Xây dựng ngành hàng nuôi biển: [Bài 4] Giá trị xanh của khoa học công nghệ

Các nhà khoa học cho rằng khoa học công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trong đối với phát triển nuôi biển, đặc biệt là nuôi biển công nghệ cao.

Nuôi biển công nghệ cao ở tỉnh Khánh Hoà. Ảnh: Kim Sơ.
Nuôi biển công nghệ cao ở tỉnh Khánh Hoà. Ảnh: Kim Sơ.

Giá trị kinh tế phải song hành với giá trị môi trường

PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III khẳng định: Đề án nuôi biển, kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT đã nêu rõ mục tiêu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ nuôi biển. Đặc biệt, quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của nuôi biển chính là “giảm khai thác, tăng nuôi trồng”, và để thực hiện mục tiêu này rõ ràng cần vai trò của khoa học công nghệ, nghiên cứu con giống.

“Thực ra nghề nuôi biển của đất nước mình đã có từ ngàn xưa, bây giờ được cụ thể hóa bằng chiến lược, quyết sách quốc gia nhằm chuyển đổi từ tư duy sản xuất truyền thống, thô sơ sang tư duy kinh tế nuôi trồng, quá trình đó cần khoa học công nghệ như là một “mảng miếng” để hiện thực mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng, gia tăng giá trị bằng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại”, PGS.TS Võ Văn Nha nói.

Nghiên cứu giống hải sâm gai ở Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III. Ảnh: Hoàng Anh.
Nghiên cứu giống hải sâm gai ở Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III. Ảnh: Hoàng Anh.

Về công nghệ sản xuất giống của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Viện trưởng Võ Văn Nha chia sẻ: Khâu sản xuất giống phục vụ nuôi biển hiện nay cơ bản chia thành nhiều nhóm, nhưng nguyên tắc xuyên suốt là công tác nghiên cứu, chọn tạo phải xuất phát từ thực tiễn yêu cầu của thị trường.

Nhóm thứ nhất là các loài cá và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã tập trung nghiên cứu và đạt được nhiều thành tựu về sản xuất giống, chuyển giao thành giống thương phẩm đến người nuôi ở vùng biển nam Trung bộ. Từ những năm 1996, Viện đã nghiên cứu con cá chẽm, dần dần thành công với dấu ấn của TS Trương Hà Phương, đưa cá chẽm trở thành giống nuôi biển chất lượng cao, sinh trưởng nhanh, kháng bệnh tốt…

Giống cá mú trân châu lai giữa cá mú nghệ và cá mú cọp gắn với TS Trương Quốc Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang. Và nhiều đối tượng nghiên cứu thành công khác như cá song dẹt, cá mú cọp, cá mú đỏ, cá bớp, cá chim vây vàng…

Nhóm thứ hai rất quan trọng là tôm hùm bông và tôm hùm xanh, những lời có giá trị kinh tế cao đang được người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng phổ biến hiện nay. Tôm hùm được các nhà khoa học ở viện nghiên cứu từ những năm 1990, trải qua nhiều thế hệ trong đó nổi bật là công nghệ “đưa tôm hùm lên bờ” để nuôi bể của TS Mai Duy Minh.

Mặc dù còn một số khó khăn trong công tác nghiên cứu sản xuất giống, nhưng đến thời điểm hiện tại các nhà khoa học ở viện đã nghiên cứu đến giai đoạn 10 trong số 12 giai đoạn của tôm hùm, đang làm đề tài cấp quốc gia về giống tôm hùm bông, dự kiến đến cuối năm nay sẽ tổng kết, đánh giá kết quả. Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh thế giới chưa có quốc gia nào sản xuất thành công giống tôm hùm bông thương phẩm.

Viện III nghiên cứu thành công giống tôm mũ ni. Ảnh: Kiên Trung.
Viện III nghiên cứu thành công giống tôm mũ ni. Ảnh: Kiên Trung.

