Ngành nuôi biển đang là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững kinh tế biển, đáp ứng nhu cầu của xuất khẩu thủy sản.
Nuôi trồng thủy sản trên biển và nuôi biển nói chung được Đảng, Nhà nước quan tâm, phát triển trong thời gian qua. Sau Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế biển, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, nghị định có liên quan đến các chính sách, quy định để phát triển kinh tế biển, trong đó có lĩnh vực nuôi biển.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, nước ta chỉ nuôi biển trong khu vực ven bờ, chủ yếu trong các vũng, vịnh, các vùng nước kín.
Tuy nhiên, việc phát triển mạnh mẽ và có phần quá mức của nuôi biển truyền thống đã gây ra những tác động xấu không đáng có đến môi trường, những thiệt hại cho chính cộng đồng ngư dân nuôi biển. Chính vì vậy, cần phải tiến dần ra nuôi biển xa bờ với mô hình nuôi biển công nghiệp.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thủy sản, hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) của cả nước đạt 85.000ha, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,3%/năm với 8,9 triệu mét khối lồng nuôi. Tổng sản lượng nuôi biển năm 2022 đạt 670.000 tấn (tăng 3,5% so năm 2021).
Mục tiêu đến năm 2025, nước ta có diện tích nuôi biển đạt 280 nghìn ha, thể tích lồng nuôi 10,0 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 850 nghìn tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300 nghìn ha, thể tích lồng nuôi 12,0 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 1.450 nghìn tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành Thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, cần thiết phải đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản để bù đắp sản lượng thủy sản khai thác; phát triển nuôi trồng thuỷ sản song song với bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Đặc biệt, nuôi biển đang ngày càng giữ vai trò quan trọng trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản nói chung.
Tính đến nay, Việt Nam đã nghiên cứu thành công thức ăn cho cá Chim vây vàng, cá Song, cá Vược, cá Giò; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số loài cá biển (cá Song, Chim vây vàng, Chẽm, Hồng mỹ, Giò, Sủ đất…); hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm một số loài nhuyễn thể (Ốc hương, Tu hài, Bào ngư, Hầu Thái Bình Dương, Hầu cửa sông…); đang nghiên cứu sản xuất giống một số loài (cá Song vua, tôm Mũ ni, Rong biển…); đang nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm Hùm; nghiên cứu hoàn thiện lồng nuôi bằng chất dẻo HDPE.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nuôi biển hiện nay còn nhiều tồn tại và hạn chế như: Nuôi biển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn yếu; công nghệ sản xuất chưa chủ động hoàn toàn. Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè thích ứng với điều kiện thời tiết. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm. Thức ăn nuôi biển chủ yếu sử dụng cá tạp, dễ gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, dịch bệnh trong nuôi nhuyễn thể, tôm hùm chưa được kiểm soát. Môi trường vùng ven biển ngày càng bị ô nhiễm do những tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động của các ngành khác như du lịch, khai thác thuỷ sản, bất cập trong quản lý môi trường biển đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển nuôi biển trong giai đoạn vừa qua. Hơn nữa, đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi dài; sự tham gia của các doanh nghiệp có khả năng đầu tư bài bản còn ít. Đặc biệt, lao động tham gia nuôi cá lồng trên biển thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong vận hành và hạn chế về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi biển. Cả nước có khoảng 50.000 cơ sở nuôi biển, phần lớn hoạt động nuôi biển ở quy mô gia đình manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, công nghệ lạc hậu và không bền vững. Hiện trong nước chưa có cơ sở nuôi biển xa bờ.
Để phát triển nghề nuôi biển bền vững, việc cấp thiết phải chuyển đổi từ nuôi truyền thống sang công nghiệp là tất yếu. Định hướng di chuyển từ vùng biển kín, ven bờ ra các vùng biển mở, xa bờ. Đồng thời sẽ phát triển các hệ nuôi kín ở trên bờ với công nghệ tuần hoàn trong thu gom và xử lý chất thải môi trường. Phát triển nghề nuôi biển công nghiệp thì DN phải đóng vai trò chủ thể để thúc đẩy sự phát triển, tạo chuỗi liên kết trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động nuôi biển đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu quy hoạch, thiếu thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. Việt Nam chưa ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển, thiếu chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển...
Về phía Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, chúng tôi có những vấn đề kiến nghị về việc sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 11/2021/NĐ-CP và 67/2014/NĐ-CP. Sớm xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển. Ban hành Quy hoạch phát triển nuôi biển bền vững (của quốc gia và từng tỉnh). Ban hành cơ chế phối hợp quản lý liên ngành kinh tế biển. Xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp tại mỗi địa phương, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho hay.
