Nghề nuôi trồng thuỷ sản trên biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản, giảm áp lực khai thác, hình thành ngành thuỷ sản "Minh bạch - trách nhiệm - bền vững".
Sáng mai, 16/8 tại Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức tọa đàm trực tuyến chủ đề: Phát triển Nuôi trồng thuỷ sản trên biển - Cơ hội và thách thức. Buổi toạ đàm được tường thuật trực tiếp trên báo điện tử Dân Việt.
Các khách mời tham gia tọa đàm dự kiến có đại diện Cục Thuỷ sản; đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia; Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam; đại diện một số doanh nghiệp cung ứng thức ăn, công nghệ nuôi biển và đại diện địa phương.
Với đường bờ biển dài, nhiều eo vịnh, đảo, nước ta có tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. Tuy nhiên thực tế cho thấy, quy mô nghề nuôi biển ở nước ta phần lớn là manh mún nhỏ lẻ, diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi biển quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản, thiếu con giống, thức ăn và công nghệ lồng nuôi lạc hậu.
Phần lớn vật liệu lồng nuôi được làm từ gỗ hoặc tre, quả phao xốp nổi và khối xốp. Lồng nuôi thô sơ nên không chịu được sóng gió, dễ bị sóng đánh hư hỏng, còn vật liệu xốp gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng sau thời gian bị thải bỏ.
Con giống, thức ăn phục vụ nuôi biển cũng còn hạn chế, việc xử lí chất thải từ nuôi biển chưa được quan tâm, nhiều vùng nuôi thường xuyên bị thiệt hại bởi dịch bệnh... Đặc biệt, nhiều nơi đang xảy ra xung đột giữa nuôi trồng thủy sản trên biển và phát triển du lịch, công nghiệp, do đó bà con ngư dân chưa thực sự yên tâm đầu tư lâu dài cho lĩnh vực này.
Trong khi đó, hải sản xuất khẩu của Việt Nam lại đang bị Ủy ban châu Âu áp thẻ vàng IUU về các vấn đề liên quan đến đánh bắt, khai thác bất hợp pháp. Việc gỡ thẻ vàng IUU đến nay đã 5 năm nhưng chưa thành công. Điều này càng đòi hỏi Việt Nam phải giảm khai thác hải sản từ tự nhiên, tăng nuôi trồng và đây cũng là hướng đi chiến lược, được Bộ Nông nghiệp và PTNT coi là một chính sách giúp cân bằng giữa nhu cầu của con người với bảo tồn tài nguyên biển và phát triển bền vững.
Chủ trương phát triển nuôi biển đã được xác định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 339/QĐ-TTg; Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Do đó, việc chuyển đổi sang nuôi hải sản xa bờ, phát triển quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Việt Nam được xem là xu hướng tất yếu nhằm đạt mục tiêu từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8-1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8-2 tỷ USD.
Đó cũng là những nội dung sẽ được tập trung thảo luận, trao đổi tại Toạ đàm trực tuyến Phát triển Nuôi trồng thuỷ sản trên biển - Cơ hội và thách thức, từ đó đề xuất những giải pháp để thúc đẩy nuôi biển theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập.
Buổi toạ đàm sẽ diễn ra lúc 9 giờ ngày 16/8 và được tường thuật trực tiếp trên Báo điện tử Dân Việt (Danviet.vn). Ngay từ bây giờ, quý vị độc giả có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho Ban Tổ chức của buổi tọa đàm theo địa chỉ hòm thư: hueeconomic@gmail.com. Điện thoại đường dây nóng: 0987.102984.