Ngành nuôi biển tại tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận nhiều thành công, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong việc nâng cao thu nhập cho người dân vùng ven biển và hải đảo.
Tuy nhiên, để phát triển thành ngành nuôi biển có quy mô công nghiệp ứng dụng các công nghệ hiện đại, theo các nước tiến tiến vẫn còn khó khăn. Đó là vấn đề chi phí đầu tư ban đầu và cơ chế chính sách, vay vốn và giải quyết đầu ra sản phẩm.
Những bước đi mở đường
Ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đã định hướng: “Phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng: Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”.
Từ chủ trương của tỉnh Khánh Hòa, Sở Nông nghiệp và Phát triển và Nông thôn tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III xây dựng để hoàn thiện “Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa”.
Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa được xây dựng nhằm cụ thể hoá mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị Quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, kinh phí dự kiến thực hiện đề án là 1.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh cấp 300 tỷ đồng, người nuôi đóng góp 400 tỷ đồng và phần còn lại từ vốn vay ưu đãi và các tổ chức tín dụng khác.
Mục tiêu chính của đề án là tăng năng suất và giá trị sản xuất thủy sản, cải thiện thu nhập cho người dân và các tổ chức liên quan, tạo việc làm và thúc đẩy điều kiện kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề án cũng nhằm bảo vệ môi trường biển và hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, giảm áp lực lên vùng biển ven bờ và giảm thiểu xung đột phát triển giữa các ngành kinh tế tại khu vực.
Giữa năm 2023, tại xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh đã triển khai mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao đầu tiên. Sau 1 năm triển khai, mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đã thành công so với mục tiêu đề ra. Báo cáo tổng kết cho thấy, bên cạnh khả năng chịu được sóng gió, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, các lồng nuôi bằng vật liệu nhựa tổng hợp (HDPE) của mô hình nuôi thí điểm đều mang lại hiệu quả cho lợi nhuận cao hơn mô hình nuôi bằng lồng gỗ truyền thống; trong đó, tỷ suất lợi nhuận trung bình đạt 172% đối với mô hình nuôi cá bớp, đạt 112% đối với mô hình nuôi tôm hùm và đạt 131,4% đối với mô hình nuôi cá Mú. Đây là cơ sở, tiền đề để khuyến khích việc nhân rộng phát triển mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Văn Tý, xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh là một trong những người tiên phong nuôi cá bớp tại vùng biển hở, cho biết, trước khi chuyển sang nuôi lồng HDPE, bà con từng gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành các lồng bè truyền thống, đặc biệt là ở các khu vực sóng to, mưa bão.
Nuôi bè gỗ thì thao tác vận hành khá phức tạp và không thuận tiện, không đáp ứng được yêu cầu về quy mô và điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, từ khi áp dụng lồng HDPE, mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Lồng HDPE có cấu trúc chắc chắn, dễ di chuyển và có thể chịu được sự thay đổi của môi trường, giúp nuôi trồng thủy sản ở những khu vực nước sâu hay sóng to vẫn đảm bảo an toàn.
Theo ông Tý, bà con đang nuôi biển với quy mô lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Điều này không chỉ giúp tăng sản lượng mà còn giảm thiểu được nhiều chi phí trong quá trình vận hành. Hệ thống lồng HDPE không chỉ tối ưu hóa được diện tích nuôi mà còn tiết kiệm được thời gian, công sức. Quan trọng hơn là hiệu quả kinh tế đạt được cao hơn, nhờ vào việc tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng thủy sản nuôi. Tuy nhiên, theo ông Tý khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề chi phí đầu tư ban đầu, việc nuôi lồng HDPE đầu khá cao, nhiều bà con ngại ngần chưa dám đầu tư.
Cùng những trăn trở về nghề nuôi biển công nghiệp, ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong cho biết: Hợp tác xã Vân Phong với 32 thành viên đã tiên phong ứng dụng mô hình nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, sử dụng lồng nuôi bằng vật liệu HDPE có khả năng chịu sóng gió tại vùng biển xa bờ. Tuy nhiên, ông Sang vẫn còn phân vân vì ngoài những vấn đề mức đầu tư cao sẽ khiến giá cả hải sản không ổn định, đặc biệt là khi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đã gây khó khăn cho người nuôi.
Hỗ trợ vốn ban đầu
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh Khánh Hòa sẽ có chính sách hỗ trợ vốn ban đầu cũng như hỗ trợ lãi suất để ngư dân chuyển đổi từ lồng bè truyền thống sang lồng bè kỹ thuật cao, mới đảm bảo được mưa bão từ cấp 10-12, tài sản ngư dân được đảm bảo an toàn.
UBND tỉnh đang xây dựng chính sách bảo hiểm cho ngư dân nuôi trồng ở khu vực biển hở, bảo hiểm tai nạn rủi ro. Trong khi đó, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sắp tới, đối tượng nuôi biển sẽ được ngân hàng nhà nước đưa vào khảo sát để cho vay theo gói vay 30.000 tỷ đồng.
Đồng thời Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng các chính sách để tháo gỡ khó khăn về giao mặt nước biển và vay vốn. Đây là tiền đề rất quan trọng để triển khai nuôi biển.
Mới đấy nhất, đầu tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản số 11346/KH-UBND về kế hoạch triển khai mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, nhằm từng bước thực hiện mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển mạnh, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị.
Theo đó, Khánh Hòa sẽ triển khai kế hoạch này ở 3 giai đoạn. giai đoạn I từ nay đến hết năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng diện tích khoảng 30 ha cho 150 hộ dân tại huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và thành phố Nha Trang và vùng Hòn Nội tại huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh với kinh phí dự kiến hơn 75 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, quỹ hỗ trợ của doanh nghiệp và vốn đối ứng của hộ dân chuyển đổi lồng bè truyền thống sang lồng nuôi HDPE. Giai đoạn II là từ năm 2026-2027, mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao quy mô 100ha cho 500 hộ dân, với tổng kinh phí dự kiến 225 tỷ đồng.
Giai đoạn III là năm 2028-2029, mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao quy mô 110 ha cho 550 hộ, với tổng kinh phí dự toán 245 tỷ đồng. Đối với kinh phí của giai đoạn II và III, ngoài nguồn từ ngân sách, vốn đối ứng của người dân còn có vốn vay khoảng 140 tỷ đồng.
Để động viên, khuyến khích ngư dân nuôi biển công nghệ cao, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng ngoài chính sách hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho người dân chuyển đổi lồng bè thì việc kiểm soát chất lượng con giống để đáp ứng người nuôi là rất quan trọng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng và có chính sách tiếp theo để động viên ngư dân tham gia vào chương trình phát triển nuôi biển công nghệ cao.