Trực tiếp: Tọa đàm Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển - cơ hội và thách thức

Sáng nay, 16/8 tại Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức tọa đàm trực tuyến chủ đề: Phát triển Nuôi trồng thuỷ sản trên biển - Cơ hội và thách thức.

Nước ta có bờ biển dài, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng lớn, vị trí địa lý chiến lược với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Biển Đông còn là ngôi nhà của hàng nghìn loài hải sản nhiệt đới rất phong phú, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá chim, cá mú, cá vược, tôm hùm, bào ngư, các loài nhuyễn thể… 

Với đường bờ biển dài, nhiều eo vịnh, đảo, nước ta có tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. Tuy nhiên thực tế cho thấy, quy mô nghề nuôi biển ở nước ta phần lớn là manh mún nhỏ lẻ, diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi biển quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản, thiếu con giống, thức ăn và công nghệ lồng nuôi lạc hậu.

Phần lớn vật liệu lồng nuôi được làm từ gỗ hoặc tre, quả phao xốp nổi và khối xốp. Lồng nuôi thô sơ nên không chịu được sóng gió, dễ bị sóng đánh hư hỏng, còn vật liệu xốp gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng sau thời gian bị thải bỏ.

Trực tiếp: Tọa đàm Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển - cơ hội và thách thức - Ảnh 1.

Mô hình nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao của Công ty CP Tập đoàn STP Group. Ảnh: STP.

Con giống, thức ăn phục vụ nuôi biển cũng còn hạn chế, việc xử lí chất thải từ nuôi biển chưa được quan tâm, nhiều vùng nuôi thường xuyên bị thiệt hại bởi dịch bệnh... Đặc biệt, nhiều nơi đang xảy ra xung đột giữa nuôi trồng thủy sản trên biển và phát triển du lịch, công nghiệp, do đó bà con ngư dân chưa thực sự yên tâm đầu tư lâu dài cho lĩnh vực này.

Lĩnh vực nuôi biển cũng đã được Đảng, Chính phủ xác định là động lực phát triển kinh tế với nhiều chính sách đã được ban hành, điển hình là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được phê duyệt với tầm nhìn, mục tiêu, giải pháp cụ thể.

Chủ trương phát triển nuôi biển đã được xác định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 339/QĐ-TTg; Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Do đó, việc chuyển đổi sang nuôi hải sản xa bờ, phát triển quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Việt Nam được xem là xu hướng tất yếu nhằm đạt mục tiêu từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8-1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8-2 tỷ USD.  

Để góp phần tìm lời giải cho vấn đề trên, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển – Cơ hội và Thách thức. 

Các khách mời tham gia tọa đàm:

- Ông Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam

- Ông Trần Công Khôi – Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT);

- Ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT);

- Bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn STP Group

- Ông Đỗ Văn Kiểm – Giám đốc Kinh doanh thức ăn cá biển, Công ty TNHH De Heus Việt Nam

- Bà Nguyễn Thị Toàn Thư – Chuyên viên phụ trách lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản - Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa (kết nối qua Zoom).

- Ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt.

- Tham dự Toạ đàm hôm nay còn có một số cơ quan báo chí trung ương và địa phương

Buổi Toạ đàm đang được trực tuyến trên báo điện tử Dân Việt, ngay bây giờ, quý độc giả, bà con nông dân quan tâm đến vấn đề trên, có thể gửi câu hỏi đến các vị khách mời, chuyên gia qua số điện thoại: 0987.102984.

Trực tiếp: Tọa đàm Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển - cơ hội và thách thức - Ảnh 3.

Các khách mời chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm. Ảnh: Viết Niệm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt khẳng định: Với đường bờ biển dài, nhiều eo vịnh, đảo, nước ta có tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển, nhưng thực tế cho thấy quy mô nghề nuôi biển ở nước ta phần lớn là manh mún nhỏ lẻ, rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi biển quy mô lớn; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản, thiếu con giống, thức ăn và công nghệ lồng nuôi lạc hậu. 

Phần lớn vật liệu lồng nuôi được làm từ gỗ hoặc tre, quả phao xốp nổi và khối xốp. Lồng nuôi thô sơ nên không chịu được sóng gió, dễ bị sóng đánh hư hỏng, còn vật liệu xốp gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng sau thời gian bị thải bỏ.

