VIỆT NAM THAM DỰ HỘI NGHỊ KHU VỰC LẦN 2 VỀ THẬP KỶ ĐẠI DƯƠNG CỦA LIÊN HIỆP QUỐC VÀ HỘI NGHỊ KHOA HỌC BIỂN QUỐC TẾ IOC-WESTPAC LẦN THỨ 11, TẠI BANGKOK, THÁI LAN

Tây Thái Bình Dương là khu vực đông dân, là nơi có mức độ đa dạng sinh học biển và các loài đặc hữu cao nhất thế giới. Khi vị thế địa lý là động lực tăng trưởng của nền kinh tế được quan tâm trong những năm gần đây, các hoạt động của con người đã khiến môi trường đại dương có nguy cơ bị suy thoái không thể khắc phục được.

Để đảm bảo khoa học biển có thể hỗ trợ cho các quốc gia đạt được sự phát triển bền vững song song với việc bảo vệ đại dương, biển và tài nguyên biển, Liên hiệp quốc đã công bố Chương trình Thập kỷ Khoa học Đại dương vì Phát triển Bền vững (2021-2030) (gọi tắt là Thập kỷ Đại dương) vào năm 2017, mang đến cho tất cả các quốc gia có biển cơ hội định hình một chương trình nghị sự về khoa học biển, kết nối chặt chẽ hơn khoa học biển với các vấn đề về kinh tế xã hội.

Hội nghị Thập kỷ Đại dương của LHQ khu vực Tây Thái Bình dương lần thứ 2 và Hội nghị Khoa học Biển quốc tế lần thứ 11 của Tiểu ban IOC khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC/WESTPAC) diễn ra từ ngày 22-25/4/2024 tại Bangkok, Thái Lan, do IOC/WESTPAC chủ trì và Chính phủ Thái Lan đăng cai tổ chức. Hội nghị đã quy tụ các nhà khoa học, các nhà quản lý và các bên liên quan trên khắp thế giới đến cùng trình bày, thảo luận về các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về đại dương, đánh giá tiến độ thực hiện các Hành động Thập kỷ Đại dương trong ba năm qua, vạch ra các ưu tiên trong tương lai, củng cố quan hệ đối tác và thúc đẩy các hành động cụ thể cho các giải pháp mang tính chuyển đổi dựa trên đại dương nhằm giải quyết các thách thức phát triển bền vững trong khu vực.

HN IOC Westpac 01a

Ngài Pol. Gen. Patcharawat Wongsuwan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan khai mạc Hội nghị

HN IOC Westpac 02a

TS. Michida Itaka, Chủ tịch IOC-UNESCO phát biểu trong phiên khai mạc

Hội nghị được khai mạc với sự tham dự của ông Pol. Gen. Patcharawat Wongsuwan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan, TS. Michida Yutaka, Chủ tịch IOC-UNESCO và 1.200 đại biểu từ hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới, đánh dấu số lượng đại biểu tham dự cao nhất trong lịch sử của IOC/WESTPAC. Hội nghị gồm 25 tiểu ban khoa học dành riêng cho việc chia sẻ và phổ biến những kiến thức mới nhất về các vấn đề đại dương đang được quan tâm trong khu vực; 13 Hội thảo Hành động Thập kỷ để đánh giá tiến độ xây dựng và lập kế hoạch hành động cho các Chương trình và Dự án Thập kỷ đã được phê duyệt; 11 Vườn ươm Hành động Thập kỷ để biến các ý tưởng thành Hành động Thập kỷ cụ thể; Một Diễn đàn đặc biệt về Biển Đông được tổ chức với sự phối hợp của dự án SAP SCS SAP của UNEP/GEF; Một số sự kiện khác đã được tổ chức bên lề Hội nghị, giới thiệu những phát triển mới nhất về khoa học và công nghệ đại dương, như nuôi biển sinh thái và vệ tinh đại dương GOCI-II.

HN IOC Westpac 03

Ban Chỉ đạo Quốc tế chụp ảnh cùng các lãnh đạo của Chính phủ Thái Lan trong phiên khai mạc

HN IOC Westpac 04 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

HN IOC Westpac 09

Giải thưởng Nhà khoa học xuất sắc 2024 của IOC/WESTPAC vinh danh 5 nhà khoa học đại dương vì những đóng góp to lớn cho sự phát triển và hợp tác khoa học đại dương trong khu vực; PGS. TS. Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học vinh dự nhận Giải thưởng

Đoàn Viện hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham dự Hội nghị gồm 20 thành viên, do PGS.TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch Ủy ban IOC Việt Nam làm trưởng đoàn, là đồng trưởng tiểu ban của hai tiểu ban C6 Độc tố biển và an toàn thực phẩm biển (PGS. TS. Đào Việt Hà) và tiểu ban C2 về nhựa và vi nhựa đại dương (TS. Hồ Văn Thệ). Các nhà khoa học Việt Nam đã tham gia báo cáo tại nhiều tiểu ban khoa học, Hội thảo Hành động Thập kỷ và Diễn đàn đặc biệt về Biển Đông.

Ngoài đoàn cán bộ khoa học của Viện Hải dương học, còn có nhiều đại biểu đến từ các bộ ban ngành của Việt Nam tham gia Hội nghị như Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Vườn Quốc gia Côn Đảo, Viện Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản Super Trường Phát, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, trường Đại học Thái Bình Dương, và trường Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cùng thể hiện sự quan tâm đặc biệt và sự hội nhập tích cực của Việt Nam trong các chương trình, sự kiện lớn của khu vực cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đại dương toàn cầu.

HN IOC Westpac 05a

Đoàn cán bộ Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Hội nghị

HN IOC Westpac 06

PGS.TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch Ủy ban IOC Việt Nam, chủ trì tại tiểu ban C6 Độc tố biển và an toàn thực phẩm biển

HN IOC Westpac 08

TS. Nguyễn Xuân Vỵ, trưởng phòng Thực vật biển Viện Hải dương học trình bày báo cáo tại Hội nghị

HN IOC Westpac 07

Cán bộ khoa học Viện Hải dương học trong phiên báo cáo poster

(Nguồn: IOC Việt Nam và IOC-WESTPAC)

Tags: Sự kiện
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Email Gọi ngay Facebook
Facebook Chat Icon Xin chào!
Mình có thể giúp gì bạn
hiephoinuoibienvietnam