Nỗ lực "vượt rào" của ngành thủy sản

Để gỡ được “thẻ vàng” vào châu Âu, một trong nhóm năm thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong năm 2024, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết được ba vấn đề cốt lõi. Đó là, không để xảy ra tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài; tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình và giải quyết những đội tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép khai thác. Nhìn xa hơn, những nỗ lực rốt ráo của cả hệ thống chính trị và ngư dân hôm nay có thể mang đến cơ hội phát triển bền vững cho ngành thủy sản khi mà nguồn lợi, môi trường sinh thái, tài nguyên biển đều được bảo vệ cho thế hệ mai sau.

 Sau hơn sáu năm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, Việt Nam đã có những cải thiện trong việc thực hiện các quy định của pháp luật gắn với khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên nhiều phuơng diện, nhất là công tác hoàn thiện khung pháp lý, Việt Nam tự tin sẽ đáp ứng được yêu cầu từ phía Đoàn Thanh tra của EC trong lần kiểm tra thứ năm, dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 9, 10 năm nay.

Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định đáp ứng khuyến nghị của EC

Sau đợt thanh tra lần bốn của EC, lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư các địa phương thường xuyên mở các đợt cao điểm, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển và xử lý, xử phạt vi phạm hành chính. Trọng tâm là những hành vi liên quan mất kết nối thiết bị giám sát hành trình; điều tra, xác minh, xử lý đến cùng những vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài… Đặc biệt, Kiên Giang là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa ra truy tố, xét xử một vụ liên quan môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Theo ông Hà Lê, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thủy sản (Cục Thủy sản) tính đến 21/5/2024, số lượng tàu cá từ 15 m trở lên đã được lắp đặt thiết bị VMS đạt tỷ lệ 98,25%. Số lượng tàu cá chưa được lắp đặt tại các tỉnh còn 511 tàu. Các tỉnh có số lượng nhiều tàu chưa lắp đặt như: Quảng Ngãi (128 tàu); Bà Rịa - Vũng tàu (73 tàu); Tiền Giang (62 tàu); Quảng Bình (36 tàu); Bến Tre (28 tàu); Nghệ An (26 tàu).

Ngư dân cần tuân thủ quy định, hạn chế vi phạm để góp phần xây dựng môi trường khai thác lành mạnh. Ảnh: TRINH QUỐC

Tỷ lệ số lượng tàu cá có kết nối trung bình hàng ngày qua hệ thống giám sát tàu cá hiện nay đạt khoảng 60%; trong đó: một số tỉnh, thành có số lượng tàu cá nhiều và tỷ lệ tàu cá duy trì kết nối hàng ngày rất cao từ 70 - 90% như: Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Quảng Trị, Thái Bình, Phú Yên, Sóc Trăng, Kiên Giang, Ninh Thuận. Bên cạnh đó, một số tỉnh có số lượng tàu cá nhiều nhưng tỷ lệ tàu cá duy trì kết nối hàng ngày thấp dưới 50% như: Quảng Ngãi; Quảng Bình; Bình Định. Đặc biệt, một số tỉnh, thành có số lượng tàu cá không nhiều nhưng tỷ lệ tàu cá duy trì kết nối hàng ngày rất thấp như: Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hải Phòng.

“Hiện tình trạng tàu cá bị mất kết nối trên biển hàng ngày còn nhiều gây khó khăn trong việc kiểm soát, không biết tàu có đi khai thác trên biển hay không. Nhiều tàu di chuyển ngư trường tắt thiết bị VMS nhưng địa phương chưa nắm được tàu hiện đang ở đâu”, giám đốc Trung tâm Thông tin Thủy sản cho biết thêm.

Trước những đòi hỏi của thực tiễn, ngay trong tháng 4/2024, Chính phủ liên tiếp ban hành hai văn bản dưới luật quan trọng (Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP (thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh thực thủy sản. Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật để phù hợp hơn và đáp ứng những yêu cầu khuyến nghị của EC.

