Các doanh nghiệp Việt Nam ký MOA lần này sẽ được lựa chọn để nhập khẩu tôm hùm giống từ phía Indonesia để thử nghiệm trước khi chính thức mở cửa việc xuất khẩu.
Trong tháng 9/2023, dưới sự hỗ trợ của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ươm dưỡng tôm hùm giống, nuôi tôm hùm và xuất nhập khẩu tôm hùm tại Việt Nam đã có buổi lễ ký kết MOA hợp tác cùng đầu tư nuôi tôm hùm tại Indonesia.
Theo thông tin từ Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, hiện nay, tình trạng nguồn tôm hùm giống ngoại nhập không rõ nguồn gốc xuất xứ đang tràn vào Việt Nam, có nguy cơ gây ra dịch bệnh. Đa phần tôm hùm giống được nhập từ Philippines, Indonesia và Singapore... với số lượng lớn nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không đi qua cửa khẩu, không làm thủ tục hải quan theo quy định và gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan.
Do vậy, để nghề nuôi tôm hùm trong nước phát triển bền vững, theo Tổng hội cần tổ chức xây dựng được một chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm chất lượng, an toàn. Trong đó, hoạt động nghiên cứu về giống tôm hùm, nuôi tôm hùm theo hướng theo hướng bền vững, hiệu quả, bảo đảm chất lượng và an toàn nuôi trồng, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu là mục tiêu đặt lên hàng đầu.
Được biết, Indonesia là một nơi có nguồn con giống tôm hùm tự nhiên với số lượng lớn nhất trong khu vực. Tuy nhiên ngành nghề nuôi tôm hùm và xuất khẩu ở thị trường này chưa được phát triển mạnh mẽ do phương thức và kỹ thuật nuôi chưa có nhiều kinh nghiệm.
Trong khi đó, Indonesia là quốc gia đang rất cần thiết lập một ngành công nghiệp nuôi tôm hùm sạch và bền vững dựa vào nguồn tôm giống đánh bắt ngoài tự nhiên kết hợp với việc nuôi nhốt trong các lồng bè. Để phát triển ngành công nghiệp này thì việc áp dụng các kỹ thuật nuôi đang thực hiện ở Việt Nam là rất cần thiết.
Thông qua MOA hợp tác cùng đầu tư nuôi tôm hùm tại Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn được Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp Indonesia hỗ trợ tư vấn lựa chọn vùng nuôi phù hợp theo yêu cầu đặc thù của ngành nghề này để đạt kết quả cao nhất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng mong muốn tìm được nơi cung cấp thức ăn cho tôm được ổn định trong quá trình nuôi và điểm ươm dưỡng con giống tôm hùm tại Indonesia. Đây cũng là tiền đề cho việc tạo hành lang pháp lý để Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia mở lại thị trường xuất khẩu giống tôm hùm chính ngạch tại Indonesia sau gần 3 năm đưa ra lệnh cấm.
Để có thể đăng ký đầu tư và liên kết với các doanh nghiệp Indonesia hoạt động trong lĩnh vực tôm hùm thì phía Indonesia yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải là thành viên của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam ký MOA lần này sẽ được lựa chọn để nhập khẩu tôm hùm giống từ phía Indonesia để thử nghiệm trước khi chính thức mở cửa việc xuất khẩu.
Trước đó, lãnh đạo Tổng hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia về việc đưa doanh nghiệp hai nước sang hợp tác nuôi tôm. Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam kỳ vọng, sự hợp tác trên chính là “nền tảng” đảm bảo để triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả từ thực tiễn và những tiến bộ kỹ thuật mới nhằm phổ biến nhân rộng các mô hình nuôi, sản xuất tôm hùm mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định và bền vững.
Kỳ Duyên