Tôi cùng nhà văn – dịch giả Kiều Bích Hậu tới thăm văn phòng của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam vì một sự tò mò: “Thế nào là nuôi biển? Nuôi biển gồm những hoạt động gì?”.
Văn phòng tọa lạc tại một con phố nhỏ ở Long Biên. Gió Sông Hồng thổi vào dìu dịu. Không gian thật xinh xắn với giàn hoa giấy nở ven sông. Tại đây, chúng tôi gặp Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, ông hiện là Chủ tịch “Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam”. Ông cũng là một dịch giả văn học nổi tiếng với các tác phẩm dịch từ tiếng Ba Lan.
Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam – VSA được thành lập từ cuối năm 2016. Trước đó đã có những hiệp hội của các ngành nghề, hoạt động liên quan đến biển được thành lập từ lâu như: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (1998), Hội nghề cá Việt Nam (2000), Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (1994),… Như vậy VSA là một hiệp hội non trẻ về các hoạt động liên quan đến biển.
Lâu nay chúng ta quen với khái niệm đánh bắt và nuôi trồng thủy sản để phục vụ con người. Nghĩa là chúng ta chỉ “hưởng thụ” từ biển. Gần đây, khái niệm “nuôi biển” bắt đầu xuất hiện. Đó thực sự là một khái niệm mới ở Việt Nam. Một số kênh thông tin, báo chí cho biết “Nuôi biển” là cách gọi tắt của “Nuôi trồng thuỷ sản trên biển” – tên một Đề án của nước ta.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – Lê Minh Hoan đã nói: “Nuôi biển, về mặt nào đó, chính là nuôi dưỡng đại dương, nuôi dưỡng con người”.
Với hơn 3.200km đường biển, nếu tính tỷ lệ đường biển trên diện tích đất liền thì Việt Nam thuộc hàng những nước có tỷ lệ cao trên thế giới. Biển Đông của Việt Nam là biển nối liền với Thái Bình Dương. Trước lợi thế này, nghề đánh bắt khai thác hải sản trở thành một trong những nghề truyền thống lâu đời của những người dân tại các vùng ven biển, đảo.
Nhưng cũng nhìn từ kết quả do chính lợi thế đó mang lại, chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đã có nhận xét: “Từ trước tới nay cái tư duy của mình chỉ là khai thác thủy sản, hải sản. Khai thác biển và xả rác ra biển”.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều thiệt hại xảy ra do những cơn bão, do biến đổi khí hậu, do sự “trả thù” của thiên nhiên mang đến. Chúng ta cũng chứng kiến nhiều vụ hủy hoại môi trường, trong đó có môi trường biển do xả thải bừa bãi. Ví như cơn bão Linda năm 1997 gây thiệt hại khoảng 136.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và hơn 34.000 tấn thủy sản. Hay cơn bão số 12 năm 2017, cuốn trôi một lúc 12.000 lồng bè của ngư dân Khánh Hòa, hơn 10.000 lồng bè của ngư dân Phú Yên chỉ trong vòng hai tiếng.
Nuôi biển và tầm quan trọng của ngành nuôi biển
Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Mục tiêu chung của Đề án là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng: “Trong 10 năm tới, nếu không phát triển nuôi biển, chắc chắn sẽ không có được sự đột phá trong ngành thủy sản. Đồng thời, nuôi biển cũng mở ra cơ hội tái tạo lại nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học biển”.
Xây dựng tiêu chuẩn cho lồng bè của ngư dân
VSA ra đời với mong muốn xây dựng ngành nuôi biển Việt Nam trở thành ngành công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, bảo đảm chất lượng tốt, bảo vệ môi trường sinh thái. Mặc dù có chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, đặc biệt là ngành công nghiệp nuôi biển, nhưng ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết hiện tại còn rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đó là phải xây dựng và ban hành được tiêu chuẩn cho lồng bè của ngư dân.
Theo chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng thì một cái lồng bè nuôi trên biển, có khi đến cả triệu đô cũng không được nhà nước, ngân hàng công nhận đó là tài sản. Ngư dân không thể mang lồng bè của của mình ra ngân hàng thế chấp để vay vốn. Cũng không hãng bảo hiểm nào đồng ý bán bảo hiểm cho lồng bè. Không có bảo hiểm, ngư dân đối diện với thiệt hại rất lớn trước bão lũ, thiên tai và nhiều rủi ro khác. “Sở dĩ như vậy vì nó không có tiêu chuẩn. Không có tiêu chuẩn, tức là không có cơ sở pháp lý kỹ thuật để đăng ký” – Ông Nguyễn Hữu Dũng nói.
