Các nhà nghiên cứu đã xây dựng mô hình nuôi cua dẹp, một đặc sản của đảo Lý Sơn, ngoài tự nhiên và trong bể, giúp tăng thu nhập cho người dân đảo, đồng thời góp phần bảo tồn nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Cua dẹp Lý Sơn, hay cua đá Lý Sơn, là loài sinh sống hoang dã, chủ yếu trong những hốc đá sâu và bụi rậm. Tuy là sinh vật biển nhưng cua đá sống trên cạn, thân có màu tím sậm, chân dài và càng ngắn, chủ yếu ăn thực vật và một số loài côn trùng nhỏ. Cua có trọng lượng khoảng 0,2 - 0,4 kg, thịt ngon ngọt, thơm, chắc, không giống với cua biển hay cua nước ngọt thông thường, được coi là một đặc sản độc đáo của đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Hiện nay trên thị trường, cua dẹp được bán với giá trên 700 ngàn/kg.
Do nhu cầu tiêu thụ cua dẹp ngày càng tăng, người dân địa phương đã khai thác theo cách tận diệt, nên cua ngoài tự nhiên trên đảo hiện nay còn rất ít và có nguy cơ tuyệt chủng.
Trước thực tế đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn đã chủ trì thực hiện đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững cua dẹp tại huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”.
Theo TS Huỳnh Minh Sang, Viện Hải dương học, Chủ nhiệm đề tài, nhóm thực hiện đã khảo sát tình trạng phân bố cua dẹp ở hang Câu (đảo Lớn) và đảo Bé. Kết quả cho thấy, cua dẹp phân bố nhiều nhất ở đảo Bé. Cụ thể, mật độ phân bố cua dẹp ở hang Câu bình quân 240 con/ha và ở đảo Bé là 1.230 con/ha. Ước tính diện tích cua dẹp phân bố trên đảo Lớn là 2,4ha và đảo Bé là 11,2ha. Qua đó, đề tài đã xây dựng diện tích của vùng bảo vệ cua dẹp ở đảo Lớn là 8,57ha (An Vĩnh 1,57ha và An Hải 7ha), đảo Bé có diện tích 11,77ha.
Nuôi cua dẹp trong bể xi măng. Ảnh: NNC
Theo nghiên cứu, mùa sinh sản của cua dẹp từ tháng Hai đến tháng Tám hằng năm (rộ nhất tháng Năm - tháng Sáu). Sức sinh sản tuyệt đối của cua dao động từ 470 - 820 nghìn trứng/cá thể cái. Từ kết quả nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh sản của cua dẹp, đề tài đã xây dựng hai mô hình nuôi cua dẹp ngoài tự nhiên và nuôi thương phẩm trong bể.
Mô hình nuôi cua dẹp trong bể sử dụng cua giống 56 - 57 gram/cá thể được thu từ tự nhiên. Bể nuôi cua được xây bằng gạch, lớp lót đất và đá tảng cho cua trú ẩn. Thức ăn cho cua bao gồm bắp, cơm, rau (rau muống, rau lang, vỏ dưa,…), động vật nhỏ (tôm, tép, cá,…). Sau tám tháng nuôi, cua dẹp đạt trọng lượng trung bình 100g/con, năng suất đạt 0,9 -1 kg/m2, chiều rộng mai cua trung bình đạt 60mm/con, tỷ lệ sống trên 90%.
Mô hình nuôi cua dẹp tự nhiên được triển khai ở đảo Bé, với diện tích khoảng 500m2, khối lượng giống 2.500 con, trọng lượng trung bình 41gam/con. Mô hình nuôi được bố trí các tảng đá san hô chất lên thành đống, trồng thêm cây để tạo bóng mát cho cua và bao lại xung quanh khu vực nuôi. Thức ăn gồm 50% nguồn gốc từ thực vật như rau muống, rau lang, bầu, bí,… và 50% nguồn gốc động vật như tôm, cá nhỏ, thịt mỡ heo,… Sau tám tháng nuôi, tỷ lệ sống của cua đạt 98,48%, trong lượng cua đạt trung bình 83g/con, 57,7mm, năng suất đạt 0,408kg/m2.
Thả cua giống để nuôi tự nhiên. Ảnh: NNC
Theo nhóm nghiên cứu, cua dẹp là loài dễ sống, dễ nuôi, thích nghi tốt với môi trường nuôi trong bể hay thời tiết thay đổi bất thường. Đây là loài ăn tạp, thích bóng râm mát và có tỷ lệ sống cao trên 90%. Mật độ thích hợp cho nuôi cua dẹp từ 5 - 7 con/m2. Vì vậy, mô hình thử nghiệm nuôi cua dẹp Lý Sơn mở ra hướng nuôi một đối tượng thủy sản mới, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân đảo, đồng thời góp phần bảo tồn nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, đề tài còn xây dựng các giải pháp bảo vệ, khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi cua dẹp ở huyện Lý Sơn. Cụ thể như vùng khai thác phát triển cần tuân thủ quy định không được khai thác cua cái đang mang trứng từ tháng Hai đến tháng Tám, cải thiện môi trường sống tự nhiên của cua dẹp bằng cách giảm thiểu tác động từ xây dựng, phá hủy, gây ô nhiễm vùng cua sinh sống,…
Kiều Anh
khoahocphattrien.vn
khoahocphattrien.vn