Đặc biệt, tại Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, các mức phạt đã được sửa đổi và tăng các biện pháp xử phạt, bổ sung tám nhóm hành vi cấm để bảo đảm xử lý được những hành vi gian lận và những hành vi không minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc, kể cả hàng nhập khẩu nguyên liệu vào thị trường Việt Nam. 

Đẩy mạnh thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng

Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp gỡ “thẻ vàng”, ngày 15/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 49CĐ-TTg về việc tập trung phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý vi phạm quy định về hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS). Công điện nêu rõ, tình trạng tàu cá nước ta đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp. Nếu không xử phạt nghiêm minh các tàu cá vi phạm quy định về VMS, tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, khả năng gỡ được cảnh báo thẻ vàng trong năm 2024 là rất thấp, thậm chí nâng lên thành cảnh báo thẻ đỏ.

Thủ tướng Chính phủ giao: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các Bộ: Thông tin và Truyền Thông, Tư pháp, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng và các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển: Rà soát lại toàn bộ hệ thống VMS, tiếp tục bổ sung các tính năng quản lý tàu cá nhằm bảo đảm phát hiện ngay, kịp thời các trường hợp tự ý ngắt kết nối, tháo gửi thiết bị VMS sang các tàu khác, hoàn thành trong quý III/2024; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin kịp thời giữa các cơ quan chức năng để các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định về VMS được phát hiện nhanh nhất; chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, tuân thủ các quy định của pháp luật…

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển, phải tập trung nguồn lực, kinh phí để rà soát bảo đảm 100% số tàu cá trên 15 mét khi tham gia khai thác trên biển phải lắp đặt thiết bị và duy trì kết nối hệ thống VMS theo quy định của Luật Thủy sản và các quy định pháp luật khác có liên quan, hoàn thành trong Quý III/2024; bố trí cán bộ đủ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ thực hiện giám sát từng tàu cá của địa phương trên hệ thống VMS, kịp thời phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý triệt để các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về VMS.

Mới đây, ngày 23/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện số 49/CĐ-TTg về việc tập trung phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý vi phạm quy định về Hệ thống giám sát hành trình tàu cá. Tại đây, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, vừa qua Bộ đã có đoàn công tác sang làm việc với EC. EC đánh giá, mặc dù văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, quyết tâm chính trị cao và rất quyết liệt, song vấn đề tổ chức thực hiện ở địa phương còn hạn chế.

Ba vấn đề quan trọng nhất là quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và xử phạt vi phạm hành chính phải được xử lý thật nghiêm nếu có vi phạm. Tỷ lệ vi phạm bị xử phạt còn thấp chứng tỏ chưa có sự vào cuộc đồng bộ. Việc xử lý vi phạm phải thực thi thật nghiêm, triệt để, đặc biệt là đối với tàu 15m trở lên. EC không chấp nhận hình thức cam kết, nhắc nhở.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đề nghị các địa phương rà soát xóa, giải bản các tàu không còn hoạt động, để tránh các tàu đó vẫn tồn tại và vào diện không có kết nối VMS. Các địa phương cần quyết liệt hơn trong việc điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm VMS. Các trường hợp vượt thẩm quyền có thể xin ý kiến Trung ương để có hướng dẫn.

“Trước đây, có tỉnh thực hiện nghiêm nhưng cũng có tỉnh không. Thực hiện Công điện số 49/CĐ-TTg các địa phương sẽ phải triển khai đồng loạt. Các lực lượng thực thi pháp luật sẽ phải tăng cường, tập trung cao điểm từ nay đến tháng 9. Việc xử phạt tăng lên, đảm bảo tính răn đe thì các hành vi vi phạm sẽ giảm dần và đảm bảo việc quản lý tàu cá khi hoạt động khai thác trên biển”, ông Nguyễn Quang Hùng, nhấn mạnh.