Ông cũng cho biết VSA đã tiến hành xây dựng Tiêu chuẩn Cơ sở: “Cơ sở nuôi cá trên biển theo phương thức công nghiệp”. Đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam cần thiết nhất cho nuôi biển công nghiệp ngay trong các năm 2023 – 2025.
Biển là cánh đồng cuối cùng trên hành tinh
Nhà nước đã đưa việc giao quyền sử dụng khu vực biển cho tổ chức cá nhân vào Luật Thủy sản 2017. Mặc dù vậy đến nay vẫn còn nhiều khó khăn chưa giao được các khu vực biển cụ thể cho người nuôi. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, “đây là vấn đề lớn nhất cản trở việc phát triển công nghiệp nuôi biển”.
Mong mỏi của chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng là: “Biến biển thành cánh đồng cuối cùng trên hành tinh này. Tức là từng cái mảnh ruộng ở trên cánh đồng cuối cùng này phải được sử dụng ở những người được pháp luật công nhận, cho phép và cấp quyền sử dụng”. Khi ngư dân hoặc các tổ chức cá nhân được cấp quyền sử dụng, lúc đó họ có thể vay vốn ngân hàng, góp vốn, tham gia một cổ phần, chuyển nhượng, thừa kế, tất cả nó như một tài sản. “Như thế thì biển sẽ sử dụng được rất nhiều và nó lại là một cái nguồn lớn, vô cùng lớn”, ông nói.
Cũng theo ông, các “Quy hoạch không gian biển quốc gia” cần được xây dựng theo tư duy phối hợp chặt chẽ các ngành kinh tế biển với nhau để có thể tận dụng và phát huy thế mạnh tổng thể đa ngành, khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng không gian biển.
Chuỗi sinh thái Nuôi biển – Môi trường – Du lịch
“Biển là một bãi rác. Cuối cùng thì tất cả mọi thứ dồn về biển. Từ bức thư tình lâm ly của nhà văn Kiều Bích Hậu ngày xưa đem bỏ vào cái chai rồi thả xuống biển. Nghe thì rất lãng mạn nhưng kỳ thực là hủy hoại môi trường”.
Khi nói về vấn đề xả rác thải ra môi trường biển, chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng pha trò với chúng tôi bằng một câu chuyện tưởng hài hước nhưng rất thực tế.
Ông cho biết, “Hiện nay, hầu hết các trang trại nuôi biển đều là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, công nghệ lạc hậu, ở vùng ven bờ. Rủi ro ô nhiễm môi trường cao, nguồn lợi biển ngày càng suy giảm nghiêm trọng, quản lý môi trường biển còn lỏng lẻo”.
Về vấn đề du lịch trên biển, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng cần phát triển du lịch cộng đồng ở các vùng nuôi biển. Du lịch và nuôi biển phải đi với nhau. Muốn đạt được điều này thì cả hai ngành này đều phải nâng cấp.
Tại văn phòng của hiệp hội, ông giới thiệu với chúng tôi về bức tranh thể hiện một mô hình sinh thái khép kín hoạt động Nuôi biển – Du lịch. Bên trên là khách sạn, nhà hàng. Bên dưới sàn là khu vực nuôi biển. Nhà hàng, khách sạn phải có hệ thống xử lý thải hoặc hệ thống chứa rồi bơm vào bờ và mang đi xử lý. “Ở đây, bọn tôi vẫn nói đùa là “cùng lãng mạn tình yêu” cho cá xem”. Ông hài hước nói.
Kết thúc buổi nói chuyện, ông hào hứng: “Đại dương sẽ là ngôi nhà của nhân loại, chứ không phải là đất liền. Đất liền chỉ chiếm ¼, còn ¾ là biển. Biển là cánh đồng canh tác cuối cùng của hành tinh. Chúng ta không đi hái lượm, đánh bắt mà chuyển sang canh tác biển, nuôi và trồng thủy sản”. Ông cho biết, dù non trẻ nhưng VSA đã có nhiều thành quả như đã tham gia góp ý xây dựng Luật Thủy sản sửa đổi, được Quốc hội ban hành cuối năm 2017, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển nghề cá nhân dân thành nghề cá thương mại và phát triển bền vững; đã và đang kiến nghị với Nhà nước các chủ trương và giải pháp phát triển nuôi biển; liên kết giữa các trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, con giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối; số hội viên ngày càng gia tăng,…
Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng kết luận: “Với phương châm tích hợp nhiều ngành kinh tế biển khác nhau vào với nhau thì chắc chắn trong tương lai không xa chúng ta sẽ có ngành kinh tế biển phát triển bền vững và hiệu quả”.
Khuê Anh