Nuôi tôm công nghệ cao – động lực mới để thủy sản Việt Nam bứt phá

Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực tìm động lực tăng trưởng mới để vượt qua ngưỡng kim ngạch xuất khẩu 9 -11 tỷ USD duy trì suốt nhiều năm qua, mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên mặt đất đang nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng […]

Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực tìm động lực tăng trưởng mới để vượt qua ngưỡng kim ngạch xuất khẩu 9 -11 tỷ USD duy trì suốt nhiều năm qua, mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên mặt đất đang nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng và đột phá.

Phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 tổ chức ngày 8/7, ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định: “Việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm có thể mang lại lợi nhuận lên đến 50%, là đòn bẩy giúp ngành thủy sản bứt phá và đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào GDP.”

Mô hình nuôi 3 giai đoạn cùng các công nghệ Biofloc, RAS giúp tăng tỷ lệ nuôi thành công. Ảnh: Tép Bạc

Cụ thể, theo ông Nam, chỉ với mức đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/ha, mô hình nuôi tôm công nghệ cao có thể đạt doanh thu 3 tỷ đồng trong điều kiện bình thường. Với kịch bản mở rộng quy mô lên 100.000 ha, ngành tôm Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra giá trị kinh tế vượt trội, đóng góp lớn vào tăng trưởng quốc gia.

Điểm đáng chú ý là mô hình này không chỉ dừng ở hiệu quả kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ cao còn giúp đảm bảo yếu tố bền vững, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu cao cấp. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia nuôi tôm hàng đầu thế giới vẫn chưa hoàn thiện được mô hình tương tự.

Cần “cú hích” từ chính sách

Dù tiềm năng rõ ràng, nhưng để hiện thực hóa giấc mơ tôm công nghệ cao, các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang chờ đợi những chính sách hỗ trợ cụ thể từ Nhà nước.

Tại diễn đàn, đại diện VASEP đã kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ lãi suất vay ở mức 2% trong 3 năm đầu tiên và 5% trong toàn bộ vòng đời dự án. Đây được đánh giá là mức hỗ trợ hợp lý trong bối cảnh nhiều quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam đang áp dụng chính sách cho vay ưu đãi gần như 0% đối với đầu tư vào nuôi tôm công nghệ cao.

Một vấn đề khác cũng được VASEP nhấn mạnh là rào cản về đất đai. Hiện nay, nhiều vùng đất ven biển, đất bỏ hoang có tiềm năng lớn để phát triển nuôi tôm nhưng chưa được khai thác hiệu quả do vướng quy định hạn điền hoặc chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. VASEP đề xuất Chính phủ sớm rà soát, điều chỉnh pháp lý để thu hồi và phân bổ lại các khu đất này cho doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm cho người dân nông thôn và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Mở rộng thị trường – yêu cầu sống còn

Ngoài sản xuất, việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng là một trọng tâm được đặt ra tại diễn đàn. Thực tế cho thấy, dù thủy sản Việt Nam luôn nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng kim ngạch 5 năm qua vẫn chỉ dừng lại ở mức 9 – 11 tỷ USD/năm, chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, thị trường Hàn Quốc hiện nhập khẩu hơn 1 tỷ USD thủy sản từ Việt Nam mỗi năm, nhưng Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước lại chỉ áp định mức thuế suất ưu đãi cho 15.000 tấn sản phẩm. Nếu vượt ngưỡng này, doanh nghiệp phải đấu thầu để giành quyền xuất khẩu và không còn được hưởng thuế suất ưu đãi. Trong khi đó, Chile – một quốc gia mới ký FTA với Hàn Quốc không bị áp dụng định mức nhập khẩu như vậy.

Từ thực tế này, VASEP đề nghị Chính phủ có các biện pháp đàm phán song phương nhằm nâng cao hạn ngạch, hoặc tiến tới xóa bỏ cơ chế định mức, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Hàn Quốc.

Bên cạnh các thị trường truyền thống, việc mở rộng sang khu vực Trung Đông, Trung Nam Mỹ và các thị trường mới ký kết FTA như Anh và Australia cũng được đánh giá là hướng đi chiến lược. Để làm được điều này, VASEP kêu gọi đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại, đồng thời đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Dù còn nhiều thách thức, nhưng theo VASEP, ngành thủy sản Việt Nam đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để vươn ra biển lớn. Hệ sinh thái chuỗi cung ứng trong nước đã cơ bản hoàn chỉnh, từ sản xuất giống, thức ăn, nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu. Việc ứng dụng công nghệ cao, gắn với yếu tố xanh, bền vững và minh bạch về nguồn gốc sẽ giúp thủy sản Việt đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính nhất.

“Đã đến lúc chúng ta cần nghĩ lớn, làm lớn, đưa sản vật của bà con nông ngư dân đến các siêu thị lớn trên toàn cầu. Với sự đồng hành của chính sách và sự chủ động từ cộng đồng doanh nghiệp, ngành thủy sản Việt Nam hoàn toàn có thể viết tiếp câu chuyện tăng trưởng thần kỳ trong thập kỷ tới”, ông Nam nhấn mạnh. 

Thùy Khánh
Nguồn: https://thuysanvietnam.com.vn/nuoi-tom-cong-nghe-cao-dong-luc-moi-de-thuy-san-viet-nam-but-pha/

 


popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Email Gọi ngay Facebook
Facebook Chat Icon Xin chào!
Mình có thể giúp gì bạn
hiephoinuoibienvietnam