Nghề nuôi tôm, nuôi cá bây giờ khác xưa nhiều rồi. Thời tiết ngày càng khó đoán, bệnh thì dễ bùng phát, còn thị trường nước ngoài lại đòi hỏi rất cao: phải biết con tôm nuôi từ đâu, ăn gì, có dùng thuốc hay không. Trong khi đó, nhiều người nuôi mình vẫn quen “làm theo kinh nghiệm” – thấy nước đục thì thay, thấy tôm bỏ ăn thì đoán bệnh. Nhưng nuôi kiểu đó dễ thua lỗ lắm. Mà khi mất trắng cả ao, người chịu thiệt đầu tiên là bà con mình.

Từ đoán mò sang hiểu ao – nhờ công nghệ
Giờ có công nghệ rồi, người nuôi có thể gắn thiết bị cảm biến trong ao để theo dõi nhiệt độ, độ mặn, lượng oxy, độ pH… Mỗi ngày, các chỉ số đó sẽ tự động gửi về điện thoại. Ngồi ở nhà cũng biết được ao có đang ổn không.
Ví dụ như nếu nước sắp thiếu oxy, phần mềm sẽ báo để mình bật quạt sớm. Nếu thời tiết thay đổi mạnh, hệ thống sẽ cảnh báo để mình xử lý kịp thời. Không còn cần phải “ra ao xem nước”, rồi đoán “coi bộ tôm yếu” như hồi xưa nữa. Mọi thứ đều rõ ràng, dễ hiểu, giúp mình chủ động hơn.
Nuôi theo dữ liệu – không còn hên xui
Khi có dữ liệu đều đặn mỗi ngày, phần mềm sẽ phân tích và đưa ra lời khuyên. Như là lúc nào nên thả giống, thời điểm nào nên thu hoạch, có nguy cơ dịch bệnh hay không. Dựa vào dữ liệu từ hàng ngàn ao khác, phần mềm sẽ gợi ý cách nuôi phù hợp cho ao nhà mình. Mỗi ao nuôi giống như có một “bác sĩ riêng”, theo dõi mỗi ngày, nhắc mình kịp thời. Không còn nuôi theo kiểu “hên xui” hay "trông trời thương nữa", mà mình chủ động, kiểm soát được kết quả.
Dữ liệu được tổng hợp và phân tích để đưa ra khuyến nghị kỹ thuật chính xác theo từng ao nuôi. Ảnh: Tép Bạc
Muốn bán giá cao, phải minh bạch
Giờ thị trường nước ngoài như Mỹ, EU,... không chỉ cần tôm ngon, cá to – mà còn cần rõ ràng: con giống từ đâu, có dùng kháng sinh không, nuôi trong bao lâu. Nhờ công nghệ blockchain, mỗi lô hàng sẽ có mã QR. Quét mã là ra hết thông tin: từ ngày thả giống tới ngày thu hoạch. Làm được điều này, người mua sẽ tin tưởng hơn, sẵn sàng trả giá cao hơn. Ai minh bạch, rõ ràng – người đó dễ bán hàng, và bán được giá tốt.
Không còn phụ thuộc thương lái
Nhiều hộ nuôi bây giờ không còn phải chờ thương lái tới thu mua nữa. Nhờ các nền tảng online, có thể bán tôm cá trực tiếp cho nhà hàng, siêu thị, thậm chí người tiêu dùng. Khách nhìn thấy được quy trình nuôi rõ ràng, họ yên tâm, còn mình thì chủ động về giá, không bị ép. Nhờ vậy, người nuôi không chỉ lời hơn mà còn có thêm động lực để nuôi bài bản, sạch sẽ, vì tất cả đều công khai minh bạch.
Khó khăn có nhưng không thử thì không biết
Đúng là đầu tư ban đầu sẽ tốn tiền: nào là mua thiết bị, lắp mạng, dùng phần mềm. Cũng có người lo không biết dùng điện thoại, máy tính. Nhưng nhiều hộ đã thử rồi – và thấy rõ kết quả: ít hao hụt hơn, ít bệnh hơn, chi phí thuốc men giảm, mà thu nhiều hơn. Quan trọng hơn, mình yên tâm hơn – không phải nuôi mà cứ lo nơm nớp. Chuyển đổi số không phải để “làm màu”, mà là để sống tốt hơn với nghề.
Con tôm nhỏ, giấc mơ lớn – và công nghệ là chìa khóa mở cánh cửa tương lai. Ảnh: Tép Bạc
Không thay đổi là bị bỏ lại phía sau
Nhà nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp – trong đó có nuôi trồng thủy sản. Những ai bắt đầu sớm sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, phần mềm, thậm chí kết nối thị trường. Ai vẫn nuôi theo kiểu cũ – thì sẽ khó cạnh tranh, khó bán được hàng, nhất là với các thị trường khó tính.
Chuyển đổi số không có gì cao siêu. Chỉ đơn giản là mình thay đổi cách làm – từ nuôi theo cảm giác, sang nuôi theo dữ liệu. Mình hiểu ao hơn, chủ động hơn, không còn bị động nữa.
T.N.T.D
Nguồn: https://tepbac.com/tin-tuc/full/chuyen-doi-so-trong-nuoi-trong-thuy-san-khong-con-la-chuyen-xa-voi-38065.html