(TSVN) – Cá song chấm nâu không chỉ là loài nuôi ít rủi ro so với các loài nuôi khác mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, hình thức nuôi bằng thức ăn công nghiệp vừa giúp cá phát triển tốt, chủ động nguồn thức ăn, đồng thời còn hạn chế dịch bệnh.
Cải tạo ao nuôi
Tháo cạn nước trong ao, loại bỏ các sinh vật không mong muốn còn ở trong ao (cá, tôm, cua tạp, rong, cỏ…), vét bỏ bùn thối, phơi khô đáy ao 1–2 tuần, khử trùng đáy ao và bờ ao bằng vôi bột.
Lấy nước vào ao chứa: Chọn con nước tốt (thời điểm đầu kỳ con nước cường) để lấy nước. Nước được lấy trực tiếp qua mương dẫn hoặc dùng máy bơm và được lọc qua lưới lọc để ngăn địch hại. Khử trùng nước bằng Chlorine 10 ppm, sục khí hoặc quạt nước ít nhất 1 ngày cho hết dư lượng Chlorine. Sau 5–7 ngày, kiểm tra chất lượng nước ao chứa đạt yêu cầu quy định thì cấp nước vào ao nuôi. Cấp nước vào ao nuôi: đạt độ sâu 0,5–0,6 m để gây màu nước trước khi thả cá giống.
Gây màu nước cho ao nuôi: Nếu độ trong >60 cm, bón phân ure với liều lượng từ 2–2,5 kg/1.000 m3 và phân lân với liều lượng 4–5 kg/1.000 m2 (chỉ cần gây màu cho ao nuôi 1 lần duy nhất vào đầu thời điểm nuôi). Sau khi gây màu 3–5 ngày, sinh vật phù du trong ao phát triển, độ trong của ao đạt 30–40 cm hoặc nước ao có màu xanh, vàng thì tiến hành thả cá giống vào ao. Tiếp tục cấp nước và duy trì mực nước ao nuôi đến độ sâu 1,5–2 m.
Chọn và thả cá giống
Miền Bắc (từ Huế trở ra) thả giống từ tháng 5–8, miền Nam (từ Đà Nẵng trở vào) thả giống quanh năm. Chọn mua cá giống được sản xuất từ những cơ sở sản xuất giống có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Chất lượng cá giống khỏe mạnh; không bị nhiễm VNN, ký sinh trùng; không dị hình, dị tật; không bị xây sát, mất nhớt; cỡ cá đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn. Cá đã ăn hoàn toàn thức ăn công nghiệp.
Trước khi nhận và thả cá giống 3 ngày, người nuôi nên thông báo cho cơ sở cung cấp giống độ mặn tại ao nuôi để điều chỉnh độ mặn ương cá giống. Độ mặn được điều chỉnh tốt nhất với mức tăng hoặc giảm tối đa 2 – 3‰/ngày.
Kích cỡ giống thả: cá giống có chiều dài từ 8–10 cm (tương ứng cá có khối lượng từ 8–9 g/con). Mật độ thả 2 con/m2. Thả cá vào thời điểm trời mát, sáng sớm hoặc chiều tối. Nếu thời gian vận chuyển cá giống ngắn (nhỏ hơn 5 giờ), tiến hành thả cá như sau: Bổ sung từ từ nước ao nuôi vào dụng cụ chứa cá giống và thả từ từ cá từ trong dụng cụ chứa giống ra ao nuôi. Nếu thời gian vận chuyển cá giống lớn hơn 5 giờ, tiến hành thả cá như sau: Tắm khử trùng cho cá giống bằng Formalin nồng độ 55 ppm trong thời gian 20–30 phút để loại bỏ ký sinh trùng và cá yếu sau đó thả từ từ ra ao nuôi thương phẩm.
Cá song chấm nâu là loài nuôi ít rủi ro. Ảnh: ST
Chăm sóc và quản lý
Thức ăn: Giai đoạn từ khi thả cá (cỡ cá 8–9 g/con) đến khi đạt khối lượng 200 g/con sử dụng thức ăn công nghiệp chuyên dụng cho cá song có hàm lượng protein từ 45 – 48%, hàm lượng lipid từ 8–14%, dạng viên tròn dẹt, có đặc tính chìm chậm để nuôi cá song chấm nâu. Giai đoạn cá có khối lượng >200 g/con sử dụng thức ăn công nghiệp theo quy định. Khẩu phần ăn căn cứ vào giai đoạn phát triển của cá mà sử dụng cỡ viên và lượng thức ăn công nghiệp cho phù hợp.