Năm 2021, viện cũng đã thử nghiệm thành công công nghệ sản xuất và nuôi thương phẩm cua huỳnh đế (cua hoàng đế) bằng đề tài do TS Nguyễn Thị Thanh Thuỳ và cộng sự thực hiện. Trước đó, vào năm 2020 TS Trương Quốc Thái và các nhà khoa học của trung tâm đã khẳng định đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen tôm mũ ni trắng (Thenus orientalis Lund, 1793)”  đã làm chủ quy trình nuôi vỗ bố mẹ và bước đầu làm chủ và sản xuất thành công giống nhân tạo tôm mũ ni. Đây là những loài giáp xác chủ lực nhằm nhân rộng sản xuất phục vụ cho nuôi biển trong thời gian tới.

Về nhóm thứ ba - các loài nhuyễn thể, PGS.TS Võ Văn Nha cho biết, hiện viện hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất giống đối với hàu Thái Bình Dương, hàu muỗng, ốc hương đã cung cấp ra thị trường số lượng rất lớn để nuôi thương phẩm. Để góp phần thực hiện đề án nuôi biển, viện cũng đã nghiên cứu và làm chủ được công nghệ sản xuất giống bào ngư và hiện đang nuôi thương phẩm ở một số vùng.

“Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo, bài ngư sẽ là giống chủ lực để nuôi biển ở những khu vực này. Ngoài giá trị kinh tế bào ngư cũng góp phần tích cực bảo vệ môi trường nhờ đặc tính của nó”, PGS.TS Võ Văn Nha khẳng định.

 

TS Trương Quốc Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nuôi biển Nha Trang. Ảnh: Kiên Trung.
TS Trương Quốc Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nuôi biển Nha Trang. Ảnh: Kiên Trung.

Đề cao giá trị kinh tế kết hợp với giá trị môi trường của công nghệ sản xuất giống cho nuôi biển, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III đã sản xuất thành công giống các loài hải sâm. Điển hình như TS Nguyễn Đình Quang Duy nghiên cứu thành công hải sâm cát, hải sâm đen..., TS Nguyễn Văn Hùng nghiên cứu hải sâm vú và hải sâm lựu. Theo các nhà khoa học của viện, trong tương lai những đối tượng này cũng sẽ tập trung phục vụ giống cho nuôi biển ở các hòn đảo như bào ngư.

 Cuối cùng là nhóm các loài rong biển: Rong nho, rong câu, rong mứt…, ngoài giá trị kinh tế cao, đa dạng hoá sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết, phát triển nuôi rong biển còn có thể “đánh” vào thị trường tín chỉ carbon, góp phần phát triển nuôi biển theo hướng đa tầng, đa giá trị.

"Chiến lược xuyên suốt của Viện III vẫn là chọn những đối tượng nghiên cứu có giá trị kinh tế, theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Song song công nghệ sản xuất giống, để tham gia sâu vào đề án nuôi biển, trong thời gian tới viện cũng sẽ hợp tác liên kết với cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân xây dựng chuỗi liên kết nuôi biển, góp phần xây dựng Đề án nuôi biển, xây dựng nền nông nghiệp xanh và bền vững", PGS.TS Võ Văn Nha khẳng định.

Cần nghiên cứu kỹ 4 nhóm loài nuôi biển

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, PGS. TS Võ Sĩ Tuấn (nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ nuôi biển Việt Nam) chia sẻ: Nhìn lại cả quá trình phát triển của ngành thủy sản chúng ta phải thừa nhận khoa học công nghệ giữ vai trò rất lớn và có những đóng góp hết sức quan trọng. Câu chuyện nghiên cứu con tôm sú, con cá tra hay nhiều giống thủy sản khác là những minh chứng điển hình.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về kinh tế biển, Đề án nuôi biển đã được Chính phủ phê duyệt, vai trò của khoa học công nghệ cần được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh, ví dụ như sinh thái và hải dương học trong phát triển nuôi biển bền vững.