Theo Luật Thủy sản, các dự án nuôi trồng thủy sản phải nằm trong vùng được quy cho hoạch cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Luật Quy hoạch (2017) có hiệu lực từ 01/01/2019 yêu cầu phải điều chỉnh và tích hợp các quy hoạch đã được phê duyệt trước đó vào hệ thống quy hoạch mới, trong khi đa số các quy hoạch mới có liên quan đến phát triển nuôi thủy sản đều chưa được xây dựng và phê duyệt, gây khó khăn cho việc thực hiện Luật Thủy sản. Không có quy hoạch thì không giao được các khu vực biển cụ thể cho người nuôi. Đây là điểm nghẽn lớn nhất cản trở việc phát triển công nghiệp nuôi biển, gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân, khiến cơ quan quản lý Nhà nước các địa phương ven biển bối rối, thậm chí bó tay.
Để tháo gỡ điểm nghẽn này, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phải khẩn trương hoàn thành “Quy hoạch không gian biển quốc gia” trình Chính phủ thẩm định và Quốc hội thông qua trong năm nay; các địa phương cũng cần chủ động trong việc tích hợp quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã có vào Quy hoạch tỉnh, trình Hội đồng nhân dân và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm. Các Quy hoạch cần được xây dựng theo tư duy phối hợp chặt chẽ các ngành kinh tế biển với nhau để có thể tận dụng và phát huy thế mạnh tổng thể đa ngành, khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng không gian biển, tránh tư duy cát cứ đơn ngành vẫn thống trị từ trước đến nay.
Hiện nay thủ tục giao khu vực biển cụ thể cho tổ chức, cá nhân sử dụng lâu dài nuôi biển gồm 2 bước: Cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển do ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP; Giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi biển do ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo Nghị định 11/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/03/2021. Việc thực hiện thủ tục do hai cơ quan Nhà nước thực hiện, chưa kể phải lấy ý kiến của 5 – 7 cơ quan khác với nhiều giấy tờ và thủ tục chồng chéo, rất phiền phức và mất thời gian cho các tổ chức, cá nhân nuôi biển. Do vậy, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã đề nghị các cơ quan Trung ương và địa phương nên tìm giải pháp nhất thể hóa cơ quan thực hiện thủ tục này.
Tiêu chuẩn, quy chuẩn là cơ sở pháp lý kỹ thuật cho quản lý Nhà nước, nhưng riêng đối với lĩnh vực nuôi biển, cho đến nay, ngành nông nghiệp chưa ban hành được các tiêu chuẩn, quy chuẩn cần thiết.
Những năm vửa qua, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã tiến hành xây dựng Tiêu chuẩn Cơ sở số 01:2022/VSA “Cơ sở nuôi cá trên biển theo phương thức công nghiệp”, đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và ngư dân, sẽ hoàn chỉnh và sẽ ban hành trong tháng 10/2022.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam cần thiết nhất cho nuôi biển công nghiệp ngay trong các năm 2023 – 2025.
Ngay từ khi thành lập năm 2016, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng trình Chính phủ một Nghị định mới thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản ban hành năm 2014, bổ sung các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển, và đã hợp tác chặt chẽ với Tổng Cục Thủy sản xây dựng Dự thảo Nghị định. Trong đó có chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư dành cho tổ chức, cá nhân đầu tư mới cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá biển. Chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn cho lao động làm việc tại cơ sở, bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với tài sản của cơ sở nuôi trồng thủy sản biển, cơ sở sản xuất, ươm dưỡng giống cá biển, bảo hiểm rủi ro đối với thủy sản nuôi tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển. Hiệp hội đề nghị hỗ trợ cho nhóm đối tượng quan trọng và đông đảo nhất là hợp tác xã và hộ ngư dân nuôi biển chuyển đổi vật liệu lồng bè truyền thống sang các vật liệu bền vững, thân thiện môi trường tạo nên sản lượng nuôi biển có giá trị lớn nhất.
Trong những năm qua, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã phối hợp với Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM) thành lập nhóm chuyên gia đầu ngành nuôi hải sản, tập hợp đội ngũ hàng chục chuyên gia trên cả nước. Hiệp hội cũng đã làm việc với ĐH Nha Trang và ĐH Cần Thơ về thành lập Chuyên ngành Kỹ sư Nuôi biển Công nghiệp, dự kiến bắt đầu đào tạo từ năm 2023.
Tuy nhiên, về lâu dài, cần xây dựng chính sách hỗ trợ thường xuyên cho sự đào tạo nguồn nhân lực nuôi biển công nghiệp, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết.
Mới đây, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ chủ trương vận động thành lập Liên hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VSF) tập hợp tất cả các hiệp hội của ngành thủy sản hoạt động trên phạm vi toàn quốc và các hội, hiệp hội thủy sản địa phương. Việc thành lập Liên đoàn sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc xây dựng Quỹ Phát triển Ngành Thủy sản Việt Nam tạo ra một nguồn vốn phi ngân sách tập trung đủ lớn, được quản lý theo phương thức hợp tác công tư (PPP).
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng mong muốn, Nhà nước cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển bền vững Nuôi biển Việt Nam nhằm giảm bớt sức cản, tạo động lực mới, giúp các chủ thể nuôi biển có được sức bật mới, thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản thuận lợi và đúng hướng, tạo phương thức mới để phát triển bền vững trong tương lai.
HT