Hàng nghìn con cá song, cá giò mới được thả nuôi sau bão đang chết dần vì dịch bệnh, người nuôi cá biển ở Vân Đồn (Quảng Ninh) thiệt hại hàng tỷ đồng tiền giống, tiền công chăm sóc. Chuyên gia thủy sản cảnh báo dịch bệnh phức tạp.
Hợp tác xã làng chài Bái Tử Long có 16 xã viên, nằm cách bờ biển Vân Đồn khoảng 30 phút đi tàu. Cơn bão Yagi đã gây thiệt hại cho HTX 1 tàu xi măng, 2 thuyền và 6 cano, hàng trăm lồng nuôi cá bị phá hỏng hoàn toàn, thiệt hại ước tính khoảng 15 tỷ đồng.
Để sớm khắc phục thiệt hại sau bão Yagi, ông Dương Văn Xuyên, Giám đốc HTX cùng các xã viên khác đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng sửa chữa, thay thế toàn bộ khung gỗ của các lồng nuôi và nhập gần 10.000 con cá song giống về thả. Thế nhưng khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, cá song giống mới nhập có biểu hiện bỏ ăn, thân có nhiều đốm đỏ và chết dần. Đến nay, toàn bộ số cá giống mới nhập đã chết hết, dịch đang có dấu hiệu lây sang đàn cá cũ.
"Thông thường sau bão biển rất sạch nên chúng tôi mới quyết định thả sớm gần 10.000 con cá giống để phục vụ tết. Thế nhưng, sau cơn bão Yagi, không hiểu sao biển ở đây lại xuất hiện dịch bệnh phức tạp đến vậy. Mỗi con giống giá 170.000 đồng, như vậy chúng tôi đã thiệt hại gần 2 tỷ đồng tiền giống. Sau bão, lồng nuôi bị vỡ, cá trôi ra rất nhiều, nay khôi phục được phần nào thì dịch bệnh lại xuất hiện khiến bà con rất khó khăn vì tiền chủ yếu phải vay thế chấp bằng nhà, xe", ông Xuyên cho biết.
Bà Trần Bảo Mơ, xã viên HTX làng chài Bái Tử Long, cho biết, loại cá bị bệnh chết đều là cá nhỏ mới nuôi, những con to trên 3kg, đã nuôi lâu, sức đề kháng tốt thì không bị nhiễm bệnh. Ngoài cá thì nhiều hộ nuôi hàu ở gần đó cũng cho biết hàu mới thả cũng có hiện tượng chết dần.
Chuyên gia cảnh báo dịch bệnh phức tạp
Ngay khi dịch bệnh bùng phát, ông Dương Văn Xuyên đã cùng các xã viên thực hiện các biện pháp chữa bệnh cho cá như: tắm cá bằng nước ngọt để trị ký sinh trùng, trộn kháng sinh vào mồi nuôi… tuy nhiên số lượng cá chết vẫn không giảm. Hơp tác xã đã nhờ Hiệp hội nuôi biển Việt Nam (VSA) kết nối tới các chuyên gia và đơn vị cung cấp thuốc thủy sản để được hỗ trợ.
Đầu tháng 11, Công ty CP sản xuất thương mại VMC Việt Nam đã cử kỹ thuật viên xuống các lồng bè có cá bị bệnh để lấy mẫu nước, bệnh phẩm để kiểm tra và tổ chức sát trùng thử nghiệm. Tuy nhiên, do dịch bệnh phức tạp nên hiện các biện pháp xử lý chưa có hiệu quả. Ngày 14/11, Hiệp hội VSA đã cùng các chuyên gia về bệnh thủy sản, nhà cung cấp thuốc thủy sản tổ chức hội thảo bàn giải pháp cấp bách xử lý dịch bệnh cho các ngay tại các bè nuôi của HTX làng chài Bái Tử Long.
Sau khi khảo sát tình trạng cá bệnh tại các lồng nuôi, ông Trương Đình Hoài cho biết, hiện tại bằng mắt thường có thể thấy dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, có nhiều bệnh ghép đang tồn tại ở các lồng nuôi, cá bị nhiễm ký sinh trùng: đỉa, sán lá, bọ… ngoài ra còn có biểu hiện nhiễm vi khuẩn, virus nặng. Do môi trường nuôi hở, cá yếu, việc chăm sóc, phòng bệnh cho cá chưa được người nuôi quan tâm đúng mức làm dịch bệnh bùng phát khó kiểm soát.
"Dịch bệnh thủy sản rất khó điều trị, do vậy tôi có lời khuyên ở các vụ nuôi tiếp theo người nuôi phải có giải pháp phòng bệnh ngay từ ban đầu. Từ khi con cá giống đưa về phải có quy trình phòng bệnh chặt chẽ. Người dân nên hiểu dịch tễ của bệnh, mùa nào bệnh đấy, đưa ra phương pháp phòng bệnh chủ động hơn là điều trị khi có bệnh", ông Hoài cho biết.
Ông Hoài cũng cho biết, người dân nên ý thức được thiệt hại rất lớn do dịch bệnh gây ra, thông qua kinh nghiệm nuôi nhiều năm của mình. Vì vậy người nuôi nên chủ động tiếp cận thông tin dịch bệnh, các phương pháp phòng bệnh chủ động để việc chăn nuôi ở trang trại của mình cải thiện hơn hiện nay.
Ngay sau Hội thảo, các chuyên gia đã tiến hành lấy mẫu nước, mẫu bệnh phẩm, in các tài liệu về những bệnh thường xuyên xảy ra trên các giống cá thường nuôi ở biển Vân Đồn như: Song, giò, dìa… để cung cấp kiến thức cho bà con.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc công ty VMC Việt Nam đã tài trợ 10 triệu đồng tiền thuốc, chế phẩm để xử lý thí điểm 2 lồng nuôi nếu hiệu quả sẽ nhân rộng ra các lồng nuôi còn lại.
Theo: danviet.vn