Việt Nam đã hoàn thiện đầy đủ hệ thống cơ sở pháp lý cũng như cơ chế chính sách cho chống khai thác IUU, đã quản lý chặt chẽ đội tàu qua hệ thống VMS, qua việc lắp thiết bị giám sát hành trình. Với công tác truy xuất nguồn gốc, kể cả hàng khai thác trong nước cũng như hàng qua cảng Việt Nam cũng đã được kiểm soát. Và các lô hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu, tỷ lệ vi phạm IUU bị trả lại rất thấp.

Phó Cục trưởng Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Dương Văn Cường

Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có các đoàn công tác đi kiểm tra thực địa. Nếu địa phương nào còn tồn tại, chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ…, đoàn sẽ báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình ngay. 

Cùng ngư dân bám biển

Nghề đi biển vất vả, thường xuyên phải đối mặt với gió bão, rủi ro. Những năm qua, không ít tàu thuyền gặp tai nạn, bị đắm gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng đối với chủ tàu cũng như những người làm việc trên tàu.

Trong quá trình hoạt động, cũng không ít lần tàu cá gặp sự cố mất kết nối với thiết bị giám sát hành trình, như tại Quảng Ngãi trước đây hay Quảng Trị, Quảng Bình hồi tháng 4 vừa qua. Anh Nguyễn Thanh Minh, chủ tàu cá QB 9123 TS và nhiều chủ tàu khác ở Đồng Hới (Quảng Bình) đã phải cho tàu nghỉ do thiết bị giám sát hành trình hỏng, phải cho tàu nằm bờ, vì di chuyển đi đánh bắt thì vi phạm.

Ngư dân cần nhiều chính sách hỗ trợ, bám biển. Ảnh: NGUYỄN MINH TÚ

Theo ngư dân Võ Văn Khoa, chủ tàu QNg 98705 TS ở xã Phổ Quang, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh (GPS) đang sử dụng trên tàu cá là máy VX-1700. Sau nhiều năm sử dụng, nhiều máy bị xuống cấp, thường xuyên hỏng hóc, trạm bờ quá tải gây nghẽn mạng nên tin nhắn từ tàu gửi về trạm bờ có một số trường hợp không nhận được.

Anh Khoa kiến nghị: “Để giảm bớt một phần khó khăn cho chủ tàu cá, giúp ngư dân yên tâm bám biển mưu sinh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Nhà nước nên tiếp tục hỗ trợ chính sách tham gia khai thác vùng biển xa, đồng thời có giải pháp để tránh mất kết nối với thiết bị giám sát. Bởi có nhiều chủ tàu mất kết nối không phải cố tình, mà do sự cố về vệ tinh”.

 

 

Ở Đà Nẵng, nhiều ngư dân nhận thấy tầm quan trọng của việc nắm rõ các quy định pháp luật khi đánh bắt hải sản xa bờ. Chính vì vậy, trong các buổi tuyên truyền của Vùng Cảnh sát biển 2, cũng như các cơ quan khác, họ đều tham gia. Nhiều người vui mừng khi được tặng cờ Tổ quốc, đã treo ở vị trí cao nhất của tàu , bởi họ ý thức được rằng mỗi con tàu vươn khơi là một cột mốc chủ quyền.

Ông Trương Văn Dũng, thuyền trưởng tàu DNa 90944 TS, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết, để góp phần gỡ “thẻ vàng”, mọi ngư dân đều phải tuân thủ quy định pháp luật về đánh bắt. Ngoài việc, cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền để nhiều người tuân thủ tốt hơn nữa việc đánh bắt đúng ngành nghề đăng ký, không đi sai vùng, không vượt ranh giới cho phép, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về giá xăng, cước phí thiết bị giám sát, cải tạo cảng cá để ngư dân an tâm bám biển. 

Nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi kiến nghị, cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư sửa chữa hệ thống phòng cháy chữa cháy tại các cảng Mỹ Á, Sa Huỳnh, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền về neo trú. Thêm nữa, cần lắp đặt đèn báo hiệu, bố trí phao luồng từ đê chắn sóng vào trong tại các cảng Mỹ Á, Sa Huỳnh để tàu thuyền ra vào cảng thuận tiện hơn.