Bảng 1. Khẩu phần thức ăn công nghiệp cho cá song chấm nâu
Cỡ cá (g/con) | Đường kính viên thức ăn (mm) | Khẩu phần ăn (% khối lượng cá/ngày) | Số lần/ngày | Giờ cho ăn |
8 – 9 | 1,5–5 | 1,5–4 | 2 | 7–8; 16–17 |
200 – 500 | 5–8 | 1,5–2 | 1 | 7–8 |
> 500 | 8–10 | 0,8–1,5 | 1 | 7–8 |
Chú ý: Khi nhiệt độ nước trong lồng nuôi > 320C cần giảm lượng thức ăn trong ngày từ 30 – 50%. Trong điều kiện bất thường, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước giảm (<4 mg/l), giảm 15–20% lượng thức ăn so với ngày thường.
Cách cho ăn: Cho ăn thủ công bằng tay và tuân thủ nguyên tắc “3 xem” (xem điều kiện thời tiết, xem chất lượng môi trường, xem tình trạng sức khỏe của cá) và nguyên tắc “4 định” (chất lượng thức ăn, khối lượng thức ăn, thời gian cho ăn, địa điểm cho ăn). Từ đó, kiểm tra, giám sát thức ăn bằng việc quan sát cá ăn và khả năng sử dụng thức ăn hàng ngày của cá, tuyệt đối tránh dư thừa thức ăn.
Quản lý môi trường nuôi: Luôn luôn giữ mực nước trong ao nuôi từ 1,5–2 m, tạo vùng phân bố nhiệt ổn định cho cá. Duy trì mật độ tảo trong ao nuôi ở mức hợp lý thông qua chỉ số độ trong nước ao 30 – 40 cm và màu nước ao. Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn của cá, tránh dư thừa. Sử dụng định kỳ các dòng men vi sinh cấy vào ao nuôi với thành phần lợi khuẩn: Bacillus subtilis, Bacillus amyloliquefaciens, Saccharomyces erevisiae… Kiểm tra 2 lần/ngày đối với các chỉ tiêu: nhiệt độ, độ mặn, pH, DO, độ trong nước ao; kiểm tra 2 lần/tháng đối với các chỉ tiêu: NH3, NO2, NO3, H2S, Vibrio tổng số. Nếu tảo phát triển quá mức (độ trong ao nuôi <30 cm, màu nước ao xanh hoặc vàng đậm), phải xiphong chất thải ở đáy ao hoặc tháo nước đáy ao từ 40 – 50% lượng nước ao, kiểm tra lượng thức ăn và điều chỉnh theo hướng giảm. Cấp thêm nước mới, bổ sung chế phẩm vi sinh có chủng Nitrobacter, Nitrosomonas, Bacillus (hòa tan chế phẩm vi sinh vào trong thùng nước và té đều khắp ao) với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Trong thời gian này, chạy liên tục máy quạt nước từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.
Sau thời gian nuôi 12–15 tháng, cá đạt kích cỡ 800–1.200 g/con là có thể thu hoạch. Ảnh: ST
Phòng bệnh tổng hợp
Sử dụng cá giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo cá giống không bị nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh hoại tử thần kinh (VNN). Cho cá ăn đầy đủ với thức ăn đảm bảo chất lượng, định kỳ vệ sinh ao nuôi tạo môi trường thông thoáng.
Vào mùa dịch bệnh (thường là thời điểm giao mùa), để phòng bệnh cần định kỳ tắm Formalin cho cá kết hợp với bổ sung Vitamin C và khoáng chất vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng của đàn cá nuôi (bổ sung bằng cách, trộn đều một lượng thức ăn nhất định với Vitamin C, men…, sau đó sử dụng dầu mực để bao bọc hỗn hợp thức ăn vừa trộn trước khi cho cá ăn).
Thu hoạch
Sau thời gian nuôi 12–15 tháng, cá đạt kích cỡ 800–1.200 g/con là có thể thu hoạch. Trước khi vận chuyển cần cho cá nhịn đói ít nhất 1 ngày để giảm chất bài tiết và giảm stress trong quá trình vận chuyển.
Đông Phương