Đại sứ Hilde Solbakken chia sẻ kinh nghiệm nuôi biển bền vững của Na Uy

Sự có mặt của đại diện Na Uy tại Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh thể hiện cam kết mạnh mẽ về hợp tác nuôi biển song phương.

Đại sứ Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken chia sẻ tại Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh ngày 1/2. Ảnh: Tùng Đinh.
Đại sứ Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken chia sẻ tại Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh ngày 1/2. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh ngày 1/4, bà Hilde Solbakken, Đại sứ Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm nuôi biển tại Na Uy. Đại sứ cho biết, đây là lần thứ 2 bà tới Quảng Ninh trong 2 tuần vừa qua. Việc bà có thêm nhiều đối thoại về nuôi biển ở địa phương này là tín hiệu tích cực cho những hợp tác tương lai.

Việt Nam và Na Uy đều là nước có thế mạnh về xuất khẩu thủy sản, trong đó Na Uy là nước lớn thứ hai và Việt Nam là nước lớn thứ ba. Đại sứ Na Uy bày tỏ: “Điều quan trọng nhất là hai quốc gia đang tích cực trao đổi chứ không cạnh tranh thị trường, mang lại những cơ hội quý giá để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Hợp tác nuôi trồng thủy sản biển và hải sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai nước mà còn tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Na Uy”.

Định hướng phát triển ngành thủy sản ở Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Na Uy. Khai thác tài nguyên biển bền vững là ưu tiên hàng đầu của nước bạn, nhấn mạnh việc khai thác có trách nhiệm. Ngành nuôi biển Na Uy nỗ lực đảm bảo sinh kế cho các cộng đồng ven biển và an toàn môi trường biển. 

Đại sứ đánh giá cao sự năng động của Chính phủ nước ta, hoan nghênh Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bà Solbakken đề cao chiến lược dài hạn của Việt Nam nhằm giảm cường lực khai thác, tăng cường quản lý nuôi biển là con đường tất yếu, là bước quan trọng hướng tới quá trình chuyển đổi xanh.

Là quốc gia có nguồn tài nguyên biển giàu có, Na Uy coi các ngành công nghiệp làm giàu từ đại dương là thế mạnh. Nói cách khác, nuôi trồng thủy sản từ bao đời nay đã gắn với dòng chảy kinh tế, lịch sử, xã hội của các cộng đồng sinh sống ven biển nơi đây. Ngày nay, 70% kim ngạch xuất khẩu của Na Uy đến từ các hoạt động khai thác biển.

Các lồng nuôi cá hổi ở khu vực đảo Kvaroy, Na Uy. 
Các lồng nuôi cá hổi ở khu vực đảo Kvaroy, Na Uy.  

Đại sứ thông tin, năm 2023, Na Uy xuất khẩu 1,3 triệu tấn thủy sản, đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay, phục vụ 39 triệu bữa ăn mỗi ngày. Thành công này đến từ cơ sở chính sách thông thoáng, huy động mọi nguồn lực đầu tư vào khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng. Đối thoại tại Hội nghị, bà Solbakken nêu bật một số điểm sáng trong nuôi trồng thủy sản Na Uy.

Đầu tiên, cần quy hoạch không gian quốc gia bền vững, đảm bảo lợi ích cho tương lai và an toàn môi trường. Na Uy có diện tích đất liền là 385.207 km2 nhưng diện tích biển lên tới 1,4 triệu km2. Đại sứ Solbakken nhấn mạnh, để khai thác nguồn lợi đại dương bền vững, quy hoạch không gian biển thông minh, bao trùm toàn bộ chuỗi giá trị (từ lòng nuôi an toàn đến hạ tầng chế biến, vận chuyển).

Thứ hai, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, áp dụng đổi mới sáng tạo vào chuỗi sản xuất sẽ giải quyết những thách thức do nuôi trồng thủy sản biển quy mô lớn đặt ra. “Như chúng ta đều biết, nuôi biển thiếu kiểm soát chất thải sẽ làm suy thoái môi trường. Đến nay, có thể khẳng định Na Uy là quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp nuôi biển, dựa trên truyền thống đánh cá của ngư dân nơi đây và kiến thức khoa học hiện đại”, Đại sứ Solbakken nói.  

Tiếp đó, bà khẳng định vai trò quan trọng của đối thoại xuyên suốt giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và giới chuyên môn. Theo bà Solbakken, ngành nuôi biển Na Uy không có thành công hôm nay nếu thiếu đi những đối thoại cởi mở dựa trên niềm tin giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Hợp tác công - tư, hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nuôi biển.

Đại sứ Na Uy gửi gắm: “Tôi hy vọng những khía cạnh khác nhau về nuôi biển bền vững ở Na Uy sẽ truyền cảm hứng cho bạn bè Việt Nam tại Hội nghị. Sự trao đổi lâu dài giữa Việt Nam và Na Uy trong ngành nuôi trồng thủy sản biển - thông qua các dự án tài trợ, hội thảo tập huấn, tọa đàm và hội nghị như dịp này, sẽ khai phá tiềm năng nguồn lợi đại dương của hai nước”.

Năm 2021, Bộ NN-PTNT và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy đã ký kết Ý định thư về hợp tác trong ngành Nuôi trồng thủy sản biển. Theo đó, Na Uy hỗ trợ nguồn nhân lực, tài chính, hỗ trợ Việt Nam thực thi pháp luật thủy sản; cơ quan an toàn thực phẩm của Na Uy trao đổi thông tin về quy định xuất khẩu mặt hàng thủy sản; chuyên gia thủy sản Na Uy sang hỗ trợ trung tâm kiểm nghiệm ở Việt Nam.

 

Quỳnh Chi (Báo Nông Nghiệp Việt Nam)

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Email Gọi ngay Facebook
Facebook Chat Icon Xin chào!
Mình có thể giúp gì bạn
hiephoinuoibienvietnam