Năm 2013, Bùi Đức Đương lai dắt khu lồng bè vượt 50km từ Cát Bà về neo tại vịnh Bái Tử Long. Anh là một trong những người tiên phong nuôi biển ở Vân Đồn…
LTS: “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh” diễn ra ngày 1/4 tại Quảng Ninh đã gợi mở nhiều giải pháp, tháo gỡ và kiến tạo chiến lược phát triển cho ngành thủy sản. Nhiều tỉnh, thành có biển đã đồng bộ triển khai các nhiệm vụ để sắp xếp lại không gian biển, giao mặt nước nuôi biển, xây dựng hạ tầng phục vụ nghề cá cả trên đất liền và trên bờ… song song hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách... nuôi biển. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết, bắt tay các nhà khoa học, Viện nghiên cứu… xây dựng chiến lược nuôi biển. Những mô hình nuôi biển tiên tiến, hiện đại, đa canh, đa giá trị - tín hiệu tốt lành đang xuất hiện trên khắp các vùng nuôi biển của cả nước, khởi đầu cho một giai đoạn mới của ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.
Hành trình 48 giờ vượt biển
Nhắc lại câu chuyện hơn 10 năm trước, năm 2013, Bùi Đức Đương (xã viên HTX Thắng Lợi) dùng hai con tàu gỗ kẹp hai bên, lai dắt khu bè nuôi thủy sản từ Cát Bà về vịnh Bái Tử Long để đi tìm “vùng nước mới”, anh vẫn chưa hết “ghê răng”.
“Sao ngày ấy lại có quyết tâm mạnh mẽ đến thế. 50km đường biển, khu bè gỗ 20 lồng nuôi kết thành một khối, toàn bộ lưới nuôi, dây lồng, bông đông, phao xốp… chất hết lên thành bè. Cả khối đồ sộ, kềnh càng nặng hàng chục tấn. Khối bè rộng vài trăm m2 thả nổi trên mặt nước, di chuyển từ Cát Bà sang Vân Đồn hết đúng 48 giờ đồng hồ. Giờ cho làm lại cũng chịu!”, anh Đương xuýt xoa kể lại.
Bè nuôi, nó là tư liệu sản xuất. Nó gắn chặt với người nuôi biển như máu thịt. Mặt nước, gọi rộng ra là mặt biển, như đất đai trên cạn - tư liệu tiên quyết của người nông dân. Thiếu hai thứ ấy, người nuôi biển như bị chặt chân, chặt tay. Thời giá những năm 2000, nó là tài sản lớn của người nông dân, nó là hoán đổi của biết bao bìa đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên bờ được đem đi làm tài sản thế chấp để vay vốn làm ăn… - anh Đương thun thút kể.
Đóng chiếc bè gỗ thả trên vùng biển Cát Bà nuôi ngao được mấy năm thì “sập”. Nuôi ngao vụ này trúng, vụ sau dính bệnh, chết hàng loạt, cả cơ nghiệp, vốn liếng đi tong.
Quê huyện Quảng Yên (Quảng Ninh), lấy vợ Cát Bà (Hải Phòng), gia đình hai bên có truyền thống nuôi trồng thủy sản, Bùi Đức Đương lấy lợi thế mà mình mạnh nhất: kinh nghiệm - để lập nghiệp. 43 tuổi, anh có tới 30 năm gắn với nghề nuôi. Thời gian ngủ trên bè, ngủ giữa trời, giữa nước nhiều hơn cả thời gian trên cạn…
“Nhưng rồi biển Cát Bà thời kỳ năm 2013 có nhiều dự án triển khai, vùng nuôi không ổn định, mặt nước bị ô nhiễm…, thế là buộc phải di chuyển. Hai chiếc tàu gỗ áp sát hai mạn bè lồng, đẩy đi với tốc độ rùa bò. Nương theo con nước mà đi, khi nào ngược nước, ngược gió thì dừng, mượn thủy triều mà đẩy bè... Thời kỳ ấy, cũng may tàu bè trên biển thưa thớt, không tấp nập như bây giờ, một mình một đường cứ thế mà đi. Bây giờ thì không thể, bởi những vùng nuôi san sát nhau, dày đặc, không thể nào mà lách qua những dây lưới thả hàu, những lồng nổi nuôi cá… để lai dắt cả khu bè đi được”.
