Ngày 6/4, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với huyện Đầm Hà về công tác phát triển nghề nuôi biển trên địa bàn huyện. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Với chiều dài bờ biển hơn 21km, vùng cửa sông, bãi triều có diện tích hơn 5.500ha, mặt biển hơn 8.700ha, huyện Đầm Hà được tỉnh Quảng Ninh định hướng phát triển trở thành trung tâm sản xuất giống và nuôi biển của tỉnh...
Báo cáo với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo huyện Đầm Hà cho biết: Với nhiều lợi thế trong nuôi biển, những năm qua, huyện đã dành quan tâm đặc biệt cho phát triển kinh tế biển. Trong đó, huyện ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch để cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế biển, đề ra nhiều giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở cân đối giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững.
Huyện cũng đã triển khai quy hoạch nuôi biển với diện tích 5.656ha, tại 4 xã Đại Bình, Tân Lập, Đầm Hà và Tân Bình; ban hành Phương án về giao, cho thuê đất bãi triều, đất mặt nước ven biển, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, huyện thực hiện bố trí, sắp xếp các vùng nuôi an toàn, khoa học, phù hợp với các quy hoạch; đẩy nhanh việc chuyển đổi sang sử dụng vật liệu làm phao nổi; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; thu hút đầu tư, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về vai trò kinh tế biển, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản…
Song song với đó, Đầm Hà đã phối hợp hoàn thiện hồ sơ Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thủy sản huyện Đầm Hà, cập nhật vào quy hoạch điều chỉnh xây dựng vùng huyện Đầm Hà đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với quy mô 426ha tại 2 xã Tân Lập và Đầm Hà. Mục tiêu sẽ là phát triển toàn diện ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại và bền vững; bảo vệ môi trường sinh thái và phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, từng bước nâng cao đời sống ngư dân.
Sau khi trực tiếp đi kiểm tra, tham quan một số mô hình, vùng nước nuôi trồng thủy sản, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động, tích cực triển khai các kế hoạch phát triển mới của huyện Đầm Hà.
Đồng chí nhấn mạnh: Đầm Hà là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại và bền vững. Đây là một trong những trụ cột quan trọng của ngành kinh tế biển được tỉnh quan tâm.
Trên cơ sở phát huy những lợi thế sẵn có về đất đai, khí hậu và đặc biệt là về vị trí địa lý, để phát triển nuôi biển tương xứng với tiềm năng, cơ hội đang có, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Đầm Hà bám sát quy hoạch của tỉnh, quy hoạch huyện, quy hoạch nuôi biển, tích cực phối hợp thúc đẩy triển khai các nội dung công việc để hoàn thành Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thủy sản, đảm bảo hoàn tất các thủ tục để trình Chính phủ trong Quý II/2024.
Đề án sẽ là tiền đề quan trọng, tạo bước đột phá trong đổi mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đảm bảo sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Đầm Hà sẽ trở thành trung tâm khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản của tỉnh và cả miền Bắc, là hạt nhân về công nghệ và tổ chức sản xuất thủy sản có sức lan tỏa ra toàn khu vực. Từ đó làm thay đổi nhận thức, hành động và tạo điều kiện để chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền sản xuất hiện đại đạt hiệu quả và chất lượng cao…
Đồng chí lưu ý, trong quá trình hoàn chỉnh đề án, huyện quan tâm ngay đến việc lập chủ trương đầu tư hạ tầng kỹ thuật để báo cáo tỉnh, trình HĐND trong thời gian sớm. Cùng với đó, huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy thu hút đầu tư kinh tế biển về địa bàn; nghiên cứu triển khai các hoạt động xúc tiến, đưa vào danh mục các ngành tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.
Cũng trong Quý II/2024, Đầm Hà cần hoàn thành việc đưa các hợp tác xã vào khu vực vùng nuôi, thực hiện giao mặt nước cho các hộ dân… Huyện sẽ là địa phương đầu tiên trong tỉnh hoàn thành nội dung này. Trong quá trình thực hiện, cần đảm bảo sự thống nhất, công khai, minh bạch trong việc giao mặt nước cho các hộ dân, các hợp tác xã, tuân thủ nghiêm và đảm bảo các quy định của pháp luật.
Đỗ Phương