 Cụm công nghiệp nuôi biển - giải pháp đột phá

Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu tăng cường phát triển nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng bảy triệu tấn vào năm 2030, chiếm hơn 70% tổng sản lượng thủy sản.

Việt Nam đang đối mặt nhiều vấn đề về quy hoạch, thiết lập liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị. Thêm nữa, việc chịu tác động ngày càng rõ nét của biến đối khí hậu, ô nhiễm môi trường, cũng khiến phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế-xã hội và môi trường.

Một trong những giải pháp giúp nghề cá phát triển là phải xây dựng được hệ thống cảng cá hiện đại, chuyên nghiệp. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH VŨ KHOA

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, mục tiêu của nuôi biển phải hướng đến cân bằng giữa nhu cầu của con người, giữ gìn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Nuôi biển phải góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp và gián tiếp tham gia nuôi biển, sinh sống gắn bó mật thiết với biển; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, xung đột lợi ích trong không gian biển.

Hiện nay, cả nước có khoảng 50 nghìn hộ ngư dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp đang nuôi biển, hầu hết vẫn chủ yếu ở trình độ thủ công truyền thống. Ngành nuôi biển Việt Nam hiện nay đang chú trọng tăng mật độ nuôi và năng suất, mà chưa hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. 

Cần tập trung xây dựng các cụm công nghiệp nuôi biển là giải pháp mà PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, khuyến nghị. Bởi, đây chính là phương thức tổ chức sản xuất và giải pháp đột phá, để có thể phát triển nuôi biển thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa quy mô lớn, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn ngành thủy sản, thu hút đầu tư phát triển nuôi biển ở vùng biển xa bờ, phục vụ xuất khẩu. Đó cũng là tiền đề để phối hợp hoạt động nuôi biển với du lịch, điện gió và các ngành kinh tế biển khác. 

Phát triển nuôi biển là giải pháp mang tính chiến lược, bền vững. Ảnh: TRINH QUỐC

Cũng theo PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng, khi cụm công nghiệp nuôi biển được hình thành, sẽ giải quyết những tồn tại của nghề nuôi biển. 

Thứ nhất, với việc thuê cơ sở hạ tầng đã làm sẵn, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ ngư dân không phải lo vốn đầu tư lồng bè, mà tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nuôi trồng hải sản. 

Thứ hai, lao động sẽ chuyên nghiệp như ở các khu công nghiệp, ngư dân không phải ở lại trên biển ban đêm để canh giữ trại nuôi, vì vậy, chấm đứt được tình trạng hình thành, phát triển các tụ điểm cư trú trên biển của ngư dân, giảm hậu quả xấu về rác thải sinh hoạt. 

Thứ ba, cụm công nghiệp nuôi biển sẽ quy định và áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tốt trong toàn cụm, khắc phục được tình trạng manh mún, giúp hình thành sản lượng hải sản nuôi lớn, tập trung, có cùng tiêu chuẩn chất lượng, có thể được đánh giá và công nhận theo các chuẩn quốc tế. 

Thứ tư, do hạn chế được mật độ nuôi, nuôi tích hợp đa loài để giảm tải trọng chất thải hữu cơ, lại được trang bị hệ thống tự động giám sát môi trường, sẽ hạn chế và chủ động kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường do quá tải chất thải.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, các cụm công nghiệp nuôi biển sẽ được cơ quan thẩm quyền đánh giá, chứng nhận đạt chuẩn, để các cơ sở nuôi có thể được thừa nhận là tài sản, và có thể được mua bảo hiểm, được thế chấp, góp vốn và thừa kế, mở ra cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng, chấm dứt tình trạng người sản xuất trên biển chịu toàn bộ rủi ro.

Ngày xuất bản: 27/5/2024
Tổ chức xuất bản: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: LƯU LAN HƯƠNG, VĂN HỌC, HỮU HÙNG, TRUNG HIẾU, QUỐC TRINH, ĐÔNG HUYỀN.
Trình bày: DUY LONG

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Email Gọi ngay Facebook
Facebook Chat Icon Xin chào!
Mình có thể giúp gì bạn
hiephoinuoibienvietnam