Con giống, thức ăn phục vụ nuôi biển cũng còn hạn chế, việc xử lí chất thải từ nuôi biển chưa được quan tâm, nhiều vùng nuôi thường xuyên bị thiệt hại bởi dịch bệnh... Đặc biệt, nhiều nơi xảy ra xung đột giữa nuôi trồng thủy sản trên biển và du lịch, công nghiệp, do đó bà con ngư dân chưa thực sự yên tâm đầu tư lâu dài cho lĩnh vực này.

Trong khi đó, hải sản xuất khẩu của Việt Nam lại đang bị Ủy ban châu Âu áp thẻ vàng IUU về các vấn đề liên quan đến đánh bắt, khai thác bất hợp pháp. Việc gỡ thẻ vàng IUU đến nay đã 5 năm nhưng chưa thành công.

Trực tiếp: Tọa đàm Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển - cơ hội và thách thức - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt phát biểu khai mạc tọa đàm.

"Do vậy, câu chuyện nuôi hủy sản biển đặt ra ở thời điểm này rất thời sợ, đòi hỏi Việt Nam phải giảm khai thác hải sản từ tự nhiên, tăng nuôi trồng và đây cũng là hướng đi chiến lược, được Bộ Nông nghiệp và PTNT coi là một chính sách giúp cân bằng giữa nhu cầu của con người với bảo tồn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Vì vậy, chuyển đổi sang nuôi hải sản xa bờ, phát triển quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Việt Nam sẽ là xu hướng tất yếu", ông Hoài nhấn mạnh.

Do đó, tại buổi Tọa đàm hôm nay, ông Nguyễn Văn Hoài hy vọng, các vị đại biểu cùng thảo luận, trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản trên biển hiệu quả, bền vững.

500.000ha mặt nước có thể nuôi biển

Nói về tiềm năng nuôi biển của Việt Nam, những vùng nào có thể đẩy mạnh nghề nuôi biển, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: 

Việt Nam có 3.260km bờ biển và 1 triệu kiomet mặt biển, chúng tôi đánh giá có khoảng 500.000ha mặt nước có thể nuôi biển được, nghĩa là tiềm năng nuôi biển về mặt diện tích là rất lớn.

Trên thực tế có rất nhiều vùng, địa phương có thể phát triển nuôi biển, nhưng chúng tôi tạm chia thành các vùng chính như sau: Thứ nhất vùng phía Bắc, nơi các cửa sông, cửa biển có thể phát triển nuôi cá, nhuyễn thể, giáp xác. 

 

Vùng thứ 2 là Duyên hải Miền trung, ở vùng này có thể nuôi cá biển quy mô lớn, sản lượng lớn. Vùng thứ 3 là Đông Nam Bộ và vùng thứ 4 là Tây Nam Bộ.

Về đối tượng nuôi cũng khá phong phú, đa dạng. Từ các loại cá đến các loại nhuyễn thể (ngao, sò, hàu…), giáp xác (tôm hùm…) đến nhóm thứ 4 là nhóm rong biển cũng đang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển.

Bên cạnh đó, nuôi biển còn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua hàng loạt các chính sách, chủ trương. 

Cụ thể, năm 2017 đã có Nghị quyết 09 về phát triển kinh tế biển rồi Luật Thủy sản được ban hành đã tạo hành lang pháp lý rất lớn để phát triển kinh tế thủy sản. Đến năm 2018 chúng ta có Nghị quyết số 36 trong đó gạch đầu dòng thứ 4 là phát triển kinh tế thủy sản. Rồi năm 2021 Thủ tướng cũng đã phát hành Đề án nuôi biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045, nghĩa là chúng ta đã có đầy đủ chủ trương, vấn đề hiện tại chỉ là thực hiện thế nào cho hiệu quả.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, chúng ta có nhiều thuận lợi, có thể khai thác nghề nuôi biển không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh đó, chúng ta có nhiều khó khăn, điều đầu tiên là quy mô sản xuất, 99% số trại nuôi trên biển là quy mô hộ gia đình nên sản xuất phải lo từ cá giống, lồng bè, dịch bệnh, bán cá…

Việc đó khiến rủi ro đổ lên đầu người nuôi cá, nếu không may bị bão gây thiệt hại thì các hộ bị thiệt hại nặng và phải lại làm lại.

