Với quyết tâm làm giàu từ biển, anh Huỳnh Quốc Thành, ngụ tại xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang là một trong những gia đình có mô hình nuôi biển khá quy mô. Nhờ nắm bắt thị trường tốt, thực hiện đa dạng các loài vật nuôi, nên hằng năm mô hình nuôi trên biển của anh lợi nhuận thu được hàng trăm triệu đồng.
Anh Huỳnh Quốc Thành (phải) cùng nhân viên theo dõi quá trình sinh trưởng của cá nuôi.
Anh Huỳnh Quốc Thành còn được người dân trên đảo gọi với cái tên thân mật là anh Sừng, sinh ra và lớn lên ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Năm 2011 anh ra Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang để kiếm kế sinh nhai.
Anh Thành chia sẻ, hồi mới bắt tay vào nghề nuôi biển, anh cũng dè dặt vừa nuôi vừa thăm dò để tích lũy kinh nghiệm. Vì thế hồi đó anh chỉ đầu tư 4 bè nuôi cá, chủ yếu là cá bống mú. Nhưng do làm ăn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ khó khăn, giá cả bấp bênh, không có kinh nghiệm nuôi cộng với nguồn nước bị ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh… làm cá chết hàng loạt, anh Thành bị thua lỗ ngay lần đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên, không nản chí, anh Thành đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật nuôi từ sách, trên các phương tiện thông tin, đặc biệt từ những người nuôi đi trước. Nhờ đó, anh đã biết chú ý đến con giống và nguồn nước; biết kết hợp nuôi nhiều loại cá khác nhau như cá bống mú, cá bớp, cá chim… theo hình thức “cuốn chiếu” để vừa có tiền xoay xở vốn, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường ở từng thời điểm.
Anh Thành chia sẻ: “3 yếu tố để nuôi cá bè thành công đó là phải lựa chọn được nguồn giống tốt, phải biết được giống bố mẹ như thế nào, có phù hợp với nguồn nước tại khu vực thả nuôi hay không, khi đem con giống về nuôi phải lựa chọn con giống thật khỏe, nhanh nhẹn. Tiếp đó, khi nuôi trồng phải lựa chọn thức ăn cho con giống phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cá, thức ăn là các tạp phải tươi và cuối cùng là phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cá để phát hiện và phòng trị kịp thời khi cá xảy ra bệnh”.
Ðến nay, sau hơn 10 năm, mô hình nuôi cá trong bè trên biển của anh Huỳnh Quốc Thành đã ngày càng mở rộng. Hiện anh có 40 bè nuôi với diện tích khoảng 2.000m2, sản lượng mỗi năm thu về khoảng 30 tấn cá các loại, trừ chi phí lợi nhuận thu được từ 200 triệu đồng trở lên. Ðể tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm anh Thành đã liên kết các hộ nuôi nuôi cá xung quanh lại, thành lập Hợp tác xã nuôi cá trong bè trên biển Hòn Nghệ với 10 thành viên, tổng diện tích 15.000 mét vuông. Mỗi khi đến vụ thu hoạch anh Thành tìm kiếm thị trường liên kết thương lái để phân phối cá thương phẩm của các thành viên tới các nhà hàng TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… để không bị ép giá, thu được lợi nhuận cao hơn đồng thời tạo được công ăn việc làm cho người lao động của địa phương cũng như ở nơi khác đến làm ăn.
Anh Nguyễn Tấn Lợi, ngụ tại tỉnh An Giang, hiện đang làm việc tại bè nuôi cá của anh Huỳnh Quốc Thành, cho biết: “Tôi phụ trách trông coi và cho cá ăn cũng như phòng trị bệnh cho cá tại bè của anh Thành được hơn 10 năm nay với mức lương trên 8 triệu đồng/tháng. Với thu nhập này cũng đủ giúp trang trải cho cuộc sống gia đình. Ngoài tôi, ở đây cũng còn mấy anh em ở các địa phương khác cũng đến làm việc cho anh Thành nhiều năm nay và có cuộc sống ổn định”.
Không dừng lại, anh Thành tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu thêm nhiều giống nuôi khác nhằm tìm hướng đi mới cho nghề nuôi. Ðầu năm 2024 anh đưa con mực và tôm hùm về nuôi thí điểm trong bè trên biển Hòn Nghệ. Qua 3 tháng nuôi thử nghiệm, mực và tôm hùm phát triển sinh sản tốt. Ðến nay, anh còn kết hợp với bà con trên đảo đưa khách du lịch xuống bè câu mực trực tiếp và thưởng thức. Hoạt động đã góp phần nâng cao được giá trị kinh tế của mô hình. “Thời gian tới tôi sẽ mở rộng thêm mô hình du lịch câu mực cho du khách khi đến tham quan tại xã đảo Hòn Nghệ. Còn đối với tôm hùm, hiện tôi vẫn đang thử nghiệm xem có phù hợp với nguồn nước ở địa phương hay không rồi mới có hướng đi tiếp theo” - anh Huỳnh Quốc Thành, nói thêm.
Với sự mạnh dạn tiên phong của anh Thành, nuôi thuần dưỡng con mực, con tôm hùm trong bè trên biển Hòn Nghệ sẽ là hướng đi mới lạ và mang về nguồn thu nhập khá cao cho người dân nuôi biển. Quan trọng hơn là người dân nơi đây biết nắm bắt nhu cầu thị hiếu của khách, phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương để làm du lịch và liên kết để tạo nên một mô hình du lịch đa dạng, cộng đồng du lịch đa dạng. Tiềm năng được khai thác tốt, Hòn Nghệ huyện Kiên Lương sẽ phát triển nhanh hơn, bởi đây là hòn đảo đẹp với nhiều bãi tắm đẹp, nước trong xanh và còn rất hoang sơ.
Năm 2020, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn đến năm 2030. Theo Đề án phê duyệt thì huyện Kiên Lương là một trong những vùng nuôi biển của tỉnh. Với định hướng là tập trung đầu tư, phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên biển, nuôi nhuyễn thể vùng bãi triều, ven biển theo chiều sâu, nuôi biển công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản, kết hợp với tham quan du lịch. Triển khai thực hiện đề án trên, đến nay, huyện Kiên Lương phát huy thế mạnh và lợi thế của địa phương. Ngoài việc đánh bắt thủy sản, huyện còn quan tâm nhiều đến việc nuôi trồng thủy sản, nuôi biển,...
Theo báo cáo của UBND huyện Kiên Lương, năm 2022 diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn huyện đạt gần 2.500ha, chiếm trên 70% diện tích toàn tỉnh; năm 2023, diện tích nuôi tôm công nghiệp tiếp tục tăng, đạt 2.750ha; nuôi cá lồng bè cũng tăng, năm 2023 toàn huyện có 1.205 lồng nuôi. Huyện cũng là nơi thu hút nhiều doanh nghiệp thủy sản có quy mô đầu tư phát triển ngành nuôi tôm công nghiệp. Năm 2023, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của toàn huyện đạt 110.863 tấn, tăng 9,47%; trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 64.000 tấn, tăng 14,09%.
Bài, ảnh: HÀ LINH (tienphong.vn)