Ngày 30/12, tại TX Sông Cầu, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT và UBND TX Sông Cầu tổ chức hội nghị Tăng cường hợp tác, liên kết nuôi và tiêu thụ tôm hùm vì sự phát triển bền vững.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: ANH NGỌC |
Tham dự có đồng chí Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản; đại diện các cục, viện, trường, trung tâm trực thuộc Bộ NN&PTNT; lãnh đạo sở NN&PTNT các tỉnh Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; lãnh đạo địa phương cấp huyện ven biển, các doanh nghiệp và người nuôi tôm hùm ở các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa…
Theo Cục Thủy sản, hiện nay nghề nuôi tôm hùm phát triển tập trung tại hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa (chiếm trên 95% tổng số lượng lồng nuôi, sản lượng cả nước). Năm 2024, cả nước có khoảng 280.500 lồng, với sản lượng trên 5.870 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 430 triệu USD.
Ở Phú Yên, nuôi tôm hùm chủ yếu ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (TX Sông Cầu), các vùng biển hở ven bờ tại các xã An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Chấn (huyện Tuy An), vịnh Vũng Rô (TX Đông Hòa). Năm 2024, tổng số lồng nuôi trên toàn tỉnh khoảng 176.930 lồng, sản lượng khoảng 2.260 tấn.
Mặc dù nghề nuôi tôm hùm đang phát triển mạnh, tuy nhiên hầu hết các địa phương chưa có quy hoạch thời kỳ 2021-2030, chưa đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi biển. Tình trạng nuôi tôm hùm tự phát diễn ra phổ biến, phát triển quá ngưỡng cho phép, dẫn đến môi trường và dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân (hàng đầu, thứ 2 từ phải qua) cùng các đại biểu xem tôm hùm được gắn thẻ truy xuất nguồn gốc vùng nuôi. Ảnh: ANH NGỌC |
Hầu hết các cơ sở nuôi quy mô nhỏ, tỉ lệ đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè rất thấp. Hạ tầng cơ sở nuôi xuống cấp, lồng bè truyền thống còn đơn giản, sức chống chịu bão, gió kém nên chỉ nuôi được trong các đầm vịnh, diện tích hạn chế không thể mở rộng được ra các vùng biển.
Quản lý vùng nuôi khó khăn do thiếu nguồn lực, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm rất ít, ý thức của người dân chưa cao, điều kiện khí tượng thủy văn và môi trường ngày càng phức tạp.
Tôm hùm phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc (chiếm trên 90%) theo đường tiểu ngạch. Việc cấm nhập khẩu tôm hùm bông vào thị trường này từ giữa năm 2023 đã làm cho các hộ nuôi cũng như doanh nghiệp gặp khó khăn…
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị. Ảnh: ANH NGỌC |
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ý kiến xung quanh các vấn đề như tình trạng quá tải gây ra ô nhiễm môi trường tại nhiều vùng nuôi; công tác quy hoạch và giao mặt nước nuôi trồng thủy sản chậm; khan hiếm con giống tôm hùm; thị trường tiêu thụ không ổn định… Các nhà quản lý và nhà khoa học cũng đã nêu ra một số giải pháp để phát triển nghề nuôi tôm hùm theo hướng bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, đơn vị sẽ rà soát, tham mưu ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất, phát triển nuôi tôm hùm theo tín hiệu của thị trường. Ưu tiên nhập công nghệ, hợp tác quốc tế, nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ về sản xuất giống trong nước để phục vụ nuôi thương phẩm.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm theo hướng bền vững, nuôi vùng biển xa bờ, nuôi trong các trang trại trên bờ; chuyển đổi từ nuôi lồng truyền thống sang lồng HDPE thích ứng biến đổi khí hậu. Nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp và các biện pháp phòng trị bệnh trên tôm hùm. Tập trung tháo gỡ các rào cản nhằm duy trì các thị trường hiện tại và mở rộng các thị trường tiềm năng theo hướng chính ngạch.
Cục trưởng Cục Thủy sản yêu cầu các địa phương có nuôi tôm hùm tập trung rà soát, sắp xếp lại vùng nuôi, tổ chức đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè. Tăng cường công tác quản lý, chuyển đổi lồng nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị…
ANH NGỌC
baophuyen.vn