Thứ 2 là phương thức, do quy mô hộ gia đình nên sức đầu tư vào trại nhỏ, mức độ cơ giới hóa, các tiến bộ kỹ thuật yếu, phần lớn các bè nuôi thủ công, tận dụng các vật liệu, trong đó có vật liệu có thể gây hại môi trường.

Thứ 3 là vấn đề hệ thống, các chuỗi nuôi biển đang manh nha nhưng nhỏ, chưa có sự kết nối hay việc cung cấp cá giống cho bà con không ai kiểm định, thức ăn công nghiệp cũng thế không ai kiểm định. Không ai kiểm định bè nuôi khiến rủi ro cho người nuôi phải chịu.

Thứ 4 mặc dù các bè nuôi của bà con trị giá hàng tỷ để hàng chục tỷ nhưng đối với Nhà nước, ngân hàng không công nhận đó là tài sản. Vì không có cơ quan nào xác định, đánh giá để các cơ quan đánh giá là tài sản cho bà con có thể vay vốn hay tiếp cận bảo hiểm, các chính sách, hỗ trợ của nhà nước.

Mức độ tiếp cận chính sách, thực hiện chính sách khó. Luật thủy sản năm 2017, việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân làm hoạt động nuôi trồng chưa được thực hiện hiệu quả. Luật có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng chưa có cơ quan nào được giao biển và giao biển đủ dài để nuôi trồng lâu dài.

Hay là Nghị định 11 việc giao biển cho cá nhân đến nay việc thực thi vẫn chưa hiệu quả. Trong Nghị định 67 vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

Theo đó, từ sản xuất đến quản lý còn nhiều vướng mắc cần được các cơ quan chức năng, địa phương tháo gỡ.

Ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong nuôi biển

 Trao đổi về công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong nuôi trồng thủy sản trên biển, ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết

Thời gian qua, thực hiện Quyết định 339 của Chính phủ và Đề án 1664 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Trung tâm khuyến nông thực hiện các giải pháp bền vững nghề nuôi biển.

Chúng tôi đã tập trung liên kết với các viện, trường có công nghệ tốt nhất chuyển giao kỹ thuật nuôi biển cho bà con như đã triển khai tại Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Kiên Giang, và đang tiếp tục triển khai hỗ trợ bà con tại Ninh Thuận, Bình Thuận.

Hiệu quả của các mô hình đã được truyền thông và được tổ chức tham quan chéo để bà con nông dân học tập. Các mô hình mà chúng tôi đã và đang triển khai thời gian qua đều hướng đến các sản phẩm nuôi có giá trị kinh tế cao, như cá song, cá giò, tôm hùm, giáp xác, nhuyễn thể… Nhờ các hoạt động khuyến nông đó, diện tích nuôi biển chuyển sang công nghệ mới đang ngày càng tăng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn thứ nhất là các công nghệ, từ doanh nghiệp, viện nghiên cứu về đến dân sao tốt cho nhất còn gặp nhiều trở ngại. Không phải công nghệ nào cũng phù hợp với điều kiện đầu tư của bà con, với từng vùng miền. Do vậy chúng tôi vẫn đang đặt hàng các viện nghiên cứu để hỗ trợ bà con.

Chính sách khuyến nông hiện hỗ trợ 50-70% cho bà con, còn lại là nguồn lực của nông dân, nhưng nhiều lúc các chính sách hỗ trợ khó đến với bà con vì năng lực đối ứng của nông dân còn khó.

Khó khăn nữa là dân nuôi theo truyền thống, thay đổi nhận thức còn khó khăn, vận động bà con chuyển từ nuôi lồng gỗ sang nhựa công nghệ mới chuyển việc sử dụng thức ăn từ cá tạp sang thức ăn công nghiệp còn khó, trung tâm dần đào tạo để làm sao tuyên truyền tới bà con tiếp cận được các công nghệ mới nhằn phát huy hiệu quả nuôi của chúng ta.

Cuối cùng là khó khăn trong liên kết sản xuất, tổ chức sản xuất, làm sao kết nối nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến nông để giảm chi phí đầu vào cho bà con, giảm trung gian, tăng hiệu qủa cho bà con trong thời gian tới.

(Ảnh: Các khách mời chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm. Ảnh: Viết Niệm)

Nguồn: danviet.vn)

Tags: Sự kiện
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Email Gọi ngay Facebook
Facebook Chat Icon Xin chào!
Mình có thể giúp gì bạn
hiephoinuoibienvietnam