Vùng nước mà anh Đương chọn để neo bè có tên là khe Kẹp Khỉ Nhảy. Bốn xung quanh là những đảo đứng, đảo ngồi bủa vây tạo thành một vùng vịnh kín gió, kín sóng. Sau lưng bè là Khu bảo tồn vịnh Bái Tử Long, cây cối xanh um. Đã có cây là có nước ngọt. Cùng với các hộ nuôi khác tập trung nuôi biển ở vũng kín này, các anh kéo đường ống dẫn nước từ đỉnh núi xuống, đủ nước ngọt sinh hoạt, không phải bỏ tiền mua nước ngọt. Đó là lợi thế trời cho và cũng là một trong những lý do anh quyết định “cắm sào, neo bè” hơn chục năm qua trên đất này!
Trỏ tay chỉ một khe núi khá hẹp cách một tầm tay với, hai hòn đảo san sát nhau được tạo hóa hữu duyên tạo ra hai mỏm núi gần như gối lên nhau, anh Đương giải thích: thỉnh thoảng có đàn khỉ vẫn nhảy từ mỏm núi này sang mỏm núi khác, thể là nó được gọi tên là “khe Kẹp Khỉ Nhảy” để phân biệt với những vũng vịnh khác. Mỗi một hòn đảo nhô lên mặt biển là một bức tường tự nhiên vững chãi chở che những khu bè nuôi, ngăn sóng chắn gió, hạn chế bão táp, và giữ yên vùng nước để người nuôi yên tâm chăn thả.
Xóm nuôi biển trên vịnh
Vũng Kẹp Khỉ Nhảy có 5-6 hộ nuôi biển, tất cả đều có thâm niên trên dưới chục năm. Mỗi hộ quản một khu vực biển rộng vài ha mặt nước, phân định “đường biên” bằng chính những hòn đảo tự nhiên trên biển. Khu bè nuôi dựa vào núi làm điểm tựa, dây neo bè là những sợi chão to gần cổ tay người trưởng thành, cột chặt vào những chiếc cọc đóng sâu dưới mặt biển, và nấp sau những hòn đảo như thế.
Rất dễ phân biệt các vùng nuôi của mỗi hộ nhờ những chiếc nhà gỗ rộng vài m2, dù được đóng tạm bợ, thô sơ bằng gỗ ván, gỗ thưng ghép nhưng vẫn khá kiên cố, chắc chắn ở một góc bè. Đó là nơi trú ngụ, ăn ở, sinh hoạt… của những người đi nuôi biển.
Những bè nuôi nổi trên mặt nước, ô bè nào có gỗ ván chia ngang dọc thành đường đi, có lưới vây thả chìm xuống dưới, đó là bè nuôi cá. Khu phao nhựa đen trùi trũi như đàn lợn rừng nổi trên mặt nước, đứng cố định, đó là những dây nuôi hàu thả chìm. Một dây hàu có 25 quả phao; một quả phao treo lủng lẳng 10-12 túi hàu; 13 dây hàu lấp đầy 1ha mặt nước, cách nhau trên dưới 1m để tạo thành không gian cho hàu hít thở, sinh trưởng. Khu nào khu nấy đều tăm tắp, không chệch đi đâu chút nào!
Chiều tháng Ba lặng gió. “Tháng Ba, bà già đi biển”. Đây là khoảng thời gian biển hiền nhất, hiền tới mức bà già cũng có thể cưỡi sóng vượt khơi theo kinh nghiệm dân gian. Nhưng, trong suốt dải bờ biển dài hơn 3.000km từ Bắc vào Nam ôm trọn vẹn mảnh đất hình chữ S, thì vùng biển Đông Bắc là vùng biển “hiền” nhất. Và, những vũng vịnh kín sóng, kín gió trên vịnh Bái Tử Long lại yên ả nhất vùng biển Đông Bắc, trong đó có vũng “Kẹp Khỉ Nhảy” của anh Đương.
Một ngày của những người nuôi biển gần như lặp lại tuần tự: sáng, đi kiểm tra các bè nuôi và cho cá ăn. Chiều, đi kiểm tra các mối buộc của khu nuôi hàu thả treo bằng dây trên. Cách vài ngày hoặc vài tuần, đi kiểm tra các bẫy cá tự nhiên, nhặt cá lên cho vào khu nuôi thả. Ngoài cá giống, cá bẫy tự nhiên là một trong những giống nguồn của những người nuôi thả tự nhiên ở Vân Đồn.
