Mỗi năm công ty xuất khoảng 10.000 tấn cá chẽm (Cá vược) với bốn nhà máy gia công chế biến ở Khánh Hòa.
Việt Nam là một trong ba nước xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới, bên cạnh Na Uy và Trung Quốc. Tính đến hết năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt 8,97 tỷ USD, đóng góp lớn cho nền kinh tế của đất nước – theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn đối với ngành là tình trạng khai thác bất hợp pháp, không tuân thủ quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ hải sản. Do đó, những năm gần đây, việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và nuôi trồng bền vững được đặt lên hàng đầu, với nhiều chỉ đạo sát sao từ chính phủ.
Nhận thấy tiềm năng của ngành thuỷ sản Việt Nam cũng như mong muốn phát triển việc nuôi trồng bền vững tại nước ta, Australis Aquarium – một doanh nghiệp thuỷ sản tại Mỹ đã đầu tư vào lĩnh vực này và thu được những kết quả đáng khích lệ.
Vào ngày 10/6 vừa qua, khi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cùng đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường thăm, kiểm tra dự án nuôi trồng thủy sản thông minh tại khu vực Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, ông Josh Goldman - Giám đốc điều hành của Australis Aquarium cho biết, hiện mỗi năm công ty xuất khoảng 10.000 tấn cá với bốn nhà máy gia công chế biến ở Khánh Hòa. Với sản lượng này, Australis Aquarium đang là công ty nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá chẽm (cá vược) lớn nhất thế giới.
Sản lượng của công ty sẽ dùng cho 80% xuất khẩu sang Mỹ. Trong thời gian tới, để hướng tới mục tiêu phát triển của công ty, Australis Việt Nam sẵn sàng đầu tư 1 tỷ USD để phát triển bền vững tại Việt Nam nói chung và Khánh Hoà nói riêng.
Australis Aquarium là doanh nghiệp có tuổi đời tương đối non trẻ khi được thành lập vào năm 2004 tại Greenfield, Massachusetts, chuyên nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá chẽm. Nhà sáng lập của doanh nghiệp, Josh Goldman, đã có niềm đam mê với việc nuôi các loại thuỷ sản từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông đã thương mại hoá công nghệ nuôi trồng khép kín thông qua những trang trại aquaponics trong nhiều năm. Sau đó, với mong muốn tìm kiếm một loại thuỷ sản mới cho việc nuôi trồng, ông đã thử nghiệm hàng chục loại cá và cuối cùng đã lựa chọn cá chẽm.
Đây là loại cá được đánh giá có tác động môi trường thấp, khả năng sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt tốt cùng hương vị và giá trị dinh dưỡng cao. Josh Goldman đã thành lập Australis với trang trại cá chẽm đầu tiên tại Massachusetts trước khi mở rộng sản xuất sang vịnh Vân Phong, Khánh Hoà.
Với mức đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu USD, công ty đã thực hiện đầu tư một cách bài bản, từ xây dựng trang trại giống, hệ thống lồng bè ngoài khơi… và nhanh chóng đạt được những thành công trong việc sinh lời từ con cá chẽm. Australis chính là doanh nghiệp đã đưa cá chẽm tới và trở nên phổ biến tại Hoa Kỳ, mặc dù vào những năm đầu của thế kỷ 21, đây là loại thuỷ sản tương đối xa lạ tại đây.
Tại Mỹ, Australis sử dụng công nghệ Hệ thống nuôi trồng Thuỷ sản tuần hoàn (Recirculating Aquaculture Systems – RAS) để nuôi cá chẽm trên đất liền; trong khi đó tại Việt Nam, công ty kết hợp giữa việc sử dụng các bể trên cạn và lồng nuôi ngoài khơi.
Dù sử dụng phương pháp nào, công ty cũng đảm bảo cân bằng giữa việc nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ môi trường. Năm 2018, công ty đạt được chứng nhận BAP 4 sao cho doanh nghiệp Thực hành Nuôi trồng Thuỷ sản tốt nhất. Ba năm sau đó, Australis vinh dự nhận được giải thưởng của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken cho hạng mục Đổi mới Sáng tạo trong lĩnh vực Khí hậu.
Các sản phẩm của Australis được bán dưới hai nhãn hiệu là The Better Fish và Clean Harvest tại thị trường Mỹ, Úc và châu Á. Trong đó, cơ sở sản xuất tại Việt Nam chủ yếu sản xuất cá phi lê và các sản phẩm đông lạnh sơ cấp. Bên cạnh sản phẩm tươi sống, Australis cũng bán nhiều thành phẩm đóng gói chế biến sẵn của cá chẽm tại các hệ thống nhà hàng và siêu thị lớn, có thể kể đến Whole Foods, Costco và Hello Fresh.
Hiện nay, Australis Aquaculture là công ty dẫn đầu về công nghệ và tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, doanh nghiệp cũng nhận được nhiều nguồn đầu tư lớn.
Năm 2023, ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sau nhiều cuộc khảo sát đã quyết định đầu tư 15 triệu USD vào Australis nhằm giúp công ty có được nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Cũng trong năm này, Australis cam kết đầu tư thêm 100 triệu USD vào Việt Nam với kế hoạch mở rộng với công suất dự kiến đạt mức 50.000 tấn cá/ năm (gấp 5 lần so với mức 10.000 tấn của năm 2022).
Trong năm nay, công ty dự kiến sẽ đưa ra kế hoạch đầu tư lớn hơn nữa vào Việt Nam nhằm tiếp tục gia tăng vị thế là doanh nghiệp xuất khẩu cá chẽm lớn nhất thế giới.
Startup công nghệ thủy sản phục vụ 5.000 người nuôi tôm ở Long An, Cà Mau và Bạc Liêu muốn huy động tối đa 20 triệu USD trong vòng gọi vốn mới
Tiến Đạt
Nhịp sống thị trường