Vỗ béo nhum biển để khai thác “vàng đen” từ đại dương…

Trứng từ nhum biển hay cầu gai là nguồn lợi hải sản quý ở nhiều nước, đặc biệt là món ăn ngon, đắt giá trong ẩm thực Nhật Bản. Một doanh nghiệp Nhật đã tìm cách “vỗ béo” nhum biển ở Tasmania, Úc nhằm khai thác nguồn “vàng đen” của đại dương.

Nhum biển đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển. Nhưng là loài ăn tạp, một khi quá đông về số lượng, nhum biển có thể tàn phá quần thể tảo biển, rong biển  – vốn có thể hấp thụ khí CO2 và là nguồn dinh dưỡng cho nhiều sinh vật biển là thức ăn cho các rạn san hô…


Kita-Sanriku Factory mất bảy năm để sáng chế ra loại thức ăn hỗn hợp để “vỗ béo” nhum biển. Ảnh: Nikkei Asia

Bí quyết làm trứng nhum biển ngon hơn

Những con cầu gai đánh bắt ở vùng biển Tasmania được cắt đôi để lấy trứng – phần ăn được của loại hải sản này. Được gọi là uni trong tiếng Nhật, trứng nhum biển được đóng gói và vận chuyển một cách cẩn thận đến tận tay những người sành ăn. Uni có màu vàng kem, hương vị bơ và thường được dùng làm sashimi hay sushi. Những gói 100gram uni Tasmania có giá hàng chục đô la Úc.

Tasmania Blue Seafood là liên doanh giữa Kita-Sanriku Factory và một công ty Tasmania. Trang trại của liên doanh này nằm cách thủ phủ Hobart của tiểu bang 40 phút lái xe.

Có trụ sở tại thị trấn Hirono thuộc tỉnh Iwate ở vùng đông bắc Nhật Bản, Kita-Sanriku Factory đang áp dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản tái tạo để nuôi nhum biển lấy trứng tại Tasmania. Kita-Sanriku đã dành khoảng bảy năm để phát triển hỗn hợp thức ăn có thể vỗ béo nhanh những con nhum gầy ốm, tăng thêm vị ngọt cho trứng. Những con nhum biển ở Hirono được bán dưới thương hiệu Uni Ranch.

Với thế mạnh công nghệ này, Kita-Sanriku đang cố gắng khám phá các cơ hội kinh doanh ở nước ngoài. Tháng 4-2023, Kita-Sanriku bước vào thị trường Úc.

Cơ sở cũ ở Tasmania có 25 nhân công và lỗ lã trong thời gian dài. Nay Tasmania Blue Seafood có 50 nhân viên. CEO Yukinori Shitautsubo của Kita-Sanriku nói sẽ tăng số lượng công nhân lên vài trăm khi nhà máy hoạt động hoàn toàn.

Chính quyền Tasmania hạn chế việc mang động vật và thực vật bên ngoài vào tiểu bang này. Do đó, Kita-Sanriku phải sử dụng vật liệu có sẵn tại địa phương. Công ty có kế hoạch hợp tác với Đại học Tasmania nhằm phát triển hỗn hợp thức ăn chăn nuôi cho thị trường địa phương.

Người Úc hiếm khi ăn nhum biển. Vì thế, Shitautsubo nói rằng “Chúng tôi muốn bán nhum biển Tasmania ngon ngọt ở Dubai và những nơi khác với giá cao hơn ở Nhật Bản”.

Nhưng trang trại ở Tasmania không phải là nơi duy nhất xuất khẩu trứng nhum biển. Nhiều doanh nghiệp ở tiểu bang New South Wales như Sea Urchin Harvest và South Coast Sea Urchins đã xuất khẩu trứng nhum biển đi Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều nước khác.

Nhum biển – cơn “ác mộng” từ biến đổi khí hậu

Tasmania là nơi sinh sống của những con nhum biển gai ngắn có uni ngon hơn. Loài gai dài có xu hướng di chuyển về phía nam nơi có khí hậu lạnh hơn.

Số lượng nhum biển đang tăng lên ở vùng biển xung quanh nước Úc do nhiệt độ nước biển khu vực Nam Thái Bình Dương tăng dần do biến đổi khí hậu. Nhà sinh vật học biển John Keane thuộc Đại học Tasmania nói rằng nhum biển gai dài, trứng không ngon như của loài gai ngắn, được phát hiện lần đầu tiên tại vùng biển Tasmania năm 1978. Nhiệt độ trung bình của nước biển quanh đảo Tasmania đã tăng từ 11oC lên 13oC trong 30 năm sau đó, một số khu vực đã lên đến 17oC

Nhum biển gai dài tăng vọt về số lượng cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của bào ngư tự nhiên và nuôi trồng, bởi chúng ăn hết tảo biển, đặc biệt là tảo bẹ. Tình trạng này khiến nhum biển gai ngắn, tôm hùm lá và các sinh vật biển không còn nguồn thức ăn và gặp nguy cơ biến mất.

Sự gia tăng quá mức của quần thể nhum biển gai dài đang gây ra tình trạng “sa mạc hóa đáy biển”, tẩy trắng hơn 15-20% các rạn san hô ở vùng biển Tasmania. Chính quyền bang Tasmania đã chi hàng trăm triệu đô la để giải quyết “ác mộng” dưới đáy đại dương.

Việc khai thác nhum biển, góp phần tái tạo tảo biển của dự án Kita-Sanriku có thể giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, vì tảo biển hấp thụ CO2 trong nước biển thông qua quá trình quang hợp và do đó làm giảm lượng khí thải nhà kính.

Cayne Layton, nhà sinh vật biển thuộc Đại học Tasmania, nói rằng việc mở rộng khai thác nhum biển ở Tasmania và New South Wales có lợi cho đa dạng sinh học của vùng biển các nơi này.

“Khả năng xuất khẩu trứng nhum biển thật sự quan trọng, không chỉ đối với nền kinh tế nông thôn và các tiểu bang, mà còn có thể giúp kiểm soát tình trạng quá đông đúc của các quần thể nhum biển”.

Tiến sĩ Layton giải thích rằng nhum biển ăn hết các quần thể rong biển, tảo bẹ trên diện tích rộng, tạo ra những khu vực hoang hóa dưới đáy biển hay khu vực rạn san hô bị suy thoái. “Điều này không tốt cho đa dạng sinh học ở các vùng biển và năng suất tốt nhất của thảm tảo bẹ khỏe mạnh”, Layton nói.

BOX: Trứng nhum biển hay còn gọi trứng nhím biển, trứng cầu gai tại Việt Nam. Mặt hàng hải sản này phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam. Trứng nhum biển trong nước được khai thác tự nhiên hoặc từ các trang trại nuôi nhum đen hay nhum sọ ở các vùng biển Quảng Ngãi, Nha Trang, Lý Sơn, Phú Quốc… Giá bán trứng nhum trong nước trên dưới 1 triệu đồng/ký. Trứng nhum biển Việt Nam còn được xuất khẩu sang nhiều nơi trên thế giới.

Tuy vậy, loại uni nhập từ Nhật Bản được xem là “siêu đắt đỏ”, với giá tại các cửa hàng hải cao cấp từ 15-24 triệu đồng/ký.

Theo Nikkei Asia, ABC, NHK, BSA Media

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Email Gọi ngay Facebook
Facebook Chat Icon Xin chào!
Mình có thể giúp gì bạn
hiephoinuoibienvietnam