhìn vào bờ, bến cảng Cái Rồng đã nhộn nhịp hẳn. Tàu chở phao của dân nuôi biển, tàu chở hành khách đi ra đảo Cô Tô, tàu của ngư dân đánh bắt trở lại bờ… Không khí lao động, mua bán tấp nập đã xen lẫn những tiếng cười sang sảng.
3.
Cuối tháng 11 vừa rồi, giữa những bộn bề lo toan hồi sinh biển Vân Đồn sau bão, Chi hội Nuôi biển Vân Đồn đã được thành lập và ra mắt với 21 thành viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi biển tiên phong ở thủ phủ nuôi biển tỉnh Quảng Ninh. Bỏ lại sau lưng những tổn thất, lo toan, người Vân Đồn đang cùng nhau hướng đến những giá trị mới từ biển cả.
Tân Chi hội trưởng nuôi biển Vân Đồn là chị Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Babavi - thương hiệu hàu Thái Bình Dương hàng đầu ở thủ phủ nuôi biển Quảng Ninh. Các thành viên chi hội cũng toàn những tổ chức, cá nhân nuôi biển "có số má" ở Vân Đồn, Cẩm Phả, Đầm Hà: Công ty sản xuất thương mại thủy sản Quảng Ninh, Công ty CP STP Aqua Quảng Ninh, HTX đảo ngọc Vân Đồn, HTX nuôi trồng và du lịch trải nghiệm Thành Tuân, HTX Phú Thịnh Vân Đồn... Chị Hiền chia sẻ, cơn bão số 3 cũng là dịp để người Vân Đồn nhìn nhận lại nghề nuôi biển. Phải làm sao để ít rủi ro hơn, bền vững hơn và mang lại giá trị cao hơn.
Theo Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển huyện Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được phê duyệt cuối năm 2023 đặt mục tiêu: Đến năm 2025, diện tích nuôi biển Vân Đồn đạt tầm 3.965ha đối với nhuyễn thể, số ô lồng nuôi cá song đạt 5.334 ô lồng, cá khác đạt 1.645 ô lồng; Sản lượng nuôi biển đạt 175.956 tấn nhuyễn thể, 2.430 tấn cá song, 722 tấn cá khác; Giá trị nuôi biển đạt 2.564 tỷ đồng đối với nhuyễn thể, nuôi cá song đạt 500 tỷ đồng, nuôi cá khác đạt 108 tỷ đồng...
Cơn bão quái ác hồi cuối tháng Tám gần như phá nát hết mọi mục tiêu của đề án. Hàu, ốc, ngao, thưng, cá lồng bè tan hết theo bọt biển. Nhưng có một thứ duy nhất thiên tai không thể đánh gục được, đó chính là ý chí của người Vân Đồn. Thứ ý chí kiên cường được hun đúc qua bao nhiêu đời nay người Vân Đồn bám biển.
“Bão Yagi về mặt nào đó giống như que đóm, khơi gợi lên ngọn lửa, ý chí của người Vân Đồn, cần phải đoàn kết lại để cùng nhau đi xa. Từ trước đến nay, nuôi biển ở Vân Đồn chủ yếu theo kiểu tự phát, thì bây giờ, đang được sắp xếp khoa học và bài bản”, Giám đốc Babavi giọng như có lửa.
Giám đốc Babavi Phạm Thị Thu Hiền. Ảnh: Cường Vũ.
Theo phân tích của chị Hiền, Chi hội nuôi biển Vân Đồn được thành lập sẽ thay đổi tư duy nuôi trồng, khai thác thủy sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ cao, góp phần bảo vệ môi trường biển, tập trung chế biến, mở rộng thị trường, hướng đến phát triển an toàn, bền vững cho ngành nuôi biển Vân Đồn.
“Không một ai có thể làm đơn lẻ, tất cả phải theo chuỗi sản xuất để có thể hỗ trợ nhau”, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP, hạt nhân của Chi hội Nuôi biển Vân Đồn, nói thêm. Nuôi biển Vân Đồn chắc chắn phải liên kết, chia sẻ thông tin công nghệ và thị trường, phối hợp với chính quyền tạo chuỗi liên kết bền vững trong ngành nuôi hải sản, gia tăng lợi nhuận và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các thành viên, góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.
“Với tiềm năng, lợi thế nuôi biển to lớn của Vân Đồn, nếu tạo ra được chuỗi giá trị bền vững chắc chăn cả chuỗi liên kết nuôi biển sẽ cùng giàu có. Hiện STP Group đang từng bước xây dựng một chuỗi giá trị rong biển 5 sao bằng việc kết nối với hơn 21 hợp tác xã, khoảng hơn 100 thành viên. Nuôi biển đa giá trị, phục hồi môi trường, phát triển du lịch là giá trị cốt lõi mà chuỗi liên kết chúng tôi đang hướng tới”, bà Nguyễn Thị Hải Bình đặt mục tiêu.
Biển Vân Đồn đang hồi sinh trở lại, từng phút và từng giờ. Tin rằng với ý chí kiên cường của người dân biển, sự chung sức, chung lòng của chuỗi liên kết nuôi biển bền vững, sẽ lại có một Vân Đồn phồn thịnh và thực sự vững bền.
Hoàng Anh - Cường Vũ