Trong khu bè nuôi của anh Đương có một ô nuôi cá song có tuổi đời 7 năm, số lượng khoảng chục con. Đi thoăn thoắt trên những mảng gỗ ván rộng chừng 20cm trên bè, anh Đương cầm thùng cá con to bằng ngòn tay – thức ăn nuôi cá song, vốc từng vốc ném xuống. Chừng vài phút, đàn cá song nổi lên. Dưới màu nước lờ lờ, những con cá khổng lồ như thủy quái lừ lừ ngoi lên, to trùi trũi. Chúng đang ở kích cỡ từ 30-60 kg/con, lớn tới mức không buồn đớp, mà ngoác cái miệng to đầy răng tạo thành một cái phễu lớn, cả nước, cả cá mồi cứ thế lùa hết vào đó.
Cá song thương phẩm kích cỡ lớn như đàn của anh Đương, giá bán đổ mối trên dưới 1 triệu đồng/kg. Lên bàn ăn, giá đến người tiêu dùng có thể gấp hai, gấp ba. Với mức giá trên, anh Đương đang có vài trăm triệu thả dưới biển. Đó mới chỉ là một ô nuôi thả. 19 ô còn lại, trọng lượng mỗi con cũng đạt 3-5 kg/con. Tính sơ sơ, anh đang có cả chục tỷ bạc thả dưới biển.
Phía cuối bè, Bùi Đức Hùng, em trai anh Đương hì hục cưa, xẻ một cây gỗ còn tươi. “Em làm cái mái chèo mủng. Đi kiểm tra bè, lồng, phao nuôi hàu phải chèo mủng mới đến được từng dây”, Hùng thủng thẳng. Một cậu thanh niên hì hụi nhóm bếp củi chuẩn bị cơm chiều. Chiếc bếp tự chế từ một thùng phuy đựng dầu, khoét 1/4 phía dưới làm cửa, phần còn lại vừa có tác dụng làm ống khói, vừa che chắn. Giữa biển, toàn nước và gió, chiếc bếp tự chế kín đáo che chắn được gió mưa. Một làn khói vẩn lên, nhàn nhạt mang theo hương vị của đất liền…
Liền kề với bè nuôi của anh Đương là bè nuôi của anh Nguyễn Văn Khánh, cũng sinh năm 1981. Khánh người gốc Vân Đồn, có thâm niên nuôi cá lồng vài chục năm. Người nhỏ, gọn nhưng rắn đanh như một cây tre bánh tẻ, cuộc sống của cha con Khánh gắn với bè nuôi cá lồng hơn chục năm nay.
Xung quanh bè nhà mình, anh Khánh đặt các lồng bẫy cá tự nhiên để bẫy cá giống. Lồng bẫy có một cửa hở, một chiều vào mà không có chiều ra, trước miệng bẫy đặt cám cá làm mồi nhử. Cách vài ngày, cha con anh lại nhấc lồng lên để thu cá bẫy, chủ yếu là cá dìa, cá hói, cá bò, cá song… Phân theo từng loại, anh tiếp tục thả chúng vào các lồng nuôi tự nhiên, thỉnh thoảng cho cá ăn. Số cá bẫy được từ cuối năm ngoái đến nay ước đạt khoảng 3 vạn con. Sau khoảng 1 năm nuôi, cá trưởng thành đạt trọng lượng khoảng 200 gr/con, tổng sản lượng thu hoạch cỡ 6 tấn. Với giá bán cho thương lái từ 190.000-200.000 đồng/kg, “lộc biển” của anh Khánh đạt trên 1 tỷ đồng.
Cuối ngày, khi công việc đã vãn, thuyền từ bè nuôi của anh Đương, anh Cường, anh Thịnh… rè rè nổ máy cập sang bè của anh Khánh. Cả “xóm nuôi biển” dưới chân vũng Kẹp Khỉ Nhảy thường xuyên có những cuộc gặp mặt như thế, pha một ấm trà mạn, hàn huyên chuyện nuôi biển, chuyện gia đình trong bờ, chuyện học hành của con cái… Mấy tháng gần đây, những cuộc gặp mặt thường xuyên hơn bởi các hộ nuôi biển ở Vân Đồn đang hừng hực khí thế vào Hợp tác xã - tiền đề để được giao biển, nhận mặt nước để ổn định vùng nuôi, từ đó thâm canh nuôi trồng. Quảng Ninh tiên phong thực hiện giao khu vực biển cho các hộ nuôi trồng!
Kiên Trung - Hoàng Anh (Báo Nông Nghiệp Việt Nam)