Trước hết về loài nuôi, thực tiễn hiện nay có thể tạm phân chia thành 4 nhóm loài nuôi chính phục vụ nuôi biển, đó là: Nhóm sinh vật sản xuất, ví dụ như các loài rong biển; nhóm ăn lọc như hàu, trai 2 cồi; nhóm ăn rong như cá dìa, ốc đụn; nhóm ăn động vật như cá song, tôm hùm... Mỗi nhóm này có yêu cầu căn bản khác nhau, yêu cầu môi trường khác nhau, thành thử nghiên cứu tác động của chúng đến môi trường như thế nào, bị môi trường tác động ngược trở lại như thế nào là vấn đề cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá để từ đó có cách ứng xử, quản lý dựa trên đặc điểm sinh thái của từng loài.

Ví dụ như rong biển là loài khi nuôi biển sẽ rất tốt cho môi trường bởi đặc tính của chúng có khả năng hấp thụ dinh dưỡng từ chất thải của các loài nuôi khác, có thể hấp thụ C02 nhằm chống lại hiệu ứng nhà kính…

Tuy nhiên chúng có hạn chế là chiếm không gian lớn, cần nhiều diện tích mặt nước và bị tác động bởi các vấn đề như môi trường nuôi bị nhiễm kim loại nặng, lắng đọng trầm tích, nước đục, bị tác động bởi các sinh vật ăn rong... Hay những loài ăn lọc, tuy nhiều ưu điểm nổi trội nhưng cũng không ít tác động và bị tác động trong hệ sinh thái biển. Chúng có thể làm suy thoái nền đáy, làm thay đổi quần xã sinh vật đáy và rất nhạy cảm với ô nhiễm kim loại nặng, ô nhiễm vi sinh.

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn. Ảnh: Kiên Trung.
PGS.TS Võ Sĩ Tuấn. Ảnh: Kiên Trung.

Thứ hai là nghiên cứu vấn đề hải dương học vùng nuôi, phục vụ quy hoạch và quản lý vùng nuôi.  Trong thực tế chúng ta đã có những sự cố như ở vịnh Xuân Đài (tỉnh Phú Yên), chỉ trong khoảng một vài tiếng đồng hồ tôm cá thiếu oxy, đồng loạt chết dẫn đến thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng. Đó là một trong những yếu tố điển hình về câu chuyện hải dương học, là hệ lụy, mất mát từ một quá trình dài chúng ta gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường biển. Đòi hỏi chúng ta phải thay đổi và có các giải pháp bằng khoa học công nghệ. Từ vấn đề nghiên cứu trao đổi nước, chuyển hóa vật chất trong nước cho đến những vấn đề có thể nhìn thấy ngay như thiết kế hệ thống lồng nuôi, lồng nổi, lồng chìm, hiểu biết hải dương học có vai trò cực kỳ quan trọng trong lựa chọn và quản lý đối tượng nuôi.

Có một yếu tố lâu nay chúng ta nói nhiều nhưng ít quan tâm là quản lý nghề cá dựa trên hệ sinh thái. Cụ thể là vai trò của các sinh cư trong vấn đề cân bằng hệ sinh thái bằng việc lưu giữ trầm tích và các chất gây ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường hệ sinh thái biển. Không phải ngẫu nhiên mà việc sản xuất giống ở các tỉnh như Khánh Hòa, Ninh Thuận đạt được nhiều thành công, một phần là vì biển ở đó có rất nhiều rạn san hô, là những sinh cư, yếu tố giữ cho chúng ta phát triển nghề nuôi bền vững.

Đối với Quảng Ninh, rừng ngập mặn rộng lớn ven bờ liên quan chặt chẽ với thành công của nghề nuôi hàu khi rừng lưu giữ chất ô nhiễm và cung cấp nguồn chất hữu cơ làm thức ăn cho hàu.

Hoàng Anh - Kiên Trung - Kim Sơ (Báo Nông Nghiệp Việt Nam)

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Email Gọi ngay Facebook
Facebook Chat Icon Xin chào!
Mình có thể giúp gì bạn
hiephoinuoibienvietnam